Thứ Năm, 9 tháng 11, 2017

VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC NGUYỄN VĂN QUẢNG NGÃI

VỌNG CỐ HƯƠNG




Nguyễn Văn Quảng Ngãi

Cái MÙI của Quê Hương


“Chỗ Quê Hương Đẹp Hơn Cả” đã là đề tựa cho một bài Tập Đọc và Học Thuộc Lòng trong sách Quốc Văn Giái Khoa Thư ở trường Làng thuở ấu thơ vẫn còn ghi mãi trong lòng mọi người. Một nhà văn hào Pháp cũng đã viết:

“… Hình như Tạo Hóa đã cột chân mọi người vào nơi chôn nhau, cắt rốn của mình bằng một thư nam châm vô hình. Điều lạ lùng và cao cả là con người luyến nhớ cố hương qua những nỗi khổ đau!…”


Quê hương – thôn quê Việt Nam – có cái MÙI quyến rũ, thân thuộc và hãy thử nghe tâm sự của các nhà thơ, nhà văn khắp ba miên đất nước:

@ Thạch Lam đã từng ngây ngất:

“… MÙI thơm của lúa mới lẫn MÙI rạ ướt, MÙI bụi rác bốc lên khiến Duy tưởng như MÙI của tất cả thôn quê Việt Nam…”

 @ Tế Hanh đã thương nhớ đến xót xa:

Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi
Thóang con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi
Tôi thấy nhớ cái MÙI nồng, mặn qúa!

@ Bình Nguyên Lộc đã xót gan, xót ruột:
“… Tao ghiền hữi MÙI đất xông lên sau mấy trận mưa đầu mùa, tao ghiền hữi MÙI lúa chín, tao ghiền hữi MÙI phân chuồng…”

Vậy đó, tư cổ chí kim, từ Đông sang Tây, quê hương lúc nào cũng là thân yêu, là ruột thịt. Niềm yêu Tổ quốc, nỗi nhớ cố hương âm thầm gặm nhấm lòng người tha hương và chỉ ghi được bằng cảm nhận chứ không nói hết được bằng lời hay viết ra bằng giấy mực. Bởi vì đã có biết bao tác gỉả viết về quê hương và đọan văn nào cũng hay, câu thơ nào cũng đẹp, bức tranh nào cũng thâm trầm, bài ca nào cũng thấm thiết … nhưng vẫn không thể nào diễn tả được trọn vẹn!

Không biết Văn học Việt Nam đồng hóa hình ảnh lớn lao, thân thiết của QUÊ HƯƠNG với hình ảnh cao cả, thiêng liêng của MẸ HIỀN từ bao giờ? Người tha hương nhớ về Quê cũ là nhớ về Quê Mẹ :

Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Nhớ (Trông) về QUÊ MẸ ruột đau chín chiều!

Thương Về Quảng Ngãi

Năm 1955, trong chiến dịch tiếp thu Liên Khu 5 của chính quyền Quốc Gia, một nhà thơ quân đội đã dừng chân lại thôn Sa Hùynh, quận Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi và đã lưu lại bài thơ “Tình Quê Hương”, sau đó được nhạc sĩ Đan Thọ phổ thành nhạc rất chứa chan tình cảm:

ANH VỀ QUA XÓM NHỎ

EM CHỜ DƯỚI BÓNG DỪA

Nắng chiều vương mái tóc
Tình quê hương đơn sơ
Quê em nghèo cát trắng
Tóc em cũng vừa xanh
Anh là người lính chiến
Áo bạc màu đấu tranh
Năm 1958, hai văn nghệ sĩ Anh Đổ và Văn Quang đã ghé qua Quảng Ngãi và tức cảnh sinh tình sáng tác nhạc phẩm “Thương Về Quảng Ngãi” vô cùng lai láng với bốn câu thơ dẫn nhập:

TÔI HẸN MÙA THU NẮNG ĐỔ

Về thăm Quảng Ngãi mầy hồng
Có bông cúc vàng sắp nở
Nhiều nàng thiếu nữ chờ trông
“Dòng nước trôi cuốn theo bóng mây về đây, lặng lờ Trà Khúc nước trôi mau, vấn vương qua nhịp cầu. Người có nhớ lối đi Cổ Lũy cô thôn, dừa cuốn gío hòa nhịp đời, tình đẹp mãi trong lòng tôi …Đường đồi lên Thiên Ấn dốc xa xa, lơ lững áng mây chiều trên mái chùa xưa im vắng …”

Đó là những câu thơ, lời hát về Quảng Ngãi mà, khỏang trước 1960, cô bé Hồng Vân thường hát và thường chiếm được gỉải nhất trong những lần thi văn nghệ tòan tỉnh dành cho thiếu nhi, những thành công đầu đã góp phần đưa cô thành nữ nghệ sĩ sáng chói vừa hát, vừa ngâm thơ trong ban Tam Ca Đông Phương sau nầy. Đó là những câu thơ, lời hát về quê hương tôi:  Quảng Ngãi thường được gọi là quê hương của Núi Ấn, sông Trà.

Tôi sinh ra và lớn lên tại một xóm quê nhỏ bé xa xôi, hẻo lánh với dòng sông Ba Liên (một đọan của sông Trà Câu) hiền hòa chảy theo năm tháng, với núi Xương Rồng mang nhiều huyền thọai của một thời xa xưa, với đập ngăn nước có tên gọi nghe cô đơn đến tội nghiệp là đập Mồ Côi, với chợ Liên Chiễu một thời buôn bán rất sầm uất và, với hồ sen Liên Trì Dục Nguyệt, một trong mười thắng cảnh của tỉnh Quảng Ngãi, đã được nhà thơ Nguyễn Cư Trinh (Tuần Vũ Quảng Ngãi) vịnh trong tập thơ Nôm Sãi Vãi năm 1750. Vùng quê nhỏ bé đó được mang những tên gọi tên rất an lành, yên ổn, rất thuận hòa là:

xóm Bình Yên, thôn Bình Mỹ, xã Phổ Thuận (Phổ Long).

Những địa danh thân thương đó đã thấm vào tim, vào óc của tôi, đã canh cánh trong lòng tôi suốt dòng đời lưu lạc. Sau trận lụt năm Thìn (1964), xóm tôi hòan tòan mất an ninh nên gia đình tôi phải tản cư ra thị xã Quảng Ngãi. Tôi xa làng tôi từ đó! Nghĩa là đã ngót 50 năm!
Tôi đi từ bấy đến giờ
Đêm đêm tôi ngũ thường mơ thấy Làng
(Vũ Qùynh Bang  – Bình Sơn, Quảng Ngãi)

(Anh Vũ Quỳnh Bang thân kính ơi: Trước năm 1945, bài thơ “Quê Hương” đã góp phần đưa nhà thơ Tế Hanh, của Quảng Ngãi nỗi tiếng trên văn giới, và đến cuối thập niên 1950, bài thơ “Làng Tôi” của anh với hai câu kết trên đây cũng đã đuợc nhiều người khen ngợi. Chẳng biết năm nay, ở tuổi đại thọ, lão huynh có còn sức khỏe để đi câu cá ở vùng San Diego khí hậu ấp áp, trong lành đó nữa không?)

Tôi xa Quảng Ngãi trong một hòan cảnh vô cùng chua xót. Năm 1975, sau khi chiếm xong miền Nam, chính quyền Hà Nội đã sát nhập hai-ba-bốn tỉnh làm một và tỉnh Quảng Ngãi đã bị sát nhập với tỉnh Bình Định thành tỉnh Nghĩa Bình. Năm 1976, tại trại giam Hành Tín (Nghĩa Hành, Quảng Ngãi), một số anh em tù nhân chúng tôi bị gọi tên, đưa lên xe bịt bùng để chuyển trại. Ngồi giữa lòng xe, chúng tôi thay phiên nhau nhìn ra qua những khe hở để đóan xem mình bị đưa đi đâu. Xe theo hướng về Thị Xã Quảng Ngãi, đến ngã năm thì chạy dọc theo đường Trần Hưng Đạo, mọi người chen nhau nhìn lại đường phố cũ thân yêu, nhưng tới Cống Kiểu thì xe rẽ vào hướng Nam và cuối cùng đưa chúng tôi vào trại Kim Sơn thuộc tỉnh Bình Định cũ. Mãi đến năm 1984, từ trại giam Nước Nhóc (sông Côn) thuộc tỉnh Bình Định, tôi nhận “Giấy Ra Trại” và – bất chấp lệnh qủan chế 24 tháng tại địa phương – tôi vào thẳng Sài Gòn. Sau mấy tháng “cơ cực vì cuộc sống chui” (không hộ khẩu, không nhà cửa, không công việc, không tiền bạc), tôi đã phải đau lòng lìa bỏ Việt Nam trốn ra đi.

Tôi đến định cư ở xứ nầy vào mùa hè năm 1985. Dạo đó việt Nam thân yêu còn vời vợi, xa tắp bền kia bờ Đại Dương và giấc mơ về lại cố hương tuy lúc nào cũng nồng cháy trong tim mọ người nhưng rất mịt mờ, thăm thẳm. Trong cái tâm trạng nhớ thương quê hương của người tha phương vừa đến vùng đất mới, tôi đã viết bài thơ sau đây gởi về nơi chôn nhau, cắt rốn của mình:

Vọng Cố Hương
Nhớ quê ruột đắng chín chiều
Gío ơi! Cho gởi bao điều xót xa
Khung trời dỉ vảng bao la
Làm sao quên được căn nhà ấu thơ?
Quê hương xa lắc xa xa lơ
Những khu vườn cũ bây giờ ra sao?
Núi XƯƠNG RỒNG vẫn còn cao?
Sông TRÀ CÂU vẫn xanh màu thời gian?
Khi chim tu hú gọi đàn
Ve sầu rừng cũ vẫn ran giọng buồn?
Hàng me vẫn đứng ven đường?
Bờ tre ven suối vẫn vương nắng chiều?
Bến xưa đá vẫn xanh rêu?
Miếu ÔNG DÈ chắc vẫn nhiều linh thiêng?
Ai về xó nhỏ BÌNH YÊN
Nhịp cầu MƯƠNG XỖ lòng riêng đợi chờ
ĐỒI DANG đá vẫn trơ trơ
Đập MỒ CÔI chắc bơ vơ đời đời?
Trải bao vật đổi dao dời
LIÊN TRÌ DỤC NGUYỆT vẫn ngời hương thơm
Mẹ đi CHỢ CHIỄU chiều hôm
Nhớ mua bánh tráng kẽo con trông chờ
Mỗi người Việt Nam khi đến vùng đất mới – do hòan cảnh riêng tư trong quá khứ, do cuộc sống thực tế hiện tại – đã có những sinh họat khác nhau. Riêng tôi, dạo đó đã bước vào tuổi tri thiên mệnh, sức khỏe tuy đã qua thời sung mãn nhưng vẫn còn phong độ, trí não còn nhiều minh mẩn, lại vừa trải qua 9 năm trong “những cái gọi là trại cải tạo”, và vài ba lần vượt biển, bị bắt, vượt ngục, v.v. nên lòng hăng say còn đầy ắp và tôi đã đi lại nhiều nơi, tham dự vào nhiều sinh họat khác nhau. Từ 1985 đến 1992, tôi đã viết rất nhiều: Thơ, Tùy bút, Bình luận, Truyện ngắn, Giới thiệu sách v.v. Với tôi, viết là một nhu cầu của tâm tư, của tình cảm chứ chưa bao giờ dám nghĩ mình là nhà văn, hoặc nhà thơ, dù tôi đã có vài ba tác phẩm đã xuất bản. Bút hiệu tôi ký nhiều nhất là Nguyễn Văn Quảng Ngãi. Lý do rất đơn giản nhưng chân thành và tha thiết:

Tôi yêu quê hương tôi: Tỉnh Quảng Ngãi

Lúc bấy giờ bà con Quảng Ngãi định cư tại Hoa Kỳ và khắp nơi còn ít lắm và những người cầm bút gốc Quảng Ngãi lại càng ít hơn. Muốn tìm biết hoặc phối kiểm một vài chi tiết liên quan đến lịch sử, địa lý hoặc danh nhân Quảng Ngãi thật vô cùng khó khăn!
Bút hiệu nầy đã mang lạ cho tôi những niềm vui qúi giá:
  • Một buổi sáng, cuối năm 1988, tôi đang ngồi ở văn phòng Bộ Xã Hội tại vùng Tây Nam Tiểu bang Kansas, thì nhận được điện thọai của nhạc sĩ Phạm Duy. Ông cho biết là đang viết hồi ký về cuộc đời phục vụ nghệ thuật của mình chia làm nhiều tập và ông đang viết chương dừng lại Quảng Ngãi của tập “Thuở Vào Đời”. Ông đã hỏi và tôi đã cung cấp cho ông rất nhiều tài về địa lý, lịch sử, danh nhân và thi ca của Quảng Ngãi. Cuối cùng ông cảm ơn và cười khanh khách, thích thú pha một ít dí dỏm: “Hỏi ông Nguyễn Văn Quảng Ngãi về Quảng Ngãi là nhất rồi!”

Ghi chú:  Sau nầy khi sách in ra, trong những trang viết về các tỉnh ở miền Trung mà ông đã đi qua khi theo gánh hát “Đức Huy – Charlot Miều” thì chương ông viết về Quảng Ngãi dài và đầy đủ nhất so với các tỉnh khác.

  • Năm 1989, anh Tạ Cự Hải từ vùng Hoa Thịnh Đốn, đã gởi cho tôi một lá thư tâm tình dài, có đọan:
“… Ngày nay dù lưu lạc xa quê nhưng mỗi lần phải quyết định một đìều gì quan trọng trong đời sống trí tuệ và đạo đức, tôi vẫn hướng về Quảng Ngãi như một đơn vị đo lường kiểu mẫu. Có cái gì không diển tả được nhưng rất mầu nhiệm về địa danh đó khiến mình gắn bó với quê hương trong suốt bước đường luân lạc …Tôi xa Việt Nam đã lâu, xa Quảng Ngãi còn lâu hơn, nhưng dù ở thời điểm nào, trong bất cứ hòan cảnh nào, và ở không gian nào, tôi vẫn cố giữ gìn danh dự mình là người Quảng Ngãi như một thứ hạng phúc riêng tư, tuy dung dị nhưng không có gì đánh đổi được …”

Qúi hóa thay tấc lòng son sắt của đứa con miền núi Ấn sông Trà
đang ở ngàn trùng xa cách!

(Anh Tạ Cự Hải nguyên là công chức Bô Canh Nông và du học tại Hoa Kỳ trước 1975, đậu Cao Học Khoa Học, Tiến sĩ Luật Khoa và hiện làm ăn khá phát đạt tại vùng Hoa Thịnh Đốn).

  • Năm 1990, sau khi đọc bài tôi viết giới thiệu tác phẩm “Âm Nhạc Việt Nam” của Tiến Sĩ Dân Tộc Nhạc Học Trần Quang Hải, bác Phan Phan Quang Đại từ Nam Clai đã gởi thư cho tôi nhắc lại nhiều kỉ niệm quê Mẹ Quảng Ngãi thuở xa xưa rất chân thành, tha thiết và xin địa chỉ để gởi em Phan Quang Phục, con trai út của Bác, sang Paris thăm viếng vợ chông Trân Quang Hải-Bạch Yến để tìm thêm tài liệu cho Luận Án Tiến Sĩ về sọan nhạc em sắp trình tại Đại học Michigan.

(Ghi chú: Sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ, Phan Quang Phục đã dạy tại các trường Đại học ở Ohio và Illinois, và nhạc của Giáo sư Phục sáng tác đã được trình diễn với nhiều bằng khen tặng tại các nước Bắc Mỹ, Úc Châu và Á Châu. Đặc biệt năm 1997, Tiến sĩ Phục đã được vinh dự nhận được giải thưởng “Rome Prize” để sang Ý trau dồi nghệ thuật và trao đổi kinh nghiệm sáng tác với nhiều nhạc sĩ danh tiếng trên thế giới trong vòng một năm).

  • Những năm từ 1996 đếm 1990, tôi thường viết bài cho vài ba tờ báo ở Gia Nả Đại và bắt gặp tác gỉa Trần Thị Nhật Hưng với những truyện ngắn nhẹ nhàng, dí dỏm qua những địa danh và giai thọai về Quảng Ngãi thật ngọt ngào tình nghĩa. Tôi biết Trần Thị Nhật Hưng nhất định phải là người Quảng Ngãi hoặc sinh sống tại Quảng Ngãi nhiều năm mới có được tấm chân tình và biết được những chi tiết chính xác về Quảng Ngãi đến như vậy. Đến khi anh Trần Hữu Lễ sang định cư ở Thụy Sĩ gởi thư qua thăm tôi, kèm theo mấy dòng:

“… Từ lâu đọc văn của Nguyễn Văn Quảng Ngãi em định viết thư nhận bà con nhưng nghĩ mình là phận nữ nhi nên ngại ngùng không dám. Nay anh Lễ qua em mới biết NVQN chính là ông rễ phụ của tụi em ngày nào … Vậy là qủa đất tròn và chúng mình còn gặp lại nhau, dù chỉ qua báo chí để nhắc chuyện cố hương …”

(Ghi chú: Anh Trần Hữu Lễ cư ngụ tại Quảng Ngãi rất nhiều năm và đã từng giữ các trách nhiệm Hiệu Trưởng trường Trung học, Quận Trưởng, Tỉnh Đòan Trưởng Xây Dựng Nông Thôn v.v. Ngày cưới của anh Lễ và chị Nhàn – bút hiệu Trần Thị Nhật Hưng – tôi đã làm rề phụ).

  • Anh bạn Nguyễn Ngọc Ngạn đã chân thành tâm sự: “Lấy bút hiệu như anh là tiện nhất, khỏi cần giới thiệu mình ở tỉnh nào. Gặp anh là thấy một trời Quảng Ngãi”. Rồi anh nhắc lại một “kỉ niệm thóang qua” của anh với một người Quảng Ngãi.

  • Anh Dõan Quốc Sỹ, – nhà giáo, nhà văn khả kính – đã chia xẻ: “Thuở xưa tôi chỉ dừng lại Quảng Ngãi có vài lần nhưng được biết về Quảng Ngãi khi tôi viết đôi lời giới thiệu tập “Non Nước Xứ Quảng” của anh Phạm Trung Việt và bây giờ, tại nơi xa xăm nầy, lại được anh cho biết thêm nhiều về vùng địa linh nhân kiệt Quảng Ngãi …”

  • Mới đây nhất, Bác sĩ Nguyễn Ý Đức, người thường viết những bài rất hữu ích về y tế thường thức đăng báo khắp nơi và thường góp phần trong chương trình giải đáp các câu hỏi về y tế của đồng bào trong nước trên đài VOA, đã về Việt Nam trong phái đòan Y Tế Quốc Tế và – do một duyên may tình cờ – đã ghé lại Quảng Ngãi, đã tham dự cuộc hội thảo về thơ Bích Khê”, đã đến viếng mộ Bích Khê, viếng cảnh núi Thiên Ấn, và viếng mộ cụ Hùynh Thúc Kháng. Về lại Hoa Kỳ anh đã kể cho tôi nghe khá nhiều chi tiết lý thú, đã hết lời ca ngợi dệ nhất thắng cảnh “Thiên Ấn Niêm Hà” của Quảng Ngãi. Tôi đã trả lời một số câu hỏi của anh và đã tặng anh tập “Quảng Ngãi mến yêu” do Hội Đồng Hương và Thân Hữu Quảng Ngãi Nam Cali ấn hành năm 2003 trong đó có nhiều bài viết về “Thiên Ấn Niêm Hà”.

Quảng Ngãi khắp bốn phương trời

Tôi sống tại Hoa Kỳ thấm thoắt đã hơn 20 năm và đằng đẵng cũng đà hơn 20 năm! Hơn 20 năm sống tha phương tôi đã chứng kiến biết bao là đổi thay về nhiều phương diện tại Hoa Kỳ cũng như ở khắp tòan thế giới. Một trong những đổi thay gần gũi và thân thiết với chúng ta là “bà con đồng hương và thân hữu Quảng Ngãi khắp bốn phương trời, cách xa ngàn dặm, đã tìm về với nhau”.

Thật vậy, như tôi đã trình bày ở phần trên về số lượng ít oi và sự thiếu liên lạc, gắn bó giữa bà con Quảng Ngãi đang sống tại Hoa Kỳ cũng như khắp bốn phương 20 năm về trước, ngày nay đã thay đổi rất nhiều. Xin nêu ra đây những ghi nhận đặc biệt:

  • Hiện nay, tại những địa phương sau đây, đã có những Hội Đồng Hương và Thân Hữu Quảng Ngãi họat động liên tục và hữu hiệu trong việc tương trợ cũng như nối kết bà con Quảng Ngãi lại với nhau: Nam Cali, Bắc Cali, New England, Georgia, Houston, Washington D.C., Washington State, Ontario – Canada (có thể còn nhiều nơi khác nữa nhưng tôi không liên lạc được).

  • Đã hơn 10 năm nay, Hội Đồng Hương & Thân Hừu Qủảng Ngãi ở Nam Cali, Bắc Cali, New England, Georgia, Houston, Ontorio – Canada thường có Đặc San Xuân đón chào năm mới Âm Lịch. Những cố gắng nầy thật xứng đáng đón nhận những đóa hoa hồng tán thưởng!

  • Những trang nhà như: NuiAnSongTra.netQuangngai.netNghiathuc.com, Quangngai@yahoo.groups.com v.v. lần lượt ra đời đã là phương tiện truyền thông nhanh chóng, hữu hiệu giúp bà con Quảng Ngãi và thân hữu đang ở khắp cùng thế giới bắt được tin tức, nối lại nhịp cầu, tìm về với nhau để nhắc chuyện xưa, ôn ngày cũ, chia xẽ hiện tại, bàn tính mai sau.

  • Những người viết mới (không có nghĩa mới bắt đầu viết) đã đóng góp nhiều bài rất gía trị về Quảng Ngãi, với các bút hiệu mang tên từng địa phương của Quảng Ngãi như: Sông Trà, Ba La, Tập An, Cẩm Thành, An Mô, Bình Sơn, Trà Bồng, Vệ Trà, Cổ Lũy, Trà Khúc, Châu Sa, Đức Phổ, Gò Lăng, Yên Phú v.v.

“Tên ký Nguyễn Văn Quảng Ngãi của tôi không còn cô đơn, lạc lòai như xưa!”

  • Điều rất đáng vui mừng là đang có nhiều bạn trẻ tuy xa quê hương lúc còn nhỏ nhưng đang đóng góp nhiều bài vở chân thành, tha thiết và dể thương về Quảng Ngãi, đang tích cực dùng kiến thức về khoa học kỷ thuật của mình để tạo dựng những “căn nhà” khang trang, ấm cúng cho bà con Quảng Ngãi “tìm về với nhau”.

(Ghi chú:  Những năm gần đây tôi tự xem mình đã vào hàng “Lão Giả An Chi” nên không còn tham dự vào các sinh họat nữa, và chỉ còn viết để “trả nợ tinh thần” cho những tờ báo thân hữu thôi)

Trường Học Làng Tôi

Cách đây mấy tháng, nhân dịp nghỉ phép thường niên, tôi có nhiều thời gian nhà rỗi để thư thả dạo bước vào những “trang nhà” của Quảng Ngãi và bắt gặp “QuangNgai.Net”. Rất ngạc nhiên là qúi anh em đã dán nhiều bài viết của tôi và nhiều lần nhắn lời đến tôi mà nào tôi có hay biết gì đâu? Một trong những lời nhắn đó là từ một cháu cùng quê với tôi mà tôi chưa quen biết. Câu chuyện là như thế nầy:

Khỏang 10 năm trước, không còn nhớ rõ là năm nào, tôi có viết bài “Huyền Thọai Về Núi Xương Rồng” kể lại một huyền thọai đặc biệt về ngọn núi Xương Rồng ở làng tôi. Bài viết được đăng trong Đặc San Xuân của một vài Hội Đồng Hương và Thân Hữu Quảng Ngãi và sau nầy được dán vào Web (trang nhà): “NuiAnSongTra .Net”. Từ Gia Nã Đại cháu PĐK đọc bài nầy rồi đem dán vào “QuangNgai.Net” với những dòng tâm sự ngắn nhưng rất chân thành đại khái:

“… Hôm nay tôi được đọc bài viết của chú NVQN về núi Xương Rồng, ngọn núi đã in vào đầu óc tưởng tượng của tôi từ lúc nhỏ qua lời kể của Ông, Bà, Cha, Mẹ … và được biết chú cũng sinh ra từ cái xã Phổ Long (Phổ Thuận) nghèo nàn của tôi… Điểm hứng thú nhất là Ba Má tôi kể rằng thuở tôi mới lọt lòng, chiến tranh nỗi lên liên miên tại Đức Phổ, lúc ấy gia đình chú đã đi rồi và, khi tôi được hai tháng, gia đình tôi phải chạy giặc đến túc tại nhà chú 20 ngày … Hy vọng chú NVQN không phàn nàn khi cháu “chôm” bài nầy và dán lên đây 
Những dòng tâm tình sau đây tôi muốn chia xẻ riêng đến cháu PĐK:

Chú thật vui mừng và cảm động vì liên lạc được với một cháu cùng quê với mình, nhất là – dù xa quê hương lúc còn rất nhỏ – cháu vẫn nặng lòng với làng xưa, xóm cũ. Ở đây (vùng Dallas) chú vẫn thường gặp cô Bảy của cháu mà chú xem như cô như em gái ruột của mình, vẫn thường nhắc lại những kỉ niệm của thời thơ ấu xa lắc xa lơ trên quê hương! (Rất mừng là cô Bảy đã có con cháu “đùm đề” và gia đình vui vẻ, đầm ấm, thuận hòa).

Nhà cháu (tức là nhà ông Nội của cháu – Bác Hai Chẫm) ở sát (phía Tây) đường xe lửa và sau nhà là một đồng ruộng khá rộng nên vào mùa hè gío mát thổi lộng vào nhà, thích lắm! Kế tiếp nhà cháu là nhà Bác Giáo Thiệu với các chị Thiệu, Cúc, và hai người con trai là Thơ và Hùng rồi đến nhà Bác Giáo Tuấn mà chú còn nhớ hai người con gái là chị Loan và chị Tùng. Bên kia đường là nhà Bác Giáo Thị với chị Bội, chị Trầm Hương, rồi đến nhà Bác Hườn. Qua khỏi đường xe lửa bên trái là nhà Bác Hội Đồng Bá với người con trai cả là anh Sơn và chị con gái út là chị Vân, và bên phải là nhà Bác Xã Đòan Nga. Các chị Loan và chị Vân học chung một lớp với chú ở bậc Tiểu học. Con đường trước nhà cháu khá rộng và sạch sẽ.

Điều lý thú (chẳng biết cháu có được người lớn kể lại không) là nhà cháu gần một trạm xe lửa gọi là “ga giả”. Những năm trước 1960, từ nhà chú muốn đi ra Thị Xã Quảng Ngãi hay vào Qui Nhơn, Bồng Sơn thì chú phải đị bộ đến “ga giả” rồi mua vé lên “xe lửa” đi, và lúc về thì xe dừng lại “ga giả” để chú xuống và đi bộ về nhà (Xa xôi, khó kkăn và mệt nhọc lắm cháu ơi!) Đến năm 1960 (hay 1961?) đường xe lửa xuyên Việt được khánh thành thì những ai muốn lên (hoặc xuống) tại “ga gỉa” thì phải mua vé “tàu chợ”, còn không thì mua vé “tàu suốt” nghĩa là tàu chạy nhanh hơn và chỉ dừng lại ở các nhà ga chính thôi.

Cô Bảy của cháu cho chú biết là hiện nay ngôi đình tại xóm An Châu nơi cháu sinh ra người ta đến lễ bái và cúng kiến rất tôn nghiêm và đông đảo! Về việc cháu chạy giặc và tá túc tại nhà chú 20 ngày khi cháu mới sinh ra được 2 tháng thì “tiền thuê” cộng với tiền lời sau ngót 40 năm lớn lắm! Tuy nhiên cháu đã có nhắn lời cảm ơn nên chú “xí xóa”, chỉ cần hôm nào gặp nhau cháu phải mời chú đi ăn tiệm để chú kể “chuyện làng, chuyện xóm của mình” cho cháu nghe là được rồi.

(Ghi chú: Những điều chú vừa kể trên đây là lục lại trong trí nhớ trước năm 1960. Những năm về sau, lọan lạc đã đưa bà con ở làng xóm mình lưu lạc khắp bốn phương trời:
Ai đi, ai ở, ai còn mất
Kẻ dạt chân mây, kẻ cuối trời.


Cháu PĐK được Ba cháu đọc và chép lại bài thơ “Trường Học Làng Tôi” như sau:
Trường Học Làng Tôi
Trường học làng tôi ở cạnh đình
Một trường ba lớp vẻ xinh xinh
Trước trường có mấy cây đào lớn
Thường quyến lòng tôi những cảm tình

Trường tôi mặt trước ngó ra sông
Còm mặt đàng sau ngó quảng đồng
Phía ấy thầy tôi thường hỏi hướng
Tôi vòng tay đáp: Dạ phương Đông

Thầy tôi tầm thước mảnh và cao
Đôi mắt long lanh, má nhuộm đào
Mái tóc hơi quăn, cằm hơi nhọn
Nụ cười thường lẫn tiếng khao khao

Sau ba năm học ở trường làng
Tôi thấy lòng tôi đã mở mang
Tôi biết con bò lòai nhai lại
Và tin trời đất rộng thênh thang

Hôm nay thôi học về trường quê
Nhớ lại lòng tôi cảm nặng nề
Những buổi thu sương buồn ảm đạm
Trống trường vang dội phía sau đê

Chú không nhớ tác giả bài nầy là ai nhưng một anh bạn thơ người Quảng Ngãi qủa quyết rằng tác giả là Thanh Tịnh và bài thơ viết cho tất cả học sinh khắp nơi thời bấy giờ chứ không phải viết riêng về trường Nguyễn Như Côn hay trường Kim Giao ở xã mình như cháu nghĩ đâu. Những bạn bây giờ đã trên 70 vào thời đó đều có học bài nầy ở bậc Tiểu học. Riêng với chú bài thơ nầy giữ mãi trong tâm hồn mình qua một kỉ niệm thật đặc biêt, không thể nào quên!

Niên khóa 1946-1947, chú đang học tại trường Tiểu học Thanh Bình (trường dành cho học sinh thuộc hai thôn Thanh Điền và Bình Mỹ). Một hôm thầy giáo (thầy Nguyễn Thừa) cho biết là tuần sau có Thanh Tra đến thăm trường. (Các năm đầu sau 1945, chính quyền Việt Minh tại Liên Khu 5 vẫn còn theo chương trình giáo dục của Hòang Xuân Hản, Bộ trưởng Giáo Dục của chính phủ Trần Trọng Kim). Thầy lo sợ lắm và bắt tất cả học trò nhổ cỏ lối đi vào trường, quét dọn, tưới nước các bồn hoa, cắt ngay thẳng các hàng dâm bụt v.v.

Buổi chiều thầy Thanh tra đến, tất cả học sinh ngồi yên trong lớp, thầy giáo đưa thầy Thanh tra đi dạo quanh trường và cuối cùng cả hai cùng vào lớp. Thầy Thanh Tra ngồi ở bàn thầy giáo và thầy Thừa đứng ở góc bên cạnh. Thầy Thanh Tra (tên là Phan Tiên) cao lớn, nước da ngăm đen, trán cao và giọng nói rổn rảng. Tất cả học sinh ngồi vòng tay trên bàn im phăng phắt. Phía sau lưng thầy giáo là tấm bảng nhỏ dán những tài liệu như tên học sinh, tên các bài Tập Đọc và Học Thuộc Lòng v.v.

Thầy Thanh Tra quay lại phía sau, nhìn một lúc rồi bảo:
–  Đọc bài Tập Đọc và Học Thuộc Lòng “Trường Học Làng Tôi”

Rồi thầy dò theo danh sách học sinh và gọi to:
– Trò …

Thầy Thanh Tra gọi đúng tên chú và chú đã đứng dậy đọc to bài nầy cho hai thầy và cả lớp nghe …

Ghi chú:
Thầy Phan Tiên còn được gọi là Trợ Tiên (thầy đã đậu ngạch Giáo Thọ) ở xã Tư Chánh, quận Tư Nghĩa, lúc đó đang làm Thanh Tra Tiểu Học và có dạy một số giờ ở trường Trung học Nguyễn Nghiêm – Đức Phổ. Về sau, khi chú trưởng thành, chú đã cùng Thầy sinh họat chung trong một số công việc tại Quảng Ngãi. Thầy đã dành cho chú nhiều cảm tình, hay hỏi ý kiến chú về một vài điều nan giải và chú vẫn một lòng kính trọng Thầy. 

Sau năm 1975, có thời gian chú ở tù chung với chị M., con gái của Thầy tại “trại cải tạo” Hành Tín (Nghĩa Hành – Quảng Ngãi). Một hôm Thầy lên thăm chị M., thấy chú đang cùng với tóan lao động vác cuốc ra đồng, Thầy gọi to tên chú rồi khóc ròng:
– Tôi thương anh quá!, tôi thương các anh quá!

(Thầy Phan Tiên có con làm việc cho cả hai chính quyền: Cộng hòa ở miền Nam và Cộng sản ở miền Bắc. Những dòng nầy xin được xem như là một nén hương tưởng niệm đến Thầy)

Vào thời đó học sinh trong lớp chú cũng đã được thầy cho học thuộc lòng bài sau đây:

Bản đồ nước Việt Nam
Tôi sẽ giữ suốt đời trong trí nhớ
Quảng ngày xanh học tập chốn quê hương
Trong căn nhà nho nhỏ dưới cây bàng
Có tấm biển đề “An Thôn Học Hiệu”

Những buổi sáng vừng hồng le lói chiếu
Trên non sông làng mạc ruộng đồng quê
Chúng tôi ngồi yên lặng lắng tai nghe
Tiếng thầy giảng suốt trong giờ Quốc sử

Thầy tôi bảo: Các em nên nhớ rõ
Nước chúng ta là một nước vinh quang
Bao anh hùng thuở trước của giang san
Đã đổ máu vì lợi quyền dân tộc

Các em phải đêm ngày chăm chỉ học
Để sau nầy được nối chí tiền nhân
Ta chắc rằng sau một cuộc xoay vần
Dân Nam Việt sẽ là dân hùng liệt

Tôi tin tưởng không bao giờ tiêu diệt
 Giống anh hùng trên sông núi Việt Nam
Tiếng thầy tôi suốt buổi học vang vang
Trên án sách, bên những hàng cửa kính

Giờ tôi tưởng như đang ngồi dự thính
Tiếng thầy tôi hùng biện giữa thanh niên
Đương quyết vì quyền lợi giống Rồng Tiên
Đòi giữ vững bản đồ non nước Việt.
Cháu PĐK thân mến:
Đã 70 năm trôi qua, trí nhớ đã mai một quá nhiều qua biết bao là đổi thay, tang tóc nên chú không còn nhớ tên tác giả bài thơ nầy là ai nhưng điều chú muốn chia xẻ với nhau là tình yêu quê hương trong lòng mỗi người bắt đầu qua những câu ca dao được Mẹ ru cho tròn giấc ngũ từ thuở lên ba, lên bốn, qua những bài tập đọc và học thuộc lòng ở trường làng thuở lên năm lên bảy … rồi nằm mãi trong tâm của mỗi người. Đó chính là thứ nam châm vô hình đã cột chân mọi người vào nơi chôn nhau cắt rốn của mình!

(Ghi chú:  Hai bài thơ  “Trường Học Làng Tôi” và  “Bản Đồ Nước Việt Nam” được chép lại theo trí nhớ nên có thể không đúng nguyên bản. Nếu bạn nào còn nhớ tên tác giả thì xin chia xẻ chung với nhau)
Bạn thân mến:
Tôi vừa dạo bước rong chơi trong khu vườn kỉ niệm về xóm cũ, làng xưa. Chuyện nọ tiếp nối chuyện kia, hình ảnh nầy liền theo hình ảnh khác đua nhau trở về tràn ngập tâm hồn. Chuyện về Quê Hương nói sao cho trọn, viết sao cho tròn phải không bạn? Chuyện về quê tôi cũng hao hao như chuyện về quê bạn. Nỗi nhơ quê của bạn cũng triền miền như lòng thương quê của tôi.
Ngày Xưa! Câu chuyện nào bắt đầu bằng hai chữ “Ngày Xưa” lại chẳng đẹp, nhất là Ngày Xưa trên Quê Mẹ thân yêu! Ngày Xưa rất đẹp dù rất vui hay rất buồn! Biết đâu bạn lại chẳng tìm được một vài cảm thông đồng điệu qua những dòng tâm tình dài dòng, luộm thuộm của tôi?

Nguyễn Văn Quảng Ngãi




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét