Thứ Tư, 2 tháng 3, 2016

Bài 2: Hành tung bí ẩn của một vị sư
LỮ GIANG [ do văn hữ Viễn Cận chuyển ]



 Trong bài trước chúng tôi đã trình bày qua lý lịch của Hoà Thượng Thích Minh Châu, Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh, với nhiều bí ẩn về gia tộc, vợ con và con đường hoạt động chính trị của ông. Chúng tôi sẽ nói rõ hơn con đường dẫn ông đến với Đảng Cộng Sản, chuyện ông xuất gia để phục vụ Đảng, áp lực đưa ông về ngồi chổm chệ giữa Sài Gòn, “tiền đồn chống cộng ở Đông Nam Á”, hoạt động của Việt Cộng trong Viện Đại Học Vạn Hạnh, sự lộ diện của ông ngày 30.4.1975, chuyện ông gặp lại vợ con, chuyện ông đưa GHPGVNTN vào cửa tử và “những ngày vinh quang” của ông. Đây là những chuyện rất ly kỳ.

CÂU HỎI THỨ NHẤT
Một câu hỏi được đặt ra là Pháp biết Hoà Thượng Thích Trí Độ, Giám Đốc Trường An Nam Phật Học, đã vào Đảng Cộng Sản năm 1941, Đinh Văn Nam (tức Thích Minh Châu) và Võ Đình Cường năm 1943, tại sao họ không bắt?
Như chúng tôi đã chứng minh trong cuốn “Những bí ẩn đàng sau cuộc thánh chiến tại Việt Nam” xuất bản năm 1994, vào thập niên 1930, Toàn Quyền Pasquier đã đưa ra chủ trương thành lập các phong trào thể thao và “Phong Trào Chấn Hưng Phật Giáo” để vô hiệu hóa các cuộc nổi dậy chống Pháp. Nhiều viên chức cao cấp đã được Pháp giao cho thực hiện công tác này như Trần Nguyên Chấn ở Nam kỳ, Lê Đình Thám ở Trung kỳ và Lê Dư ở Bắc kỳ. Ngoài ba nhân vật chính này, còn rất nhiều viên chức khác tham gia như Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Nguyễn Đỗ Mục, Dương Bá Trạc... Thiền sư Nhất Hạnh và nhiều nhân vật Phật Giáo đã công nhận đây là thời kỳ cực thịnh của Phật Giáo Việt Nam. Biết rõ chủ trương của Pháp, Đảng Cộng Sản Đông Dương cũng dựa vào Phật Giáo để xây dựng các cơ sở Đảng.
Sở dĩ mật thám Pháp biết Hòa Thượng Trí Độ, Đinh Văn Nam và Võ Đình Cường vào Đảng Cộng Sản nhưng không bắt vì lúc đó Pháp muốn dùng lực lượng của Cộng Sản để chống Nhật. Nhiều cán bộ cao cấp của Cộng Sản bị bắt đã được thả ra.
Chúng tôi xin nhắc lại rằng năm 1944, Hoa Kỳ đã phối hợp với Pháp và chính phủ Tưởng Giới Thạch, thành lập một toán do Hồ Chí Minh lãnh đạo, đưa từ Liễu Châu về Pác Bó. Toán này được huấn luyện và trang bị vũ khí để chống Nhật. Nhờ vậy, khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, Việt Minh đã cướp được chính quyền ở Hà Nội vào tháng 8 năm 1945.
CÂU HỎI THỨ HAI
Bác sĩ Lê Đình Thám, Hội Trưởng Hội An Nam Phật Học, người dẫn dắt Đinh Văn Nam và Võ Đình Cường, đã vào Đảng năm nào mà sau khi Việt Minh cướp chính quyền, ông được cử làm Chủ Tịch Ủy Ban Hành Chánh Kháng Chiến Miền Nam Trung Bộ ở Liên Khu V từ 1946 đến 1949?
Quả thật, Bác sĩ Lê Đình Thám đã giấu tông tích của ông rất kỷ, ông lại là người được Pháp giao nhiệm vụ “Phật giáo hóa” tại Trung kỳ, nên mật thám Pháp không nghi ngờ gì về ông. Dĩ nhiên, ông phải là đảng viên cao cấp mới được Đảng Cộng Sản cho giữ một chức vụ quan trọng như vậy. Lần theo những bước chân của ông, chúng ta có thể tìm ra con đường Thích Minh Châu đã gia nhập vào Đảng Cộng Sản.
CON ĐƯỜNG THÍCH MINH CHÂU ĐI
Bác sĩ Lê Đình Thám sinh năm 1897 tại Quảng Nam, tốt nghiệp Trường Cao Đẳng Y Khoa Đông Dương Hà Nội năm 1916. Năm 1932, ông thành lập Hội An Nam Phật Học tại Huế, trụ sở đặt tại chùa Trúc Lâm. Bên ngoài ông thuyết giảng và truyền bá Phật Giáo, nhưng bên trong hoạt động cho Cộng Sản.
Đinh Văn Nam (Thích Minh Châu) và Võ Đình Cường là hai “đệ tử ruột” của Bác sĩ Lê Đình Thám, nên thầy đi đâu, trò theo đó. Trang nhà Đạo Phật Ngày Nay của báo trong nước đã nói rất rõ: Phong trào học Phật do Bác sĩ Lê Đình Thám tổ chức có "nhiều trí thức yêu nước" tham gia như: Ngô Điền, Phạm Hữu Bình, Võ Đình Cường… Đinh Văn Nam và em là Đinh Văn Vinh đến với phong trào học Phật từ năm 1936. Đinh Văn Nam đã đảm nhận chức vụ Chánh Thư Ký của Hội An Nam Phật Học. Kể từ đó, ông "gắn liền với Hội và là hạt nhân nòng cốt phát động phong trào yêu nước chống Pháp".
Năm 1940, Bác sĩ Thám cho thành lập Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục do Phạm Hữu Bình làm đoàn trưởng, Đinh Văn Nam (tức Thích Minh Châu) làm đoàn phó, Ngô Điền làm thư ký. Trong các cán bộ của đoàn, người ta thấy có Đinh Văn Vinh và Võ Đình Cường.
Năm 1944, tại đồi Quảng Tế ở Huế, Bác sĩ Lê Đình Thám thành lập Gia Đình Phật Hóa Phổ. Người ta thấy Đinh Văn Nam và Võ Đình Cường trong đại hội này. Tổ chức này sau được biến thành Gia Đình Phật Tử do Võ Đình Cường lèo lái.
Tháng 10 năm 1945, Pháp trở lại Đông Dương, Việt Minh hô hào tiêu thổ kháng chiến và tản cư. Các tăng sĩ và cư sĩ Phật Giáo ở Huế cũng đi tản cư. Ngày 7.2.1947 Pháp chiếm lại Huế, đa số dân chúng, kể cả các tăng sĩ và cư sĩ Phật Giáo đều hồi cư. Một số tiếp tục hoạt động cho Việt Minh bị Pháp bắt, nhưng nhờ bà Từ Cung, mẹ của Bảo Đại can thiệp, Pháp đã thả ra, trong đó có Thượng Tọa Thích Đôn Hậu.
XUẤT GIA NĂM NÀO?
Tài liệu của báo nhà nước cho biết Đinh Văn Nam xuất gia năm 1946. Nhưng chúng tôi không tin. Lúc đó Huế đang có lệnh tản cư và tiêu thổ kháng chiến, mọi người đều lo tản cư. Bác sĩ Lê Đình Thám đi vào Quảng Nam và được cử làm Chủ Tịch Ủy Ban Hành Chánh Kháng Chiến Miền Nam Trung Bộ ở Liên Khu V. Không lẽ trong tình trạng hổn loạn đó, Đinh Văn Nam lại đi vào chùa?
Cuối năm 1947, Hội An Nam Phật Học hoạt động trở lại và đặt trụ sở tại số 1b đường Nguyễn Hoàng, Huế. Việt Minh đã giao cho Võ Đình Cường và Phan Cảnh Tú vận động tái lập Gia Đình Phật Hóa Phổ để làm cơ sở hoạt động của Việt Minh. Tổ chức này đã mượn trụ sở Hội An Nam Phật Học làm nơi sinh hoạt tạm thời. Ngày Chúa nhật 18.1.1948, Võ Đình Cường chính thức làm lễ ra mắt tổ chức Gia Đình Phật Hóa Phổ mới tại chùa Từ Đàm, người ta thấy có mặt của Đinh Văn Nam, Tống Hồ Cầm, Hoàng Thị Kim Cúc, Cao Chánh Hựu, Văn Đình Hy, v.v.
Một tài liệu khác cho biết Đinh Văn Nam xuất gia năm 1948. Tin này có vẽ hợp lý hơn, vì năm 1948 các chùa ở Huế mới hoạt động trở lại. Có lẽ Bác sĩ Lê Đình Thám đã phân công cho Võ Đình Cường hoạt động trong giới Phật tử, còn Đinh Văn Nam hoạt động trong giới tăng sĩ.
Lúc đó Đinh Văn Nam đã 30 tuổi, xin đầu sư với Hoà Thượng Thích Tịnh Khiết ở chùa Tường Vân. Năm 1949, Hoà Thượng Tịnh Khiết cho ông thọ “Cụ túc giới” tại giới đàn Hộ Quốc, chùa Bảo Quốc, với pháp tự là Minh Châu. “Cụ túc giới” là những giới luật mà hàng Tỳ kheo và Tỳ kheo ni phải thụ trì. Tỳ kheo là tên gọi những người xuất gia đã thọ giới Cụ túc.
Năm 1952, ông được cho đi Sri-Lanka học Pali rồi qua Ấn Độ học tại đại học Bihar và năm 1961 ông đậu Tiến Sĩ Phật Học. Cùng đi với ông có Nguyễn Đình Kỳ. Nguyễn Đình Kỳ chỉ lo tu học về Phật Giáo và đã chết ở Ấn Độ.
Nếu chuyện chỉ như thế, chẳng ai để ý làm gì!
ĐƯA CỘNG SẢN VÀO SÀIGÒN!
Câu chuyện đã đổ bể khi Viện Hoá Đạo của GHPGVNTN đề nghị với chính phủ Nguyễn Khánh cho ông về làm Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh của Phật Giáo.
Người đàn bà Việt Nam theo văn hóa của Tàu, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Còn Kinh Phổ Diệu của Đạo Phật nói “Xuất gia tứ nguyện”. Xuất gia là rời bỏ gia đình, rời bỏ cảnh giới thế tục để tu tịnh hạnh. Tứ nguyện là 4 nguyện của người xuất gia: (1) Nguyện tế độ chúng sinh khỏi nguy khốn tai ách. (2) Nguyện trừ hoặc chướng cho chúng sinh. (3) Nguyện đoạn trừ tà kiến giúp chúng sinh. (4) Nguyện độ chúng sinh khỏi vòng khổ ải. Nhưng Hòa Thượng Minh Châu xuất gia không phải để thực hiện những điều kinh Phật dạy, mà thực hiện những điều Đảng dạy!
Năm 1964, khi GHPGVNTN mới được thành lập, Viện Hoá Đạo của Giáo Hội này đã viết văn thư xin chính phủ Nguyễn Khánh cho Thượng Tọa Thích Minh Châu ở Ấn Độ được về làm Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh sắp được thành lập. Tướng Nguyễn Khánh yêu cầu cơ quan an ninh sưu tra lý lịch.
Cơ quan an ninh đã sưu tra hồ sơ và tìm thấy Đinh Văn Nam và Võ Đình Cường đã vào Đảng Cộng Sản năm 1943. Đinh Văn Nam có vợ và hai con đang ở miền Bắc.
Cơ quan an ninh liền liên lạc với Tòa Đại Diện VNCH ở Ấn Độ và xin cho biết trong thời gian ở Ấn Độ, Thích Minh Châu đã sinh hoạt như thế nào. Toà Đại Diện cho biết trong thời gian ở Ấn Độ, Thích Minh Châu đã hoạt động cho Hà Nội. Tòa Đại Diện đã cung cấp nhiều bằng chứng về sự kiện này. Chúng tôi chỉ nhớ hai bằng chứng chính:
Bằng chứng thứ nhất: Năm 1952, Trung Quốc đã mở Hội Nghị Hòa Bình Châu Á và Thái Bình Dương ở Bắc Kinh. Đảng Cộng Sản Việt Nam đã gởi một phái đoàn tới tham dự. Phái đoàn do Luật sư Nguyễn Mạnh Tường làm trưởng đoàn. Thích Minh Châu từ Ấn Độ đã lén qua Bắc Kinh tham gia phái đoàn. Sau hội nghị, phái đoàn đã đưa ra một bản tuyên bố trong đó có đoạn như sau: “Nhân dân thế giới đều đồng tình, đòi quân đội ngoại quốc xâm lược phải rút ra khỏi 3 nước Việt, Miên, Lào, 3 nước Việt, Miên, Lào độc lập hoàn toàn và thực sự.”
Bằng chứng thứ hai: Ngày 10.2.1958 Hồ Chính Minh qua Ấn Độ vận động thống nhất Việt Nam, đòi tổng tuyển cử. Công việc tiếp đón đều do Thích Minh Châu phụ trách. Hà Nội có cho ông Nguyễn Di Niên đi theo làm thông dịch. Nhưng khi đến Ấn Độ, Thích Minh Châu là thông dịch viên chính của Hồ Chí Minh. Toà Đại Diện có gởi về một tấm hình Thích Minh Châu chụp chung với Hồ Chí Minh tại Red Fort ở thủ đô Delhi, trong một cuộc mít-tinh do Thích Minh Châu tổ chức..
Tướng Nguyễn Khánh đã thông báo các tài liệu này cho Viện Hóa Đạo biết và nói rằng chính phủ rất tiếc không thể cho Thích Minh Châu trở về Việt Nam được, vì ông đang hoạt động cho Việt Cộng ở Ấn Độ.
Vốn tự coi mình là một tổ chức quyền lực tối cao, sống trên và ngoài luật pháp quốc gia, GHPGVNTN liền gởi cho Tướng Nguyễn Khánh một văn thư nói rằng ngoài Thích Minh Châu ra, hiện tại không tăng sĩ Phật Giáo nào có đủ khả năng làm Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh, vậy xin cứ để cho Thích Minh Châu về, Giáo Hội bảo đảm sẽ không cho Thích Minh Châu hoạt động cho Việt Cộng nữa.
Thích Trí Quang còn đe doạ rằng nếu Tướng Nguyễn Khánh không đáp ứng nhu cầu chính đáng của Phật Giáo, Phật Giáo bị bắt buộc phải hành động. Trong báo cáo gởi cho các viên chức Hoa Kỳ ở Washington ngày 11.5.1964, Đại Sứ Cabot Lodge đã có nhận xét như sau:
“Đã lật đổ được một chính phủ, ông ta (Thích Trí Quang) nghĩ rằng có thể làm như thế để chống lại Khánh.”
(Having overthown one government, he may feel like trying again against Khanh.)
[FRUSS 1964 – 1968, Volum I, Vietnam 1964, tr. 304 – 305, Document 147].
Sợ Phật Giáo gây khó khăn, Tướng Khánh đã phê lên hồ sơ: “Cho về và theo dõi”. Ngày 13.11.1964, Viện Hoá Đạo GHVNTN đã ban hành Quyết Định số 156-VT/QĐ cử Thượng Tọa Thích Minh Châu làm Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh!
(Còn tiếp)



-- 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét