14. NÊN CHĂNG: COI NGÀY CƯỚI GẢ, CẤT NHÀ…?
Kha Tiệm Ly
“Tậu trâu, tậu ruộng, tậu
nhà,
Cả ba việc ấy thật là khó thay!”
Ngoài ba chuyện “khó” đó, thì
“hôn nhân đại sự” có thể nói là chuyện còn “khó” hơn, trọng đại hơn. Mà đã là
việc trọng đại thì thông thường người ta phải đắn đo hơn thiệt, tính trước tính
sau mới đưa ra quyết định cuối cùng. Sau khi quyết định (mua hay gả cưới),
người ta cũng không dám bắt tay làm liền mà còn phải… coi ngày xem tốt xấu,
hung kiết ra sao mới dám thực hiện!
Có thể nói, không có việc mua
tài sản có giá trị nào mà người ta lại không chọn ngày; vì thế trong các ngày
“đại kị” mà họ thuộc nằm lòng là “mùng năm, mười bốn, hăm ba”, và những ngày
gọi là “sát chủ” hay “tam nương”, thì đừng mong họ “rớ” tới!
Với việc cất nhà, nếu muốn
sau khi cất nhà làm ăn được phát đạt, vợ chồng hòa thuận, người ta cũng phải
nhớ đến “thầy” đặt hướng nhà sao cho hợp với cung mạng mình; ngày động thổ,
ngày đặt cửa, hướng bếp,… thậm chí đến màu
sơn của ngôi nhà cũng phải theo phong thủy, không thể tùy tiện!
Với cưới gả, việc coi ngày
càng đặt nặng hơn: Không ai cưới vợ cho con mà không nhớ “thầy” coi ngày, thậm
chí còn coi hai ba “thầy” để chắc ăn! Nếu thầy “phán” hai tuổi “làm ăn lụn
bại”; “không sanh ly thì tử biệt”; hoặc “tuổi cô dâu “kị” với mẹ chồng”, hoặc
chỉ vì cô dâu tương lai… tuổi Dần thì
đám cưới khó mà thực hiện! Ngược lai, nếu “tuổi cô dâu sẽ làm cho nhà chồng
hưng thịnh”; “dễ nuôi con”; vượng phu ích tử”; “ở với nhau đến răng long đầu
bạc” thì bên đàn trai liền xúc tiến càng nhanh càng tốt!
Nhưng thực tế thế nào? Thực
tế cũng trả lời câu hỏi nầy.
Sai về cơ bản lý thuyết: Coi
ngày cất nhà, cưới gả, thì “thầy” luôn phải biết tuổi thân chủ. Từ tuổi thân
chủ, “thầy” sẽ biết cung mạng của họ; và
từ đó “thầy” căn cứ vào sách (Ngọc Hạp, Bát Trạch…) mà dễ dàng tìm được ngày
tốt, xấu, nên, kiêng… Nhưng trong chu kì thập nhị chi là Tí, Sửu, Dần, Mẹo,
Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi, và thập can là Giáp, Ất, Bính, Đinh,
Mậu, Kỉ, Canh, Tân, Nhâm, Quí. Can và chi hợp lại thành “năm”. Năm đầu tiên là
Giáp Tí (lấy hai can, chi đầu ghép lại), rồi năm kế là Ất Sửu, Bính Dần,
v..v.. và cứ sáu mươi năm thì sẽ trở lại
Giáp Tí. Một chu kì như vậy gọi là Lục Thập Hoa Giáp.
Như vậy, hễ cứ 60 mươi người, thì sẽ có một người tuổi
Giáp Tí (hay bất cứ tuổi nào khác). Tuổi giống nhau thì cung mạng cũng y nhau,
nhưng liệu sự rủi may, thành bại, của họ đều như nhau?
Sai về thực tế: Như đã nói
trên, mỗi người trước khi cất nhà, cười gả , họ đều coi ngày, và chỉ thực hiện
ý định của mình váo những ngày “tốt” mà thôi. Với nhà cửa, thì phải nhằm các
ngày Phước Sanh, Sanh Khí, Kiết Khánh, Giải Thành… tức là những ngày hưng
vượng, vợ chồng, con cái thuận hòa, “mạnh giỏi”, bình an.
Với cưới gả thì chọn các ngày
Lục Hạp, Lục Nghi, Thiên Phú, Thiên Quí…
tức là những ngày vợ chồng êm ấm, con cái dễ nuôi, giàu sang phú quí, và
nhất là cùng nhau ăn ở đến trọn đời.
Nếu quả đúng như sách thì
chúng ta không thấy các cảnh có người cất nhà xong chưa được năm thì bị lụn
bại, nhà có tang chế; hoặc sẽ không có cảnh vợ chồng ly dị khi mới ở với nhau vài năm, thậm chí
vài tháng!
Những người theo đạo Thiên
Chúa, họ không hề coi ngày, mà luôn chọn ngày chúa nhựt để cưới gả. Chẳng lẽ vì
vậy mà vợ chồng họ đều phải li tan?
Xưa kia, các bậc vua chúa
trước khi đăng quang, chọn hoàng hậu, xây cung điên, lăng tẩm, đi săn, và cả…
gội đầu! Nhất nhất mọi thứ đều được coi ngày tháng vô cùng thận trọng với những
vị quan tinh thông lí số, cốt sao ngôi báu sẽ được vĩnh cửu; bổn mạng vững
vàng, nhưng hỏi có ai cơ nghiệp được mãi mãi trường tồn?
Đó là những chứng minh cụ thể
nhất về hiệu quả của việc coi ngày!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét