Thứ Tư, 2 tháng 3, 2016

Ảnh Lê Hoàng

MẸ VÀ CA DAO
  
* Nhân mùa Vu Lan


Mẹ, xưa nay vẫn là đề tài được mọi người đề cập đến với lòng mến mộ sâu sắc. Với Việt Nam ta,  dù vốn  chịu ảnh hưởng nặng nề văn hoá Trung Quốc, nhưng chữ hiếu lại được nhắc nhở nhiều hơn, phong phú ở Trung Quốc trong lãnh vực văn chương truyền khẩu.

Ở quốc gia nào  cũng vậy, hễ nói đến mẹ, là nói đến, sự hi sinh, chịu khổ cực chịu khó trăm bề để nuôi con khôn lớn. Người Trung Hoa có câu: “ Phụ hề sanh ngã, mẫu hề cúc ngã, ai ai phụ mẫu, sanh ngã cù lao”. Người Tây phương thì nói: “ Trên thế giới có nhiều kỳ quan, nhưng kỳ quan nhất là tái tim của người mẹ”. Việt Nam ta cũng không biết bao nhiêu văn từ sùng bái tấm lòng người mẹ, mà ca dao là một trong những kho tàng văn chương ca ngợi công đức người mẹ vô cùng vô tận:
                                         “Công cha như núi Thái Sơn,
                               Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”
          Công cha to như núi lớn, nghĩa mẹ như nước nguồn bất tận! Đó là lời dạy dỗ đầu tiên cho chúng ta khi còn chưa đến tuổi  đến trường, mà ai ai cũng thuộc nằm lòng!
          Bởi vậy khi lớn lên, khi có vợ có chồng, không ai lại không nhớ đến công ơn của mẹ hiền: “Ngồi buồn nhớ mẹ thuở xưa/Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương”. Bởi vậy, khi cha mẹ qua đời, người con mới thấm thía cho sự bật hạnh của mình: “Còn cha còn mẹ như tiên/Mất cha mất mẹ như chim lạc đàn” Với người con gái, chưa lúc nào rời mẹ, nhưng rồi một khi khăn gói theo chồng; cảm thương phận mình, rồi nhớ phận mẹ mẹ ngày xưa; niềm nhớ ấy càng tha thiết: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau/Trông vế quê mẹ ruột đau chín chiều”. Hay: “Chiều chiều chim vịt kêu chiều/Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau!”.
          Có lẽ khó kiếm những từ trừu tượng để diễn tả ý tình người mẹ, nên cần phải cụ thể hoá tấm lòng mẹ cho dễ hiểu: “Mẹ già như chuối ba hương/Như xôi nếp mật, như đường mía lau”
          Hy sinh cả cuộc đời cho con, nên thường xuyên vì giấc ngủ an lành của con mà mẹ phải thức suốt đêm là chuyện thường tình: “Gió mùa thu mẹ ra con ngủ/Năm canh chầy thức đủ năm canh”. Sự hy sinh của mẹ được khẳng định là một chân lý không chối cãi được: “Chim trời ai dễ đếm lông/Nuôi con ai dễ kể công tháng ngày”.
          Mẹ thường lo cho con từng miếng cơm manh áo; đến khi vì lý do gì đó mà người con phải xa mẹ, họ mới thấy thế nào là vất vả: “Gió đưa cây cửu lý hương/Giờ con xa mẹ thất thường bữa ăn”. Bởi vậy người con một lần nữa lại khẳng định công lao của mẹ như núi cao, là một chân lý bất di bất dịch, nhất là khi đã có con, cực khổ vì con mình: “Lên cao mới biết non cao/Nuôi con mới biết công lao mẫu từ”
          Trong sinh hoạt hằng ngày đâu đâu cũng có bàn tay mẹ, cho nên khi mẹ mât rồi, việc nhang khói ông bà cũng không người nhắc nhở: “Ngó lên nhang tắt đèn mờ/Mẫu thân mất sớm, bà thờ quạnh hiu”
          Nuôi con mới biết được công lao của cha mẹ; cho nên sự giáo dục con cái về chữ hiếu, luôn được nhắc nhở đến: “Công cha như núi ngất trời/Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển đông/Núi cao biển rộng mênh mông/Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi”.
          Hay đem sự quả báo trước mắt mà răn đe: “Con mà chẳng kể mẹ cha/chẳng vương hoạ nọ, cũng là tai kia”
          Không những dạy con cháu phải có hiếu với cha mẹ; mà cả người yêu, vợ chồng cũng thường khuyên bảo, dặn dò  nhau: “Anh đi cách trở sơn hà/Bậu coi cửa nhà, kính mẹ , dạy con”. Nếu chẳng may gặp ông chồng lêu lổng, thì người vợ, người yêu, không ngại ngùng gì mà không oán trách: “Mẹ già đầu bạc như bông/Sao anh không phụng dưỡng, mà rong chơi hoái!”
          Cũng không tiếc lời mỉa mai cho những người con xem việc nuôi cha mẹ, như là một ân huệ ban cho đấng sanh thành: “Mẹ nuôi con biển hồ lai láng/Con nuôi mẹ thì tính tháng tính ngày”. Nhưng may mắn thay!, đại đa số người Việt ta đều xem chữ hiếu là trọng: “Mẹ già ở túp lều tranh/Sớm thăn tối viếng mới dàmh dạ con”. Cũng chưa đủ, những người con có hiếu nầy đêm đêm còn cầu nguyện cho mẹ cha khoẻ  mạnh , sống lâu với con cái: “Mỗi đêm thắp ngọn đèn trời/Cầu cho cha mẹ sống đời với con”
          Với miếng ăn, người con có hiếu cũng cẩn thận, lọc lừa sao cho mềm, cho ngon, vì mẹ đã già yếu, răng mẹ không còn chắc cứng   như xưa: “Đói lòng ăn trái chà là/Để com nuôi mẹ, mẹ già yếu răng”. Hoặc là: “Tôm càng lột vỏ, bỏ đuôi/Giã gạo cho trắng mà nuôi mẹ già”. Và cảm động làm sao, khi mà: “Đói lòng ăn cháo khoai môn/Để cơm nuôi mẹ cho tròn hiếu trung”.
          Rồi nghĩ mà giận cho ai, khi cha mẹ còn sống chẳng chịu phụng dưởng; đến khi cha mẹ chết, lại bày biện cúng tế linh đình hầu phời bày cái “hiếu” giả tạo của mình:“Sống thì cơm chằng cho ăn,Chết thì xôi thịt làm văn tế ruồi”

          Văn chương ca ngợi mẹ là cả kho tàng vô tận. Bài nầy chỉ là hạt bụi nước trong hàng vô số nước trong đại dương bao la nói về mẹ hiền. Nhưng cũng kỳ vọng làm mát lòng những ai đã tôn thờ mẹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét