[Tiếp Thao ]
NGUYỄN BÀNG
Sau khi cất lời chào bà nội tôi và gật đầu chào u con tôi, thầy tôi đặt cái ô đó lên tấm phản tối hôm qua tôi vừa đặt cái ô phần thưởng màu thiên thanh óng mượt rồi hỏi bà tôi:
- U có nhận ra đây là cái ô tây u đã mua cho con 20 năm về trước không?
Cả nhà tròn mắt trước câu hỏi ấy. Bà tôi cầm cái ô cũ nát đưa lên trước mắt, hết nhìn lại sờ nắn suốt từ tán ô đến khung ô và cái tay cầm bằng tre rồi nói với thầy tôi:
- U chịu không nhận ra đây lại là cái ô ngày trước u đã mua cho anh. Nếu đúng nó thì sao lại tang thương đến nông nỗi này?
- Vâng, U để con thưa chuyện.
Thầy tôi nói rồi chậm rãi kể:
- Mấy bữa nay trông coi phu lục lộ sửa con đường Miếu Cổ, con thường thấy một người đàn ông đã có tuổi đội cái ô này đến cạnh miếu để xem tướng số cho người qua lại. Con cũng không biết vì sao, khi nhìn thấy cái ô cũ nát của ông ta, trong đầu con lại bật lên một giọng nói thì thầm “Cái ô ngày xưa của anh đấy!”. Tò mò xem thực hư cái ảo thanh liêu trai ấy ra sao, con lại bên ông ta nhờ xem cho một quẻ về đường công danh rồi tìm cách làm quen và hỏi sao ông ta lại có cái ô cán tre kỳ dị vậy. Ông ta nói:
- Trước kia nó là cái ô đẹp và đắt tiền lắm đấy cậu ạ.
- Thế ông đã mua nó bao nhiêu tiền?
- Tôi không mua mà nó là của gán nợ cờ bạc cho thằng con trai tôi trị giá 10 đồng. Thằng thua bạc kia là con ông hiệu trưởng trường Phủ Đông hồi đó. Nó cùng thằng con tôi với mấy đứa con nhà khác hay tụ tập đánh bạc với nhau. Nghe nói, ông hiệu trưởng đã bị về vườn sớm mấy năm chỉ vì thằng con ấy bị bắt về tội tổ chức đánh bạc. Thằng con tôi đem cái ô về cho tôi, nó bảo:
- Thầy cầm lấy mà che mưa che nắng, con hầu như chỉ đi lại ngoài đường lúc đêm tối, đem nó theo thêm nặng chân tay.
Mới đầu tôi nâng niu gìn giữ cái ô này như một vật quý. Nhưng một hôm trên đường về nhà, tôi bị một con chó thả rông đuổi cắn. Tôi sợ cuống lên, vội cụp cái ô lại vụt lia lịa vào con chó. Nhưng con chó không trúng đòn vì cái ô của tôi chỉ toàn vụt xuống mặt đường làm gẫy vụn cái cán săt. Tiếc của, tôi kiếm thanh tre vót làm cái cán như thế này và từ đó chán, bạ đâu dựng vứt đó nên nó mới tã bẩn ra thế. Mà cậu ạ, cũng đã mười mấy năm trôi qua, người như tôi cũng đã ốm yếu mỏi mệt rồi, đồ vật như nó, có giữ gìn thì cũng tàn tạ như người vậy. Cái đáng quý nhất trong nhà là con cái thì tôi đã để nó theo chân bác thằng bần. Giờ nó cũng đã bị cho chân vào tù rồi vì tội đâm chém nhau trên chiếu bạc.
Một ý độc ác chợt lóe lên trong đầu con: Phải mua cái ô này để trả thù ông hiệu trưởng cũ bằng cách đem nó đến nhà ông ta cho ông ta nhìn lại nó tận mắt và nghe tận tai con nói lại những lời của ông thầy tướng để ông ta đau khổ và sẽ phải sống tủi nhục suốt những ngày còn lại của cuộc đời.
- Ông có muốn đổi cái ô này lâý chút tiền không?- Con nói với lão thầy tướng.
- Cậu đùa tôi làm gì, ai thèm đổi cái ô đánh không nổi con chó này?
- Thế tôi muốn đổi thì sao?
- Cậu lại đùa dai tôi rồi.
- Tôi không đùa mà nói thật lòng đấy vì tôi thấy ông đã đoán cho tôi một quẻ rất hay. Thế này nhé, tôi sẽ đưa ông số tiền đủ mua một cái ô lục soạn mới còn ông trao lại tôi cái ô cán tre kia để tôi làm kỷ niệm chờ ngày vận phát như ông đã đoán.
Lão thầy tướng sướng như mơ bắt được vàng. Nhưng khi đã cầm được trên tay cái ô này, trong lòng con bỗng tan hết ý nghĩ trả thù ông hiệu trưởng cũ vì con nhớ lại lời u thường nói: Oán trả oán, oán chồng chất. Con sẽ giữ nó làm một vật kỷ niệm mà thôi.
Ngay sau đó thầy tôi treo cái ô cán tre lên cột hiên trong hiên phía trước ngôi nhà gỗ ba gian hai chái để đi về đều nhìn thấy nó. Tôi cũng bắt chước, đem cái ô mới được thưởng tối hôm qua treo bên cạnh cái ô cán tre đó. Chị tôi hỏi:
- Thế em không đem ô đi học à?
Tôi đáp:
- Em không muốn ở trường nói mình khoe khoang sĩ diện và cũng muốn học lời bà đã nhắc nhở:
Giàu sang cũng chớ khoe ngông,
Miễn mình ấm phận chớ lòng khinh ai
&
Năm sau, tôi ra tỉnh trọ học lên Trung học. Gần đến Tết Trung thu, chị tôi nhắn ra, ông trung úy nhạc sĩ đồn trưởng đồn Cầu Đông lại tổ chức cuộc thi đơn ca lần thứ hai cho thiếu niên học sinh vào ngày Rằm tới, em có về xem để chị ra đón. Tôi muốn về lắm nhưng bài vở đầu năm học ngập mắt nên đành chịu, nhắn lại cho chị tôi, chị đi xem đi, có gì chị kể cho em nghe sau nhé.
Nhưng thật bất ngờ, sau đêm Rằm Trung thu, khi tôi đang chuẩn bị đi học sáng thì chị tôi xuất hiện ở nhà trọ, nghẹn ngào báo tin:
- Ông đồn trưởng chết rồi!
Tôi cuống lên hỏi vì sao thì chị tôi với đôi mắt ngấn lệ kể lại:
- Tối qua, khi cuộc thi hát vừa mới bắt đầu thì bỗng nghe tiếng lựu đạn nổ vang ném vào phía đồn bốt và rồi tiếng súng nổ ran từ trong đồn bắn trả ra. Ông nhạc sĩ đồn trưởng vội kêu gọi mọi người giải tán về nhà, vẫy tay gọi hai anh lính trong ban giám khảo rồi tức tốc chạy trước về đồn và bất ngờ bị trúng thương, tử vong ngay tại chỗ. Cuộc công đồn của liên quân du kích địa phương không thành, hai bên đều không có thương vong ngoài cái chết của ông đồn trưởng. Sáng nay lính trong đồn kháo nhau ngoài chợ, khi khiêng xác chỉ huy của họ vào đồn thấy túi áo ngực của ông ấy gài chiếc bút máy Parker, trong túi có một tờ giấy kẻ khuông nhạc đang viết dở một nhạc phẩm có tên là “Giấc Mơ Hòa Bình”.
Nước mắt tôi tuôn trào theo từng lời chị tôi kể và trong khoảng sáng nhỏ bé nhạt nhòa nước mắt ấy, tôi bỗng thấy hiện lên rõ từng nét hình ảnh ông trung úy nhạc sĩ đồn trưởng trong đêm thi hát Trung thu năm trước chìa bàn tay ấm áp ra cho tôi bắt rồi trao phần thưởng cho tôi. Tôi bảo với chị tôi:
- Ngày mai chị đem ra cho em cái ô màu thiên thanh và xin thầy cho em cả cái ô cán tre của thầy đem ra cùng nhé.
- Em định làm gì
- Em sẽ treo chúng bên bàn học để luôn nhìn thấy chúng. Cái ô cán tre của thầy thì chị biết rồi, nó sẽ nhắc em nhớ lời bà nội dạy. Còn cái ô màu thiên thanh, để em nhớ tới ông trung úy nhạc sĩ đồn trưởng tài hoa, yêu trẻ, yêu hòa bình, nguyện cầu cho ông ấy được mát lành nơi Chín Suối và hoàn thành bản nhạc “Giấc Mơ Hòa Bình” còn dang dở trên trần thế.
*
Sài Gòn 10 Tháng Trung Thu 2017
NGUYỄN BÀNG
Địa chỉ: Thành phố Sài Gòn
Email: bnguyen37@gmail.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét