Thứ Năm, 9 tháng 11, 2017

Chân Dung Nhà Văn Hạo Nhiên NGUYỄN TẤN ÍCH

NHẬT KÝ DIỆU KHOA
Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích




thieu_nu_trong_chieu_buong
Chỉ kém có năm tuổi mà gia đình bắt tôi phải gọi Nghiêm bằng chú. Ức thật. Cái lý do giản dị vì Nghiêm là bạn học của chú Út tôi.
Mỗi lần Nghiêm đến nhà chuyện trò với chú Út nơi bàn học là tôi không thể bỏ qua dịp lén nhìn cái khuôn mặt chữ điền, chiếc mũi cao to thể hiện một con người tự tin và đặc biệt là đôi mắt. Mắt gì mà đen lay láy nhìn ai như là cướp hồn người ta. Những lúc đó, ý nghĩ chợt đến với tôi là Nghiêm đâu có đáng giữ vai chú của mình. Mà cho dù là vai chú tạm coi như vậy đi thì cũng không cấm tôi yêu cái con người ấy.


Mối tình của tôi đối với Nghiêm hơi giống chuyện chú Đạt và cháu Diễm của Chu Tử nhưng đằng nầy tôi cũng đã 17 tuổi ta rồi. Lớp đệ tam chứ nhỏ nhít gì đâu mà hễ gặp tôi là anh ấy cứ cái giọng kẻ cả : “Chú Út có nhà không hả bé Diệu Khoa, chú Nghiêm vào gặp chú Út tí nhé !” Mỗi lần như thế tôi muốn hét to lên: “Dẹp cái chức “chú” của anh đi !”. Nhưng rồi đành xuống giọng đóng vai “cháu” rất ư là nền nếp : “Mời chú vào!”
Trong khi đó, Hoàng Thiệu Long, anh ruột của nhỏ bạn Thiệu Hưng lớn hơn tôi ba tuổi mà tôi vẫn kêu bằng tên, xem chừng anh chàng vừa ý lắm. Khi đến nhà Hưng mượn sách là Long niềm nở đón tiếp tôi với thái độ rất hòa đồng, chẳng hề hống hách kiểu “chú Nghiêm”. Biết tôi thích ăn trái trứng cá, Long kéo tôi ra sau vườn hái những trái chín mọng, thơm lừng bỏ vào chén nước rửa sạch, mời tôi rất lịch sự.
Tôi và Thiệu Hưng cùng thi đậu lớp đệ thất trường Gia Long. Từ đó, hai đứa tôi vừa là láng giềng vừa là bạn học. Ngày ngày đến trường, chúng tôi đi trên hai chiếc xe solex. Cũng cần nhấn mạnh ở đây cái điều lạ lùng là hễ tôi có cái gì thì Long sắm cho em gái mình thứ đó. Chẳng hạn, ba tôi mua cho tôi chiếc xe solex hồi đầu năm đệ Tứ thì hai tháng sau Hưng cũng có chiếc xe cùng loại. Tôi bỏ nón lá thay bằng chiếc mũ rộng vành màu hồng, chỉ một tuần lễ sau là Hưng có chiếc mũ cùng hiệu màu xanh nhạt. Bộ áo dài đồng phục màu trắng thường may bằng vải Pô-pơ-lin, Long lại may cho em gái mình loại vải Ka-tê mịn màng hơn. Nhìn chúng tôi, có người trầm trồ: “Nhà ai mà đẻ cặp song sinh đẹp như trăng rằm”.
Tình bạn của chúng tôi gắn bó suốt sáu năm dài từ lớp đệ Thất cho đến đệ Nhị. Hôm nay, đột ngột Hưng hỏi tôi :
- Nghe nói chú Nghiêm của bồ ra trường sẽ chọn binh chủng Nhảy Dù phải không ?
Tôi ngạc nhiên nhìn Hưng, nghĩ thầm : “Chú Út có bao giờ nói về Nghiêm với mình đâu, tin tức nầy làm sao con nhỏ biết. Tôi đâm nghi ngờ nên hỏi dò:
- Giỏi thật. Trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đà hay, ông ấy nói với bồ phải không ?
- Ừ, anh Nghiêm hỏi mình có thích không.
Bỗng tim tôi nhói đau, đầu choáng váng quay cuồng. Nhìn gương mặt tái mét, Long tưởng tôi trúng gió, liền nhảy từ trên cây trứng cá xuống đất. Hắn dìu tôi vào nhà rồi chạy đi lấy dầu Nhị Thiên Đường xoa trên trán, trên thái dương tôi. Như người mất hồn, tôi cứ để mặc cho anh ta phục vụ. Long rót ly trà nóng đưa tôi uống, bảo tôi ngậm gừng cho đỡ lạnh, tôi làm theo răm rắp. Chứng kiến cảnh đó, Hưng trố mắt nhìn tôi kinh ngạc, nhủ thầm: “Ngày thường con nhỏ nầy bướng bỉnh hết chỗ chê, sao hôm nay lại dễ bảo đến thế?”.
Tôi ra về mà câu trả lời của Hưng vẫn còn văng vẳng bên tai : “Ừ, anh Nghiêm hỏi mình có thích không”. Như vậy là hai người đã có tình ý với nhau rồi ! Cái tiếng “Anh Nghiêm”, con nhỏ Hưng gọi rất tự nhiên. Tại sao bắt tôi phải gọi “chú Nghiêm” một cách gắng gượng, khổ sở như thế? Chẳng lẽ cái từ “chú” rỗng tuếch lại trở thành bức tường kiên cố ngăn cản tình yêu. Tôi đinh ninh rằng trước sau rồi tôi cũng sẽ lật đổ cái “chức chú” vô nghĩa đó để đến với Nghiêm.
Con nhỏ Hưng ngỡ Nghiêm là chú bà con trong dòng họ nhà tôi nên không hề giữ ý tứ. Có lần, Hưng so sánh :
- Bồ có hai ông chú ở hai thái cực. Một ông như thiên thần, một ông tựa vua hạ giới. Tôi phát vào vai nó hỏi :
- Thế bồ chọn ông nào? Nếu thích làm Hoàng hậu vua hạ giới, tớ sẽ nói với chú Út rằng có nàng tiên tên Thiệu Hưng xin “đầu quân” làm “Hoàng hậu” của “Thánh thượng”.
Hưng đấm vào bụng tôi:
- Chẳng ai nỡ để “Thiên thần” chịu cảnh cô đơn đâu!
Tôi tức tối, trừng mắt nhìn nó, cảnh cáo:
- Đừng có ham, đã là Hoàng hậu thì chớ bao giờ đụng đến “Thiên thần”.
Một hôm, tôi và Nghiêm đứng ngoài hàng hiên chuyện trò, chợt Hưng đến nhà tôi mượn sách. Lúc ra về Hưng lên tiếng : “Chào anh Nghiêm em về”. Tôi nói lửng lơ :
- Thật lạ đời, nó cùng tuổi Diệu Khoa mà được gọi “người ta” bằng anh, thích thật. Chợt nhận ra câu nói của mình hớ hênh quá bèn vội vàng lên tiếng để khỏa lấp :
- Chú Nghiêm nhận xét thế nào giữa con nhỏ Thiệu Hưng và cháu?
Nghiêm nhìn tôi thoáng giây với ánh mắt nồng nàn trìu mến :
- Thiệu Hưng có duyên ngầm, thông minh nhưng không thể sánh được với nét đẹp rạng rỡ của Diệu Khoa. Cháu vừa có bản lĩnh vừa có cá tính mạnh mẽ.
Không khí đang ngọt ngào bỗng xen chữ “cháu” đắng ngắt khiến tôi chán nản bỏ vào nhà. Nghiêm nhìn theo tôi lắc đầu. Thật ra, anh ấy cũng chẳng lạ gì cái thái độ bất thường của tôi khi phải nghe tiếng “cháu” trơn tru từ miệng của Nghiêm. Tôi định hỏi: “Nếu được chọn người yêu một trong hai, chú chọn ai?” Nhưng không nén được cơn bực bội, tôi vụng về để mất cơ hội.
Tôi biết Long yêu tôi, một tình yêu thầm kín. Thiệu Hưng cứ nghĩ là tôi thích anh ruột nàng. Nhưng Long không phải là đối tượng cho tôi chú ý. Anh chàng có màu da trắng, môi đỏ thắm như con gái. Đậu xong tú tài, Long tham dự kỳ thi tuyển vào làm việc cho tòa đại sứ Hoa Kỳ. Không biết làm công việc gì nhưng được sang Mỹ sáu tháng rồi trở về, giờ thì hái ra tiền. Ngày sinh nhật của tôi ba má tôi có khi còn quên, nhưng Long thì không bao giờ thiếu món quà dành cho tôi. Món quà sinh nhật không thể từ chối, vì vậy mà tôi nợ Long, món nợ bất đắc dĩ.
Nhân ngày lễ, chú Út và Nghiêm từ quân trường về phép, Long rủ mọi người đi tắm biển Vũng Tàu trên chiếc xe Jeep bô tròn của anh ta. Chúng tôi đến tắm Bãi Sau, nơi có những gành đá và phong cảnh nên thơ. Chú Út rất thích bơi, dân Hải quân có khác! Vừa đến nơi là chú nhào ra đùa với sóng biển. Thiệu Hưng bám sát Nghiêm không để hở cho anh chàng nửa bước. Bực quá, tôi kéo Long chạy đùa trên khu có nhiều gành đá. Khuôn mặt Long rạng rỡ, tình yêu long lanh trong ánh mắt. Tôi cảm thấy thương hại Long nhiều hơn là thích thú. Khi nhảy qua kẽ đá bất ngờ tôi bị trượt chân rớt xuống hố. Long không đủ sức đưa tôi lên phải gọi Nghiêm đến giúp. Tôi ôm lấy cổ Nghiêm, đôi tay khỏe mạnh của chàng nâng tôi lên như bồng một đứa bé. Gục mặt vào bộ ngực nở nang của chàng, nước mắt tôi chảy đầm đìa. Tôi khóc như một đứa trẻ thơ hờn dỗi nhưng chẳng ai biết đó là nước mắt cô đơn, nước mắt của tình yêu đơn phương. Long ngỡ là tôi bị đau đớn vì vết trầy nơi đầu gối nên vội chạy đến xe lấy thuốc sát trùng và băng để buộc vết thương. Lúc vắng người tôi hôn vào chiếc cổ khỏe mạnh của Nghiêm, mùi mồ hôi pha mùi nước biển khiến lòng tôi nao nao.
Trong cơn say tình ngất ngây, tôi muốn bày tỏ tình cảm của tôi với chàng nhưng bất chợt Nghiêm hỏi nhỏ : “Cháu đau lắm phải không?”. Bỗng lòng tôi chùng xuống rồi cơn giận bùng lên. Đẩy Nghiêm vuột khỏi đôi tay, tôi lao thẳng đến chiếc xe của Long.
Một năm sau, tôi nhận lời cầu hôn của Tuyên bất chấp sự phản đối của gia đình. Anh ấy lớn hơn tôi mười hai tuổi, một tài phiệt giao dịch rộng rãi đủ mọi giới. Lễ thành hôn được tổ chức tại nhà hàng trên bãi biển Vũng Tàu. Tuyên hoàn toàn chủ động mời bạn bè và quan khách. Ngoài sự hiện diện của gia đình, tôi không mời một ai, kể cả Long và Nghiêm.
Giữa bữa tiệc, có người đến báo tin Long đã tử nạn trên đường đến dự tiệc cưới khiến tôi bàng hoàng. Long lái chiếc xe Jeep từ Sài gòn bị lạc tay lái đâm vào gốc cây cao su khi gần tới Vũng Tàu. Như một tiếng sét giữa cuộc vui, tôi thật sự đau đớn.
Sau buổi tiệc, tôi yêu cầu Tuyên hủy bỏ chuyến đi hưởng tuần trăng mật tại Đà Lạt mà chàng đã chuẩn bị sẵn. Tuyên tỏ thái độ giận dữ trước yêu cầu bất chợt của tôi. Chàng hỏi lý do và tôi không hề giấu giếm là cần về Sài Gòn để dự đám tang của Long và những buổi cầu siêu tại chùa. Không để cho Tuyên kịp phản ứng, tôi cấp tốc ra xe về vội Sài Gòn.
Mẹ Long đau đớn ôm tôi như ôm đứa con dâu mà bà từng hy vọng. Bà tự trách mình là đã báo tin ngày lễ cưới của tôi cho con trai bà.
Thi thể Long vẫn toàn vẹn. Chàng bị chết tức do tay lái ép vào ngực. Tôi hôn Long và đã để rơi những giọt nước mắt ân hận trên khuôn mặt trắng bệch của chàng. Long là đứa con trai duy nhất và là cột trụ của gia đình. Ba của Long đã chết từ lâu sau lần trượt ngã bị đứt mạch máu não. Long mất đi là để lại gánh nặng gia đình cho Thiệu Hưng. Cả mẹ Long và hai chị em Thiệu Hưng đều không biết tôi yêu Long chỉ là trò “mèo vờn chuột” để trả đũa Hưng đã theo đuổi Nghiêm.
Tôi không ngờ tình yêu đơn phương của Long như bóng ma vây bủa tôi. Từ sau ngày lễ tang hình ảnh Long cứ ám ảnh khiến tinh thần tôi mỗi ngày mỗi sa sút. Tuyên thì ghen với bóng ma của Long mặc dầu tôi đã giải thích và kể hết sự thực.
Ngày tháng qua, cái thai của tôi mỗi ngày mỗi lớn thì sự xa cách và lạnh nhạt của Tuyên càng ngày càng tăng. Tôi bỏ về nhà của ba má tôi lấy lý do chờ đợi ngày sanh.
Một hôm tôi ngồi nhổ tóc ngứa cho má tôi. Chợt có một vật gì đó tựa như bàn tay lạnh buốt vuốt từ tóc xuống đến sau ót tôi rồi ngưng lại ở đó. Hơi lạnh khác thường chuyền vào từng sợi thần kinh chạy dọc theo sống lưng khiến tôi rùng mình. Quay đầu nhìn ra sau, tôi chẳng thấy một ai. Lần khác, tôi ngồi đọc sách trên chiếc ghế trong phòng học của chú Út, cái bàn tay lạnh ấy lại vuốt từ sau gáy vòng quanh theo cổ. Tôi quay đầu thật nhanh để bắt gặp người nào trêu chọc mình nhưng phía sau chỉ là bức tường trống không. Chợt nghĩ đến hồn ma của Long vấn vít nợ tình còn vất vưởng đâu đây. Tôi nghe rợn tóc gáy, rồi vùng chạy xuống lầu kể chuyện nầy với ba má tôi. Ông bà cho rằng đó là cơn gió lồng, vì yếu sức nên tôi có cảm giác như thế.
Vào đêm rằm tháng bảy, tôi đang ngủ mà tai vẫn nghe văng vẳng tiếng mõ tụng kinh từ phía nhà Thiệu Hưng vọng qua. Bỗng những tiếng khua leng keng va vào nhau của tấm sáo màn cửa khiến tôi tỉnh giấc. Vừa mở mắt nhìn quanh phòng dưới ánh sáng lờ mờ, tôi chợt thấy một bóng người mặc áo quần trắng đứng nơi chân giường nhìn tôi đăm đăm, hai tay ôm lấy ngực. Thoạt đầu, tôi ngỡ là Tuyên, chồng tôi. Nhìn kỹ hơn là khuôn mặt trắng bệch của Long với ánh mắt đầy đau khổ. Sợ quá, tôi thét lên:
– Ba má ! Thằng… Long ! Cả nhà thức giấc ùa vào phòng. Hôm sau tôi đổi phòng mà bóng ma đó vẫn xuất hiện liên tiếp trong ba đêm liền. Cuối cùng, má tôi sắm hoa quả mang qua nhà mẹ Long để tôi đích thân vái trước bàn thờ Long xin chàng đừng về nhát tôi. Thật là linh nghiệm, hồn ma bóng quế của Long không còn xuất hiện sau những đêm đó nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét