Hòa Thượng Thích Minh Châu, một nhà tu có hành tung bí ẩn và gây nhiều tranh luận, đã qua đời hôm 1.9.2012 tại Sài Gòn, hưởng thọ 94 tuổi.
Như chúng tôi đã nói trong bài 2, mặc dầu cơ quan an ninh có đầy đủ tài liệu chứng minh Thích Minh Châu, tức Đinh Văn Nam, là đảng viên Đảng Cộng Sản và đang hoạt động cho Cộng Sản ở Ấn Độ, Tướng Khánh vì bị áp lực của GHPGVNTN, đã phê lên hồ sơ: “
Cho về và theo dõi”.
Ngày 13.3.1964, GHPGVNTN quyết định dùng chùa Pháp Hội ở số 702/105 đường Phan Thanh Giản, Quận 10, Sài Gòn, làm Viện Cao Đẳng Phật Học và cử Thượng Tọa Thích Trí Thủ làm Viện Trưởng. Đây là cơ sở dự bị để tiến tới thành lập Viện Đại Học Vạn Hạnh.
CHUYỆN RẮC RỐI NỘI BỘ
Lúc đó có ba tăng sĩ có thể được chọn làm Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh, đó là Thượng Tọa Thích Thiên Ân, Thiền sư Nhất Hạnh và Thượng Toạ Thích Minh Châu. Như vậy không phải Phật Giáo Việt Nam lúc đó không có ai có thể làm Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh ngoài Thích Minh Châu như Viện Hóa Đạo đã nói với Tướng Nguyễn Khánh.
Chúng tôi đã nói về Thượng Tọa Thích Minh Châu, ở đây chúng tôi cũng xin nói qua về Thượng Tọa Thiên Ân và Thiền Sư Thích Nhất Hạnh để đọc giả có thể hiểu tại sao Thích Minh Châu đã được chọn.
1.- Vài nét về Thượng Tọa Thiên Ân
Thích Thiên Ân, thế danh là Đoàn Văn An, sinh năm 1925 tại làng An Truyền, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Ông đi tu từ lúc 10 tuổi (1935) và cùng thọ Cụ túc giới năm 1948 cùng một lượt với Thích Minh Châu ở tổ đình Báo Quốc do Hòa thượng Tịnh Khiết làm Đường đầu truyền giới. Ông đi du học Nhật Bản năm 1954 và đậu Tiến Sĩ Văn Chương năm 1960 rồi trở về nước.
Để chuẩn bị cho ông làm viện trưởng một viện đại học Phật giáo sắp được thành lập, các cao tăng đã khuyến khích ông “cần phải trau giồi thêm kinh nghiệm, phương pháp quản lý một đại học Phật giáo có tầm cỡ quốc tế”, vì thế năm 1961 ông lại xuất dương để tu nghiệp ở Nhật Bản và lần này ông tìm học pháp môn Thiền Rinzai (Lâm Tế) chính thống của các thiền sư Nhật Bản. Ông đã đạt được sở nguyện. Năm 1963 ông trở lại Việt Nam.
2.- Tung tích Thiền Sư Nhất Hạnh
Tung tích của Thiền Sư Nhất Hạnh cũng bí ẩn như tung tích của Thượng Tọa Minh Châu, nhưng qua nhiều cuộc sưu tra, chúng tôi biết được Thiền sư Nhất Hạnh có tên thật là Nguyễn Đình Bảo sinh ngày 11.10.1926 tại làng Thành Trung, xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên. Thân phụ là người gốc Thanh Hóa, mẹ người làng Lệ Lộc, quận Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Ông là con thứ trong một gia đình 5 con. Ông có người em là Nguyễn Đình An dạy học ở Nha Trang trước 1975.
Ông xuất gia năm 1942, lúc 16 tuổi, và thụ Cụ túc giới tại tổ đình Từ Hiếu với Hòa Thượng Thích Nhất Định. Khi đặt Pháp danh cho các tăng sĩ tu học tại đây, các vị chủ trì thường dùng chữ “Nhất” để làm chữ đệm. Có lẽ cũng vì thế, Nguyễn Đình Bảo đã được ban cho Pháp danh là Thích Nhất Hạnh.
Thích Nhất Hạnh theo học trung học ở Huế và năm 1956 đã vào Saigon theo học ở Đại Học Văn Khoa. Ông tốt nghiệp Cử Nhân Văn Khoa ở Sài Gòn vào khoảng năm 1959. Năm 1961 ông được chính phủ Ngô Đình Diệm cho đi học về môn tôn giáo đối chiếu (comparative religion) tại Princeton University ở New Jersey, Hoa Kỳ.
Sau khi chính phủ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, tình hình bắt đầu rối loạn, có nhiều sự tranh chấp đã xẩy ra trong nội bộ Phật Giáo về việc thiết lập và lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (xem Bạch Thư của Hòa Thượng Thích Tâm Châu). Để tạo thanh thế cho mình, chống lại phe Bắc và phe Nam, năm 1964 Thượng Tọa Thích Trí Quang đã đích thân viết cho Thiền sư Nhất Hạnh một lá thư yêu cầu Thiền sư trở về Việt Nam gấp để giúp ông trong việc thống nhất Phật Giáo và vạch một hướng đi cho Phật Giáo Việt Nam trong giai đoạn tới.
3.- Tranh chấp trong nội bộ
Một câu hỏi được đặt ra là tại miền Nam lúc đó có hai người đã được đào tạo để làm Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh, đó là Thượng Tọa Thích Thiên Ân và Thiền sư Nhất Hạnh, tại sao Viện Hóa Đạo không chọn một trong hai người này mà phải đòi cho được Thượng Tọa Minh Châu, mặc dầu biết rõ ông đang hoạt động cho Cộng Sản ở Ấn Độ?
Như đã nói trên, Thượng Tọa Thiên Ân và Thiền sư Nhất Hạnh đều là người Thừa Thiên. Hai tăng sĩ này chịu ảnh hưởng nặng của Thích Trí Quang. Thân phụ của Thích Thiên Ân là Thích Tiêu Diêu đã tự thiêu tại chùa Từ Đàm đêm 16.8.1963. Ông vùng chạy khi ngọn lửa đang bốc cháy. Còn Thiền sư Nhất Hạnh là đàn em của Thích Trí Quang, được đi du học Mỹ là nhờ Thích Trí Quang xin ông Ngô Đình Cẩn can thiệp giúp.
Mặc dầu được tu học ở Huế, Thích Minh Châu không chịu ảnh hưởng của Thích Trí Quang nên các tăng sĩ trong Viện Hoá Đạo muốn đưa Thích Minh Châu về làm Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh, chứ không muốn chọn một trong hai tăng sĩ chịu ảnh hưởng của Thích Trí Quang. Điều đáng ngạc nhiên là không hiểu vì lý do gì hoặc có sự can thiệp bí mật từ đâu, Thích Trí Quang cũng đã đồng ý chọn Thích Minh Châu.
Khi Thượng Tọa Thích Minh Châu từ Ấn Độ về nước, ông được cử làm Phó Viện trưởng Điều hành của Viện Cao Đẳng Phật Học, còn Thích Thiên Ân làm Giáo Thọ Trưởng.
Có lẽ buồn lòng về quyết định của Viện Hóa Đạo, Thích Thiên Ân và Thiền sư Nhất Hạnh đã chọn con đường bỏ nước ra đi.
Năm 1966, Thích Thiên Ân đi du học Mỹ rồi ở lại Mỹ, lập Trung tâm Thiền học Quốc tế và chùa Phật Giáo Việt Nam ở Los Angeles, và qua đời năm 1980 tại đây, thọ 75 tuổi.
Cũng trong năm 1966, Thiền sư Nhất Hạnh ra ngoại quốc kêu gọi chấm dứt chiến tranh, đòi quyền tự quyết và thành lập một chính phủ hòa giải hòa hợp. Ông làm phát ngôn viên cho Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang, đứng về phía Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và phe phản chiến ở Mỹ. Ông đem cả cô Fleurette Cao Ngọc Phượng, “Pháp danh” là Sư cô Chân Không, và đứa con trai qua ở luôn tại Pháp, lập Làng Hồng sau đổi thành Làng Mai. Lúc đầu Làng Mai do bà Elizabeth Bùi Kim Tiền, mẹ của cô Phượng đứng tên. Khi bà này qua đời, cô Phượng lên thay.
VIỆN ĐẠI HỌC VẠN HẠNH
Dược Sĩ Nguyễn Cao Thăng, Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị hãng OPV (Office Pharmaceutique du Vietnam), một hãng sản xuất và nhập cảng duợc phẩm, đã thoát nạn nhờ biết chạy chọt qua ngã nhà chùa. OPV là một công ty dược phẩm của người Pháp tại Sài Gòn, được ông Ngô Đình Cẩn giao cho Dược Sĩ Nguyễn Cao Thăng đứng tên sang lại vào khoảng năm 1956 khi Pháp rút ra khỏi Việt Nam, nên được dư luận coi là tổ chức kinh tài của Đảng Cần Lao.
Giới thạo tin tại Sài Gòn lúc đó đều biết người đứng ra làm trung gian thu xếp giữa OPV với các nhà lãnh đạo Phật Giáo và các tướng lãnh cầm quyền để Dược Sĩ Nguyễn Cao Thăng khỏi bị bắt và OPV khỏi bị tịch thu là bà Đào Thị Xuân Yến, nguyên hiệu trưởng trường trung học Đồng Khánh ở Huế. Bà là vợ ông Nguyễn Đình Chi, Tuần Phủ Hà Tĩnh, nên thường được gọi là bà Tuần Chi. Ông Nguyễn Đình Chi có họ hàng với của Nguyễn Cao Thăng. Bà Tuần Chi cũng là đệ tử ruột của Hoà Thượng Thích Đôn Hậu ở chùa Thiên Mụ. Trong vị thế đó, bà đã đứng ra “vận động” (lo lót) để chính quyền và Phật Giáo không đụng đến OPV. Sau vụ Tết Mậu Thân 1968, bà Tuần Chi đã theo Hòa Thượng Đôn Hậu đi ra Hà Nội.
Qua sự thu xếp của bà Tuần Chi, Nguyễn Cao Thăng đã tặng cho Phật Giáo một khu đất rộng khoảng 4000 m2 ở số 222 đường Trương Minh Giảng, Quận 3, Sài Gòn. Sở đất này lúc đó do bà Trương Ngọc Diệp, vợ của Nguyễn Cao Thăng đứng tên. Số tiền mặt “cúng dường” bao nhiêu không biết được. Viện Hóa Đạo quyết định dùng khu này để xây cất Viện Đại Học Vạn Hạnh.
Trong cuốn Bạch Thư đề ngày 31.12.1993, Hòa Thượng Thích Tâm Châu còn cho biết Tướng Nguyễn Khánh đã cho GHPGVNTN thuê tượng trưng một khu đất gần 5 mẫu ở đường Trần Quốc Toản để làm trụ sở chính của Giáo Hội và cúng 10 triệu đồng để làm chùa. Sau đó, Hòa Thượng có mượn thêm của chính phủ Nguyễn Cao Kỳ 50 triệu nữa và giao cho các Hoà Thượng Thiện Hòa, Thiện Hoa, Trí Thủ và Từ Nhơn để xây Việt Nam Quốc Tự, nhưng họ giữ tiền và không xây (tr. 22 và 23). Thật ra họ chỉ xây cái tháp!
Theo yêu cầu của Viện Hóa Đạo, ngày 17.10.1964, Bộ Quốc Gia Giáo Dục đã ban hành Nghị Định số 1805-NĐ/PG/NĐ hợp thức hóa Viện Cao Đẳng Phật Học. Viện này tạm đặt trụ sở tại Chùa Pháp Hội và Chùa Xá Lợi ở Sài Gòn. Ngày 13.11.1964, Viện Hóa Đạo ban hành Quyết Định số 156-VT/QĐ cử Thượng Tọa Thích Minh Châu làm Viện Trưởng thay thế Thượng Tọa Thích Trí Thủ.
Ngày 9.6.1965 là ngày lễ đặt viên đá đầu tiên xây cất Viện Đại Học Vạn Hạnh ở số 222 đường Trương Minh Giảng (nay là Lê Văn Sĩ). Cuối năm 1965 Viện Hóa Đạo xin phép đổi tên Viện Cao Đẳng Phật Học thành Viện Đại Học Vạn Hạnh và cử Thượng Tọa Thích Minh Châu là Viện Trưởng, Thượng Tọa Thích Mãn Giác làm Viện Phó.
Năm 1966, việc xây cất Viện Đại Học Vạn Hạnh hoàn tất, gồm tòa nhà chính với bốn tầng lầu. Đây là nơi đặt văn phòng làm việc của Viện Trưởng, văn phòng các Phân Khoa, văn phòng các nha sở, thư viện, câu lạc bộ, các giảng đường, phòng học của sinh viên... Năm 1970 Viện xây thêm Toà nhà B làm cơ sở cho Phân Khoa Giáo Dục. Năm 1972, Viện mua thêm bất động sản số 716 đường Võ Di Nguy (nay là Nguyễn Kiệm), Phú Nhuận, để làm cơ sở II.
THẦY SAO TRÒ VẬY
Khi Viện Đại Học Vạn Hạnh được khánh thành, các cơ quan tình báo của VNCH và CIA đã cài người vào để theo dõi các hành động của Thích Minh Châu. Họ có thể là sinh viên, nhân viên, giảng viên, v.v. Khi còn ở Việt Nam, tôi có đọc một tài liệu của một tổ chức phản chiến Mỹ tố cáo CIA đã huấn luyện và cài Đoàn Viết Hoạt và người anh của Thích Minh Châu là Đinh Văn Kinh vào Đại Học Vạn Hạnh để theo dõi. Khi qua Mỹ, tôi có viết thư cho tổ chức này xin tài liệu, nhưng họ không trả lời.
Quả thật Thích Minh Châu đã đi đúng con đường mà thầy của ông đã đi. Bác sĩ Lê Đình Thám khi được Pháp giao cho thành lập phong trào chấn hưng Phật Giáo ở Huế để trấn an các cuộc nổi dậy, ông đã đi học về đạo Phật, rồi rước Hòa Thượng Thích Trí Độ, một đảng viên Cộng Sản, từ Bình Định ra Huế lập Trường An Nam Phật Học để huấn luyện các tăng sĩ, còn ông lập Hội An Nam Phật Học. Bên ngoài, Thích Trí Độ và Bác Sĩ Lê Đình Thám giảng về Phật pháp rất nhiệt tình, nhưng bên trong lập các cơ sở đảng. Thích Minh Châu, Võ Đình Cường, Ngô Điền… đều được Lê Đình Thám chiêu dụ vào đảng. Mãi cho đến khi Việt Minh cướp chính quyền, người ta mới khám phá ra Thích Trí Độ và Lê Đình Thám là hai đảng viên cao cấp của Đảng Cộng Sản!
Biết mình bị theo dõi, trong thời gian làm Viện Trưởng, Thích Minh Minh Châu không hề có một hành động hay lời tuyên bố nào liên quan đến chính trị, kể cả việc ủng hộ các cuộc tranh đấu của Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang, mặc dầu ông là Vụ Trưởng Tổng Vụ Văn Hóa Giáo Dục của Giáo Hội này. Tuy nhiên, cơ quan an ninh đã khám phá ra một cán bộ của Thành Ủy Huế được Thích Trí Quang gởi vào nằm vùng ở đây, đó là Nguyễn Trực. Các cuộc xách động sinh viên Vạn Hạnh chống chính quyền đều do Nguyễn Trực thực hiện.
Hồ sơ của Nguyễn Trực có đầy đủ tại Ty Cảnh Sát Huế, nhưng có lệnh không được bắt, đợi đến khi Nguyễn Trực về Huế họp với Thành Ủy xong mới bắt. Cơ quan an ninh đã tra khảo và định đưa Nguyễn Trực đi giam ở Phú Quốc, nhưng Thích Trí Quang can thiệp, chính quyền lại ra lệnh thả ra. Nguyễn Trực và Võ Đình Cường là hai cán bộ được Thích Trí Quang bảo vệ rất chặt chẽ.
Đến ngày 30.4.1975, Thích Minh Châu và Nguyễn Trực mới công khai xuất đầu lộ diện. Câu chuyện này chúng tôi sẽ nói sau.
Lữ Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét