5. CẢI LƯƠNG XƯA VÀ NAY.
Kha Tiệm Ly
Vào những thập niện 60,70, có lẽ là thời hoàng kim của cải lương. Bấy gời đó là món ăn tinh thần được yêu chuộng nhất, vượt trội hơn cả ca nhạc và thoại kịch. Vé chợ đen luôn có mặt ở tại cửa rạp với giá có khi gấp đôi, mà người xem vẫn chấp nhận. Hiện tượng “mua dàn” thường xãy ra, vì người “mua dàn” cầm chắc tiền lời trong tay!
Tại sao cải lương thời ấy lại được yêu chuộng như vây?
Thứ nhất là đào kép có thực tài, diễn xuất nhập vai, ca hay, múa giỏi; và có thể nói là khá gần gũi với quần chúng.
Những nghệ sĩ nầy đã được quần chúng ái mộ, và đã phong cho họ những mỹ danh xứng đáng với tài năng của họ. Đó là “Đệ nhất danh ca miền nam” cho Út Trà Ôn; “Sầu nữ” cho Út Bạch Lan; “Cải lương chi bảo” cho Bạch Tuyết; “Thanh sắc vẹn toàn” cho Thanh Nga; “Tiếng ca huyền diệu” cho Minh Cảnh…
Thứ hai là nhờ nhiều soạn giả tài hoa, mang nhiều tâm huyết, đã cho ra nhiều kịch bản (vở tuồng) xuất sắc, nội dung khai phóng, gây ấn tượng mạnh cho người xem. Những vở tuồng đó như đã hoà theo máu, lưu thông trong huyết quản của ngưòi xem, mà cho đến tận hôm nay, mọi người còn nhắc nhở, lưu luyến; thậm chí có người thuộc lòng một vài đoạn trong những vở tuồng ấy!
Đó là Hà Triều Hoa Phượng với Tấm Lòng Của Biển, Nửa Đời Hương Phấn, Tuyệt Tình Ca (viết chung với Ngọc Điệp)…. và nhất là Con Gái Chị Hằng. Vở nầy đã diễn suốt 21 đêm liên tục tại rạp Nguyễn Văn Hảo (Rạp Công Nhân bây giờ)! Đó là Thu An với Nắng Chiều Trên Sông Dịch, Hai Chiều Ly Biệt, Lá Của Rừng Xanh; Đó là Qui Sắc với Người Vợ Không Bao Giờ Cưới, Khi Rừng Mới Sang Thu… ; Đó là Nguyên Thảo với Tâm Sự Loài Chim Biển…vv…
Những nhân vật của những vở tuồng ấy đã “bình dân hoá” trong quảng đại quần chúng: Người ta đã gán tên những nhân vật trong vở tuồng cho những ai ngoài đời có những hoàn cảnh tương tự, như “Phà Ca” (Trong Người Vợ Không Bao Giờ Cưới), “Áo Vũ Cơ Hàn” (Trong Tâm Sự Loài Chim Biển), “Ông Cò Quận Chín” (Trong Tuyệt Tình Ca)…
Tuồng tích đã hay, mà “văn chương” trong các vở tuồng cũng được các soạn giả trao chuốt kĩ càng; lại được đưa vào nhạc, nó càng bóng bẩy, dịu êm, làm người xem/ nghe mê mệt:
“Lòng hẹn lòng, khi chia tay, như xé nát tâm hồn ai.
Trời lạnh lùng, mây cô đơn, buồn giăng khắp miền quan tái…” (Mắt Em Là Bể Oan Cừu).
Hay:
“.....Thì chị cũng sẽ về với em,
Để mừng ngày em xuất giá.
Cho vui lòng ba với má,
Chị cũng nở mặt nở mày với lối xóm bà con...” ( Nửa Đời Hương Phấn).
Những bài ca như vậy, đến nay đã hơn bốn mươi năm mà vẫn còn người thuộc lòng, thường hát!
Lại có những lời văn đẹp như một bài thơ:
“Mới đầu hôm mà tóc ta bạc gần nửa mái,
Mới đầu hôm mà rượu cạn mấy mười ly.
Mới đầu hôm mà sự thế đổi thay,....” (Thuyền Ra Cửa Biển)
Hơn thế nữa, có những câu xứng đáng là danh ngôn:
“Thà ngu như con thiêu thân mà chết ngoài ánh sáng, cón hơn khôn như con chuột mà chết trong ống cống” (Tấm Lòng Của Biển).
Chúng tôi nhớ, sau khi vai Tấn (Hữu Phước đóng), nói câu nầy thì cả rạp vỗ tay rần rần; một ông ngồi kế bên buộc miệng: “ Coi cải lương mà nghe “văn chương” không cũng đủ đồng tiền!”!
Hơn bốn mươi năm trước, khán giả còn có trình độ thưởng thức như vậy, nói chi đến ngày nay? Xã hội càng phát triển thì tầm thưởng thức nghệ thuật của khán giả từ đó cũng có sự đòi hỏi cao hơn, nếu các tác giả thời nay không chịu nắm bắt điều nầy thì khó thành công, ngược lại vô hình trung coi thường khán giả; và tất nhiên sẽ bị tẩy chay!
Sau năm 1975, vì hoàn cảnh xã hội mà món ăn tinh thần còn nhiều thiếu thốn. Nhưng đói thì phải ăn: Các loại phim ảnh dù rẻ tiền cũng phải xếp rồng rắn để mua vé. Cải lương lúc đó không được diễn những vở tuồng cũ, và phần lớn nghệ sĩ ưu tú “xưa” mỗi người một nơi, hầu hết bị “rã gánh”; Những nhân tố mới đã được thành lập với những nghệ sĩ tay nghề non choẹt, với những vở tuồng mà nội dung đã gây nhàm chán người xem cũng được “ăn theo” một giai đoạn, nhưng dần dần các rạp cải lương vắng khách như chợ về khuya!
Tại sao vậy? Có người bảo, cũng chỉ vì băng đĩa quá tiện lợi và rẻ tiền, nên người ta không đến rạp nữa. Nói như vậy thì có phần thiếu thuyết phục, và có ý bênh vực cho môn nghệ thuật đã trong giờ hấp hối nầy. Hỏi lại, dù không đến rạp, ở nhà họ vẫn coi cải lương trên TV? Câu trả lời rất sượng sùng là... rất, rất ít người coi! (mà người coi là những lứa tuổi già nua còn sót lại!)
Tại sao thế? Như đã phân tích ở trên. Cải lương lúc trước được ưa chuông là nhờ ba yếu tố: Diễn viên thiện nghệ, Soạn giả tài ba, và kịch bản xuất sắc.
Cải lương ngày nay, với nghệ sĩ có người cũng có huy chương vàng nầy nọ, nhưng lối diễn và giọng ca cũng không làm người xem vừa ý: Có một nữ nghệ sĩ trong thời gian “thiếu thức ăn tinh thần”, cũng đã làm mưa làm gió trên sân khấu, nhưng có bao nhiêu người mến mộ? Bởi vì cô ta quá “điệu”, làm duyên làm dáng thái quá, khiến người coi phải “mắc cở giùm”; hay có một nam nghệ sĩ giọng ca eo éo như con gái, diễn xuất với chân tay cứng ngắt . Diễn viên như vậy, làm sao tồn tại với tầng lớp khán giả có tầm mức thưởng thức như hiện nay ? Mới hay, huy chương là một đường, thực tài lại là con đường khác!
Về soạn giả và kịch bản (thường vốn đi đôi) thì rõ là một vấn đề đáng buồn: Chưa thấy có vở tuồng nào sau năm 75 được nhiệt liệt hoan nghênh; mà thường thì xem qua rồi, người ta quên liền, không có chút mải mai vấn víu vào tâm thức!
Điều cần nói thêm là, người xem cải lương ngày nay lại rất bực mình về câu vọng cổ đã bị soạn giả phá đi nét truyền thống, nhào nắn thành dị hình dị dạng: Ca sĩ phải nổi gân cổ “nuốt” hơn một trăm chữ trước khi “xuống hò”(câu 1)! Đó là sự chế biến lập dị, làm người ca mệt, mà người nghe/xem cũng “thấy mệt”, thấy ngao ngán, thấy chán chường! Các soạn giả ấy đã cố tình “làm cho lạ”, nhưng đã vô tình làm cho bản vọng cổ hết... “muồi”, vốn là sở trường của cổ nhạc.
Cải lương càng ngày càng vắng khách, kể những người lớn tuổi ở quê, vốn là thành phần “mê” cải lương nhất; giờ họ cũng lơ là.
Nếu tình trạng diễn viên không vừa lòng khán giả; và tuồng tích thì “có bao nhiêu đó làm hoài”, thì không bao lâu, cải lương sẽ trút hơi tàn!
Điều bất hạnh cho cải lương là “Tre đã tàn, mà măng chưa mọc!”
Đó là một thực tế không thể phủ nhận./.
6. CON RỒNG TRONG VĂN CHƯƠNG BÌNH DÂN
Kha Tiệm Ly
Trong mười hai con giáp; dù là sản phẩm của trí tưởng tượng, nhưng con rồng lại là con vật được người ta ca tụng nhất, vì nó có nhiều khả năng phi phàm mà không có con giáp nào sánh kip: Làm mưa, gọi gió, vùng vẫy dưới nước, bay lượn trên mây, đi nổi giông, về nổi gió, biến hóa khôn lường. Rồng là biểu trưng cho uy vũ vô song, lại là biểu tượng đặc quyền cho vua: Thân thể vua thường có kèm chữ “long” ở trước; như long đầu, long nhan, long tu…; những đồ dùng của vua cũng vậy: Long xa, long chu (thoàn), long bào…
Theo cung mệnh thì người tuổi con rồng thường được cuộc sống sung túc, thông minh, nhiều sức khỏe, và công danh sự nghiệp dễ hanh thông.
Chính vì con rồng có những nét độc đáo như vậy nên trong các tác phẩm văn chương, nó thường được tác giả ít nhiều nhắc đến.
Với văn chương bình dân, con rồng luôn được có mặt trong mọi sinh hoạt thường nhật.
Về tình yêu, dù là chàng trai thương hồ, ít học, nhưng điều đó không có nghĩa là chàng thiếu sự rào đón, tinh tế khi tỏ tình với nàng: “Trên trời có cụm mây hóa kiểng/ Dưới biển có con cá hóa rồng/ Anh đi lục tỉnh giáp vòng/ Tới đây trời khiến đem lòng thương em”; nhưng đôi khi chàng cũng tự đề cao mình: “Sông Cửu long chín cửa hai dòng/ Người thương anh vô số, nhưng (anh) chỉ một lòng thương em”. Có khi chàng cũng hơi quá lố, nên bị nàng: “ Rồng nằm bể cạn phơi râu/ những lời anh nói hở đầu lòi đuôi”. Có lẽ nàng thích những lời chân thật nầy hơn: “Rồng giao đầu, phụng giao đuôi/ Nay tui hỏi thiệt, mình thương tui không mình?”. Và tâm tình nàng: “Rồng chầu ngoài Huế, ngựa tế Đồng Nai/ Nước sông trong chảy lộn sông ngoài/ Thương người quân tử lạc loài đến đây”. Với nàng, chàng luôn hào phóng: “Thấy em nằm đất anh thương/ Để anh mua gỗ đóng gường tám thang/ Bốn góc thì anh bịt vàng/ Chân anh bịt bạc, tám thang chạm rồng”, và khi đã thương rồi thì dù: “Lỗ mũi em có tám gánh lông/ Chồng thương chồng bảo râu rồng trời cho”.Đôi khi trong tình yêu, chàng đã bị một trở ngại gì lớn lắm, bèn than thở: “Ngồi buồn gởi bức thư sang/ Có con rồng bạch chắn ngang giữa trời/ Vậy nên thư chẳng đến nơi/ Trong thư ai biết những lời làm sao”. Có nhiều cô an phận “tùng phu”: “Thuyền đi theo lái, gái đi theo chồng/ Chồng đi hang rắn, hang rồng (gì) cũng phải theo”; ngược lại cũng có nàng có quan niệm khác hẳn: “Một đêm tựa mạn thuyền rồng/ Còn hơn chín kiếp nằm trong thuyền chài”. Biết trách làm sao khi: “ Thế gian đặng vợ mất chồng/ Đâu phải như rồng mà được cả đôi!”
Với vợ chồng trẻ, người ta thường chúc: “ Long (loan: con trống / đúng hơn) phụng hòa minh, sắt cầm hảo hiệp”.
“Cá hóa long” là theo tích cá chép vượt qua Vũ Môn thì sẽ thành rồng, nói lên trường hợp kẻ phàm phu mà khi đắc thời cũng có danh phận rỡ ràng, tỉ như trường hợp các cô lấy được người chồng khôn ngoan vậy: “Phận gái lấy được chồng khôn / Cầm bằng cá vượt Vũ Môn hóa rồng”. Và buồn cho ai gặp nhằm đấng lang quân: “Ăn như rồng cuốn, uống như rồng leo, làm như mèo mửa” hay : “Ăn như rồng cuộn, làm như cà cuống lội nước”; Chung sống với ông chồng nầy có khác gì “ Rồng ở với giun”? Đành phải chịu thôi, bởi người ta cũng thường nói: “Rồng vàng tắm nước ao tù / Người khôn ở với người ngu, bực mình” (Những câu trên cũng áp dụng ngoài trường hợp vợ chồng).
Trong xã hội vàng thau lẫn lộn, “Ngư long hỗn tạp” nầy; Có kẻ tướng tá uy phong như “Long hành hổ bộ” (rồng đi - phải hiểu là bay- cọp bước), “Long tinh hổ mãnh” (khôn như rồng, mạnh như cọp), nhưng kì thật là “Ngư chất long văn”! (bề ngoài giống rồng nhưng bên trong là cá!) Thực chất kẻ đó không ra gì, chẳng qua như kẻ “Vẽ rồng thành rắn”, “Vẽ rồng thành giun” vô tài vô tướng mà thôi”!
Không thiếu trường hợp có khi phải đối đầu với “Long đàm hổ huyệt”, hay đụng nhằm “Miệng hổ nanh rồng”!. Lúc đó cần phải chuẩn bị “Long mã tinh thần” mà đối phó, thì mới có cơ may “Long khẩu đoạt thực” (cướp thức ăn từ miệng rồng) được!
“Sa cơ rồng cũng như giun khác nào”. Âu cũng là lời răn đe cho những ai quá hống hách khi mình được đại chức, đại quyền! Bởi “Trứng rồng lại nở ra rồng / Liu điu lại nở ra dòng liu điu” đã không còn hợp thời nữa rồi.
Có người thích đơn giản hóa vấn đề, nhưng không thiếu người lại ưa “Vẽ rồng vẽ rắn”, hay “Chạm rồng trổ phượng” cho sự việc thêm rườm rà, rắc rối thêm; để chung cục phải chịu tình trạng “Long đầu xà vĩ” (đầu rồng duôi rắn / như đầu voi đuôi chuột).
“Rồng đen xuất hiện thì mưa / Rồng trắng xuất hiện thì vua đi cày”, hoặc “Rồng đen lấy nước thì nắng / rồng trắng lấy nước thì mưa”. Đó là hiện tượng khi thấy màu trắng hay đen của cơn lốc xoáy từ biển mà đoán được thời tiết sắp tới.
Trong dân gian có câu đố khá bất ngờ: “Đầu rồng đuôi phụng le the/ Mùa xuân ấp trứng, mùa hè nở con” (Buồng cau)
Người Việt Nam ta rất tự hào về tổ tiên của mình là “ Con Rồng cháu Tiên”. Cha Rồng thì uy dũng vô song (“mạnh như rồng”); mẹ Tiên thì đẹp khó ai sánh kịp (“đẹp như tiên”). Không tự hào mới là lạ!
Con rồng vẫn còn rất nhiều trong văn chương bình dân, nhưng người viết xin hẹn dịp khác. Trước thềm năm rồng, kính chúc quí bạn tiền đồ “như cá gặp nước, như rồng gặp mây”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét