Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2017

Ảnh Tác Giả

ngồi lại bên cầu
thơ Nguyễn Minh Phúc


         tưởng niệm 1 năm ngày mất của thi sĩ Hoài Khanh
                                                          23/3/2016-23/3/2017
                            ...tôi ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng
                              nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu...
                                                                   Hoài Khanh

đêm rạch giá buồn tênh lần hội ngộ
trơ quán chiều tạt hiên nước mưa rơi
thương anh quá một chân cầu sóng vỗ
con sông đời lạc mấy nhánh chơi vơi



cũng qua hết một phận người chống chếnh
thả trôi tình về năm tháng phù du
rồi em lại ra đi như đã đến
dòng sông xưa nước cũng chảy xa mù...*

u uất những con đò chiều cô độc
gửi tàn phai cho ngàn sóng bạc đầu
phải vậy không hỡi thời gian xuẩn ngốc
mà bây giờ đau mãi tận ngàn sau ?

tôi ngồi đây chỗ ngồi xưa quán cũ
trôi giữa chiều ánh mắt buổi chia xa
cũng có thể chiều về không chỗ trú
trời không mưa sao tôi mắt lệ nhòa...

nguyễn minh phúc

* thơ Hoài Khanh






em làm đầy giấc mơ tôi
                                  gửi Kh.

từ vườn khuya những đêm giăng
tôi về ôm lấy mùa trăng vương sầu
nghe từ giấc mộng tàn phai
một con bướm lạ tạc hình hài đêm

và nghe từ mái tóc em
một dòng suối chảy dịu êm phận người
hình như môi mắt nói cười
có son phấn chạm phận người lắt lay

ô hay trong giấc mơ dài
tôi quên đi những đọa đày trần gian
hong khô dấu vết hoang tàn
từ môi em hé khẽ khàng mưa trôi

em làm đầy giấc mơ tôi
mùa xưa lên tiếng gọi mời tương tư
vin nhau cơn mộng hiền từ
tôi ngồi ôm cả thực hư đời mình...

nguyễn minh phúc



nhớ huế ngày mưa

mưa huế buồn như anh xa em
tiếng mưa rơi xa xót Trường Tiền
Đò qua Vỹ Dạ dừng Đập Đá
có nhớ một người vừa quen tên

mưa huế buồn như ta yêu nhau
nón nghiêng che kín mắt em sầu
nước sông Hương gợi tình chia cách
nên Huế buồn từng đêm rất sâu

mưa Huế cầm tay ai nhớ ai
mà sao lưu luyến mãi đêm dài
nghe gió buồn chiều qua Thiên Mụ
giấu một niềm riêng mưa nắng phai

mưa Huế chiều nay sương khói bay
tìm nhau trong từng tiếng thở dài
nghìn sau mưa Huế còn vang vọng
khẽ tiếng u hoài trong cõi nhau...

nguyễn minh phúc


Lâm Anh từ tiếng khóc đầu tiên đến hơi thở cuối cùng
                                                                                        Nguyễn Hoàng Dương

            Lâm Anh cất tiếng khóc chào đời bên giòng sông Trà Khúc  bốn mùa xanh trong và  trút hơi thở cuối cùng bên con sông Đồng Nai quanh năm nước đục. Bình minh của cuộc đời anh đã mọc lên từ Quảng Ngãi, nơi có núi Thiên Ấn uy nghiêm, có dòng sông Trà thơ mộng và hoàng hôn của đời anh đã chìm dần xuống thung lũng Cát Tiên , nơi có dòng sông Đồng Nai u tịch, có những di chỉ kỳ hoặc của vương quốc Phù Nam huyền thoại.Tưởng như Lâm Anh có đến hai quê hương. Hơn nửa cuộc đời phía trước , quê anh là Quảng Ngãi,gần nửa đời sau, với ba mươi năm gắn bó cùng Cát Tiên, nên rừng rú  rồi cũng trở thành quê quán.Trà Khúc nước trong, Đồng Nai nước đục, từ lâu rồi niềm trong nỗi đục kia đã hòa vào nhau làm một trong tâm hồn thơ rộng mở của Lâm Anh.Với Lâm Anh, đi cũng là về, về cũng như đi… Cát Tiên hay Quảng Ngãi nơi đâu cũng nặng nỗi ân tình . Vào một ngày mùa đông năm 1984, vùng đất hoang dã Cát Tiên đã đón bước chân của một thi sĩ tài hoa từ Quảng Ngãi tìm đến để rồi giờ đây sau ba mươi năm cũng vào một ngày mùa đông, núi rừng nơi đây buồn bã nhìn người thơ nhắm mắt xuôi tay.. Nấm mồ dưới chân núi Mồ Côi bên giòng sông Đồng Nai  tựa như cánh cửa cuối cùng nhẹ nhàng khép lại để không còn tiếng động nào của cuộc đời  quấy rầy  Lâm Anh an giấc ngàn thu…
               Từ tiếng khóc đầu tiên đến hơi thở cuối cùng,hơn bảy mươi năm làm người Lâm Anh đã trải qua biết bao nhiêu sầu đau, hoan lạc trần thế, đã lắm phen chìm nổi vui buồn theo dòng lịch sử quê hương, tất cả những trải nghiệm ấy đã được cô kết lại để làm nên một hồn thơ bi tráng.
               Lâm Anh sống vì thơ, sống nhờ thơ, sống cho thơ. Lâm Anh coi Thơ là Đạo, anh vắt kiệt hồn mình, gom nhặt cả  những hơi thở cuối đời để dâng hiến cho thơ, một sự tận hiến tưởng chừng như mê muội bởi Thơ đã mang đến cho anh những lần ân sủng, những phút nhiệm màu cứu anh qua bao phen khổ nạn. Mà dâng hiến cho thơ nghĩa là dâng hiến cho cuộc đời.

Thì dù ta có còn đôi cánh lá
Cũng vì người mà trổ hết mùa bông

            Thơ Lâm Anh đăng vào lòng người nhiều hơn đăng trên báo chí, thơ anh đi vào đời sống nhiều hơn đi lên diễn đàn. Anh không muôn vậy nhưng tự thân thơ anh tìm cách để tồn tại..Quê hương, Mẹ, Bằng Hữu, Tình Yêu và cả… Rượu… những chủ đề ấy xuyên suốt trong thơ Lâm Anh ..Chủ đề nào anh cũng có những bài thơ ấn tượng bởi phong cách rất riêng của mình Chỉ cần đọc  qua Quá Giang Thuyền Ngược (QGTN ), tập thơ duy nhất của anh được in trước khi qua đời, ắt sẽ nhận ngay ra điều đó.
             Thơ anh tràn đầy thi ảnh, có khi đẹp đến ngơ ngẩn cả hồn:

Vài sắc mây đưa chiều xuống núi
Em về chân lấm bụi hoàng hôn
Áo hoa nửa tấm vào ngỏ hẹp
Nửa tấm như mờ ở cuối thôn
                              Thôn Nữ -QGTN-tr 105

          Có khi buồn đến đau lòng xót dạ :

Em kiếm tìm chồng mang ruột chửa
Đêm sầu bên núi đẻ con non
                   Bài Thơ Sau Ngày Hòa Bình – QGTN- tr 112

           Sinh thời nhìn phong thái con người anh, ít ai tin rằng anh là người lận đận lao đao trong cuộc mưu sinh :

Đã từng ta đầu đường xó chợ
Đã từng ta vượt núi băng rừng
Đã từng ta ngẩng đầu cúi mặt
Đã từng ta không có mùa xuân…
                              Cá Bống Sông Trà- QGTN-tr 93

Đã lắm phen thảng thốt trước nỗi đọa đày cơm áo:

Đập vỡ ly không đào mồ chôn
Sớm mai ta ngỡ đã hoàng hôn
Hoàng hôn vụt chết trùm khoang mộ
Khoang mộ bùng lên bóng áo cơm….
                                   Ta Sẽ Về- QGTN-tr 119
Đọc thơ anh , rất xúc động khi bắt gặp hình ảnh của người mẹ:

Sinh từ rạ lớn từ rơm
Lấy chồng từ thuở bát cơm chưa đầy
Mẹ từ ngày ấy đến nay
Vẫn là rơm rạ hoài hoài mẹ ơi…
                        Mẹ Nghèo- QGTN- tr 48

Mẹ đã từng theo anh lên vùng kinh tế An Khê để chăm sóc đứa con cực khổ :

Mẹ lại còng lưng thêm gánh nặng
Lên rừng vá áo giúp cho con
Mũi kim như mũi đời tê điếng
Mẹ nhìn trời ngỡ chiếc áo quan…
                              Bài Thơ Sau Ngày Hòa Bình- QGTN-tr 112

Người mẹ quê ấy giờ đây đang nằm trên giường bệnh ở quê nhà, không hề hay biết đứa con của mình vừa nhắm mắt xuôi tay nơi đồng đất xứ người.

**

              Những năm đầu anh đến lập nghiệp ở Cát Tiên, tôi đã có cơ duyên  sống cùng anh giữa chốn núi rừng.  Đây là khoảng thời gian anh viết thi phẩm Đầu Hôm Sớm Mai. Trong đó có một số bài sau nầy anh chọn ra đưa vào Quá Giang Thuyền Ngược.Trong tập  nầy hầu hết là thơ tứ tuyệt.  Sau khi đọc thơ của Oma Khazam và Baba Takhi, qua bản dịch của Thái Bá Tân, anh bảo tôi : tôi thích lối viết như là hít là thở của hai nhà thơ Ba Tư nầy, tôi sẽ viết thử xem sao… Trong vòng mấy tháng tập thơ kể như hoàn thành.Và ở thi phẩm Đầu Hôm Sớm Mai, lần đầu tiên anh lấy bút hiệu Nguyễn Ba La.

Đầu hôm dẫn đến sớm mai
Một tên tội phạm làm sai ý trời
Em thay mặt Chúa giữa đời
Phạt tôi phải viết những lời vô duyên
Những lời dại dại điên điên
Những lời trong đục thánh hiền thả sông…
Những lời đỏ lá, vàng bông….

           Trên là đoạn đầu trong bài thơ anh viết thay cho lời đề tựa
           Cát Tiên ngày ấy còn hoang dã, ,khí hậu khắc nghiệt, đời sống thiếu thốn, khổ nhọc… tất cả đều được khắc họa trong thơ anh

Ấy là những ngày sớm mai leo núi
Chiều vượt rừng tối lội đầm ao
Kiếm ốc, kiếm măng, kiếm sò ,kiếm cá
Kiếm cuộc đời mình trong ruộng thấp nương cao
Anh diễn tả những trận mưa rừng rú;
Mưa như lộn ngược lên trời
Sợi nghiêng sợi ngã rối lời khóc than
Ta về đóng chặt cửa hang
Nghe mưa như chốn sa tràng loạn quân…

            Dòng sông Đồng Nai vốn đã âm u khi chảy qua thơ anh lại càng thêm huyền bí

Bên kia vọng bên nầy sông
Tiếng ai như vợ gọi chồng: mình ơi !…
Tự nhiên tôi muốn trả lời
Tự nhiên tôi muốn thả đời qua sông
Trong tập có những bài thơ lạ, chẳng hạn
Khi cuốc đất trên đồi bụng đói
Ta thèm cầm một quả núi trên tay
Cắn những miếng ngon lành thơm phức
Khi no rồi nằm ngủ tựa người say….

         Và lạ đến kỳ quặc, khi đọc Bát Nhã Tâm Kinh lại liên tưởng đến Kiều

Đọc Ba La Mật một hồi
Cớ sao ta bỗng đứng ngồi không yên
Giở Kiều ra kiếm Đạm Tiên
Thấy Ba La Mật nằm nghiêng bên Kiều

               Những hình ảnh đời thường thoáng qua, anh giữ lại rồi thổi hồn thơ mình vào:
Người xà ích dẫn xe về dặm cũ
Nỗi buồn vui dồn trong bước chân qua
Tiếng lóc cóc một âm đàn muôn thuở
Đến cuối đường trời đất vẫn bao la…

            Nỗi cô đơn những khi tỉnh giấc giữa đêm trường

Vỡ tan tiếng dế đầu canh
Mới hay ta ngủ trên cành đìu hiu
Tàn canh sao giống buổi chiều
Bay con bươm bướm buồn thiu qua hồn…

           Và nỗi nhớ quê nhà :

Sáng nay đứng ở đầu sân
Nhớ quê ta bỗng cởi trần ta ra…

             Tập Đầu Hôm Sớm Mai như  một cuốn nhật ký được viết bằng thơ, nơi ấy lưu giữ dấu chân lầm than của một quãng đời áo cơm mỏi mệt,cất giữ bóng nắng hồn mưa của những ngày tháng buồn vui giữa chốn núi rừng

**

             Lâm Anh có rất nhiều bạn bè, có người yêu thơ anh, có người thương cuộc đời anh, có kẻ thích con người anh. Đối với anh tôi là đứa em tinh thần.Anh lớn hơn tôi đúng hai giáp, anh tuổi Nhâm Ngọ, tôi tuổi Bính Ngọ. Chơi với anh đã ba mươi năm,khi gần gũi, lúc xa cách , nghe tin anh qua đời tôi cảm thấy trong lòng mình hiện ra một khoảng trống buồn bã …Những ngày nầy tâm trí tôi đầy ắp hình ảnh của anh.Tôi nhớ lại những ngày đầu gặp anh ở quê nhà Quảng Ngãi, lúc ấy tôi chưa tròn hai mươi tuổi. Nhớ những năm tháng sống cùng anh ở Cát Tiên, ăn cùng mâm,ngồi chung chiếu rượu, chia sẻ với anh nỗi niềm trong từng bài thơ anh viết hàng ngày… Nhớ những lần  anh từ Cát Tiên về Quảng Ngãi đến nhà tôi chơi, uống rượu đọc thơ, chuyên trò thâu đêm suốt sáng….
Lần cuối cùng tôi gặp anh là vào một buổi chiều muà đông ở Quảng Ngãi trong khoảng thời gian anh cùng vợ về thăm mẹ già bị đau nặng.Trong màu nắng vàng vọt nghiêng bên hiên nhà, tôi nhận ra trên khuôn mặt anh, sau  vẻ già nua hốc hác chìm khuất nỗi u buồn.Ngày anh trở lại Cát Tiên tôi không hay, đến nơi mấy hôm sau anh gọi điện về. Lúc ấy đã hơn 10h đêm. Tôi hỏi anh bao giờ thì về lại Quảng Ngãi bởi biết mẹ anh cũng đã yếu lắm rồi.Anh trả lời giọng buồn buồn xa vắng :                                                               

 Không biết bao giờ anh mới về được, chắc là lâu lắm…

             Lần nầy thì tôi có linh cảm chẳng lành. Và đó là lần nói chuyện cuối cùng của tôi và anh.
             Những năm tháng cuối đời anh luôn bị cái chết ám ảnh. Giờ còn gì nữa đâu,khép lại một đời người, dừng lại một đời thơ. Điều anh sợ hãi nhất là cái chết đã được giải thoát, điều anh quí nhất là thơ thì còn lại, còn mãi….



Quảng Ngãi 23h ngày 14/ 01/2014
Advertisements





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét