Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

Thiệp ảnh Lê Hoàng

26. TIẾT KIỆM ĐIỆN,
TRÁNH ĐƯƠC SỰ LÃNG PHÍ RẤT LỚN.
 Kha Tiệm Ly


Tiết kiệm là đức tính đáng quí của con người, cổ nhân cũng đã từng đề cao đức tính cao quí nầy qua nhiều ca dao, tục ngữ.
Nói đến tiết kiệm, người ta thường nghĩ là không xài tiền lãng phí, nhưng ít ai  chịu biết rằng, không tiết kiệm điện cũng là sự lãng phí rất lớn. Cũng ít ai chịu nhớ tới điều nầy: “Tiết kiệm điện là tiết kiệm tiền”!

Kể cả những quốc gia giàu có như Mỹ, Nhựt, Pháp, Anh … cũng không tránh khỏi những  buổi cúp điện định kì hay không định kì, bởi nguồn cung cấp điện không thể nào đáp ứng nỗi mức tiêu thụ điện của người dân. Đây cũng là mối khó khăn cho hầu hết các quốc gia trên thế giới, không riêng gì ở nước ta. Những quốc gia ấy đã khuyến cáo người dân nước mình phải tiết kiệm điện hàng năm chục năm qua, trong khi tại Việt Nam, vấn đề nầy, nhà nước chỉ kêu gọi chừng năm năm trở lại!

Tại sao phải tiết kiệm điện? Như đã nói, tiết kiệm điên có cái lợi trước mắt là giảm chi phí cho gia đình ( tiết kiệm được 30-50% tiền điện hàng tháng!). Với các xí nghiệp, theo các nhà nghiên cứu đưa ra, thì con số thật không ngờ: Họ có thể tiết kiệm được vài ba trăm triệu  tiền điện mỗi năm!

Tiết kiệm điện, giá thành sản phẩm theo đó giảm xuống, mức tiêu thụ cũng từ đó cũng tăng lên, đem đến doanh thu cao hơn.

Tiết kiệm sẽ giảm thiểu tình trạng cúp điện thường xuyên, và là trực tiếp góp phần vào những chương trình phát triển đất nước. Quan trong hơn cả, là nếu ta tiêu thụ điện ít, thì ta đỡ xây thêm nhiều nhà máy điện. Điều nầy đã góp phần lớn vào việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tài sản quốc gia, là hạn chế khí Co2 (khí carbonic) thải ra, một trong những điều tác hại rất xấu đến môi trường toàn cầu hiện nay, là trái đất sẽ nóng lên, băng hai cực tan ra, gây hậu quả khó lường mà các nhà khoa học đã khuyến cáo.

Tiết kiệm điện như thế nào? Đó là những việc làm đơn giản mà hiệu quả rất cao.


 Với các thiết bị chiếu sáng: Đầu tiên ta phải thiết kế nhà cửa thế nào cho sáng sủa hầu lợi dụng ánh sáng tự nhiên. Được như vậy, mỗi ngày chúng ta tiết kiệm ít nhất một giờ sử dụng bóng đèn.
Kế đó, khi lựa chọn thiết bị điện, ta nên lựa chọn thiết bị nào có khả năng tiết kiệm điện cao. Bóng đèn tuýp nhỏ  T5-28W  đời mới có thề tiết kiệm được 40% điện năng so với bóng đèn tuýp lớn đời cũ. …
Điều ít ai ngờ tới là nếu ta chỉ cần chịu khó tắt những bóng đèn không cần xài tới (ở nhà trên thì tắt đèn nhà dưới … ), thì đã tiết kiệm được 50% điện năng hàng tháng!

 Hãy điều chỉnh thói quen khi sử dụng thiết bị điện: Với tủ lạnh: Hãy điều chỉnh nhiệt độ vừa phải, và dùng tủ lạnh có dung lượng thích hợp với lượng người sử dụng. Ít người thì dùng loại nhỏ, nhiều người thì dùng loại lớn. Càng lớn thì càng hao điện, và cứ tăng thêm 10độ C độ lạnh thì phải tốn thêm 20% điện năng! Với bàn là (bàn ủi): Không xài bàn là trong phòng có gắn máy điều hoà không khí. Ủi đồ mỏng trước, ủi đồ dày sau. Và nên nhớ, nếu rút phích điện ra, thì độ nóng của bàn ủi còn lại cũng đủ ủi hai bộ đồ! Với nồi cơm điện: Chỉ nên nấu cơm trước 30 phút khi ăn để tránh mất điện trong thời gian hâm nóng. Với quạt máy: Nên để cự ly thích hợp. Để gần cho quạt quay chậm, hơn là để xa cho quạt quay nhanh. Càng quay nhanh, càng hao điện. Nhớ tắt quạt khi không dùng tới, bởi có khi bạn bỏ quạt dưới lầu chạy suốt đêm, hay bạn thường bỏ quạt  chạy vù vù trong thời gian rời nhà! Với Ti-Vi: Một nghiên cứu khi nghe qua không ai khỏi giật mình là, nếu tất cả TV trên toàn nước Pháp đều được tắt bằng nút điều khiển từ xa (TV còn tín hiệu đèn đỏ). Thì số điện năng bị “đốt” một cách vô ích nầy có thể thắp sáng thành phồ Paris trong suốt một tháng!”. Vậy ta nên tắt TV bằng nút tắt ở máy. TV cũng như máy thu thanh, nên mở âm thanh vừa đủ nghe, vì âm thanh càng lớn, càng hao điện.
Tiết kiệm điện điện là việc làm rất cần thiết. Trong khi nhận thức của người dân còn kém thì việc thực hiên không dễ dàng gì, bởi nó đòi hỏi sự nỗ lực của toàn thể cộng đồng.
Tiết kiệm điện không những đơn thuần có lợi ích cho cá nhân, tập thể, mà còn là nằm trong tầm phát triển kinh tế, lợi ích cho quốc dân.

“Tiết kiệm để mọi nhà đều có điện xài”. Đó là lời nhắn nhủ thiết tha đầy tình người của các cơ quan hữu trách; nhưng đã được mấy ai nghe? Nhưng đến khi bị cúp điện, họ lại tỏ ra bực bội, có khi còn dùng những lời lẽ chê trách, than phiền. Như vậy xem ra có bất công cho “ông nhà đèn” lắm không?

Để chấm dứt bài nầy, chúng tôi xin đưa ra lời phân tích của các nhà chuyên môn:
“Tại TP HCM, nếu mỗi gia đình đều ý thức được sự tiết kiệm điện, thì thành phố nầy tránh được sự lãng phí hàng ngàn tỉ đồng một năm” (!). Một con số quá đủ để thiết lập những công trình ích quốc lợi dân. Và:
“Tiết kiệm điện không khó, hãy bắt đầu ngay từ những việc làm rất nhỏ”.

27.
TRƯỜNG KHUYẾT TẬT NHÂN ÁI TIỀN GIANG – VÀI  GHI NHẬN

Kha Tiệm Ly

Trường Khuyết Tật Nhân Ái Tiền Giang (TKTNA) toa lạc ở  290 Lý Thường  Kiệt P5, TP Mỹ Tho, Tiền Giang, là hiện thân của trường chuyên biệt khiếm thính
.
Đã từ lâu, Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Giám Mục Giáo phận Mỹ Tho mong ước trong Giáo phận có một cơ sở từ thiện để góp phần với xã hội trong việc giáo dục các em khuyết tật. Niềm thao thức của Ngài đã trở thành hiện thực khi ngôi trường được xây dựng và hoàn thành vào ngày 12-04-2004, với quyết định số 256/QĐ ngày 7/4/2003 cuả UBND Thành Phố Mỹ Tho. Đến nay trường đã đi vào hoạt động trong năm học thứ 8, với 102 (năm học 2011-2012) em học sinh khiếm thính trong độ tuổi từ 3 đến 18 tuổi ( trong đó có 98 em đang học tại trường từ lớp Mẫu giáo đến lớp Năm, 04 em theo lớp “can thiệp sớm”).Trường từ thiện được thành lập và hoạt động dưới sự bảo trợ và quan tâm của Tòa Giám mục Mỹ Tho, Cha Giám Đốc Giacôbê Hà Văn Xung, hiện đang là Cha Sở nhà thờ Chánh Tòa Mỹ Tho quản lý, với sự cộng tác tích cực của Quý Soeurs Dòng Thánh Phaolô Mỹ Tho.

Để taọ điều kiện cho các em được đến trường, đặc biệt các em ở vùng sâu – vùng xa và kinh tế gia đình các em còn nhiều khó khăn, nên nhà trường được mở ra theo diện từ thiện và chế độ nội trú.

Trường nằm trong một khung viên với diện tích 5.800m2;  gồm 1 dãy văn phòng và 2 dãy phòng học, và 1 dãy nhà ở của Quý Soeurs, tạo thành một hình vuông (kiến trúc theo kiểu trường lớp), bao bọc một sân chơi thoáng mát. Nối tiếp với dãy phòng nằm ngang là phòng sinh hoạt rộng rãi, được trang trí tao nhã thích hợp với lớp tuổi thiếu nhi.

Bên sau  trường, nối tiếp một vườn cây nhỏ là phòng ăn rộng rãi, tươm tất và sạch sẽ.

Trường có 9 lớp từ mẫu giáo đến lớp 5; gồm 98 em, được 9 giáo viên (8 nữ, một nam) chăm sóc, dạy dỗ. Như vậy trung bình mỗi giáo viên phụ trách chỉ có 10 em, nhưng điều nầy thực ra là việc không khỏe khoắn chút nào bởi tất cả các em là khiếm thính ( câm vừa điếc)!

Chúng ta thử tượng tượng, quản lý một tập thể mà không ai nói được, không ai nghe được (có em chỉ nghe được tiếng động lớn như: sấm, tiếng trống, tiếng động mạnh……!) mà tất cả đều vào khuôn phép với một thời dụng biểu hẳn hoi thì không phải là chuyện dễ dàng gì! Chị Mai, mẹ của một em nói với chúng tôi: “ Trường dạy hiệu quả lắm anh! Con tôi mới vào hơn một năm mà nó “hiểu biết” khá hơn nhiều, so với trước đây. Ở nhà dạy hoài mà nó không hiểu gì hết!” Còn anh  Tâm: “ … Vào đây con tôi thấy nó vui vẻ hơn vì có bạn bè để … “nói chuyện” với nhau”

Ngoài văn hóa, các em còn được dạy nghề theo năng khiếu hay sở thích của mình như cưa lộng, với các em nam, các em nữ thì: thêu tay, thêu máy, móc, và học vi tính cả nam, nữ, các em từ lớp Dự bị 2 đến lớp 5.

Các em cũng được tập múa như các em bình thường để chuẩn bị các dịp lễ như: Khai giảng năm học, Trung thu, Tết,Tổng kết năm học. Các em sinh hoạt cũng như các em trường mẫu giáo, mầm non khác. Và sự nhịp nhàng, đồng bộ trên sàn diễn khi mà các em không hề nghe được tiếng nhạc, đã khiến cho người xem thật bất ngờ, thán phục.

Chúng tôi nghĩ rằng với những phương pháp đặc biệt, và dạy “có hiệu quả” như vậy thì giáo viên chắc có đồng lương hậu hỉ; nhưng sơ (souer) Nguyễn Thị Sương, hiệu trưởng, cho biêt: “ Giáo viên chỉ được hưởng chút tiền gọi là bồi dưỡng, mà lại cũng thất thường, không cố định!... Việc làm của họ chủ yếu là vì lòng nhân ái thôi…”. Cô Sương xúc động tiêp: “Chúng tôi chỉ mong sao khi lớn lên, các em tự lo được cho mình…”

Và đúng như lời sơ Sương nói, từ ngày trường thành lập đến nay ( 8 năm), đã có 7 em học xong chương trình tiểu học, và đã ra đời  với chút nghề trong tay: Hai em vào làm công nhân cho Công ty SD; 2 em được vào làm cho tiệm vàng Ngọc Thẳm; và 3 em nữ đã hành nghề thêu của mình. Gia đình an tâm được phần nào.

“Về tài chánh vẫn là khó khăn hàng đầu của nhà trường. Với thu nhập bằng tiền học phí, thì nhà trường chỉ đủ “đi chợ” được có hai tuần! Thời gian còn lại, nhà trường chỉ trông cậy vào những tấm lòng của các nhà hảo tâm, các Mạnh Thường Quân, nhưng cũng vô cùng hạn hẹp. Cuối cùng nhà trường phải “cầu cứu” vào Tòa Giám Mục!” Sơ cho biết.

So với các trường mầm non khác trong thành phố, thì học phí của  TKTNA rất khiêm nhường; phải chăng là điều nghịch lí? Bởi vậy, dù sạch sẽ, nhưng cơ sở vât chất vẫn nhiều thiếu thốn: Tường cũ kĩ, có lẽ nhiều năm chưa được sơn lại; nền gạch có nơi bị vỡ chưa được sửa sang.

Nhìn vào những gương mặt ngây thơ, lẫn chút thiếu lanh lợi hơn các em bình thường cùng tuổi; với các em lớn tuổi hơn, dù rất xinh, nhưng vẻ mặt cũng không che được thoáng u buồn khi biết rằng mình phải chịu cảnh thân thể  không được vẹn toàn như bao người khác thì khó mấy ai dằn được sự xúc động ở đáy lòng!

Vào tham quan trường, người ta mới thấy cảm phục lòng bác ái của các giáo viên, của ban giám hiệu. Họ đã chịu bao cực khổ và khó khăn để chăm sóc các em với cả một tấm lòng: Lòng tự nguyện, lòng hi sinh, lòng nhân ái. Tất cả đều vĩ đại bao la.


Biết được ít nhiều đời sống thiếu thốn cùng sự hi sinh to lớn của các  giáo viên, chúng tôi liên tưởng đến những người có cuộc sống sung mãn, đã từng đêm ngật ngưỡng bên ly rượu thừa, vung tay với những đồng tiền dư dả mà không khỏi chạnh lòng! Những ly rượu thừa đó, những đồng tiền xài không đúng chỗ đó, phải chi nó biết tìm về TKTNA, thì đời sống của các giáo viên nơi đây chẳng những được cải thiện đôi phần; mà còn tiếp sức cho các em, những con người mang mảnh đời bất hạnh!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét