6. CON RỒNG TRONG VĂN CHƯƠNG BÌNH DÂN
Kha Tiệm Ly
Trong mười hai con giáp; dù là sản phẩm của trí tưởng tượng, nhưng con rồng lại là con vật được người ta ca tụng nhất, vì nó có nhiều khả năng phi phàm mà không có con giáp nào sánh kip: Làm mưa, gọi gió, vùng vẫy dưới nước, bay lượn trên mây, đi nổi giông, về nổi gió, biến hóa khôn lường. Rồng là biểu trưng cho uy vũ vô song, lại là biểu tượng đặc quyền cho vua: Thân thể vua thường có kèm chữ “long” ở trước; như long đầu, long nhan, long tu…; những đồ dùng của vua cũng vậy: Long xa, long chu (thoàn), long bào…
Theo cung mệnh thì người tuổi con rồng thường được cuộc sống sung túc, thông minh, nhiều sức khỏe, và công danh sự nghiệp dễ hanh thông.
Chính vì con rồng có những nét độc đáo như vậy nên trong các tác phẩm văn chương, nó thường được tác giả ít nhiều nhắc đến.
Với văn chương bình dân, con rồng luôn được có mặt trong mọi sinh hoạt thường nhật.
Về tình yêu, dù là chàng trai thương hồ, ít học, nhưng điều đó không có nghĩa là chàng thiếu sự rào đón, tinh tế khi tỏ tình với nàng: “Trên trời có cụm mây hóa kiểng/ Dưới biển có con cá hóa rồng/ Anh đi lục tỉnh giáp vòng/ Tới đây trời khiến đem lòng thương em”; nhưng đôi khi chàng cũng tự đề cao mình: “Sông Cửu long chín cửa hai dòng/ Người thương anh vô số, nhưng (anh) chỉ một lòng thương em”. Có khi chàng cũng hơi quá lố, nên bị nàng: “ Rồng nằm bể cạn phơi râu/ những lời anh nói hở đầu lòi đuôi”. Có lẽ nàng thích những lời chân thật nầy hơn: “Rồng giao đầu, phụng giao đuôi/ Nay tui hỏi thiệt, mình thương tui không mình?”. Và tâm tình nàng: “Rồng chầu ngoài Huế, ngựa tế Đồng Nai/ Nước sông trong chảy lộn sông ngoài/ Thương người quân tử lạc loài đến đây”. Với nàng, chàng luôn hào phóng: “Thấy em nằm đất anh thương/ Để anh mua gỗ đóng gường tám thang/ Bốn góc thì anh bịt vàng/ Chân anh bịt bạc, tám thang chạm rồng”, và khi đã thương rồi thì dù: “Lỗ mũi em có tám gánh lông/ Chồng thương chồng bảo râu rồng trời cho”.Đôi khi trong tình yêu, chàng đã bị một trở ngại gì lớn lắm, bèn than thở: “Ngồi buồn gởi bức thư sang/ Có con rồng bạch chắn ngang giữa trời/ Vậy nên thư chẳng đến nơi/ Trong thư ai biết những lời làm sao”. Có nhiều cô an phận “tùng phu”: “Thuyền đi theo lái, gái đi theo chồng/ Chồng đi hang rắn, hang rồng (gì) cũng phải theo”; ngược lại cũng có nàng có quan niệm khác hẳn: “Một đêm tựa mạn thuyền rồng/ Còn hơn chín kiếp nằm trong thuyền chài”. Biết trách làm sao khi: “ Thế gian đặng vợ mất chồng/ Đâu phải như rồng mà được cả đôi!”
Với vợ chồng trẻ, người ta thường chúc: “ Long (loan: con trống / đúng hơn) phụng hòa minh, sắt cầm hảo hiệp”.
“Cá hóa long” là theo tích cá chép vượt qua Vũ Môn thì sẽ thành rồng, nói lên trường hợp kẻ phàm phu mà khi đắc thời cũng có danh phận rỡ ràng, tỉ như trường hợp các cô lấy được người chồng khôn ngoan vậy: “Phận gái lấy được chồng khôn / Cầm bằng cá vượt Vũ Môn hóa rồng”. Và buồn cho ai gặp nhằm đấng lang quân: “Ăn như rồng cuốn, uống như rồng leo, làm như mèo mửa” hay : “Ăn như rồng cuộn, làm như cà cuống lội nước”; Chung sống với ông chồng nầy có khác gì “ Rồng ở với giun”? Đành phải chịu thôi, bởi người ta cũng thường nói: “Rồng vàng tắm nước ao tù / Người khôn ở với người ngu, bực mình” (Những câu trên cũng áp dụng ngoài trường hợp vợ chồng).
Trong xã hội vàng thau lẫn lộn, “Ngư long hỗn tạp” nầy; Có kẻ tướng tá uy phong như “Long hành hổ bộ” (rồng đi - phải hiểu là bay- cọp bước), “Long tinh hổ mãnh” (khôn như rồng, mạnh như cọp), nhưng kì thật là “Ngư chất long văn”! (bề ngoài giống rồng nhưng bên trong là cá!) Thực chất kẻ đó không ra gì, chẳng qua như kẻ “Vẽ rồng thành rắn”, “Vẽ rồng thành giun” vô tài vô tướng mà thôi”!
Không thiếu trường hợp có khi phải đối đầu với “Long đàm hổ huyệt”, hay đụng nhằm “Miệng hổ nanh rồng”!. Lúc đó cần phải chuẩn bị “Long mã tinh thần” mà đối phó, thì mới có cơ may “Long khẩu đoạt thực” (cướp thức ăn từ miệng rồng) được!
“Sa cơ rồng cũng như giun khác nào”. Âu cũng là lời răn đe cho những ai quá hống hách khi mình được đại chức, đại quyền! Bởi “Trứng rồng lại nở ra rồng / Liu điu lại nở ra dòng liu điu” đã không còn hợp thời nữa rồi.
Có người thích đơn giản hóa vấn đề, nhưng không thiếu người lại ưa “Vẽ rồng vẽ rắn”, hay “Chạm rồng trổ phượng” cho sự việc thêm rườm rà, rắc rối thêm; để chung cục phải chịu tình trạng “Long đầu xà vĩ” (đầu rồng duôi rắn / như đầu voi đuôi chuột).
“Rồng đen xuất hiện thì mưa / Rồng trắng xuất hiện thì vua đi cày”, hoặc “Rồng đen lấy nước thì nắng / rồng trắng lấy nước thì mưa”. Đó là hiện tượng khi thấy màu trắng hay đen của cơn lốc xoáy từ biển mà đoán được thời tiết sắp tới.
Trong dân gian có câu đố khá bất ngờ: “Đầu rồng đuôi phụng le the/ Mùa xuân ấp trứng, mùa hè nở con” (Buồng cau)
Người Việt Nam ta rất tự hào về tổ tiên của mình là “ Con Rồng cháu Tiên”. Cha Rồng thì uy dũng vô song (“mạnh như rồng”); mẹ Tiên thì đẹp khó ai sánh kịp (“đẹp như tiên”). Không tự hào mới là lạ!
Con rồng vẫn còn rất nhiều trong văn chương bình dân, nhưng người viết xin hẹn dịp khác. Trước thềm năm rồng, kính chúc quí bạn tiền đồ “như cá gặp nước, như rồng gặp mây”.
7. CÒN ĐÂU TIẾNG QUẾT BÁNH PHỒNG
Vào thời gian từ năm 65 về trước, mỗi năm từ hai mươi tháng chạp, sau khi chuyện đồng áng đã xong thì bà con quê tôi bắt đầu chuẩn bị ăn Tết. Quết bánh phồng có lẽ là khâu cần phải chuẩn bị chu đáo và vất vả nhứt, thế mà dường như nhà nào cũng thực hiện.
Không biết tục quết bánh phồng ăn Tết ở quê tôi có từ bao giờ, nhưng theo suy luận qua tuổi đời thì ít ra nó cũng đã có hơn năm mươi năm, từ sau chiến tranh chống Pháp kết thúc.
Với nguyên liệu sẵn có đó là nếp và củ mì, các bà các chị đã chế biến ra một loại bánh khá công phu và đặt biệt là khi còn “sống”, thì ăn dai dai, nhưng khi nướng lên thì nó chuồi ra, lớn hơn gấp mấy lần và ăn giòn rụm!
Để làm một ổ bánh phồng ngon, trước hết người ta phải chọn loại nếp thật dẻo, không được lộn gạo, men tốt (loại nấu rượu), dầu dừa mới.
Đầu tiên, ngâm nếp với men cà nhuyễn ba ngày, xong vớt ra, vo sạch rồi cho vào chõ hấp. Trong lúc chờ đợi, người ta chuẩn bị ống cán , chiếu mới để phơi, một mớ lá chuối để lót cán (lúc đó chưa có bao nylon), dầu dừa (cho khỏi dính tay, dính lá).
Khi nếp vừa đổi màu trong, tức vừa chín tới, người ta liền đổ vào cối quết.
Cối là một vật dụng không thể thiếu của nông dân ngày xưa, nó dùng để “giã gạo cho trắng mà nuôi mẹ già”, hoặc thường xuyên giã chuối cho heo cho gà vịt ăn; nhưng ngày nay dường như vắng bóng, thiết tưởng cũng nên tả sơ qua để lớp đi sau có thể hình dung. Đó là một khối cây hình... cái cối! Phía dưới là một đoạn hình trụ làm chân, phía trên to hơn, phình ra, hình vuông, chính giữa có khoét một lổ lớn gọi là miệng cối để cho những gì muốn giã vào. Quanh miệng cối được be ra hình chữ bát cho vật muốn giã khó bị thoát ra ngoài (nếu lật ngược lại thì nó giống như cái nón khổng lồ). Có cối thì phải có chày. Chày là một khúc cây hình trụ, đừơng kính khoảng hai tấc, chính giữa được tra vào một tay cấm tạo thành hình chữ T. Chày và cối nếu được làm bằng cây mù u cổ thụ thì xài mấy đời chưa nhúc nhích! Nếu chỉ một người giã thì gọi là chày chiếc, hai người giã gọi là chày đôi. Giã là công việc khá nặng nhọc nên thường là việc của thanh niên. Sau nầy để đỡ sức, người ta chế ra chày đạp. Đó là một hệ thống đòn bẫy nhằm cho việc nâng chày lên nhẹ nhàng hơn, và sức giã xuống thì nhờ vào trọng lượng của chày. Với chày đạp, thì chỉ cần sức một phụ nữ hay vài trẻ em mười ba mười bốn tuổi cũng có thể thực hiện được. Nhưng dù với chày nào, thì cũng phải có người ngồi ở ngay cối để vùa (với gạo, với chuối cây), hoặc cho ăn (với bánh phồng). Vùa hay cho ăn chỉ là động tác trở đều vật muốn giã cho mau trắng (với gạo), mau nát (với chuối cây) hay mau tới (với bánh phồng). Việc làm nầy chỉ được thực hiện trong thời gian chày giở lên, và phải nhịp nhàng, “ăn rơ” với người quết, nếu không thì tay bị giập như chơi!
Trở lại quết bánh phồng. Trong khi quết, người ta cho đường, bột đậu nành, dầu dừa, hay gì gì đó theo một kinh nghiệm, hay bí quyết riêng với liều lượng có sẵn. Quết đến khi nào thấy trên ổ bánh có những hạt khí li ti nổi lên là ổ bánh đã tới, lúc đó không còn một hạt nếp nào còn nguyên, thì khâu quết gác chày (tạm xong nhiệm vụ)!
Kế tiếp là cán. Người ta vò ổ bánh thành từng viên, thường thì lớn cỡ viên chè trôi nước, thoa dầu trên tấm lá chuối lớn rồi thoăn thoắt cán mỏng ra.
Nhìn người cán mới thấy “tay nghề” của họ, dù họ chưa bao giờ làm nghề nầy để sống: Bột không cần cân mà ngắt cục nào cục nấy y chang, thao tác lẹ làng, lượn ống cán qua lại, tới lui làm người nhìn không kịp, phút chốc thành cái bánh tròn xoe!
Đôi nam nữ quết bánh lúc nãy bây giờ thì một người là “thợ” cán, một người là “thợ”... úp bánh lên chiếu để chuẩn bị đi phơi (lúc nầy trời cũng hừng sáng).
Phơi chừng ba bốn giờ thì bánh vừa khô, người ta đem vào rồi hòa lòng đỏ trứng gà đã luột chín với dầu dừa hâm nóng mà thoa lên cả hai mặt bánh (có người không dùng lòng đỏ trứng gà); việc làm nầy cốt để cho khi chồng lên nhau bánh không bị dính.
Làm bánh phồng phải trải qua nhiều công đoạn, lại phải cần nhiều người; một gia đình khó thể thực hiện nên các nhà thường phải vần công nhau. Hoặc giả nhà nào có nhiều con trai thì chỉ việc đến phụ quết (không dùng từ “quết mướn”) hết nhà nầy đến nhà khác, thì ngày rước ông bà cũng có vài trăm bánh mừng xuân.
Không thiếu nhiều mối tình thơ mộng của chàng trai quết bánh và cô em xinh xinh bên cối. Và, như nếu diễn biến tốt đẹp, chàng liền thực hiên lời mình là… “Ra giêng anh cưới em”!
Bánh phồng có thể “ăn sống” (thực tế là đã chín), nhưng thường thì nướng. Nướng bánh cũng là một nghệ thuật: Trước tiên, bánh được để trên hai cái kẹp bằng tre trông giống như hai bàn tay xòe ra, rồi hơ một vòng trên lửa rơm. Bánh bắt lửa, chuồi ra nhanh chóng, vì thế trước khi nướng, bánh cần phải được xé biên ở bốn điểm đối xứng nhau cho khỏi bị cuốn mép; thế mà người nướng còn phải trở bánh liên tục, có khi phải giũ để bánh khỏi bị oằn xuống tro!
Sau khi nướng, bánh phải chuồi và nở, tức là lớn hơn về diện tích và bề dày rất nhiều so với bánh chưa nướng; và trên mặt bánh phải nổi lên nhiều cục lớn nhỏ như bọt nước. Như thế mới được gọi là “khéo”!
Ngày nay bánh phồng (cũng như dưa hấu) không còn là sản phẩm chỉ dành riêng cho ngày Tết, mà có mặt suốt tháng quanh năm; dạng làm thủ công cũng không còn, mà mọi khâu đều do máy móc. Ở nhiều cơ sở lớn, kể cả khâu khó khăn nhất là cán bánh, cũng chẳng ngoại trừ.
Ai đã từng ở quê vào những thời buổi ấy, thì cũng từng “nghe tiếng quết bánh phồng rộn rã đón xuân sang” mà lòng chẳng thấy nao nao, mà chẳng thấy nhớ nhớ thương thương tiếng “chạch bum” mà nay lại không còn nữa? Và biết đâu có ai đó lại là chàng trai quết bánh năm xưa, vừa quết vừa trò chuyện với cô em đảo bánh bên cối, mồ hôi lả chả mà không thấy mệt, chỉ vì cái miệng em cười cười, nói nói trông thật có duyên!
8. Danh nhân Nam Bộ BÁC VẬT LANG
Vào đầu thế kỉ 20, ở nam bộ có một nhân vật rất nổi danh, đến nỗi tên của ông đã đi vào huyền thoại. Người ta đã gọi ông với lòng tôn kính và sự bái phục như với một người đầy đủ đức hạnh và một bậc trí giả tài năng tót chúng: Đó là Bác Vật Lang.
Ông tên thật là Lưu Văn Lang, sinh ngày 5 tháng 6 năm 1880 tại làng Tân Phú Đông, hạt Sa Đéc (nay thuộc thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) trong một gia đình nông dân nhưng có truyền thống hiếu học.
Thân sinh của ông là Lưu Văn Cung; từ nhỏ ông học chữ Nho, đến năm lên 10, ông mới học chữ Pháp và Quốc Ngữ.
Ông là học sinh xuất sắc nên được đặc cách vào học ở trường Chasseloup-Laubat tại Sài Gòn, để rồi năm 17 tuổi, ông đậu Tú Tài với điểm ưu, và được học bổng sang Pháp học tại trường École Centrale de Paris, là trường đào tạo kĩ sư lớn nhất tại Pháp thời bấy giờ. Năm 1904, ông tốt nghiệp kĩ sư hạng xuất sắc (hạng 3/250), trở thành vị kĩ sư bản xứ đầu tiên ở Đông Dương.
Khi về nước, ông được người Pháp trọng dụng và cho giữ nhiều chức vụ quan trọng ở Sở Công Chánh Đông Dương
Một trí thức yêu nước, yêu dân.
Sau khi Nhật đảo chánh Pháp (9/3/1945), ông từ chối lời mời của Bảo Đại tham gia nội các Trần Trọng Kim để giữ chức Bộ Trưởng Bộ Công Chánh
Sau khi tái chiếm Nam Bộ, người Pháp mời ông tham gia chánh phủ bù nhìn Nguyễn Văn Thinh, ông thẳng thắn trả lời câu nói nổi tiếng: “Je suis tropvieux pour servir de valet” (Tôi quá già để làm tay sai)
Năm 1947, ông là người kí tên đầu tiên vào bản tuyên ngôn của 400 trí thức, đòi chánh phủ Pháp phải chấm dứt chiến tranh và thương lượng với chánh phủ Hồ Chí Minh. Năm sau ông làm cố vấn Hội Liên Việt Sài Gòn-Chợ Lớn của chánh phủ kháng chiến.
Năm 1948, lần nữa, ông lại cùng các trí thức Sài Gòn kí tên vào bản tuyên ngôn đòi chánh phủ Pháp phải thương lượng với chánh phủ Hồ chí Minh để chấm dứt chiến tranh
Sau hiệp định Genève 1954, ông tham gia phong trào hòa bình, kêu gọi tổng tuyển cử. Năm sau, lại kêu gọi lần nữa! Phong trào bị đàn áp dã man, ông bị quản thúc đến năm 1958. Bấy giờ ông đã 78 tuổi!
Từ thực tài…
Khi cầu Long Thạnh ở Bạc Liêu do một kĩ sư người Pháp xây sắp xong, ông đến lấy gậy gõ vào thành cầu và khẳng định với vị kĩ sư ấy rằng, một tháng nữa cầu sẽ bị sập! Vị kĩ sư ấy vô cùng phẫn nộ. Chưa nguôi cơn giận thì một tháng sau, cầu bị sập như dự đoán của ông! Từ đó cầu Long Thạnh được gọi là Cầu Sập cho đến ngày nay. Vì lẽ nầy, vị tỉnh trưởng người Pháp lúc bấy giờ vô cùng ngưỡng mộ ông, nên mỗi khi có dịp thường mời ông đến dinh dùng cơm, trò chuyên thân mật. Để đáp lại tấm thạnh tình ấy, ông đã sáng chế ra chiếc đồng hồ Thái Dương để tặng vị tỉnh trưởng nầy.
Đồng hồ Thái Dương được đặt tại trước sân dinh (giờ là Trung Tâm Giáo Dục Thường Xuyên); xây bằng gạch tàu, cao khoảng 1 mét, rộng 0,8 mét, mặt quay về hướng bắc (có nhiều tư liệu nói quay về hướng đông e không chính xác), gồm ba phần: Phần giữa hình chữ nhật, nhô ra phía trước, hai bên là hai hình vuông; trên mỗi mặt hình vuông nầy có khắc số La Mã theo hình vòng cung để biểu thị giờ; một bên từ 6 đến 12 giờ; một bên từ 12 đến 17 giờ. Ánh mặt trời chiếu xuống phần hình chữ nhật, tạo ra hai vệt sáng tối. Vệt sáng, tối nầy xem như là cây kim chỉ giờ, “chỉ” ngay số nào là giờ đó.
Vào thời điểm ấy thì đồng hồ Thái Dương có độ chính xác rất cao (có lẽ mãi mãi vẫn giữ độ chính xác như vậy nếu trái đất không quay chậm hoặc nhanh hơn!), và nó không bao giờ sợ… “hết dây thiều”! Bởi vậy, hồi đó, các thầy kí thầy thông, kể cả người Pháp mỗi sáng, thường tạt vào dinh để “lấy” lại đồng hồ mình cho chuẩn! Đến nay, đồng nầy vẫn còn “chạy” tốt, và là một trong những điểm tham quan du lịch của Bạc Liêu.
Có thể vì tài năng cùng đức độ của ông được biểu lộ rõ ràng, mà người dân Nam Bộ thường gọi ông là “Quan BácVật” với lòng tôn trọng và quí mến. Từ “Bác Vật” lúc ấy có ý nghĩa là người thông thái về khoa học. Với Bác Vật Lang, người dân đương thời còn đi xa hơn nữa, đó là người thông thiên đạt địa, biết rõ “thiên cơ”!
Trên núi Cấm có một cái hang huyền bí, người Pháp muốn thám hiểm hang nầy. Ban đầu họ cho con khỉ vào lồng rồi buộc dây thả xuống, ít lâu sau. khi thấy sức căng của dây không còn; họ kéo lên thì lồng đựng con khỉ biến mất, mà mối dây như được ai tháo ra! Kế tiếp, họ cho con chó vào, và kết quả cũng y như lần trước! Lúc nầy Bác Vật Lang mới tình nguyện xuống hang. Khi người trên hang giật dây thì không được tín hiệu (của ông) bên dưới trả lời. Họ chờ một đêm, thì bất ngờ từ dưới hang, nhà Bác Vật lù lù bò lên, nhiều người xúm nhau hỏi, nhưng ông ú ớ mà không nói được! Mọi người liền đưa ông về Sài Gòn cứu chữa. Khi sức khỏe bình phục, ông cũng chẳng nói được lời nào! Về sau có người đại diện của Bửu Sơn Kì Hương tới thăm và hỏi, ông đơ đớ trả lời: “ Dưới… có mâm cơm… dọn… sẵn. Trên là … một cái … lồng bàn,.. giở ra là… ăn. Các ông … ráng … tu!”
Nói chỉ bấy nhiêu rồi ông cúi đầu chào mọi người, đoạn vào thiền! Đó là câu nói cuối cùng của ông cho đến khi ông nhắm mắt.
Từ đó người ta gọi hang nầy là Hang Bác Vật Lang. (ngày nay vị trí nó vẫn còn nhiều tranh cãi) Và cũng từ câu chuyện nầy mà trong dân gian có câu: “Đàn kêu tích tịch tình tang/ Đố ai biết được trong hang có gì?/ Đàn kêu tích tịch tì tì/ Đố ai biết được có gì trong hang?”.
Đến huyền thoại.
Có thể nói Bác Vật Lang đã trở thành huyền thoại với người dân Nam Bộ thời bấy giờ. Họ tôn sùng ông, ca ngợi ông, tôn vinh ông là kẻ phi phàm, cho ông là người thấu đạt “thiên cơ”.
Chuyện ông gõ vào cầu Long Thạnh và tiên đoán một tháng sau sẽ sập, là chuyện có thật. Nhưng để cho sự việc thêm màu thần thánh, họ còn nói ông còn cho chính xác cả ngày, giờ cầu bị bị rơi xuống nước!
Khi Sông Ba Lai càng ngày càng bị nông và hẹp từ dòng chảy sông Tiền đến địa phận xã An Hóa và dần dần tại cửa biển cũng bị nghẽn bởi phù sa, thì họ cũng nói đó là lời ông đã tiên đoán vào năm nào đó, “người ta sẽ trồng bắp trên dòng Ba Lai”!
Họ còn “chế” thêm rằng, có một lần về công tác một nơi bị hạn hán, người dân than không còn nước ngọt dự trữ để uống (có lẽ ở vùng biển), ông bèn ra sau nhà, vừa đi vừa gõ ba-ton xuống đất. Đến chỗ sau cùng, ông bảo chủ nhà đào lên; chủ nhà mới đào có … mấy cuốc (!), thì từ lòng đất phụt lên một vòi nước ngọt lịm, “cả làng dùng không hết”!
Họ lại bảo, ông nói với người Pháp, dưới cù lao Rồng (Mỹ tho) có một con rồng đang tu luyện, khi “thành đạo”, nó sẽ “dậy” lên thì không những cồn Rồng, mà cà trấn Định Tường cũng thành biển nước. Người Pháp vốn phục tài ông nhưng điều nầy họ không tin, nên dùng dàn khoan, khoan sâu xuống. Đến khi đất cồn rung chuyển, cây cối chao nghiêng (có lẽ chạm tời mình rồng!), họ cả sợ, bèn thu dàn khoan, và vội đem những người bệnh cùi qua đó để yếm, cho rồng sợ sự ô uế mà mà không dám “dậy”! Nhờ thế mà cù lao Rồng… còn tồn tại đến ngày nay (!)
Cũng vì thần thánh hóa ngài bác vật đáng kính ấy, nên người ta không lạ gì vào thời điểm đó, trong những câu chuyện liên quan đến tài năng, người dân nam bộ thường sử dụng cụm từ “làm như nó là Bác Vật Lang vậy”!
Bác Vật Lang mất tại Sài gòn (có chỗ nói tại Sa Đéc) vào ngày 3 tháng 6 năm 1969, thọ 89 tuổi. Ở quận 1, TP HCM có con đường mang tên ông. Tại Sa Đéc cũng có trường học và con đường mang tên Lưu Văn Lang../.
Đính kèm:
- Hình Bác Vật Lang
- Hình chiếc đồng hồ Thái Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét