Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016

HOÀNG DŨNG
[Tiếp Theo]

Về lịch sử, cụ Vương quyết liệt bảo vệ một cái nhìn khách quan về các nhân vật bị các ông quan sử học của chế độ mới lên án. Cụ ca ngợi Nguyễn Tri Phương quả cảm chống giặc, mà cũng kính trọng Phan Thanh Giản yêu nước, sáng suốt. Cho nên, cụ không chịu được những ai vì thiên kiến chính trị mà cố kết tội cụ Phan: “Có một hôm nọ, xúm nhau tìm tội lỗi của quan Phan, từ sáng đến xế mà chưa ngã ngũ, tôi bực quá buộc lòng than khá lớn: “Chớ chi ông sanh ở Hà Nội thì không có chuyện”. Cả nhóm đứng dậy và giải tán, tôi đến nay còn ăn năn già không biết giữ lời.” (tr. 488)

Ở một chỗ khác, cụ phê phán việc hạ bệ tượng đồng Trương Vĩnh Ký: “[…] hình đồng của nhà tiền bối này, nguyên do tiền bá tánh Nam Kỳ góp trong cuộc lạc quyên để nhắc đời công lao người học rộng này, nay còn đâu? Và người đi sau có quyền gì hủy hoại lòng bái phục chơn thành của nhóm người đi trước? Nếu nay ta bày gương này, thì đừng trách đám đàn em sau này không đồng ý kiến với chúng ta.” (tr. 587) Nói thêm: Nguyễn Văn Trung (Trương Vĩnh Ký – Nhà văn hóa, nxb Hội Nhà văn, 1993, tr. 44) cho biết cháu Trương Vĩnh Ký là ông Trương Vĩnh Thạnh có được mời đến để thông báo lý do hạ bệ tượng Trương Vĩnh Ký: “Nhân dân không muốn duy trì những tàn tích cũ!”. Việc dựng tượng Trương Vĩnh Ký không phải là sáng kiến của chính quyền thực dân Pháp, mà là của những người yêu nước thuộc tổ chức Minh Tân do Trần Chánh Chiếu đứng đầu. Đó là một cuộc lạc quyên, nói đúng hơn là một cuộc vận động chính trị, rộng rãi trong mọi giới, từ nông thôn đến thành thị (xem Nguyễn Văn Trung, sách đã dẫn, tr. 41-44).
Về ngôn ngữ, cụ phản đối chủ trương thống nhất quá đà, đến mức muốn mọi người phải nói một “giọng của người đắc thắng chi nhất thời”: “Luận về mặt văn chương, muốn xưng là lịch duyệt thì phải lảu thông tiếng nói ba miền Bắc, Trung, Nam, tiếng ngoại quốc cũng cần tường lãm, tiếng xưa tiếng nay tiếng nói tiếng lái (nói lái) cũng cho rành mới đáng gọi là người Việt, chớ không phải bo bo biết có một của người đắc thắng chi nhất thời, mà gọi là “nói tiếng thống nhất” được. Nói có một giọng, dùng có một chữ duy nhất, tỷ dụ nói “thư” bỏ chữ thơ, nói “nhất”, không cho dùng chữ nhứt, vân vân, theo tôi, ấy là làm nghèo cho tiếng nói chớ không còn thống nhất nữa.” (tr. 479-480)
Nhưng cụ Vương không giới hạn cái nhìn phê phán của mình trong những vấn đề văn hóa. Về kinh tế, cụ bất bình về chính sách thủ tiêu “tư sản mại bản”: “Con cháu Lý Tài [tên một người Hoa – chỉ người Hoa nói chung] vẫn tiếp tục làm nghề trung gian ở giữa, phát tài to là nghề mại bản, quen gọi là “Mái chín” (compradore) cho đến ngày nay gán cho bản hiệu mới “tư sản mại bản” mà chịu trần ai khổ lụy, tán gia bại sản, gia vong, thân phải lưu vong, nhưng họ là người giàu nghị lực, miễn cho thân còn sống sẽ lo tạo lập cơ nghiệp mới trên đất mới khác.” (tr. 459)
Về chính trị, dường như cụ chê “trại cải tạo” là một chủ trương dối trá. Phân biệt phòng vàtrại, cụ dẫn Việt Nam máu lửa của Nghiêm Kế Tổ rằng “trong đẳng, sau khi bị treo giò, mất tín dụng người cán bộ nào được ở lại nằm lì nằm co một chỗ tại phòng tiếp tân của trung ương cơ quan mình thì gọi là “phòng’, anh nào vô phúc hơn, phải xách ba lô vào cải hối thất thì gọi là “trại”. Cả hai đều với mục đích trau giồi tư tưởng, lọc bỏ lỗi lầm cũ, nhưng ở “phòng” thì còn danh còn nghĩa, chứ đến “trại” thì đã là tù” (tr. 529. Nói thêm: Tự vị tiếng Việt miền Nam ghi nguồn là Việt Nam máu lửa trang 174, nhưng thực ra là các trang 172-173). Cần lưu ý Nghiêm Kế Tổ là một nhân vật lẫy lừng của Việt Nam Quốc dân đảng, cònViệt Nam máu lửa (nxb Mai Lĩnh, 1954) là cuốn sách chống cộng. Và có phải ngẫu nhiên không khi cụ Vương muốn minh định nghĩa của chữ trại, là “trại tù”, trong khi nhà nước luôn luôn nói đó chỉ là “trại cải tạo”?
Rộng hơn, cụ thẳng thắn nói rõ sau năm 1975, miền Nam mất hết tự do: “Được làm dân Việt, [...] từ 1975 mất hết luôn cả tự do [...].” (tr. 344)
Đây là một cuốn sách tra cứu, sắp xếp theo kiểu từ điển, cho nên ý kiến của tác giả chỉ ngắn gọn, rải rác và không hệ thống. Tuy nhiên, nếu chịu khó đọc kỹ, cũng có thể thấy phần nào quan điểm của cụ Vương. Việc cho in cuốn sách này có lẽ là do người canh cửa của nhà xuất bản Văn hóa sơ xuất, không ngờ tác giả lại cài những lời lẽ “không hợp thời” vào một cuốn sách có vẻ không có gì là chính trị, hơn là do họ có tư tưởng cởi mở.




Hoàng Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét