Thứ Ba, 28 tháng 3, 2017

PHẦN PHÊ BÌNH:
Thái Quốc Mưu


Trong bộ LÝ THƯỜNG KỆT. Phần Lý Thường Kiệt Đánh Tống:

Hoàng Xuân Hãn, viết: “Một nơi quan trọng thuộc trại Vĩnh Bình. Sách Lãnh Ngoại Đại Đáp chép: “Trại Vĩnh Bình kề Giao-chỉ, chỉ cách bằng một con sông mà thôi. Phía Bắc sông có trạm Giao-chỉ (ở đất Tống). Phía Nam sông có đình Nghi-hòa. Đều là chỗ để buôn bán trao đổi, do chúa trại Vĩnh Bình cai quản”.

Trong khi sách “Lãnh Ngoại Đại Đáp” Chư Khứ Phi chép như sau:


- “Ung châu Hữu giang Vĩnh Bình Trại dữ Giao Chỉ vi cảnh, cách nhất giản nhĩ! Kỳ Bắc hữu Giao Chỉ dịch, kỳ Nam hữu Tuyên Hòa đình, tựu vi bác dịch trường”. (Dịch: Trại Vĩnh Bình ở vùng sông Hữu giang, thuộc Ung châu, tiếp giới với Giao Chỉ, cách một khe suối thôi! Phía Bắc khe suối có trạm (tên gọi là) Giao Chỉ, phía Nam suối có đình Tuyên Hòa, là nơi buôn bán giao dịch).
(Tham khảo: Lãnh Ngoại Đại Đáp, Qu. V. Tài Kế môn. Ung châu Vĩnh Bình Trại bác dịch trường)

Hoàng Xuân Hãn đã sai lầm khi dịch đường ranh giới giữa Giao Chỉ và Trại Vĩnh Bình cách nhau “một con sông”. Trong khi, “Lãnh Ngoại Đại Đáp” của Chư Khứ Phi chép rõ là “một KHE suối”. Sông và Khe Suối hoàn toàn khác nhau. Giả sử, nếu Hoàng Xuân Hãn dịch “cách nhau một con suối cũng sai!” Vì Khe Suối chỉ là một nhánh nhỏ của một con suối. Cụm từ trong nguyên tác: “cách nhất giản nhĩ!” “Giản nhĩ = KHE SUỐI”.

Ở phần các địa danh:

Hoàng Xuân Hãn không biết, nghĩ sai, tách các địa danh ra sai. Trong nguyên tác
có 16 địa danh Hoàng Xuân Hãn tách thành 18 địa danh:

* 16 địa danh trong nguyên tác:

1. Điện / 2. Hạ Lôi / 3. Ôn / 4. Nhuận / 5. Anh / 6. Dao / 7. Vật Dương / 8. Vật Ác / 9. Kế / 10. Thành / 11. Cống / 12. Lục / 13. Tần / 14. Nhiệm động / 15. Cảnh Tư / 16. Hà Kỷ.

* 18 địa danh do Hoàng Xuân Hãn nghĩ sai và tách chữ sai:

1. Thượng- điện / 2. Hạ-lôi / 3. Ôn-nhuận / 4. Anh / 5. Dao / 6. Vật-dương / 7. Vật-ác / 8. Kế-thành / 9. Cống / 10. Lục / 11. Tần / 12. Nhậm / 13. Động / 14. Cảnh / 15. Tư / 16. Kỳ / 17. Kỷ / 18. Huyện.

Sau đây là những chỗ SAI của Hoàng Xuân Hãn, khi ông nghĩ sai, tách chữ sai, nên phân chia thêm hai địa danh:

1). Kế tức là Kế động: Ông Hoàng Xuân Hãn lại nhập chữ Kế với chữ Thành liền ở sau, để trở thành “Kế-thành”.

2). Nhiệm động: (Nhiệm cũng đọc âm Nhậm). Hoàng Xuân Hãn lại ngắt ra thành 2 địa danh là “Nhậm”“Động” mà không biết rằng chữ “động” ở đây chỉ là cấp số hành chánh đi liền với chữ “Nhiệm” (hay “Nhậm”). (“Động” ở đây giống như, Xã, Quận, Tỉnh... là cấp số hành chánh).

3). Cảnh Tư: Hoàng Xuân Hãn cũng ngắt ra thành 2 địa danh “Cảnh”“Tư”.

4)- Địa danh “Kỳ” trong nguyên tác không có.

5). Hà Kỷ huyện: Hoàng Xuân Hãn thiếu mất chữ “Hà”. Còn, chữ “huyện” đứng sau tên “Hà Kỷ” để chỉ cấp số hành chánh, ông lại tự tách chữ “Huyện” ra và cho nó thành một địa danh khác. (Hà Kỷ huyện, tức là huyện Hà Kỷ. Giống như Kinh Châu, tức là Châu kinh,...)

Trong câu “tiền hậu bị thủ thổ nhân bạn khứ, ủy thân qui minh”. Hoàng Xuân Hãn, dịch: “trước sau bị các tù trưởng làm loạn, rồi bỏ đi, mà đem vào quy thuận”.  Hoàng Xuân Hãn dịch câu nầy chẳng những sai, mà còn rất lủng củng, tối nghĩa, khó hiểu.

Chữ “BẠN” trong nguyên tác “tiền hậu bị thủ thổ nhân BẠN khứ, ủy thân qui minh”. BẠN trong câu nghĩa là “PHẢN BỘI”, Hoàng Xuân Hãn dịch là làm “LÀM LOẠN”. Sai!

LÀM LOẠN là tổ chức bộc phát quy tụ những kẻ cùng phe cánh, dấy lên gây rối trật tự, an ninh, đốt phá nhà cửa, cướp giựt đất đai, tài sản đồng bào,...

Còn PHẢN TẶC, PHẢN LOẠN, PHẢN BỘI là tổ chức quân sự hoặc hành chánh được chánh quyền giao cho điều khiển (hay cai trị) một địa phương, rồi đem lực lượng đó đánh lại lực lượng của chánh quyền (hay chủ cũ).

Những kẻ được Lý triều giao cho cai quản 2 động: (động) Vật Dương và (động) Vật Ác nổi dậy đánh Lý triều không thể gọi là LÀM LOẠN, mà là PHẢN TẶC, PHẢN LOẠN vì đã bỏ vua / bỏ chủ cũ để chạy theo giặc Tàu (Tống triều). “LÀM loạn” hoàn toàn khác xa với “PHẢN loạn”.

Trong câu: “Tuy thử đẳng đạn hoàn chi địa”. Hoàng Xuân Hãn dịch là: “Tuy đất ấy là nhỏ nhen”.

Hai chữ “ĐẠN HOÀN” trong nguyên tác, có nghĩa “viên đạn bắn ná”, dùng để ẩn dụ mảnh đất nhỏ. (hàm ý, cục đạn do ná bắn không thể đi xa, mảnh đất không đủ lớn, khi dùng ná bắn viên đạn sẽ vượt qua đất kẻ khác ở gần bên). Còn “đạn hoàn chi địa” nghĩa là “đất nhỏ, hoặc đất nhỏ hẹp”. Hoàng Xuân Hãn dịch: “Tuy đất ấy là nhỏ nhen”. Thật không hiểu nổi!

Trong tiếng Việt, hai tiếng “nhỏ nhen” là tính từ phi vật thể, thuộc khái niệm trừu tượng, chỉ dùng để chỉ những gì thuộc về tinh thần mà thôi, như nói “tâm địa nhỏ nhen” “tính tình nhỏ nhen”, “lòng dạ nhỏ nhen”, “sự việc nhỏ nhen”... không thể dùng để chỉ những gì thuộc vật chất, như đất đai, nhà cửa, vật dụng...

Chúng ta, không ai có thể nói “một căn nhà nhỏ nhen”, một “khu vườn nhỏ nhen”.

Trong “Từ điển Từ Nguyên” giảng 2 tiếng “THỦ THỔ” như sau:

- “Thủ thổ” là rút ngắn câu: “Thủ vệ cương thổ”. Trọn nghĩa là: “Giữ và bảo vệ lãnh thổ”.

- Thư Thuấn Điển: “Tuế nhị nguyệt, Đông tuần thủ”. Dịch: Kinh Thư, thiên Thuấn Điển: “Một năm 2 tháng, vua đi tuần tra ở phương Đông”.

Truyện: “Chư hầu vi thiên tử thủ thổ, cố xưng thủ”. Dịch: “Chư hầu là người giữ đất cho thiên tử, do đó gọi là thủ (thổ) = giữ đất (nước)”.

Theo Học giả Minh Di: Phần Truyện kể trên là của Khổng An Quốc (? - ?) thời Tây Hán (206 tr. Cn - 25 Cn).
 
- “Tần ký giải Hàn Đan vi nhi Triệu vương nhập triều, sử Triệu Thích ước sự ư Tần, cát lục huyện nhi cấu.” Dịch: “Sau khi Tần rút quân, không vây Thành Hàn Đan nữa, thì Triệu vương vào triều, liền sai Triệu Thích giao ước việc thần phục Tần, cắt 6 huyện cho Tần để giảng hòa.”

- Ngu Khanh vị Triệu vương viết: “Tần chi công vương dã quyện nhi qui hồ? vương dĩ kỳ lực thượng năng tiến, ái vương nhi phất công hồ? Dịch: “Ngu Khanh nói với Triệu vương: “Tần tới tấn công nhà vua có phải vì quân mệt mỏi mà rút về chăng? Nhà vua có cho rằng lực của Tần còn có thể tiếp tục tấn công, thế nhưng vì thương nhà vua mà không tấn công nữa hay không?”

- Ngu Khanh viết: “Tần dĩ kỳ lực công kỳ sở bất năng thủ, quyện nhi qui. Vương hựu dĩ kỳ lực chi sở bất năng thủ dĩ tống chi, thị trợ Tần tự công dã! Lai niên Tần phục công vương, vương vô cứu hĩ!” Dịch: “Ngu Khanh nói: Tần thấy lực của mình đánh chiếm cái không thể chiếm được, bởi lẽ đó, khi thấy quân mệt mỏi mà rút về, bây giờ nếu nhà vua nghĩ là quân lực của Tần không thể đánh chiếm được Thành của Triệu mà lại cắt đất nhượng cho Tần thì đây là nhà vua giúp Tần để tự đánh mình! Năm sau Tần lại tới tấn công nhà vua thì chừng đó nhà vua không cứu được mình nữa!”

- Vương viết: “Tần chi công ngã dã bất di dư lực hĩ, tất dĩ quyện nhi qui dã!” Dịch: Triệu vương nói, “Quân Tần đánh ta không còn sức nữa, đây chắc chắn vì mệt mỏi mà rút về!”

Câu: “Vương dĩ Ngu Khanh chi ngôn cáo Triệu Thích.” Dịch: “Triệu vương đem lời của Ngu Khanh nói với Triệu Thích.”

- Triệu Thích viết: “Thử đẳng đạn hoàn chi địa phất dữ, lệnh Tần lai niên phục công vương”. Dịch: Triệu Thích nói: “vùng đất nhỏ này mà không cho thì năm sau Tần lại tới tấn công nhà vua nữa.” / Sử Ký. Qu. LXXVI. Ngu Khanh truyện.

Còn, 2 chữ thử đẳng trong “Tuy THỬ ĐẲNG đạn hoàn chi địa”, để chỉ  địa danh của hai Động: (động) Vật Dương và (động) Vật Ác, Hoàng Xuân Hạn dịch, “Tuy ĐẤT ẤY là nhỏ nhen”, Hai chữ “Đất Ấy”Số Ít. Trong khi câu “Tuy THỬ ĐẲNG đạn hoàn chi địa”, nghĩa là để chỉ hai động Vật Dương và Vật Ác Số Nhiều, do đó phải dịch là: “Những vùng” đất ấy mới đúng!

* Phụ chú: Về tiếng “đạn hoàn chi địa”, tham khảo thêm: “Chiến Quốc Sách. Qu. XX. Triệu Sách 3. Tần công Triệu ư Trường Bình”.

- Nguyên tác: tru cầm tiếm nghịch”. Hoàng Xuân Hãn dịch là “đánh dẹp những kẻ chiếm lĩnh”.

Hai chữ “TRU CẦM” trên đây, nghĩa là “Tru = “giết”, Cầm = “bắt” (giữ), “giam” (giữ).

Chữ “TIẾM” nghĩa là “(vượt) quá phận, nghĩa là vượt quá vai trò trong nhiệm vụ được giao, tức là việc làm không đúng quy định, vượt ra ngoài trách nhiệm”. Chữ “NGHỊCH” nghĩa là “phản loạn, phản nghịch,...”.

Hoàng Xuân Hãn dịch “những kẻ chiếm lĩnh” thì không nói hết ý của nguyên tác, tức thiếu các ý “PHẢN NGHỊCH”“KHÔNG CHÁNH ĐÁNG”.

- Câu “tru cầm tiếm nghịch” phải dịch là: “Diệt trừ, bắt giữ những kẻ phản nghịch chiếm cứ đất đai không chính đáng”.

- Câu “Dự vào hàng thiên thần”. Trong nguyên tác không câu nào có ý nghĩa như Hoàng Xuân Hãn viết câu nầy. Người viết không rõ Hoàng Xuân Hãn lấy từ đâu viết ra?

Đối chiếu từng câu một so với nguyên tác, thì có vẻ như Hoàng Xuân Hãn đã dựa vào câu “khởi cảm bị số ư phiên viên” mà dịch (hay viết) ra.

Nếu dự đoán của chúng tôi đúng, thì Hoàng Xuân Hãn đã dịch sai!

Tiếng “bị số” (trong câu “khởi cảm BỊ SỐ ư phiên viên”) tức là “sung số”. Trong từ điển Từ Nguyên giải nghĩa 2 chữ “SUNG SỐ” như sau:

a. “Sung số”. Miễn cưỡng thấu số”.

b. “Sung số”. Miễn cưỡng gom lại cho đủ số”.

Nghĩa là “vùng đất ở giáp với ranh giới 2 nước”.

PHIÊN là hàng rào, VIÊN là bờ tường thấp. Rào, tường đây chính là hàng rào hay bức tường xây dựng dọc theo biên giới để làm ranh giới giữa hai nước - Trong bài, là để chỉ lằn ranh giới giữa 2 nước.

Ngoài ra, hai tiếng “phiên viên” còn dùng để chỉ quan chức trấn giữ biên cương bảo vệ đất nước. Chẳng hạn, Phiên tướng là tướng trấn giữ biên giới.

Trong nguyên tác: thâu sinh ư khoảnh khắc”. Hoàng Xuân Hãn dịch là “sống trong chốc lát.” - tức đã dịch thiếu mất chữ “THÂU”. THÂU có nghĩa là “trái đạo nghĩa”. Tiếng “thâu sinh” ở đây có nghĩa là “sống trái với đạo nghĩa”.

Chữ “THÂU” ở đây, còn có nghĩa là “trộm”, nên có người đã dịch là “sống trộm”. Sai!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét