Nén Hương Tưởng Niệm
Nguyễn Văn Quảng Ngãi
“Để tưởng nhớ quý Thầy cũ: Võ Bảo, Nguyễn Diễn, Nguyễn Biên,
Nguyễn Văn Châu, Trần Hoàng, Phạm Đình Nghị“
Dallas, những ngày cuối năm buồn, thật buồn ! Trời lạnh. Cái lạnh tuy không giá buốt như ở các tiểu bang miền Bắc nhưng cũng khá ngọt ngào trong lòng người viễn xứ. Cái lạnh kéo ta về với những chiều cuối năm xa xưa trên quê Mẹ thân yêu. Và, đó đây, kỷ niệm cũ lần lượt trở về âm thầm, nhè nhẹ, ray rứt cả tâm hồn … Bởi vì đối với những người tuổi đời đã xế bóng, đã từng đổ mồ hôi, nước mắt, máu xương theo vận nước nổi trôi, bây giờ phải lưu lạc bốn phương trời thì làm sao tâm hồn được hoàn toàn bình yên dù cuộc sống mới có đầy đủ, có dư thừa? Bởi vì một vết thương dù đã thành sẹo vẫn làm cho ta đau nhức khi gặp trái gió trở trời …
Trong nỗi niềm man man đó, tôi viết những dòng tâm bút sau đây, nhắc lại một ít kỷ niệm như là một nén hương thành kính tưởng nhớ đến quý Thầy, những bậc tiền bối mà đa số người Quảng Ngãi – nhất là ở lứa tuổi 60 đế trên 80 – đều quen, đều biết hoặc rất thân tình (là bạn, là cộng sự viên, là chiến hữu, là học trò …)
Tỉnh Quảng Ngãi bị cưỡng chiếm đêm 24 rạng ngày 25 tháng 3 năm 1975. Thấm thoát đã 33 năm và đằng đẵng cũng đã 33 năm ! Sau đó, những ai còn kẹt lại Quảng Ngãi lần lượt kẻ trước người sau bị công an (lúc bấy giờ gọi là an ninh) đến nhà còng tay giam vào lao xá tại Thị Xã (Trung Tâm Cải Huấn cũ).
THẦY VÕ BẢO
Thầy Võ Bảo và tôi bị nhốt chung trong một phòng tại lao xá Quảng Ngãi một thời gian ngắn (lúc đầu chúng tôi thường xuyên bị thay đổi phòng) Vài ba chục người trong phòng suốt ngày thay phiên nhau, kẻ ngồi, người đứng lóng ngóng nhìn ra cửa xem ai bị bắt dẫn vào, nhốt ở phòng nào để tìm cách dò hỏi tin tức bên ngoài (Lúc đó ở Sài Gòn các ông Thiệu và Khiêm còn đang trị vì và nhiều người đang lo tìm giải pháp, thành lập chính phủ, chia ghế ! …) Hai bữa ăn trong ngày cũng rất quan trọng và rất chua cay đối với chúng tôi lúc đó. Vì thành phần tạp nhạp, lộn xộn nên nhiều lúc mới ngồi vào bàn có người đã dành cho mình nhiều cơm hoặc canh (rau muống hoặc bí nấu với muối) thay vì chia đều cho mọi người. Vì vậy thầy Bảo đề nghị, và được anh em hân hoan nghe theo, là khi được dẫn từ phòng giam đến phòng ăn, mười anh em thân nhau hãy nắm tay đến cùng ngồi với nhau chung một bàn để tránh được cảnh chua xót trên. Ngày nay, hơn 33 năm trôi qua, ngồi nhớ lại kỷ niệm đầu tiên trong kiếp tù ngục mà thấm thía xót xa !
Sau đó thầy Bảo và tôi bị đưa đi lao động tại trại Hành Tín. Thầy ở bộ phận vệ sinh quanh trại, tôi đi lao động bên ngoài: nông nghiệp (cuốc ruộng, gánh phân, làm cỏ, tát nước …), đi rừng (chặt cây, vác cây …). Dạo đó tin thầy Nguyễn Biên (Hiệu Trưởng Trung Học Chấn Hưng) bị bắt tại Sài Gòn, dẫn độ về Quảng Ngãi và qua đời tại lao xá đã thực sự gây xúc động, bàng hoàng trong tất cả anh em. Còn nhớ, buổi chiều hôm đó tôi đi rừng về gặp thầy Bảo đang quét sân trại. Thấy tôi, thầy kéo vào một góc cầu tiêu nức nở tâm sự:
Tôi và anh Biên là bạn nhưng tôi lớn tuổi hơn nên thuở xưa ba anh ấy thường gởi gắm anh ấy cho tôi. Chúng tôi kết nghĩa thân thiết với nhau qua nhiều giai đoạn, tuy nhiều lúc có bất đồng ý kiến nhưng bao giờ cũng thương yêu nhau. Bây giờ anh ấy đã qua đời, tôi buồn quá đi anh ơi ! …
Thầy chỉ nói được bấy nhiêu rồi khóc nghẹn ngào, khóc tức tưởi. Tôi nắm chặt hai tay thầy và thấy mình cũng đang khóc, rồi lặng lẽ đi nơi khác vì sợ lưới theo dõi lúc nào cũng vây quanh những tù nhân.
Sau đó thầy bị chuyển đi trại khác: Kim Sơn, Gia Trung và ra Bắc. Mùa hè 1984, ra tù tôi về Sài Gòn có đến thăm thầy. Tuy đã yếu nhiều (trong nhà có dây cột sẵn để thầy vịn khi di chuyển) nhưng nụ cười vẫn tươi như thuở nào và dí dỏm: “Tôi bị công an liệt vào thành phần tạm trú lì …”
Thầy và gia đình thầy được sang Hoa Kỳ theo diện đoàn tụ và thầy qua đời tại San Jose năm 1992. Viết về thầy Bảo không thể không nhắc đôi dòng về cô Phương, một nhà mô phạm mẫu mực mà tất cả học sinh và giáo chức tại Quảng Ngãi đều quý kính. Trong nhiều năm dài ở ngành giáo dục tại Quảng Ngãi, cô Phương đã là Khuôn Vàng Thước Ngọc cho tất cả học sinh, phụ huynh và giáo chức qua các vai trò: Cô Giáo, Hiệu Trưởng, Thanh Tra … Trong năm ba năm gần đây, đọc Đặc San Xuân của Hội Đồng Hương Quảng Ngãi tại Bắc Cali, chúng ta được biết, tuy tuổi hạt đã cao nhưng cô luôn luôn như một Bà Tiên có mặt trong tất cả các sinh hoạt của Hội để khuyến khích, kêu gọi đồng hương và thân hữu hãy thương yêu, đùm bọc nhau và ân cần căn dặn anh em trách nhiệm trong Ban Chấp Hành của Hội cũng như tất cả bà con:
Hãy gắng tô bồi non đỉnh Ấn
Đừng làm vẫy đục nước sông Trà
THẦY NGUYỄN DIỄN
Thầy Nguyễn Diễn và tôi cùng ở tù chung trong thời gian rất lâu và qua nhiều trại tù khác nhau nên vẫn giữ trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên. Cùng bị nhốt chung trong một phòng tại lao xá Quảng Ngãi một thời gian rồi cùng bị đưa lên trại Hành Tín, tại đó thầy Diễn và thầy Bảo ở trong toán vệ sinh. Thời gian ở trại Hành Tín, bên cạnh những khổ cực tột cùng về thân xác và đớn đau chua xót về tinh thần mà tất cả anh em cựu tù nhân phải gánh chịu trong giai đoạn đầu, thầy Diễn thường chia xẻ với tôi về nỗi đắng cay dằn vặt, ray rứt của thầy vì người em ruột là ông Nguyễn Văn Hàm đã đánh mất tâm hồn qua những hành động nhố nhăng tại Sài Gòn, qua những bài viết trên báo Sài Gòn Giải Phóng tự đề cao “thành tích hoạt động cho cách mạng của mình“, hết lời ca tụng cụ Nguyễn Văn Linh (Bí thư thành ủy Sài Gòn lúc đó) Thầy Diễn thường tâm sự với tôi về những anh em trong gia đình, về lòng thương mến thầy đã dành cho ba người em là Xung, Hàm, Hộng (mỗi người một vẻ) rồi chua xót than thở:
Anh em chung phòng hay nói xỉa, nói móc tôi về chú Hàm, tôi chỉ biết im lặng nên phải tâm sự với riêng anh cho bớt xót xa …
Rời Hành Tín chúng tôi bị di chuyển vào Kim Sơn và cùng ở chung tại bộ phận lò gạch hơn 4 năm. Thầy và tôi lại được sắp xếp nằm gần nhau, công việc làm lại liên hệ với nhau hàng ngày (thầy bưng ngói mới ép đi phơi, tôi sắp ngói, gạch vào lò rồi nung lò) nên chúng tôi đã từng chia xẻ biết bao nhiêu tâm tình! Lò gạch của trại tù Kim Sơn là một truyện dài muôn màu muôn vẽ mà anh em tù nhân, đã một thời ở đó, bây giờ đang lưu lạc bốn phương chắc không thể nào quên? Hai kỷ niệm đặc biệt với thầy Diễn trong thời gian này thật khó phai mờ trong tâm trí tôi:
Một dạo, tên quản giáo bộ phận lò gạch bắt tất cả anh em tù nhân phải gọi nhau bằng anh và không được gọi bằng ông hoặc thầy vì đó là tàn dư của Mỹ Ngụy. Ai không tuân theo là vi phạm nội quy mà nội quy là luật pháp của nhà nước thu gọn ! Rất nhiều anh em ở lò gạch (Quảng Ngãi lẫn Bình Định) là học sinh cũ của thầy Diễn và đổi cách xưng hô từ thầy qua anh quả thật là một khó khăn cho chúng tôi. Suy đi nghĩ lại thật kỹ lưỡng tôi quyết định không thay đổi cách xưng hô. Thầy Diễn nhiều lần khuyên tôi nên tuân theo lệnh cán bộ, đừng để bị rắc rối vì chuyện nhỏ này. Tôi thưa với thầy là mình đã chuẩn bị những lý luận để trình bày nếu bị cán bộ quản giáo gọi lên làm việc và chấp nhận mọi hậu quả. Một thời gian sau không thấy tên quản giáo này nhắc lại chuyện đó nữa và tôi được bình yên tiếp tục gọi thầy Diễn. Có một vài anh em khác cũng chọn thái độ như tôi và cũng đã không gặp rắc rối nào cả.
Một hôm, sau khi gia đình từ Quảng Ngãi vào thăm, thầy Diễn cho tôi một ít đường phổi bột với những cục nhỏ bằng ngón tay. Khuya hôm đó, khi cả phòng đã ngủ yên, tôi nghe thầy khóc rất nhỏ một mình. Tôi chắc thầy đang đau khổ vô cùng vì một tin gì đó trong gia đình qua lần thăm buổi chiều. Tôi chỉ biết lặng yên thở dài rất nhẹ mà xót xa cho thầy, cho mình, và cho bằng hữu đang cùng chung cảnh ngộ! Tuần sau đó, trong lúc tâm sự, tôi hỏi thật và thầy chua xót kể là một trong những con trai của thầy, vì thấy hoàn cảnh gia đình quá bi đát, đã nhận đường phổi từ thị xã đem lên ga bán và để dành một ít đường phổi bột gởi lên cho thầy. Kể xong thầy lại rưng rưng khóc và tôi phải cố gắng lắm mới chận được nỗi chua xót sắp trào dâng.
Đến năm 1981 thầy bị chuyển qua phân trại Nghĩa Điền rồi sau đó được phóng thích. Buổi tối khi nghe tin thầy được tha, tôi cố làm một bài thơ ngắn rồi sáng hôm sau lén cẩn thận chép lại, nhờ một anh bạn thân tín trong toán đi củi đón thầy cùng anh em từ Nghĩa Điền qua trại I nhận giấy ra trại gởi tặng thầy. Đến nay, còn nhớ được mấy câu:
… Anh về phố cũ rưng rưng
Khúc quanh Cống Kiểu ngập ngừng bước chân (*)
Ngõ nhà xưa đó quen thân
Sao người dâu bể bảy năm ngại ngùng ?
Không gian chậm bớt mênh mông
Chậm quay Trời – Đất ngăn dòng thời gian
Tình quan san bỗng tấc gang
Vui, buồn, tủi giận …
(*) Nhà thầy Diễn ở đường Trần Hưng Đạo thị xã Quảng Ngãi, gần Cống Kiểu
Khi Hoa Kỳ có chương trình định cư các cựu tù nhân, tôi nghe tin thầy bị khước từ vì bị bệnh không trả lời được trong lần phỏng vấn thứ nhất. Sau đó được gọi phỏng vấn lại và hồ sơ được chấp thuận nhưng thầy qua đời nên những người còn lại trong gia đình được ra đi. Âu đó cũng là một an bài đẹp đẽ của định mệnh: Thầy đã quá già yếu nên thân xác được chôn trên quê cha đất tổ nhưng, trước khi giã từ trần thế, thầy đã biết chắc là vài ba người thân yêu nhất đời mình sẽ, ít ra, có cuộc sống sung sướng hơn. Khi cô Nhạn và gia đình sang định cư tại Louisiana, tôi có điện thoại thăm.
Cái gương sáng đặc biệt thầy Diễn đã lưu lại cho gia đình và bằng hữu là tinh thần tự học, cầu tiến ít người theo kịp. Tuổi đã cao nhưng thầy đã tự học lại và tất cả các bằng Tú Tài I, Tú Tài II, Cử Nhân, Cao Học bằng nào cũng đậu cao thật xứng đáng được khâm phục và vinh danh !
Thầy Diễn đã xuất bản tập thơ “Đường Vào Làng Thi” với bút hiệu Nhan Thùy Diên và nhiều người cho rằng dạy Việt Văn là sở trường của thầy. Theo tôi thầy Diễn dạy Pháp Văn hay tuyệt vời! Học Pháp Văn với thầy, học sinh sẽ viết đúng văn phạm với lời văn nhẹ nhàng, đơn giản đủ để làm được bài luận tả cảnh trong kỳ thi trung học đệ nhất cấp và bài bình luận trong kỳ thi tú tài I. Thầy giảng về văn học sử Pháp ở thế kỷ 16, về Le Cid của Corneille và về những bài thơ tình của ông già Ronsard gởi cô Helene thật xuất sắc !
THẦY NGUYỄN BIÊN
Như tất cả mọi người đều biết, sau khi Sài Gòn bị cưỡng chiếm, Ty An Ninh Quảng Ngãi đã cho nhân viên cùng với những tên nằm vùng vào Sài Gòn lùng bắt những người Quảng Ngãi hoặc đã đến làm việc tại Quảng Ngãi dẫn độ về Quảng Ngãi. Thầy Nguyễn Biên là một trong 13 người bị giải về và đã chết trong phòng giam tại lao xá Quảng Ngãi ngày 21-8-1975. Cái chết đầu tiên và đột ngột của thầy Biên đã thực sự làm cho mọi người kinh hoàng, xúc động và thương tiếc! Tại trại giam Hành Tín, anh em đã nhanh chóng truyền cho nhau tin buồn này và mỗi người có một nỗi xót xa riêng.
Mùa hè năm 1984, ra tù tôi về Sài Gòn và có đến thăm cô Tường Vy. Cô đã khóc – tôi thấy mình cũng khóc – khi đứng tưởng niệm trước bàn thờ thầy Biên. Và Cô đã chỉ chiếc mũ nĩ trên bàn thờ và cho tôi biết:
Khi anh Biên chết, anh Nghị (Phạm Đình Nghị) đã dấu được chiếc mũ nầy và gởi về cho tôi thờ …
Tôi bàng hoàng chua xót vì nhớ lại có lần, tại bộ phận lò gạch của trại tù Kim Sơn, một anh bạn ở chung phòng lúc thầy Biên chết, đã thấy thầy Nghị dấu cái mũ và hiểu lầm hành động nầy, nên đã kể lại cho tôi nghe và nặng lời chê trách thầy Nghị. (Hiểu lầm và ngộ nhận vẫn là chuyện thường xảy ra trong cuộc đời: Hậu quả thật khó lường !)
Trong Đặc San Xuân Đinh Sửu 1997 của Hội Đồng Hương và Thân Hữu Quảng Ngãi Nam Cali, anh Nguyễn Ấn, cựu Dân Biểu đã có bài thơ Hoài Niệm để tưởng nhớ thầy Biên rất thắm thiết với bốn câu kết:
… Đã thề thà chết không hàng giặc
Một quyết ra đi vẫn mĩm cười
“Ví có sống thêm nhiều tuổi nữa
Sống trong tủi nhục cũng thừa thôi”
(Ghi chú của anh Nguyễn Ấn: Hai câu sau là lời trăn trối của thầy Biên)
THẦY NGUYỄN VĂN CHÂU
Thầy Nguyễn Văn Châu cùng gia đình rời Việt Nam trước ngày 30 tháng 4 năm 1975. Năm 1986 sau khi định cư tại Oklahoma, tôi đã viết bài bình luận cho rất nhiều báo và thầy Châu thường biên thư nhờ tôi gởi cho thầy những tài liệu tôi đã dẫn chứng trong các bài viết. Tôi cũng rất cảm động khi nhận được thư thầy căn dặn đại ý là hãy xem chừng các bài viết của tôi sẽ làm phật lòng những Giáo sư phản chiến trong trường, gây trở ngại việc học lại của tôi. Ba năm 1987-1989, tại Dallas, Texas, một số anh em đồng hương và thân hữu Quảng Ngãi đã tổ chức những buổi họp mặt và tân niên hoặc tất niên với rất đông bà con từ các tiểu bang Oklahoma, Chicago, Louisiana và Texas tham dự. Năm 1988 gia đình thầy Châu về dự và anh em đã nhờ thầy dâng hương lên bàn thờ Quốc Tổ. Tóc thầy bạc trắng, da hồng hào trông như một tiên ông đạo cốt. Mùa xuân năm 1990, tôi có về Houston tham dự cuộc họp mặt đồng hương và thân hữu Quảng Ngãi và thầy cô cùng rất đông con cháu trong gia đình có đến tham dự. Thầy qua đời năm 1999 tại Houston.
Học sinh cũ của thầy Châu tại Quảng Ngãi từ các trường Trung Học Nguyễn Nghiêm, Lê Khiết, Chấn Hưng, Trần Quốc Tuấn … đều học thầy ở các môn Toán, Lý, Hóa và Pháp Văn … nhưng, theo tôi, thầy Châu dạy Sử hay nhứt. Thầy trình bày các sử kiện rồi phân tích, nhận xét, so sánh nên học sinh chăm chú và lý thú theo dõi bài giảng.
THẦY TRẦN HOÀNG
Thầy Trần Hoàng và tôi bị nhốt chung tại lao xá Quảng Ngãi thời gian đầu nhưng không ở chung phòng nên chỉ mỉm cười hoặc hỏi nhau được vài câu ngắn trong các giờ tập thể dục buổi sáng hoặc ở phòng ăn. Sau đó thầy bị đày đi các trại Kim Sơn, Gia Trung, ra Băc, còn tôi trải qua các trại Hành Tín, Kim Sơn, Nước Nhóc (K18). Mùa hè năm 1985, khi đã ra khỏi tù, thầy bị bịnh phải vào nằm ở nhà thương Chợ Rẫy, chiều nào tôi cũng vào thăm, nhắc lại nhiều kỷ niệm, chia xẻ lắm tâm tình. Sau đó thầy về Giao Thủy, Bình Sơn. Năm 1986, khi tôi từ trại tị nạn Galang – Nam Dương sang định cư lại Oklahoma, ông Hà Thúc .Ký, lãnh tụ ĐVCM, có ghé lại thăm tôi và hỏi nhiều về thầy Hoàng. Nghe tôi nói thầy yếu lắm và đang chăn vịt tại quê nhà, ông Hà Thúc Ký xúc động, nước mắt lưng tròng, rồi nhắc lại cho tôi nghe nhiều kỷ niệm tuổi học trò giữa hai người thuở xa xưa. Mới hay tình bạn lớp xưa (như Nguyễn Khuyến và Dương Khuê) chân thành, lâu bền và thắm thiết như vậy đó!
Tháng 9 năm 2001, bà cụ tôi trở bịnh nặng tại Sài Gòn sắp qui tiên, nên tôi phải lấy phép 15 ngày về thăm gấp. Dịp đó, thầy Hoàng vừa qua đời, nên một số anh em đã kẻ ít người nhiều góp tiền gởi tôi đem về phúng điếu. Tôi đến thăm, đốt nén hương tưởng niệm trên bàn thờ thầy, chia buồn với cô Lựu và gia đình. Trên tường tôi thấy nhiều tràng hoa phúng điếu mang tên những bằng hữu cũ, học trò xưa và của bà con Bình Sơn. Cô Lựu thực sự xúc động vì tình nghĩa của anh em đối với thầy Hoàng và gia đình.
Thầy Hoàng chuyên dạy Pháp Văn và dạy thật hay ! Thầy phân tích rất rõ ràng vị trí, nhiệm vụ, và sự liên hệ từng chữ trong một câu để học sinh có thể viết Pháp văn với câu ngắn, chính xác, đúng văn phạm. Học Pháp văn với thầy Hoàng và thầy Diễn học sinh nào cũng thích thú vì thấy mình tiến bộ rõ rệt và cách dạy của hai người đúng là mỗi người một vẽ !
Cả cuộc đời đi dạy của thầy Hoàng từ trường trung học Tự Tân đến các trường Lê Khiết, Chấn Hưng, Hàn Thuyên, Bình Sơn …. qua nhiều giai đoạn lịch sử, nhiều chế độ nhưng phương tiện đến trường của thầy, nếu không đi bộ được, vẫn là chiếc xe đạp !
THẦY PHẠM ĐÌNH NGHỊ
Như đã trình bày ở phần tren, thầy Phạm Đình Nghị bị bắt tại Sài Gòn và giải về giam tại lao xá Quảng Ngãi khi tôi đã bị chuyển lên trại Hành Tín rồi qua nhiều trại khác nhau nên suốt thời gian ở tù tôi không gặp thầy.
Mùa hè 1984, trong những tháng “sống chui” tại Sài Gòn lúc ra khỏI trại tù, tôi có đến thăm thầy. Lúc đó người con trai của thầy (du học tại Đức trước 1975) làm đơn bảo trợ cho gia đình thầy sang định cư tại Đức và hồ sơ đã được chấp thuận suông sẻ, vé máy bay đã mua và ngày lên đường đã được ấn định. Nhưng vào giờ chót tại phi trường Tân Sơn Nhất thì gia đình thầy bị giữ lại. Thầy Nghị bao giờ cũng vậy: Vẫn giọng nói rổn rảng, vẫn nụ cười lạc quan, thầy kể lại cho tôi nghe rành mạch diễn tiến từng sự việc rồi kết luận:
Thế nào rồi gia đình chúng tôi cũng được ra đi !
Cuối cùng, đến năm 1987, thầy và cô được sang Đức đoàn tụ với con cháu.
Những năm 1990-1991, thầy Nghị thường qua Hoa Kỳ để thăm các con cháu khác đang định cư tại California, để chuẩn bị di cư sang Hoa Kỳ (vì ở Đức quá lạnh) và góp phần xây dựng một đoàn thể cách mạng. Thầy thường điện thoại hoặc viết thư cho tôi hỏi ý kiến về rất nhiều việc. Đến năm 1994 thầy di cư sang Hoa Kỳ. Từ năm 1995 cho đến nay, qua những số Đặc San Xuân của Hội Đồng Hương và Thân Hữu Quảng Ngãi tại Nam Cali, chúng ta thấy thầy Nghị – mặc dù tuổi hạc đã cao – lúc nào cũng có mặt trong tất cả các sinh hoạt của Hội và còn khuyến khích bà con góp phần xây dựng Hội mỗi ngày mỗi phát triển để giữ được tình thương yêu, gắn bó keo sơn của bà con và thân hữu miền Núi Ấn Sông Trà trong cuộc sống tha hương. Thầy qua đời năm ngoái tại Nam Cali thọ 89 tuổi.
Nhớ về thầy Phạm Đình Nghị, học sinh cũ, bằng hữu xưa, tất cả đều cùng ghi nhận tấm lòng tha thiết của thầy đối với Tổ Quốc Việt Nam nói chung và đối với quê Mẹ Quảng Ngãi nói riêng dù ở trong bất cứ cương vị nào (vị tỉnh trưởng Quảng Ngãi đầu tiên của chính quyền Quốc Gia hay là một thành viên cao niên của Ban Cố Vấn Hội Đồng Hương và Thân Hữu Quảng Ngãi đang sống lưu vong) và trong bất cư hoàn cảnh nào (khi cao sang sung sướng hay lúc cùng khổ ngục tù) Còn nữa: lòng can đảm bất khuất, nụ cười lúc nào cũng sảng khoái, giọng nói lúc nào cũng rổn rảng và tinh thần lúc nào cũng lạc quan !
Lời Kết
Tôi vừa nhắc lại vài ba kỷ niệm với một ít quý thầy cũ tại Quảng Ngãi. Thời gian là sau biến cố đau thương 1975 cùng những liên tưởng về quá khứ xa xưa, không gian phần lớn là ở các trại tù, tại Sài Gòn và ở miền đất mới Hoa Kỳ. Những vị thầy tôi vừa kể đều đã trên 90. Họ đã đào tạo nhiều thế hệ học sinh qua những chế độ khác nhau. (Những học sinh cũ của quí thầy thuở xưa tại Quảng Ngãi cũng như ở các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên thuộc Liên Khu V ngày nay đã trên dưới 80)
Qúi thầy đã bị cầm tù, quản thúc nhiều lần dưới các chính quyền khác nhau vì đã góp phần (dù rất nhỏ nhoi tại địa phương Quảng Ngãi hay trên bình diện quốc gia) vào sứ mạng đấu tranh cho toàn dân được ấm no hạnh phúc, cho Tổ Quốc được dân chủ tự do.
Bây giờ tất cả quý thầy đã giã từ cõi tạm để về chốn vĩnh hằng.
Như đã trình bày ở phần đầu:
Những dòng tâm bút nầy xin được xem như là một nén
hương thành kính tưởng niệm quý Thầy trong mùa xuân mới.
Nguyễn Văn Quảng Ngãi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét