HẠO NHIÊN NGUYỄ TẤN ÍCH
[ tiếp theo]
Sau buổi tiệc, tôi yêu cầu Tuyên hủy bỏ chuyến đi hưởng tuần trăng mật tại Đà Lạt mà chàng đã chuẩn bị sẵn. Tuyên tỏ thái độ giận dữ trước yêu cầu bất chợt của tôi. Chàng hỏi lý do và tôi không hề giấu giếm là cần về Sài Gòn để dự đám tang của Long và những buổi cầu siêu tại chùa. Không để cho Tuyên kịp phản ứng, tôi cấp tốc ra xe về vội Sài Gòn.
Mẹ Long đau đớn ôm tôi như ôm đứa con dâu mà bà từng hy vọng. Bà tự trách mình là đã báo tin ngày lễ cưới của tôi cho con trai bà.
Thi thể Long vẫn toàn vẹn. Chàng bị chết tức do tay lái ép vào ngực. Tôi hôn Long và đã để rơi những giọt nước mắt ân hận trên khuôn mặt trắng bệch của chàng. Long là đứa con trai duy nhất và là cột trụ của gia đình. Ba của Long đã chết từ lâu sau lần trượt ngã bị đứt mạch máu não. Long mất đi là để lại gánh nặng gia đình cho Thiệu Hưng. Cả mẹ Long và hai chị em Thiệu Hưng đều không biết tôi yêu Long chỉ là trò “mèo vờn chuột” để trả đũa Hưng đã theo đuổi Nghiêm.
Tôi không ngờ tình yêu đơn phương của Long như bóng ma vây bủa tôi. Từ sau ngày lễ tang hình ảnh Long cứ ám ảnh khiến tinh thần tôi mỗi ngày mỗi sa sút. Tuyên thì ghen với bóng ma của Long mặc dầu tôi đã giải thích và kể hết sự thực.
Ngày tháng qua, cái thai của tôi mỗi ngày mỗi lớn thì sự xa cách và lạnh nhạt của Tuyên càng ngày càng tăng. Tôi bỏ về nhà của ba má tôi lấy lý do chờ đợi ngày sanh.
Một hôm tôi ngồi nhổ tóc ngứa cho má tôi. Chợt có một vật gì đó tựa như bàn tay lạnh buốt vuốt từ tóc xuống đến sau ót tôi rồi ngưng lại ở đó. Hơi lạnh khác thường chuyền vào từng sợi thần kinh chạy dọc theo sống lưng khiến tôi rùng mình. Quay đầu nhìn ra sau, tôi chẳng thấy một ai. Lần khác, tôi ngồi đọc sách trên chiếc ghế trong phòng học của chú Út, cái bàn tay lạnh ấy lại vuốt từ sau gáy vòng quanh theo cổ. Tôi quay đầu thật nhanh để bắt gặp người nào trêu chọc mình nhưng phía sau chỉ là bức tường trống không. Chợt nghĩ đến hồn ma của Long vấn vít nợ tình còn vất vưởng đâu đây. Tôi nghe rợn tóc gáy, rồi vùng chạy xuống lầu kể chuyện nầy với ba má tôi. Ông bà cho rằng đó là cơn gió lồng, vì yếu sức nên tôi có cảm giác như thế.
Vào đêm rằm tháng bảy, tôi đang ngủ mà tai vẫn nghe văng vẳng tiếng mõ tụng kinh từ phía nhà Thiệu Hưng vọng qua. Bỗng những tiếng khua leng keng va vào nhau của tấm sáo màn cửa khiến tôi tỉnh giấc. Vừa mở mắt nhìn quanh phòng dưới ánh sáng lờ mờ, tôi chợt thấy một bóng người mặc áo quần trắng đứng nơi chân giường nhìn tôi đăm đăm, hai tay ôm lấy ngực. Thoạt đầu, tôi ngỡ là Tuyên, chồng tôi. Nhìn kỹ hơn là khuôn mặt trắng bệch của Long với ánh mắt đầy đau khổ. Sợ quá, tôi thét lên:
– Ba má ! Thằng… Long ! Cả nhà thức giấc ùa vào phòng. Hôm sau tôi đổi phòng mà bóng ma đó vẫn xuất hiện liên tiếp trong ba đêm liền. Cuối cùng, má tôi sắm hoa quả mang qua nhà mẹ Long để tôi đích thân vái trước bàn thờ Long xin chàng đừng về nhát tôi. Thật là linh nghiệm, hồn ma bóng quế của Long không còn xuất hiện sau những đêm đó nữa.
Ngày Rằm tháng Tám, trời Sài Gòn nóng bức vô cùng. Tôi đang ngồi chải tóc cho má tôi bên khung cửa sổ. Tự nhiên linh cảm báo cho biết có người đang nhìn tôi. Trực nhìn lên tôi hốt hoảng thấy một bóng người đứng chắn ngang khung cửa lớn. Ban đầu tôi tưởng thầy dạy học cùng trường với ba tôi đến thăm nhưng khi nhìn kỹ thì đúng là khuôn mặt của Long. Tôi kêu lên:
- “Má, thằng Long nó đứng ngoài cửa kia kìa!”. Má tôi vừa nhướng mắt nhìn thì bóng ma biến mất. Tôi sợ quá lên cơn sốt suốt một ngày. Ngày thứ hai cơn đau bụng nổi lên dữ dội, sau đó là chứng băng huyết xảy ra. Bác sĩ cho biết tôi bị hư thai.
oOo
Những ngày nằm dưỡng sức tại nhà ba má tôi hoàn toàn yên tĩnh. Nghe tin mất đứa con, Tuyên có đến thăm tôi nhưng tỏ ra bình thản. Phần tôi thì cảm thấy chán nản trước thái độ nghi ngờ của chồng. Nếu Tuyên ghen đúng đối tượng tình yêu của tôi là Nghiêm thì đó là nỗi vui ngầm. Đằng nầy chàng ghen với Long càng khiến tôi tức tối thêm. Do tình cảm bốc đồng và tính ương ngạnh của tôi khi nhận lời lấy Tuyên đã đưa đến một hậu quả không lường là tình vợ chồng không mặn nồng khắng khít, không nâng niu trân quý những giờ phút bên nhau.
Sau ngày tốt nghiệp Sĩ quan Hải quân, Chú Út về thăm gia đình trước khi trình diện đơn vị. Và rất bất ngờ Nghiêm được nghỉ phép thường niên đã từ đơn vị đóng quân tại miền Trung vào Sài gòn cũng ghé thăm. Lửa đạn nơi chiến trường và những tháng ngày hành quân dầm mưa dãi nắng trông chàng rắn rỏi phong sương hơn. Cầm tay tôi với gương mặt nghiêm nghị theo thói quen của cấp chỉ huy hỏi thăm binh sĩ dưới quyền, tôi nhìn Nghiêm phì cười, khiến chàng lung túng :
- Thế nào, cháu…
Tôi chận lại :
- Ô hay, Diệu Khoa đã có chồng con rồi mà vẫn còn cháu với bé nữa sao ?
Nghiêm đỏ mặt nín lặng, tôi tiếp :
- Cấm anh gọi Khoa bằng cháu nữa nhé. Hãy gọi là “Bà Tuyên” hoặc quá lắm có thể gọi bằng tên Diệu Khoa. Nghiêm đặt gói quà trên bàn trang điểm rồi siết chặt tay tôi hẹn tuần sau sẽ trở lại.
Ngày Nghiêm đến từ biệt ra đơn vị tôi đã mạnh dạn hôn chàng và để rơi những giọt nước mắt luyến thương.
oOo
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, gia đình tôi rất lo âu vì hoàn toàn mất tin tức của chú Út. Phần Tuyên, chúng tôi đã ly dị nên không chú ý cho lắm. Riêng Nghiêm là mối quan tâm hàng đầu và là niềm khắc khoải trong tôi. Thời gian khá lâu, ba má tôi mới nhận được tin của chú Út gởi về từ đảo Guam đồng thời tin cho biết vợ chồng Thiệu Hưng đi theo danh sách gia đình của nhân viên sứ quán Mỹ cũng đang tạm cư tại đó.
Một năm rồi hai năm trôi qua tôi đã cố công tìm kiếm mà chẳng được tin tức về Nghiêm. Đa số đơn vị Dù đã được điều động về Sài Gòn trước ngày mất miền Nam mà sao chẳng thấy bóng dáng chàng. Càng nghĩ đến Nghiêm lòng tôi càng đau xót. Nếu chàng có mệnh hệ nào thì… ! Tôi thực sự không dám nghĩ đến nỗi bất hạnh mất Nghiêm.
Một hôm, nhân viên bưu điện đến tận nhà trao giấy báo có thùng quà của chú Út. Trong lúc gia đình thiếu thốn mà được quà từ hải ngoại gởi về thì không có gì sung sướng hơn. Nhưng niềm hạnh phúc lớn lao bất ngờ đối với tôi là chú Út cho địa chỉ trại tù Nghiêm đang cải tạo. Tôi đọc thư mà nước mắt vui mừng chảy ràn rụa. Tôi yêu chàng, tình yêu đơn phương từ thuở thiếu thời cho đến bây giờ không hề phai nhạt. Tôi lập tức làm đơn xin phép địa phương đến trại tù thăm Nghiêm.
Sự hiện diện bất ngờ của tôi tại khu thăm nuôi, khiến Nghiêm bất chấp nội quy, bất chấp cả nòng súng của vệ binh coi tù, chàng chạy ào tới ôm chầm lấy tôi. Đứng yên trong vòng tay chàng, tôi ngước mắt nhìn lên khuôn mặt đầm đìa nước mắt của Nghiêm. Dòng lệ trôi dần xuống đôi gò má trũng sâu với màu da vàng vọt. Tôi đón nhận những giọt lệ rơi ào ạt xuống mặt tôi để nghe nước mắt mình chan hòa cùng với dòng lệ ấm có mang cả hương vị tình yêu của chàng.
Từ đó, theo quy định của trại tù, cứ ba tháng một lần tôi lại vượt suối băng đèo để được gặp mặt Nghiêm và chính chàng cũng khắc khoải chờ mong…
oOo
Cháu Diệu Khoa yêu quý,
Nhân lễ kỷ niệm 20 Năm Ngày cưới và 15 năm Định cư ở Hoa Kỳ của vợ chồng cháu, chú Út mạo muội viết lại chuyện nầy để làm quà tặng cho Nghiêm và Diệu Khoa. Mối duyên tình “gìn vàng giữ ngọc” của hai người như thế đấy. Tình yêu đơn phương như nhựa cây nuôi lớn dần cho đến khi ra hoa kết quả. Cháu Diệu Khoa đã sống thực với lòng, theo tiếng gọi trái tim mình cùng vươn lên với sức mạnh của tình yêu.
Đã một thời Nghiêm phong kín tâm tư trong vỏ bọc đạo mạo của người chú để Diệu Khoa phải trải qua một phần đời khổ lụy. Tình yêu ấp ủ không bày tỏ được như hạt cát gây thương tích trong ruột loài trai để rồi thời gian kết tụ thành hạt trân châu. Hạt ngọc tình của hai cháu mãi mãi lóng lánh kết thành chuỗi cho những đứa con yêu sau nầy.
Xin chúc mừng hạnh phúc của hai người.
Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét