Thứ Ba, 8 tháng 12, 2015

Ảnh Lê Hoàng

LẤY CHỒNG HUẾ
Thuý An


1. Quen Khanh đã ba năm, tôi không hề biết anh là người Huế. Anh nói tiếng Nam ngọt xớt. Những danh từ rất Nam bộ như “hưỡn”, “xí xọn”… anh đều hiểu rõ và đôi khi còn áp dụng vào những câu chuyện khôi hài rất có duyên. Cho đến khi tình cảm hai đứa chín muồi, Khanh ngõ ý:

- Ba me anh muốn biết mặt em.
Tôi theo Khanh về nhà trong tâm trạng vô cùng hồi hộp. Dù đã chuẩn bị tinh thần, nhưng tôi vẫn cảm thấy bối rối, chân tay thừa thải trước tia nhìn vừa dịu dàng vừa soi mói của mẹ Khanh. Đó là người phụ nữ ngoài năm mươi, gương mặt tròn trịa, nước da trắng mịn phảng phất vài nếp nhăn nơi đuôi mắt. Tóc bà nhuộm màu nâu đen, được bới cao, cài trâm đồi mồi trông rất quí phái. Bà trang điểm nhẹ nhàng, một chút phấn hồng và môi son màu nhạt.
- Thưa mẹ, đây là Kiều Tiên, bạn gái của con.
Nụ cười của bà thật tươi:
- Kiều Tiên à? Cái tên dễ thương hí. Ngồi chơi đi cháu. Chờ bác một chút.
Bà đứng dậy đi vào trong, để lại tôi ngơ ngác sau khi nghe một loạt âm thanh líu lo như chim hót. Khanh nheo mắt:
- Sao? Không hiểu à? Anh đã nói rồi, gia đình anh người Huế, vậy mà không tin. Em có phải là chắt nội của Tào Tháo không đó?
Mẹ Khanh ra, trên tay bưng một cái dĩa hình bầu dục tráng men xanh. Bà đến gần tôi, đặt dĩa lên bàn:
- Ăn đông sương với bác cho vui.
Đông sương? Không phải. Đó là những miếng thạch dày khoảng hai phân, được cắt thành từng miếng hình thoi bằng ba ngón tay. Rải rác giữa lớp thạch trong suốt là những khối vuông nhỏ màu trắng, đen, nâu, cam và xanh lá cây.
Mẹ Khanh nhìn tôi chăm chú. Hình như bà đang nghĩ, con nhỏ này câm chắc? Và tôi cũng nghĩ, Kiều Tiên, hãy nói một câu gì đi chứ.
- Cháu cám ơn. Ô, thạch của bác làm đẹp quá.
Mẹ Khanh vui vẻ:
- Người Huế gọi thạch là đông sương cháu à. Cháu ăn đi, đừng sợ, bác không dùng màu thực phẩm mô –rồi bà lấy tăm ghim miếng thạch lên săm soi – cháu coi màu nì, màu trắng là sữa, đen là cà phê, nâu là cà phê sữa, lục là nước lá dứa, còn màu gạch là nước cà rốt.
Màu “gạch” là màu “cam”! Tôi lại học được một từ đặc trưng của Huế. Miếng thạch ngọt thanh tan trên đầu lưỡi, thấm vào lòng tôi những cảm giác dịu êm.
Cổng nhà Khanh bỗng mở toang. Một người đàn ông trung niên,giống Khanh như tạc phóng xe máy vào. Ông đứng trước thềm, tươi cười nhìn mẹ Khanh rồi chỉ tay vào giỏ xe: một chậu hoa dâm bụt vừa nở hai nụ hàm tiếu màu vàng. Mẹ Khanh đến gần, ngắm nghía:
- Mình mới mua hả? Ôi bông cẩn vàng, đẹp thiệt đó.
Tôi tròn mắt. Khanh ghé vào tai tôi:
- Người Huế gọi “Hoa dâm bụt” là “bông cẩn”.
Ba Khanh bước vào phòng khách, mẹ Khanh theo sau bảo Khanh:
- Con bưng chậu hoa xuống rồi đi cất xe cho ba.
Tôi đứng dậy, vòng tay:
- Cháu chào bác ạ.
- Cháu là bạn gái của Khanh phải không? Bác gái nói cho bác biết rồi.
Ba Khanh ngồi đối diện tôi, hỏi han ân cần. Giọng ông ấm áp, tuy âm sắc hơi nặng, có nhiều từ tôi không hiểu rõ, chỉ lờ mờ đoán ra. Nhưng ánh mắt ấy, cử chỉ ấy đã nói lên một tình cảm chân thành.

2. Tôi nhận lời cầu hôn của Khanh, mặc cho những lời bàn ra tán vào của đám bạn. Thật ra cũng vì thương tôi, nên chúng nó mới đề cao cảnh giác nhiệt tình như thế. Nào là: “Công dung ngôn hạnh mày có được bao nhiêu mà dám uống thuốc liều hở?”, “Làm dâu người Huế khó lắm, mày chịu được sao?”, “Chúng tao khuyên mày nên đi học vài khoá nấu ăn, làm bánh mới đủ sức đối phó.”…
Tôi bịt hai tai, hét:
- Chúng mày có im hết đi không? Tình yêu của Khanh đã cho ta đầy đủ mười thành công lực.
Nói thì oai lắm, nhưng lòng tôi cũng hơi run khi nghe ba Khanh bảo:
- Đám cưới xong, Khanh nên đưa Kiều Tiên về Huế thăm mệ và mấy O. Xa xôi quá, không ai vào chung vui cùng hai con được. Ba nghĩ là họ rất mong thấy mặt con dâu của ba.
Tôi lại càng run. Cái gì “mệ”, cái gì “O”?
Khanh lại “phụ đề Việt ngữ”:
     -Mệ là… bà nội của anh đó. Còn O là hai người em gái của ba.
     -Như vậy “O” có nghĩa là “cô” phải không anh?
     -Đúng. Cho em 10 điểm. Còn “mệ”?
     -Mệ là… bà nội chớ gì.
     -Mệ là bà thôi. Mệ nội, mệ ngoại, là bà nội, bà ngoại.
     -Sao hồi nãy anh nói mệ là bà nội? Tiền hậu bất nhất, cho anh zéro điểm là vừa.
     -OK, anh chịu thua em 1 – 0 đó, bây giờ nghe anh nói tiếp nè.
     -Bộ anh muốn em loạn thần kinh hả?
     Khanh dỗ dành:
     -Nếu em không chịu cho anh truyền thêm nội công thì làm sao ứng phó với bà con nội ngoại của anh ngoài Huế chứ.
     Có lý. Mặc dù tôi chưa quen nghe giọng Huế, nhưng nếu tôi hiểu được những từ người Huế thường dùng, thì sự đồng cảm giữa tôi và “giang sơn nhà chồng” sẽ dễ dàng hơn. Tôi lấy tờ giấy và cây bút:
     -Được rồi, anh nói đi. Em sẽ ghi và học thuộc lòng.
     Khanh phấn chấn ra mặt:
     -Em ngoan quá –rồi tằng hắng –Anh bắt đầu nè. Người Huế từ “mô” là “đâu”, ví dụ “anh đi mô?” có nghĩa là “anh đi đâu?”, “bên ni” là “bên này”, “bên nớ” là “bên kia”, “răng” là “sao”, “rứa” là “thế”, “kiệt” là “hẻm”, “tra” là “già”, “ăn kỵ” là “ăn giỗ”…
     Đầu óc tôi lùng bùng, tay chân tôi quờ quạng. Khanh đặt câu hỏi:
     -Đố em, “ôn” là gì?”
     Tôi xếp giấy lại, thở phào:
     -Anh hết vốn rồi hả? Đố như anh, con nít cũng biết. Ôn là ôn tập chớ gì.
     Khanh kí vào đầu tôi:
     -Cho em xuống học lớp Lá là vừa. “Ôn” là “Ông”. Gặp các ông già, người ta thường “Thưa ôn”, cũng như đối với các bà lão, người ta thường “thưa mệ”…
     Khanh tiếp tục đưa tôi vào mê hồn trận:
     -À, anh nhắc em điều này, nếu thấy một người đàn ông được gọi là “Mệ” thì em cũng đừng ngạc nhiên, vì đó là những người trong hoàng tộc…
     Tôi hét lên:
     -Cái gì? Ôi em bị tẩu hoả nhập ma rồi.

3. “Giang sơn nhà chồng” của tôi toạ lạc giữa một khoảng vườn xanh tốt trong thành nội, gồm ba căn nhà trệt lợp ngói rộng rãi, ngăn cách nhau bởi các dãy hàng rào bằng cây thấp, lá nhỏ, quấn quít những sợi dây leo màu vàng. Khanh nói:
- Bà nội anh rất thích chăm sóc vườn tược. Hàng rào chè tàu này còn già hơn tuổi của anh nữa đó, còn kia là những dây tơ hồng. Em thấy có đẹp không? Ngày trước, nhà anh chỉ có một căn thôi, sau này hai O lập gia đình, bà nội mới xây thêm hai căn nữa, của hồi môn ấy mà.
Có tiếng reo:
- Khanh, cháu Khanh đó phải không?
Một phụ nữ khoảng trên dưới năm mươi, mặc quần tây nâu, áo hoa sặc sỡ, từ căn nhà bên phải chạy ra. Tóc bà uốn cao, nước da trắng, miệng cười có má lúm đồng tiền.
     -Đây là O Hương của anh.
     -Cháu chào… O ạ.
     O Hương tiến đến gần, vuốt má tôi:
     -Vợ thằng Khanh đây hả. Chà, hai đứa xứng đôi lắm đó nghe –rồi bà kéo tay tôi và Khanh về phía căn nhà giữa –Mạ ơi, vợ chồng Khanh về tới rồi nì.
     Khanh nhìn sang căn nhà bên trái cửa khoá ngoài. O Hương nói:
     -O dượng Hoà về làng ăn kỵ rồi. Chắc là mai mới lên.
     Nãy giờ tôi cố ý lắng nghe. Eureka, tôi đã nhớ. “Ăn kỵ” là “ăn giỗ”, còn “mạ”? Chắc là “mẹ” rồi. Xem ra tiếng Huế đâu có khó gì, khỏi cần Khanh làm thông dịch.
     Bà nội của Khanh rất đẹp lão. Mái tóc bà bạc phơ, gương mặt hồng hào, phúc hậu. Bà đang ngồi trên chiếc ghế mây cạnh ngưỡng cửa, miệng cười móm mém, âu yếm nhìn Khanh đi bên tôi.
     -Chúng cháu chào mệ.
     Bà gật đầu rồi đưa tay níu lấy vai Khanh:
     -Đỡ mệ vô nhà.
     Bà nhỏ bé trong vòng tay Khanh, bước chân bà khập khiểng. Khanh lo lắng:
     -Mệ, mệ bị sao vậy?
     O Hương đỡ lời:
     -Hôm qua mệ ra vườn tưới cây, mệ bị bổ.
     -Im đi, tau bớt rồi –bà nhìn O Hương từ đầu đến chân –mi bận cái áo chi mà loè loẹt rứa? Tra rồi, gần làm mụ gia rồi, còn bày đặt diện.
     Tôi nói nhỏ với Khanh:
     -Em hiểu từ “tra” rồi, nhưng “bổ”là gì? Còn “mụ gia”?
     -“Bổ” là “té”, còn “mụ gia” là “mẹ vợ” hoặc “mẹ chồng”. Xứ Huế anh có câu: “Thương chồng mà khóc mụ gia, chớ tui với mụ chẳng bà con chi.”
     Tôi che miệng cười. Bà nội Khanh ngồi trên sập gụ, vẫy Khanh và tôi lại gần. Bà vuốt tóc tôi:
     -Mệ có coi bóng đám cưới, trông cháu đẹp hơn trong bóng nhiều. Biết hai cháu sắp ra thăm mệ, đêm mô mệ cũng nằm chộ.
     Khanh thông dịch ngay:
     -“Bóng” là “hình”…
     Tôi ngắt lời:
    -Còn “nằm chộ” là “nằm mơ”, đúng không?
     -Very good, em thông minh thật đấy.
     Bà nội Khanh có vẻ thích tôi. Bà kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện, từ chuyện làng xóm, đến chuyện những người trong họ tộc, chuyện gia đình Khanh… giọng bà nhẹ nhàng, thân ái. Vì đã ôn tập trước, nên những từ rặt Huế như răng, mô, tê, rứa… tôi hiểu dễ dàng. Và càng lúc, tôi càng thấy gần gũi bà, thương yêu bà hơn.
     -Cháu biết không? Chồng của cháu rất thích ăn chè thịt quay.
     Chè thịt quay là gì? Tôi nhìn quanh tìm Khanh. Nhưng thôi, khỏi cần thắc mắc, chẳng qua cũng chỉ là món chè bình thường, cứ ăn vào là biết ngay thôi mà. Bà gọi:
     -Hương ơi, lấy cà mèn đi mua chè thịt quay cho các cháu ăn đi con.
     O Hương bảo Khanh:
     -Cháu qua nhà dắt dùm chiếc xe ra cho O.
     -Để cháu chở O đi.
     Khanh đến bên tôi:
     -Em ở nhà với mệ được không?
     Tôi vênh mặt:
     -Anh khỏi lo. Mệ nói gì em cũng hiểu hết.

***

     Tôi đi thơ thẩn trong vườn. Nắng chiều dìu dịu, gió chiều êm ái. Lòng tôi rộn vui theo tiếng chim hót chuyền cành. Hình như bà nội gọi:
     -Vợ thằng Khanh mô rồi?
     Tôi hấp tấp chạy vào:
     -Mệ sai cháu gì ạ?
     -Cháu ra ngoài “cươi” lấy cái “chủi”, “xuốt” dùm mệ cái “dà”.
     -!!!
     Lần này thì tôi thua thật. Khanh ơi, mau về cứu em.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét