Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2016

Ảnh Steventhule

Lá Thư Úc Châu

Trang Thơ Nhạc cuối Tuần, đầu Năm 2016
Phạm Duy: Nghìn Năm Vẫn Không Quên
 
Tiếng hát: Khánh Hà
HAPPY NEW YEAR 2016
Tình thân,
NNS
....................................................................................................................
(1) Chuyện Thời sự & Xã hội
(i) Hà Tường Cát (NV): Thế giới hướng tới 2016

Với thiên nhiên, năm mới chỉ là khởi đầu một chu kỳ mới trong chuyển động của Trái Đất quanh Mặt Trời đã vẫn như vậy từ hàng tỷ năm. Nhưng với tất cả mọi người, năm mới bao giờ cũng được xem như khởi đầu một thời kỳ mới đem tới những đổi thay và hy vọng tốt đẹp hơn các năm trước.
Tuy nhiên thực tế đầu tiên của thế giới cùng nhân loại là những gì còn dang dở trong năm cũ sẽ tiếp tục tồn tại kéo dài qua năm mới và hoàn cảnh ấy không thể khác với năm 2016.
Theo thăm dò qua các cơ quan truyền thông, báo chí, đồng nghiệp, thông tấn xã AP cho biết những hoạt động của phiến quân Nhà Nước Hồi Giáo IS và nỗ lực quốc tế để đập tan tổ chức này là sự kiện quan trọng nhất trong năm 2015. Tình thế ấy sẽ tiếp tục trong  năm 2016 chưa ai có thể dự đoán sẽ kết thúc ra sao và ở thời điểm nào.
Thế giới hãy còn phải lo ngại về nạn khủng bố với những cách hành động tàn bạo rất khó đoán biết. Hội nghị thượng đỉnh lần thứ tư họp tại thủ đô Washington trong hai ngày cuối tháng 3 đầu tháng 4 sẽ thảo luận về những biện pháp phòng chống.hiểm họa khủng bố sử dụng đến khí giới nguyên tử.
Được coi như sự kiện đáng chú ý thứ nhì năm ngoái là phán quyết của  Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ công nhận hôn nhân đồng tính trên toàn thể 50 tiểu bang. Trong năm 2016 chắc chắn sẽ còn nhiều rắc rối phức tạp trong việc thi hành luật mới và những sự tranh đấu đòi hỏi quyền lợi cho những cặp đồng tính được thụ hưởng giống như các cặp vợ chồng bình thường.
Hiện tượng thiên nhiên năm 2016:
Dân Á Châu đón Tết  Bính Thân.vào ngày Thứ Hai 8/2.
Năm 2016 có hai lần nhật thực, xảy ra trên vùng Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương, không nhìn thấy ở Hoa Kỳ: Toàn thực (9/3) và Hoàn thực (1/9). Hai lần nguyệt thực sau đó đều là nguyệt thực bán phẩn (23/3 và 16/9), Mặt Trăng không hoàn toàn đi vào bóng tối của Trái Đất.
Chính trị:
Tối Thứ Ba 12/1 (ngày12 tháng 1), Tổng Thống Barack Obama sẽ đọc bản Thông Điệp Liên Bang cuối cùng của hai nhiệm kỳ, 8 năm.
Mùa bầu cử Tổng Thống Mỹ 2016 mở đầu với cuộc bầu cử sơ bộ ở tiểu bang Iowa (1 / 2), tiếp theo đến New Hampshire (9/2). Ngày Thứ Ba 1/3 là một dấu mốc quan trọng trong bầu cử sơ bộ, Super Tuesday, với 13 tiểu bang cùng tổ chức bầu cử.
Đại hội Toàn quốc đảng Cộng Hòa họp ở Cleveland, OH (18 - 21/7 ). Đại hội toàn quốc đảng Dân Chủ họp ở Philadelphia, PA  (25 – 28/7). Mỗi đại hội sẽ tấn phong ứng cử viên chính thức của đảng cho cuộc tổng tuyển cử bầu Tổng Thống Hoa Kỳ ngày Thứ Ba 8/11.
Bầu cử Tổng Thống cũng diễn ra ở nhiều quốc gia khác như Đài Loan (16/1), Bồ Đào Nha (24/1), Peru (10/4), Ghana (7/11). Nhưng đáng chú ý là bầu cử tại Đài Loan, đảng Dân Chủ Tiến Bộ chủ trương độc lập có nhiều triển vọng thắng Quốc Dân Đảng đang cầm quyền và chủ trương hòa giải với lục địa.
Đại hội đảng Cộng Sản Việt Nam kỳ thứ 12 họp bầu ban lãnh đạo mới từ 20/2 đến 28/2.
Hội nghị quốc tế quan trọng: G-7 tại Nhật (5/5) và G-20 (4-11 – 5/11) tại Hàng Châu, Trung Quốc. Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Lào (8/11), và Tổng Thống Obama là  tổng thống Mỹ đầu tiên đến Lào.
Ngân hàng Thế giới WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF họp thường niên ở Washington (17-20/10)
Những sự kiện đáng chú ý khác:
Năm nay nước Anh có hai ngày kỷ niệm: 400 năm William Shakespeare (23/4) và Nữ Hoàng Elizabeth II tròn 90 tuổi (21/4). Ngoài ra Thị trưởng London sẽ được bầu ngày 5/5 và Anh tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề ở lại hay ra khỏi EU (20/6).
Giáo Hoàng Francis thăm Mexico lần đầu tiên trong một tuần lễ từ 12/2.
Liên đoàn Bóng đá Quốc tế FIFA họp tại Zurich (26/2) để bầu tân chủ tịch thay thế Sepp Blatter.
20/6 là  ngày Tị Nạn Thế Giới của Liên Hiệp Quốc.
20/6: Australia dự định chấm dứt việc tìm kiếm máy bay Malaysia Airlines chuyến MH 370 mất tích từ 8/3/2013.
Hoa Kỳ tuần tự triệt thoái quân đội khỏi Afghanistan, cho tới cuối năm dự trù chỉ còn lại 5,500 binh sĩ.
2015 là một năm khò khăn của kỹ nghệ dầu lửa. Tuy vậy việc tìm kiềm khoan dò sẽ không giảm năm 2016. Sau khi Tổng Thống Obama hủy hợp đồng cho Shell khai thác một lô gần biển Beufort ngoài khơi Alaska, các đại công ty dầu khí dự tính tìm kiếm trên đất liền Alaska vả ở vùng eo biển giữa Florida và Cuba. Trong khi đó, kỹ nghệ chế tạo xe hơi máy điện sẽ phát triển nhanh.
Trong lãnh vực khoa học, ngày 4/7 phi thuyền Juno của NASA bay ngang gần Mộc Tinh với vận tốc 165,000 mph, kỷ lục của các phi thuyền từ trước đến nay. Trong khi đó Âu Châu hy vọng lần đầu tiên thực hiện được dự án Exomars thám sát Hỏa Tinh với môt phi thuyền đổ bộ vào tháng 10.
Mặt khác với hệ thống máy xung kích phân tử khổng lồ, Large Hadron Collider, các khoa học gia hy vọng có thể tìm ra được một nguyên tố mới trong năm 2016.
Tuy nhiên nhìn chung, một số quan sát viên nhiều hoài nghi cho rằng 2016 chưa chắc sẽ là một năm êm ả và tốt đẹp. Hòa bình vẫn là mơ ước xa vời và tình hình kinh tế luôn luôn nhiều bấp bênh. Những mối lo ngai không ít, đặc biệt là nạn khủng bố. Nếu không phải phương tiện khí giới nguyên tử thì khủng bố hãy còn có một hướng tấn công khác là không gian ảo (trên mạng). Cùng với những hậu quả tác hại khó ngừa do khủng bố, kinh tế toàn cầu cũng sẽ bất lợi do Trung Quốc và Nga đi tới những hoàn cảnh khó khăn. Dù sao đi nữa thế giới không bao giờ ngừng tiến triển và mọi khó khăn là chuyện bình thường, không tác động cản trở hay làm phai lạt niềm hy vọng của đầu năm mới. (HC)
*** Theo Petrotimes: Ai sẽ làm “chủ” thế giới năm 2016?
Hầu hết các chuyên gia đều dự báo 2016 sẽ là năm đầy bất ổn với nhiều cuộc chiến tranh và xung đột tại khắp các châu lục. Vậy những vấn đề nào sẽ tiếp tục chi phối thế giới trong năm tới?
Tranh chấp ở Biển Đông
Năm 2016 sẽ không chỉ chứng kiến những biến động lớn ở Trung Đông. Ở châu Á – Thái Bình Dương, sự căng thẳng sẽ tiếp tục leo thang. Vấn đề an ninh đáng lo ngại nhất tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương là cuộc khủng hoảng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng trên Biển Đông và biển Hoa Đông. Tại Biển Đông, hãng Stratfor dự báo Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các “đòi hỏi chủ quyền” vô lý, tăng cường quân sự hóa các đảo nhân tạo đã xây dựng trái phép.
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia quốc phòng Australia, đã nêu ra 5 vấn đề quan trọng, đáng quan tâm và chú ý nhất về tình hình Biển Đông năm 2016.1) phán quyết của Tòa án Trọng tài thường trực tại La Haye, dự kiến sẽ được đưa ra trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2016 và phản ứng của Trung Quốc cùng các quốc gia khác có đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông về phán quyết này. 2) Mỹ sẽ tiếp tục các chiến dịch tuần tra khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không. Các chiến dịch tuần tra này dự kiến sẽ diễn ra ít nhất mỗi quý một lần, bắt đầu từ tháng 1/2016. Tuy nhiên, liệu Mỹ có thể sẽ tiến hành những chiến dịch tuần tra mạnh, quyết đoán hơn hay không sẽ là điều cần quan sát. Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào về những hoạt động này? 3) Khả năng các bên liên quan hoàn tất một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông với Trung Quốc. 4) Trung Quốc sẽ hoàn tất việc xây dựng và củng cố các cơ sở hạ tầng trên 7 hòn đảo nhân tạo mà họ bồi đắp trái phép ở Biển Đông. Hành động tiếp theo đó sẽ là gì ? Ai sẽ định cư trên các thực thể được bồi đắp (phi pháp) đó? Thiết bị nào sẽ được bố trí trên đó? Loại máy bay hay tàu biển nào sẽ đồn trú ở đó? Liệu Trung Quốc có đặt căn cứ của lực lượng Hải quân của họ ở đó và sẽ hung hăng hơn trong việc khẳng định quyền tài phán đối với Philippines và Việt Nam hay không? 5) Bầu cử ở Đài Loan và Philippines sẽ ảnh hưởng ra sao đến các động lực chính trị-ngoại giao đối với những tranh chấp hàng hải ở Biển Đông? Tại Đài Loan, đảng Dân Tiến liệu có nhấn mạnh hơn trong việc đòi hỏi chủ quyền và tách xa hơn khỏi Trung Quốc hay không? Một Tổng thống mới của Philippines liệu có hòa hoãn hơn với Trung Quốc so với đương kim Tổng thống Aquino hay không?
Cuộc nội chiến ở Syria
Với những gì đã diễn ra trong năm 2015, các chuyên gia cho rằng cuộc nội chiến tại Syria sẽ tiếp tục diễn ra dai dẳng, không lối thoát. Nhiều nhà quan sát cho rằng bàn cờ Syria với quá nhiều kỳ thủ nước ngoài nhúng tay là chưa từng thấy trong lịch sử gần đây. Trên thực tế, đang có tới ba liên minh nước ngoài chống khủng bố ở Syria, bao gồm Nga – Iran ủng hộ chính quyền Syria, liên quân do Mỹ lãnh đạo và liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu. Do mâu thuẫn sâu sắc về số phận của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, sẽ rất khó để các bên đạt được một giải pháp hòa bình ở Syria.
Hãng Global Research nhận định tương lai của Syria sau xung đột phụ thuộc vào “cuộc đua đến Raqqa”. Thành phố này là “thủ đô” của IS ở Syria. Global Research cho rằng liên minh nào đẩy được IS ra khỏi Syria thì sẽ nắm ưu thế trong việc xác định đường hướng tương lai của Syria. Chuyên gia Chris Doyle, giám đốc Hội đồng Tăng cường hiểu biết Arab – Anh (CAABU) đánh giá tiến trình hòa bình Vienna thời gian qua chưa tìm được câu trả lời cho những thách thức ở Syria. Bởi một thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc ở Syria sẽ đòi hỏi hàng chục thỏa thuận ngừng bắn ở các địa phương.
Làn sóng người di cư
Chiến tranh Syria là một trong những nguyên nhân lớn châm ngòi cuộc khủng hoảng di cư và tị nạn châu Âu. Chỉ trong năm 2015, hơn 1 triệu người di cư và tị nạn từ Trung Đông và châu Phi đã đổ vào các nước Liên minh châu Âu (EU). Một con số tương tự được dự báo cũng sẽ đến châu Âu trong năm 2016. Nhà khoa học chính trị George Friedman cho rằng gánh nặng di cư và tị nạn đang đè lên đôi vai EU sẽ càng trở nên nặng nề hơn bao giờ hết.
“Giải pháp duy nhất là EU ra một chính sách tị nạn chung và thành lập lực lượng chung kiểm soát biên giới EU. Nhưng sẽ có rất nhiều nước thành viên không muốn tham gia sáng kiến này. Và tình trạng này sẽ khiến EU càng thêm chia rẽ. Các nước thành viên sẽ tăng cường sự độc lập và quyền lực của EU sẽ suy giảm mạnh”, chuyên gia Friedman nhấn mạnh. Hãng Stratfor dự báo việc tăng cường kiểm soát biên giới sẽ càng làm suy yếu cơ chế đi lại tự do của châu Âu, đồng thời tiếp tục tạo ra “nút cổ chai” ở Tây Balkan, nơi người di cư và tị nạn bị dồn ứ.
Khủng hoảng tị nạn cũng sẽ tiếp tục tiếp lửa cho các phong trào chính trị cực hữu, bài ngoại ở châu Âu, đặc biệt nếu lại xảy ra tấn công khủng bố có sự tham gia của những kẻ cực đoan trà trộn vào dòng người tìm cuộc sống mới ở châu Âu. Ngoài khủng hoảng tị nạn, một vấn đề lớn khác mà châu Âu vẫn phải đối mặt trong năm 2016 là khủng hoảng tài chính. Theo chuyên gia Friedman, “tâm chấn” của khủng hoảng có thể chuyển từ Hy Lạp sang Italia, nền kinh tế đang vật vã đối phó với tình trạng nợ chất chồng và tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt.
IS sẽ ra sao trong năm 2016?
Năm 2015 chứng kiến IS đánh mất một số vùng lãnh thổ đã chiếm được ở Iraq như thành phố Ramadi, thị trấn Tikrit, thị trấn Sinjar hay nhà máy lọc dầu Baiji. Theo hãng phân tích tình báo Stratfor, IS sẽ tiếp tục suy yếu và đánh mất dần quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ khác ở Syria và Iraq.
Tuy nhiên, IS có sẵn “kế hoạch B” là đại bản doanh mới ở Libya, quốc gia đang chìm trong hỗn loạn. Libya có vị trí địa lý đặc biệt là tâm điểm của các tuyến đường buôn lậu lớn tại châu Phi, đồng thời có thể trở thành cơ sở nền tảng để IS mở các cuộc tấn công khủng bố tại châu Âu ở khoảng cách rất gần. Stratfor và nhà khoa học chính trị Mỹ George Friedman cũng cảnh báo trong năm 2016, IS sẽ mở rộng hoạt động tại Saudi Arabia, Ai Cập, Yemen, Libya, vùng hạ Sahara và Tây Nam Á.
IS cũng sẽ tăng cường tổ chức các cuộc tấn công khủng bố theo mô hình cuộc tắm máu Paris đêm 13/11. Tham vọng lớn nhất của IS chắc chắn là một cuộc tấn công quy mô lớn tại Mỹ.
Ukraina tiếp tục gây đau đầu cho Nga và phương Tây
Tình hình xung đột ở miền đông Ukraina giữa phe ly khai thân Nga và quân đội Ukraina được dự báo tiếp tục căng thẳng và kéo dài trong năm 2016. Liên Hiệp Quốc ước tính trên 9.000 người – đa số là thường dân – đã thiệt mạng kể từ khi xung đột bắt đầu vào tháng 4/2014.
Kiev cáo buộc có khoảng 40.000 tay súng phe ly khai ở miền đông Ukraina. Chính phủ Ukraina và phe ly khai đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn, có hiệu lực vào giữa đêm 22/12/2015. Tuy nhiên, ngay sau đó hai bên vẫn tiếp tục cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận ngừng bắn 22/12 và các thỏa thuận trước kia.
Ngày 1/1/2016, thỏa thuận liên kết Ukraina-EU chính thức có hiệu lực, cũng bắt đầu từ ngày này, Nga tuyên bố ngưng hiệp ước thương mại tự do với Ukraina.
(ii) Văn Khang: Sau 351 năm mới tìm thấy ngôi mộ người đã khai sinh ra mẫu tự Việt Nam
Kỷ niệm 354 năm qua đời của linh mục Alexandre de Rhodes (hay còn gọi là cha Đắc Lộ), Người đã khai sinh ra chữ Việt cho chúng ta đang sử dụng .
Xin cám ơn Người đã cho chúng ta biết được những mặt chữ tiếng Việt và từ đó chúng ta không còn lệ thuộc vào chữ viết Tàu nữa .
Cha Đắc Lộ, một nhà truyền giáo vĩ đại của Giáo hội Công giáo Hoàn vũ nói chung và của Giáo hội Công giáo Việt Nam nói riêng, "Khi cho Việt Nam các mẫu tự La Tinh, Alexandre de Rhodes đã đưa Việt Nam đi trước đến 3 thế kỷ".
Năm 1651 khi chính thức xác định mẫu tự, bằng cách cho ra đời tại Roma nơi nhà in Vatican, quyển tự điển đầu tiên và các sách đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ, cha Đắc Lộ đã giải phóng nước Việt Nam khỏi nô lệ giặc Tàu .
Thật vậy, giống như Nhật Bản và Triều Tiên, người Việt Nam luôn luôn sử dụng chữ viết của người Tàu và bị nô lệ vì chữ viết này. Chỉ mới cách đây không lâu, người Triều Tiên mới chế biến ra một chữ viết riêng của họ. Còn người Nhật thì, sau nhiều lần thử nghiệm, đã phải bó tay và đành trở về với lối viết tượng hình biểu ý của người Tàu.
Trong khi đó, người Tàu của Mao Trạch Đông đang tìm cách dùng các mẫu tự La Tinh để chế biến ra chữ viết của mình, nhưng cho đến nay vẫn chưa thành công. Vậy mà dân tộc Việt Nam, nhờ công ơn của cha Đắc Lộ, đã tiến bộ trước người Tàu đến 3 thế kỷ.
Với hy vọng có thể tìm được nơi linh mục trở về với cát bụi, chúng tôi, đoàn Việt Nam đang công tác tại Iran đã đến Isfahan – thành phố cổ cách Teheran 350 km về phía Nam. Đó là một ngày đầu năm 2011, một tuần sau lễ Giáng sinh.
Quảng trường Naghsh-i Jahan của Isfahan là một trong những quảng trường lớn nhất địa cầu với kiến trúc tiêu biểu Hồi giáo đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa nhân loại. Tại thành phố này, Alexandre de Rhodes đã sống những năm cuối đời. Mặc dù trước đó, phần đời chính của ông là ở Việt Nam.
Chúng tôi đến Isfahan vào một ngày mùa đông se lạnh nhưng tràn ánh nắng. Hỏi đường đến một nhà thờ Công giáo nào đó, chúng tôi được người dân chỉ dẫn tận tình. Điểm chúng tôi đến là nhà thờ Vank, nhà thờ thiên chúa lớn nhất Isfahan.
Qua giây phút ngạc nhiên trước đoàn khách Việt Nam, cha xứ nhà thờ nồng nhiệt đón tiếp chúng tôi hồ hởi. Trước nay, hiếm có du khách Á đông nào, nhất là từ Việt Nam xa xôi tới nơi đây. Ông nhiệt tình dẫn chúng tôi đi tham quan và nói về lịch sử nhà thờ.
Nằm trong thế giới Hồi giáo, nhà thờ có kiến trúc bề ngoài đặc trưng Hồi giáo, nhưng vào bên trong, với các tranh và tượng Thánh đầy ắp khắp các bức tường, cứ ngỡ như đang ở một nhà thờ nào đó ở Roma hay Paris.
Cha xứ càng ngạc nhiên hơn khi chúng tôi hỏi về giáo sĩ Alexandre de Rhodes – người đã mất cách đây hơn 350 năm. Nhà thờ Vank có một thư viện lớn, lưu trữ nhiều tư liệu quý giá. Cha xứ nói người vào thư viện tìm kiếm. Lát sau, một thanh niên to khỏe khệ nệ mang ra một cuốn sổ dày cộp, to chừng nửa cái bàn, bìa bọc da nâu ghi chép về các giáo sĩ đã làm việc và mất tại đây. Ngạc nhiên và vui mừng tột độ, cha và chúng tôi tìm thấy dòng chữ ghi Alexandre de Rhodes mất năm 1660.
Như vậy, không nghi ngờ gì nữa, chính tại nhà thờ Vank này, cha Đắc Lộ đã sống và làm việc những năm cuối đời. Chúng tôi hỏi: “Thưa cha, liệu có thể tìm thấy mộ của Alexandre de Rhodes ở đâu không?”.
Cha xứ tận tình chỉ đường cho đoàn khách đặc biệt tới Nghĩa trang Công giáo ở ngoại ô thành phố.
Nghĩa trang nằm dưới chân đồi. Các ngôi mộ nằm êm mát dưới tán rừng thông, tùng, bách mênh mông, vắng lặng. Lạ một điều, nghĩa trang Công giáo nhưng không thấy một cây thánh giá nào.
Chia nhau đi các ngả tìm kiếm, lần mò hồi lâu, chúng tôi reo lên khi thấy ngôi mộ có ghi rõ tên Alexandre de Rhodes. Mộ ông nằm bên cạnh hai ngôi mộ khác thành một cụm ba ngôi. Gọi là mộ, nhưng không đắp nổi như ở Việt Nam. Đó chỉ là tảng đá lớn nằm nghiêng nửa chìm, nửa nổi trên mặt đất. Dù đã trải qua mưa nắng, biến động cuộc đời hơn ba thế kỷ, chữ khắc trên tảng đá còn khá rõ nét.
Trong ánh nắng ban trưa, chúng tôi kính cẩn nghiêng mình trước ngôi mộ, ai cũng thấy dâng lên trong lòng mình những cảm xúc bâng khuâng khó tả. (Source: Văn Khố Ức Trai - ĐhCTCT/VNCH)
(iii) Ls Lê Công Định chia sẻ trên FB:
Nhiều bạn hỏi tôi ủng hộ hoặc kỳ vọng ai trong cuộc tranh chấp quyền lực giữa các nhà lãnh đạo hiện thời trước thềm Đại hội ĐCS lần thứ 12. Thú thật, tôi chẳng thể ủng hộ hoặc kỳ vọng vào nhân vật nào, bởi những lẽ sau đây:
1. Đấy không phải là cuộc tranh cử nguyên thủ quốc gia hợp hiến và minh bạch, trong đó toàn dân được sử dụng lá phiếu tự nguyện và công bằng của chính mình. Hiến Pháp Việt Nam 2013 không quy định về đại hội ĐCS, càng không quy định về Tổng Bí thư ĐCS cũng như cách thức lựa chọn 4 chức danh "tứ trụ" theo kiểu đang được phô diễn. Trái lại, đó chỉ là cuộc tranh giành quyền lực và miếng ăn trong nội bộ của một thiểu số người xem thường dân tộc và hiến pháp mà thôi.
2. Sự tồi tệ của đất nước ngày nay bắt nguồn từ kết quả lãnh đạo bất tài và thất bại của ĐCSVN trong một thời gian dài từ năm 1945 đến nay. Bất kể ai trong đảng đó, dù còn sống hay đã chết, đều phải chịu trách nhiệm về sự tồi tệ như vậy trước dân tộc. Do đó, chẳng nhân vật nào, kể cả đảng của họ, xứng đáng tiếp tục cầm quyền.
3. Mọi hành động của giới lãnh đạo hiện nay đều hoàn toàn khác xa với lời họ nói, dù rằng chính lời nói cũng chẳng hay ho và thông tuệ gì. Nguyên nhân là do tất cả họ đều thuộc hạng "văn dốt, võ nát", đã vậy còn xôi thịt, lại thích dùng sức mạnh của gông cùm và khủng bố, hơn đối thoại và lắng nghe.
4. Người dân hoàn toàn mù tịt thông tin về họ, có chăng chỉ biết được qua đồn đoán, hoặc từ những trang mạng bất chợt được lập ra để bôi nhọ nhau. Cách làm truyền thông như thế không phải là phương thức thông dụng ở một nền dân chủ chính danh và đường hoàng, mà chỉ rặt một phường ném đá giấu tay không hơn không kém!
5. Sự thất bại trên toàn thế giới và tại Việt Nam của chủ nghĩa Marx-Lenin về phương diện kinh tế, lẫn phương diện thể chế chính trị dân chủ và tôn trọng quyền làm người, khiến những ai còn cổ suý cho chủ nghĩa đó hoặc không đoạn tuyệt hẳn với nó đều không đáng được khuyến khích nắm trọng trách lèo lái con thuyền quốc gia Việt Nam trong hành trình phát triển đầy triển vọng trước mắt...
Trên đây là những lý do vì sao mà tôi hoàn toàn bàng quan trước mọi tranh cãi vô ích về yêu và ghét ai trong đám lãnh đạo đó. Họ chưa chứng minh đã và sẽ làm được gì cho dân tộc chúng ta cả, ngoài việc đang chạy tới chạy lui vì chiếc ghế và hũ gạo của mình và đồng bọn mà thôi. Vô nghĩa!
*** Nhà Văn Đào Hiếu: Gorbachov của Việt Nam?
HỎI: Năm 1986 tình hình chính trị ở Liên Xô rối ren, xã hội nghèo đói, bất công, tham nhũng tràn lan, cũng giống như tình hình Việt Nam hiện nay, đúng không?
ĐÁP: Đúng. Lúc đó các nhà lãnh đạo Liên Xô nhìn thấy nguy cơ sụp đổ của chính quyền, nên tìm cách cứu vãn. Người nổi tiếng nhất là Gorbachov. Ông thiết lập những mối quan hệ với nhiều nhà lãnh đạo phương Tây, như Thủ tướng Đức Helmut Kohl, Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan và Thủ tướng Anh Margaret Thatcher. Ngày 11/10/1986 Gorbachov và Reagan gặp nhau và đã quyết định giải trừ vũ khí hạt nhân tầm trung ở Châu Âu.
HỎI: Vậy Việt Nam hiện nay có thể có một nhà lãnh đạo cỡ như Gorbachov không?
ĐÁP: Không. Vì Gorbachov là nhà lãnh đạo của một siêu cường nguyên tử, độc lập và có chủ quyền. Ông ta có quyền quyết định sự thay đổi thể chế mà không bị ai đe doạ. Tập Cận Bình ngày nay cũng là lãnh tụ một siêu cường nguyên tử, có chủ quyền. Nếu Tập muốn thay đổi, thì Trung Quốc sẽ thay đổi. Nếu Tập muốn làm một Gorbachov của Trung Quốc thì điều đó không mấy khó khăn.
Nhưng Việt Nam thì không. Vì Việt Nam chỉ là một nước nhỏ, yếu, lạc hậu, và quan trọng nhất là Việt Nam đã để mất chù quyền vào tay Trung cộng. Mà đã mất chủ quyền thì làm sao có thể quyết định vận mệnh quốc gia, chuyện nhỏ như muốn bổ nhiệm một bộ trưởng ngoại giao còn phải được sự đồng ý của Trung cộng, thử hỏi ai có thể đứng ra làm Gorbachov?
HỎI: Tại sao Trung Cộng có quyền hành bao trùm Việt Nam như vậy?
ĐÁP: Vì các nhà lãnh đạo Việt Nam đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Trung cộng ém quân trên lãnh thổ Việt Nam mà cụ thể là Tây Nguyên (Bauxite), Trung nguyên (Hà Tĩnh, Vũng Áng, Formosa) và biển Động (Hoàng Sa, Trường Sa). Trung cộng đã xây các căn cứ quân sự và sân bay trên hai hòn đảo này của Việt Nam. Trung cộng còn nắm các nền kinh tế mũi nhọn của Việt Nam như quặng mỏ, điện lực, xây dựng, giao thông, lương thực, thực phẩm, may mặc…
HỎI: Tuy Trung cộng đã bao vây Việt Nam dày đặc, nhưng nếu có một nhà lãnh đạo VN đứng lên tuyên bố “thoát Trung” thì sao?
ĐÁP: Thì sẽ bị quy là “chống Đảng”, là tạo phản. Và bị Trung cộng loại ngay lập tức.
HỎI: Vậy thì nếu vị lãnh đạo ấy làm đảo chánh, cướp chính quyền, xoá bỏ Đảng cộng sản, liên minh với Hoa Kỳ thì sao?
ĐÁP: Ở Việt Nam hiện nay chỉ duy nhất một kẻ có thể làm đảo chánh: đó là Trung cộng, vì các thế lực chính trị, quân sự, kinh tế, tài chánh… của Việt Nam đều nằm trong tay Trung cộng, thì anh lấy lực lượng nào để đảo chánh?
Vậy nếu có đảo chánh ở Việt Nam thì đó chính là Trung cộng đảo chánh, bất luận người đứng đầu đảo chánh là ai.
HỎI: Nhưng nếu người đứng đầu đảo chánh là Gorbachov thì sao?
ĐÁP: Ủa? Gorbachov là người Nga mà?
HỎI: Ý tôi muốn nói tới một Gorbachov của Việt Nam?
ĐÁP: Nếu ở Việt Nam có một vị lãnh đạo nào đó có trong túi vài chục trái bom nguyên tử, nếu Việt nam là một siêu cường có đầy đủ độc lập và chủ quyền, thì có thể có một Gorbachov. Một con cừu không thể biến thành Gorbachov được.
HỎI: Thế một con cừu có thể biến thành San Suu Kyi như Myanmar không?
ĐÁP: Cũng không luôn. Sở đĩ Myanmar có San Suu Kyi vì trên lãnh thổ của họ không có những lãnh địa của Trung cộng kiểu như Bauxite, Formosa hay các căn cứ quân sự ở Hoàng Sa, Trường Sa. Và nhất là Myanmar không hề có 16 chữ vàng. Do vậy đừng nói là Gorbachov, ngay cả San Suu Kyi cũng không thể có ở Việt Nam.
HỎI: Thế còn Cuba? Tại sao hai nước Mỹ – Cuba sau 50 năm thù nghịch bỗng đùng một phát, sau chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng, họ trở thành bạn bè? Tại sao Việt Nam không làm được điều đó?
ĐÁP: Vì có bố già Trung Cộng cầm con dao phay đứng ngay trước mặt, còn Mỹ thì ở xa ngàn dặm. Vì trên lãnh thổ Cuba không có căn cứ quân sự của Trung Cộng. Vì nền kinh tế Cuba không lệ thuộc vào Trung Cộng. Vì Cuba và Trung Cộng không có 16 chữ vàng. Và quan trọng nhất là Mỹ và Cuba ở cạnh nhau, đánh nhau cũng đễ mà bắt tay nhau cũng dễ, thằng ba Tàu muốn xía vô cũng đếch được.
HỎI: Vậy, tóm lại là chúng ta hết hy vọng về một Gorbachov của Việt Nam?
ĐÁP: Gorbachov thì không, nhưng Gor-ba-xạo thì có đấy. Và cả khối người vẫn bị lừa.
(iv) Phạm Nguyên Trường: Mười chuyện tiếu lâm hay nhất thời Liên Xô do báo The Times (Anh) bình chọn
Giải nhất: Ba công nhân vừa bước vào nhà tù, hỏi nhau vì sao bị tù. Người thứ nhất: “Ngày nào tôi cũng đi muộn 10 phút, họ bảo tôi phạm tội phá hoại”. Người thứ hai: “Ngày nào tôi cũng tới sớm 10 phút, họ bảo tôi là gián điệp”. Người thứ ba: “Ngày nào tôi cũng đến đúng giờ, họ bảo tôi có đồng hồ ngoại”.
Sau đây là 9 giải còn lại:
2) Trong một túp lều ở thảo nguyên có một ông lão đang hấp hối.
Có tiếng gõ cửa dồn dập
- Ai đấy? – ông lão hỏi.
- Thần chết, – có tiếng đáp.
- Lậy chúa tôi! – ông già nói – Cứ tưởng là KGB
3) Báo Sự Thật nói rằng tất cả thư từ gửi tới tòa soạn đều được tiếp nhận một cách trọng thị. Người gửi cần ghi rõ họ tên, địa chỉ của mình và của những người thân nhất trong gia đình.
4) Tại sao bao giờ KGB cũng đi thành nhóm 3 người? Trả lời: một người biết đọc, một người biết viết, người thứ ba có nhiệm vụ theo dõi hai tay có học đó.
5) Leonid Brejnev thăm chính thức Pháp. Người ta đưa ông thăm quan Paris. Ông được đưa đến Điện Élysée, nhưng cũng như mọi khi, mặt ông vẫn lạnh như tiền. Rồi người ta đưa ông đến viện bảo tàng Louvre, nhưng vẫn không ai thấy phản ứng gì. Rồi người ta đưa ông tới Khải hoàn môn, nhưng vẫn không thấy một tí biểu hiện nào trên nét mặt hết. Cuối cùng, đoàn xe đến tháp Eiffel. Brejnev vô cùng kinh ngạc. Ông ta quay sang những người dẫn đường Pháp và hỏi: “Này, ở Paris có đến 9 triệu người… Các vị chỉ cần một tháp canh thôi ư?”
6) Stalin quyết định vi hành quanh thành phố xem công nhân sống như thế nào, một lần ông ta bí mật ra khỏi Điện Cẩm Linh. Sau đó ông rẽ vào rạp chiếu bóng. Phim vừa hết thì quốc ca vang lên và trên màn ảnh xuất hiện hình Stalin. Tất cả đều đứng dậy và hát quốc ca, riêng Stalin vẫn tiếp tục ngồi, tỏ vẻ rất hài lòng. Rồi ông ta thấy một người ngồi phía sau ghé vào tai thì thầm: “Này đồng chí, tất cả chúng tôi đều cảm thấy như thế, nhưng hãy tin tôi đi, đứng dậy sẽ an toàn hơn rất nhiều”.
7) Một công dân Liên Xô tiết kiệm đủ tiền mua ô tô. Sau khi trả tiền, người ta nói với anh là ba năm nữa sẽ được nhận xe.
- Ba năm nữa lận! – Anh ta nói – Tháng mấy?
- Tháng tám.
- Tháng tám à? Ngày mấy?
- Ngày 2 tháng tám.
- Buổi sáng hay buổi chiều?
- Buổi chiều. Mà chuyện gì vậy?
- Buổi sáng sẽ có một thợ sửa ống nước đến nhà tôi.
8) Tại sao các cựu sĩ quan Stasi lại là những người lái taxi thông thạo nhất ở Berlin? Vì anh chỉ cần nói tên là họ đã biết anh sống ở đâu rồi.
9) Moskva những năm 1970. Mùa đông giá rét. Có tin đồn là ngày hôm sau cửa hàng bán thịt số 1 sẽ có thịt.
Ngay hôm đó trước cửa hàng đã có hàng chục ngàn người với áo khoác ấm, giày cao cổ, rượu và bàn cờ đứng thành hành dài.
Lúc 3 giờ chiều một người bán thịt đi ra và nói: “Thưa các đồng chí, Ban chấp hành trung ương vừa gọi xuống, thông báo rằng không đủ thịt bán cho tất cả mọi người vì vậy mà dân Do Thái nên về nhà”.
Dân Do Thái nhẫn nhục bước ra khỏi hàng. Những người khác tiếp tục đợi.
Lúc 7 giờ tối người bán thịt lại bước ra và nói: “Thưa các đồng chí, Ban chấp hành trung ương vừa gọi xuống, thông báo rằng hóa ra là không có thịt vì vậy mọi người nên về nhà”.
Đám đông tản ra, vừa đi họ vừa lầm bầm: “Bọn Do Thái khốn nạn lúc nào cũng gặp may!”.
10) Sĩ quan KGB vào công viên và trông thấy một ông già đang cầm cuốn sách. Người sĩ quan hỏi: “Ông già đang đọc gì đấy”. Ông già đáp: “Tôi đang tự học tiếng Ivrit”. “Ông học tiếng Ivrit làm gì? Thị thực đi Israel phải chờ mấy năm lận. Ông sẽ chết trước khi làm xong giấy tờ”. “Tôi học tiếng Ivrit để khi lên Thiên đàng tôi có thể nói chuyện với Abraham và Moïse. Trên Thiên đàng chỉ nói bằng tiếng Ivrit thôi”. “Thế nếu ông xuống địa ngục thì sao?” – Người sĩ quan hỏi. “Tiếng Nga thì tôi biết rồi” – ông già trả lời.
(Nguồn: Top Ten Communist Jokes, blog Pham Nguyên Trường)
*** BXVN: Mười phát ngôn ấn tượng nhất Việt Nam trong năm 2015 do Bauxite Việt Nam chọn
(1) Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam: “Thời đại Hồ Chí Minh là một thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam” (http://vov.vn/chinh-tri/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-ky-niem-sinh-nhat-bac-401809.vov).
(2) Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam: “Nếu để xảy ra đụng độ gì [ở Biển Đông] thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội Đảng được không?” (http://dantri.com.vn/chinh-tri/tong-bi-thu-cong-tac-nhan-su-dang-lam-bai-ban-nhung-con-rat-kho-khan-2015120812063397.htm)
(3) Phùng Quang Thanh, Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng: “Nếu mà mất Đảng, mất chế độ thì biển đảo cũng mất.” (http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20151022/dai-tuong-phung-quang-thanh-vn-khong-dung-lech-ve-nuoc-lon-nao/989572.html)
(4) Huỳnh Ngọc Sơn, Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội: “Không lẽ bây giờ bà con bảo là đánh nhau… Nhiều lần ta cũng nghĩ tới việc lấy lại nhưng trong lúc này chưa thể lấy lại được. Để đời con đời cháu chúng ta lấy lại. Trung Quốc bây giờ họ củng cố gần như là bất khả xâm phạm rồi” (http://phapluattp.vn/thoi-su/vi-sao-quoc-hoi-chua-ra-nghi-quyet-ve-bien-dong-565566.html
. Câu này sau đó bị tờ báo cắt bỏ vì quá “tế nhị” / trắng trợn)
(5) Đỗ Văn Đương, Đại biểu Quốc hội: “Quy định quyền im lặng là diễn biến hòa bình, chống lại nhân dân”. (http://phapluattp.vn/phap-luat/quy-dinh-quyen-im-lang-la-dien-bien-hoa-binh-chong-lai-nhan-dan-556493.html)
(6) Đỗ Văn Đương, Đại biểu Quốc hội: “Phạm nhân Việt Nam còn sướng hơn sinh viên thời xưa” (http://baophapluat.vn/trong-nuoc/pham-nhan-viet-nam-con-suong-hon-sinh-vien-thoi-xua-199777.html).
(7) Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại - công nghiệp Việt Nam: “Tư tưởng kinh tế của Bác Hồ là tư tưởng hàng đầu của nền kinh tế thị trường hiện đại, không hề thua kém kinh tế thị trường của Harvard hay các trường đại học nào khác!” (http://infonet.vn/90-nam-truoc-bac-ho-da-dinh-huong-nen-kinh-te-viet-nam-la-kinh-te-thi-truong-post172535.info)
.
(8) Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM: “Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc” (http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/269501/con-lanh-dao-lam-lanh-dao-la-hanh-phuc-cua-dan-toc.html)
(9) Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội: “Giá bảo hiểm y tế dù tăng cũng chỉ bằng 2-3 bữa nhậu”. (http://vtv.vn/su-kien-va-binh-luan/gia-bao-hiem-y-te-du-tang-cung-chi-bang-2-3-bua-nhau-20151219115015875.htm)
(10) Phạm Gia Yên, Chánh thanh tra Bộ Xây dựng: “Dự án chục tỷ, sai phạm một tỷ là tốt rồi” (http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/du-an-chuc-ty-sai-pham-mot-ty-la-tot-roi-3229270/)

(2) Bài từ Bạn bè:
(i) Huy Uyên: Em, mùa xuân gần kề .
Em còn lại tôi nụ cười buổi trước
tháng giêng về đọng lại niềm đau
vết thương xưa có còn được mất
dấu chôn tôi vĩnh-viển mắt môi sầu .
      Nhớ lắm mùa hoa dã-quỳ
      trên đòi tóc em chẻ gió
     tình-yêu người một giấc mơ thôi
     quay lại màu hoa vàng cháy đỏ .
Đã lâu lắm rồi từ độ
sân ga mình tôi tiễn người đi
ba mươi năm cứ ngỡ
cháy mãi trong tim một bóng hình người .
      Em hình như ở mãi trong tôi
      tháng giêng gây bao mùi nuối-tiếc
      còn những chiều ngồi lại sông trôi
      đò người thôi ai chèo đi mất .
Đã nhạt phai rồi tiếng hát
mùa quay về chầm chậm hiên xưa
thôi còn gì đâu được mất
bước ai qua cửa sổ thuở dại khờ .
      Có phải bên em xuân gần kề
      nghe bạc lòng từng câu nổi nhớ
      có phải tôi mãi lạc-khúc chia tay
      gom kĩ-niệm chất đầy từng góc phố .
Đèn nhà ai đêm xao xuyến thức
riêng tôi mãi đếm bước khuya buồn
tim người ngày nào giờ trôi mất
sầu có còn ở lại tới sang xuân ? (tháng 1-2016)
(ii) Hồ Chí Bửu: Giáng Sinh Xưa
Ta đi tìm nhau như nốt nhạc buồn
Ta đến với nhau bằng nốt nhạc đau
Buồn hay đau đều là cung trầm lắng
Noel nào – tay hai đứa đan nhau..
     Bài Silent Night còn vang đâu đó
     Váy em xanh- điểm thêm tuyết trắng ngần
     Hang Belem em chấp tay cầu nguyện
     Cho chuyện tình mình được nhận hồng ân
Chiến tranh nổ ra- em làm người xa xứ
Ta lăn mình vào một cuộc chiến chinh
Tình trôi dạt theo chân người lữ thứ
Chuyện nước non lớn hơn chuyện chúng mình.
      Ta vô lý giết nhau mà không hiểu
      Chỉ làm đom đóm cho một hào quang
      Ta bỏ súng- như một màn trình diễn
       Phủi sạch tay- thêm một chút điêu tàn.
Ta co rúm- không phải vì đêm lạnh
Chỉ hận cho mình không theo em ra đi
Để tình mình tan dần trong hiu quạnh
Mùa Noel- ta còn lại những gì ?
      Không xem lễ- ta muốn làm người ngoại đạo
     Ta mất em- như mất đạo đời mình
      Lang thang ngoài phố vui cuộc vui thiên hạ
      Thế cũng đủ rồi- một đêm Giáng Sinh !. (Giáng Sinh 2015)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét