LỜI TÁC GIẢ
TUYỀN LINH
Gần đây, tôi thấy Báo Giấy, Báo Điện Tử đề cập nhiều đến hình ảnh các Đấng Mày Râu thường rảo chợ càng ngày càng đông. Tôi không rõ đây là phong trào hay áp lực hoàn cảnh xã hội, nhưng có một điều chắc chắn từ các bạn tôi ( mọi nghành nghề ), thì là HOÀN CẢNH.
Vâng, hoàn cảnh. Bới sâu trong hoàn cảnh, ta lại thấy nhiều điều đáng nói, đáng buồn. Tôi viết bài thơ nầy chỉ là một khía cạnh nhỏ trong trăm nghìn khía cạnh cuộc sống của dân lao động ở mọi nghành nghề tại Việt Nam. Hy vọng các ông chồng thường hay đi chợ sẽ vui khi thấy có người hiểu được mình.
* TB. Tôi xin phép được gọi vui – Đạo Quân – vì tính cho đến bây giờ, ra chợ sẽ thấy đàn ông đi chợ quá đông.
* * * *
Đạo quân “ Ông Chồng “ (*)
Chúng tôi – đạo quân “ ông chồng “
Đường đường Nhà Gíao bềnh bồng chợ phiên
Ngủ đêm chưa đã cơn ghiền
Vội tung mền dậy đi liền một hơi
Ra đến chợ, mệt tơi bời
Mắt còn cay xé dám ngồi cà phê ?
Nhịn thèm để vội đi về
Cho kịp giờ dạy, lề mề được đâu !
Hết hàng cá, đến hàng rau
Chân đi miệng tính mặt cau “ mày ngài “
Đến trường Thầy Gíao như ai
Nhưng ra đến chợ đã lai hết rồi
Lai từ cách đứng cách ngồi
Cách ăn cách tính cách nào lợi hơn
Đồng tiền là giọt mồ hôi
Kiếp bán “ cháo phổi “, dưỡng bồi bao nhiêu ?
Lương đã ít, nếu tiêu nhiều
Đâm ra vỡ nợ thì phiêu cuộc đời
Thôi thì cứ việc cầm hơi
Chờ ngày trả hết nợ đời là xong
Âý chết ! tôi nói bông lông
Suýt nữa quên mất cải ngồng vợ giao
Một ít tương, một ít chao
Rau luộc chấm với thứ nào cũng ngon
Biết thích nghi để sống còn
Đồng lương Nhà Gíao như hòn bi lăn
Mới lãnh lương, chạy lăng xăng
Đến khi cuối tháng đổ ghèn con ngươi
Mặc ai chê, mặc ai cười
Đi chợ thế vợ là người đàn ông
Biết chung thủy, biết chung lòng
Vợ con ốm yếu tính đong làm gì ?
***
Hoan hô những đấng nam nhi !
Thường hay di chợ có gì “ quê “ đâu ?
Người vo gạo, kẻ lặt rau
Nữ, nam bình đẳng mới mau sánh bằng
Những nước tân tiến văn minh
Việt Nam ta cũng nhân quyền thua ai ?
Cái thói gia trưởng xa xưa
Bỏ đi, bỏ sọt…đừng xài Diễm ơi ! (**)
Tuyền Linh
2016
+ Nguồn hình: lấy từ internet
(*) Viết thay cho những ông chồng thường hay đi chợ
(**) câu nói đùa quen thuộc “ xưa rồi Diễm “
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét