Đơn Phương Tôi Buồn
Nguyễn Văn Quảng Ngãi
*****
Năm 2002, trên Đặc San Xuân của Hội Đồng Hương – Thân Hữu Quảng Ngãi miền Nam Cali có bài thơ “Đơn Phương Tôi Buồn” của tác giả Nguyên Nguyên như sau:
Tết nầy thôi, hẹn Tết sau
Tết nầy đâu phải em đau một mình!
N.N.
Tết nầy nước chảy ra sông
Và em – qua Tết biết lòng có vui?
Tôi đi hết một đời rồi,
Mà nghe chừng vẫn ngậm ngùi như xưa.
Vẫn còn khăn gói, gío đưa,
Sớm sương phố thị, chiều mưa sông hồ.
Vẫn nhìn trăng Sở, rằm Ngô,
Vẫn đêm đêm hỏi ai xô lược cài.
Và đêm, dừng lại bên nầy,
Nghe chèo vẫy nước phơi đầy bãi xa.
Tiếc măng non, uổng tre già,
Chẳng vào thương hải nở ra tang điền!
(Một lời nhớ, chín lời quên)
Để chiều một mảng không liền mà đau!
Nằm đây nhớ cái ban đầu,
Nhớ năm thằng bạn ngủ ngòai giang tân.
Áo xanh đã bạc mấy lần,
Dặm mòn đã trải, qua phân mấy miền?
Tết nầy mở sách biên niên,
Lời không nói hết , đơn phương tôi buồn.
Nguyên Nguyên
Đọc “Đơn Phương Tôi Buồn” bỗng dưng tôi thấy có nỗi gần gũi, đồng điệu len thấm vào hồn như thóang hiện về từ thuở xa xưa: Một ít man mác ngậm ngùi, một chút nhớ nhung ray rứt, một thời lênh đênh, xuôi ngược, những đổi thay tang tóc đau nát lòng người, những bằng hữu thâm tình nhiều ngừơi đã ra đi, kẻ còn đang sống hắt hiu khắp “chân mây cuối trời”. Nghĩ lại phận mình, bây giờ, tuổi đời đã xế, nơi xa xăm ngàn trùng cách biệt, nhớ về những tâm giao cũ, ôn lại những kỉ niệm xưa mà nghe lòng ray rứt:
Có con chim nhỏ kêu chiều
Có làn gió thỏang đìu hiu cuối trời
Có mênh mông một mình tôi
Nhìn hòang hôn xuống thương đời lưu vong
NVQN
Thôi đành ôm mãi nỗi “Đơn Phương Tôi Buồn” trong lòng vậy!
Gọi anh ĐĐN, đầu bếp của Đặc San Xuân Hội Đồng Hương và Thân Hữu Quảng Ngãi Nam Cali:
– Nguyên Nguyên là ai vậy ?
Anh cười khanh khách cho biết:
– Anh Nguyễn Văn Dũng chứ ai, ông Hòang Nguyên ngày trước chứ ai!
Té ra là anh Dũng, anh bạn của một thời vui đẹp xa xưa.
Dạo đó – đầu thập niên 60 – anh Dũng thường có thơ đăng trên Bách Khoa và Phổ Thông với bút hiệu Hòang Nguyên nên chúng tôi hay gọi anh là “Ông Hòang Nguyên” hay “Ông Bình Đức” (xã Bình Đức thuộc quận Bình Sơn là quê của anh). Hết chuyện thơ văn là đến chuyện tình người, tình nước, chuyện đấu tranh, chuyện chính trị, chuyện lý tưởng, chuyện đấu láo, chuyện chọc tức thiên hạ v.v. và v.v. Kỉ niệm nhiều lắm, thâm tình man man kể sao cho hết, viết sao cho tròn?
………………….
Năm 1984, ra khỏi trại tù cải tạo, bất chấp lệnh quản chế hai năm tại Quảng Ngãi, tôi vào Sài Gòn và chúng tôi, anh Dũng và tôi, lại “sống chui” với nhau mấy tháng: lo âu hồi họp cũng lắm và vui vẻ thú vị cũng vô cùng! Đêm đêm phập phồng di chuyển từ nhà nầy qua nhà khác, từ xóm trên về xóm dưới và sáng hôm sau mới vui mừng là mình đã được bình yên.
Lang thang, bất ổn tôi đã sống nay đây, mai đó tại Sài Gòn, Long Khánh, Bà Ria. Vũng Tàu, Bình Ba, Bình Giã. Có hôm vào sâu trong khu Hắc Dịch tha hồ tâm sự cùng vài ba anh em đã thay tên đổi họ sống mai danh ẩn tích tại đây.
Nhưng thú vị hơn cả là anh Dũng và tôi ngày ngày vát sào, mang lồng lội hết vườn nầy sang vườn khác, băng hết đồng nọ đến đồng kia đi NHỬ CU (GÁC CU) dưới nắng hè gay gắt. Ngòai cái ngu trong 4 cái ngu thường tình đã được loan truyền khắp dân gian (Ở đời có 4 cái NGU: Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chèo) tôi đã biết thêm được nhiều về đặc tính của loài chim nầy, về giang sơn của từng cặp chim (khu vườn, góc rừng, tàng cây cỗ thụ v.v.) mà chúng cương quyết bảo vệ.
Đang đi ăn xa mà nghe tiếng gáy lạ ở giang sơn mình là chúng tức tốc bay về. Có con nóng giận bổ thẳng vào lồng “đá cái rầm”: lồng sập, và chúng tôi đem lồng xuống, cột chân bỏ vào bao. Cũng có nhiều con khôn đáo để: bay về đậu trên ngọn cây, quan sát, nghe ngóng rồi từ từ đến đứng trên nóc lồng, lấy chưn hoặc dùng mõ kéo bẫy nhữ sập xuống và chim được an tòan. Hôm sau chúng tôi trở lại, lấy lá cây che dày kín cả nóc và hai bên lồng nên chim chỉ còn một cách duy nhất là phải vào lưới để “đánh ngọai xâm”. Thế là lồng sập và chim bị chúng tôi cột chân bỏ vào bao.
Nhiều hôm bẫy được năm bảy con chim, chúng tôi ghé nhà một anh bạn cùng nhau nhỗ lông, rửa sạch, bằm nhỏ, ướp đủ gia vị, chia hai một nữa nấu cháo, một nữa đúc bánh xèo kiểu miền Trung, rồi trải chiếu, kê đòn ở góc sau nhà ăn uống, chuyện trò vui vẻ, chân thành.
Mới đó mà đã ngót 30 năm trôi qua!
Nhiều lúc, gạt qua bên lề những bận rộn của cuộc sống, tôi vẫn nhớ về bằng hữu cũ, kỉ niệm xưa mà xót xa trong nỗi niềm “đơn phương tôi buồn”.
Ghi chú: Ngòai cách nhữ cu như đã trình bày trên đây, người miền Nam còn có cách bắt cu đơn giản và dễ dàng hơn: Đến một góc vườn, một ngôi mộ, một gò mối v.v. bới đất lên và nhỗ cỏ cho mới rồi đặt lồng cu ở giữa, xung quanh cắm nhiều “bẫy” (làm bằng tre dài độ 1 m, một đầu nhọn cắm xuống đầt, đầu kia nối với một sợi dây kéo cong lại thành cái bẫy, cu đi qua chân sẽ bị thắt chân lại không bay lên được). Một lúc sau, cu đang ở các cành cây xung quanh, thấy đất mới tưởng sẽ có nhiều thức ăn, lại thấy cu trong lồng đang “xâm phạm lãnh thổ” của mình nên cùng nhau đậu xuống, vừa “đánh ngọai xâm”, vừa tìm mồi: Thế là ít nhất vài chú dẫm phải bẫy!
**
*
Mấy tháng trước đây, qua Quangngai.Net và Nghiathuc.com tôi vào trang mini web của anh bạn trẻ – rất trẻ – Ngô Hữu Đòan và đọc bài anh giới thiệu “Quê Người” của Nguyên Nguyên:
Quê người lại nhắc chuyện xưa
Ai đem tóc bạc, kế thừa tóc xanh
Lầu hoa, bỗng dựng trường đình
Tiễn đưa ngòai mặt, lặng thinh trong lòng
Tôi lại bắt gặp cái cảm giác nhè nhẹ, buồn buồn, man man như khi đọc “Đơn Phương Tôi Buồn”. Nhưng, xin hãy gát một bên tâm trạng mình để nghe “thi hữu cháu” Ngô Hữu Đòan nhận xét về “thi hữu ông” Nguyên Nguyên:
Tôi đã gặp nhà thơ Nguyên Nguyên năm, bảy lần. Tuổi đã ngoai tám mươi nhưng vẫn minh mẫn, vui vẻ và hồn thơ thì chưa bao giờ già. “Thi hữu” thì thi hữu nhưng tôi phải gọi bằng ông chứ không cách gọi nào giỡn chơi được. Tôi thích thơ ông vì có nhiều câu thơ trong thơ để đọc. Tôi cũng thích ông vì cái tính tình “chân quê”, chân chất, dù nói với đứa trẻ con cũng không bao giờ có một câu tự phụ, không quảng cáo sản phẩm rùm beng, không tự tung tự hứng nhưthói thường tôi thấy. Câu thơ như tấm lòng, dở hay chưa cần nói, chỉ thấy thích, thấy qúi ở cái tâm tình trong thơ là được. Chúc ông sống lâu, vui vẻ, an nhàn …!
Tôi bỗng giật mình và phải lặng người một hồi lâu mới nói lên được cảm nghĩ của mình:
Sao cái anh bạn trẻ – rất trẻ Ngô Hữu Đòan nầy có thể có những nhận xét chân tình, chính xác và đầy đủ về “Ông Bình Đức” của tôi đến như vậy nhỉ?
Đọc lại vài lần nữa tôi mới thấy được:
– Anh bạn gìa của tôi đã đạt được cái ĐẠO ĐỜI”. Sống giữa cuộc đời vốn nhiều ô trọc lại đang ở vào thời đại qúa độ văn minh nầy, những giá trị cố cựu đã và đang bị lung lay nhào đổ, những tình cảm thường tình cũng vùi lấp bởi đổi thay, anh đã đem cái “ĐẠO ĐỜI” trãi rộng với thế nhân, – không giận hờn ghen ghét, không đua đòi bon chen, không khoa trương tự đắc, không tị hiềm cố chấp. Và cái “ĐẠO ĐỜI” đó cũng đã được anh tải bàng bạc vào thơ… Rồi anh bạn trẻ Ngô Hữu Đòan, tâm hồn còn trong xanh tươi mát, trí tuệ chưa vướng bụi trần gian, tấm lòng vốn hướng về cái hay, cái đẹp nên dễ dàng nhận chân được. Do đó “thi hữu cháu” và “thi hữu ông” trở nên tâm đắc!
***
Năm ngóai tôi nhận được tập thơ “Vu Vơ” anh Dũng gởi tặng và – cứ mỗi lần đọc thơ anh – tôi lại bắt gặp cái cảm giác nhè nhẹ, buồn buồn, man mác …
Tập thơ bắt đầu từ một (những) cuộc chia ly:
Đã bao nhiêu chuyện lên đường
Là bao nhiêu chuyện đưa buồn vào thơ
Từ đó, người thơ kéo dài kiếp sống lạc lòai, bơ vơ:
Vu vơ hát giữa Trường đình
Rằng xưa có gã tìm quỳnh cuối sông
(Vu Vơ)
Tôi khoanh tay ngó ra đồng
Một con cò đứng chở dòng thời gian
(Dòng Thời Gian)
Mai còn mây trắng, đường xa
Mai còn tay trắng, còn ta giang hồ
(Còn)
Rồi hoa theo nước xuôi dòng
Tôi đi, tôi với phong trần là hai
(Nhớ Hòai Thư Em)
Rằng quên là gió qua đồi
Rằng em ở lại, rằng tôi giang hồ
(Cứ Là Hôm Qua)
Ngày trước Tế Hanh (Bình Thủy – Bình Sơn) lúc còn là học sinh ở Hà Nôi. đã có những chiều cuối tuần “vu vơ” đến những ga xe lửa để “bơ vơ” xem người ta tiển biệt rồi bỗng thương những chuyến tàu với những “toa ngàn đời chở nặng khổ đau”. Bây giờ Nguyên Nguyên (Bình Đức – Bình Sơn) đang ở tuổi đại thọ, ôn lại cuộc đời “lạc lòai, bơ vơ” đong đầy niềm thương nỗi nhớ của mình:
@ Thương thân mình:
Quê người lại nhắc chuyện xưa
Ai đem tóc bạc kế thừa tóc xanh
Lầu hoa bỗng dựng Trường đình
Tiển đưa ngòai mặt, lặng thinh trong lòng
(Quê Người)
Nửa giấc chim bao, tuổi vàng Nghiêu Thuấn
Ta nằm nghe đời xuống bước suy vi
(Đóai Trông)
@ Nhớ về Quê Mẹ:
Quê Mẹ chúng mình khúc bồi, khúc lở
Con nước qua cầu, con nước chảy loanh quanh
Và giản dị như chợ Trầu, chợ Gạo
Chợ quê nàng và cũng chợ quê anh
(Cơ Hồ)
@ Khóc một người Anh vừa ra đi:
Sáng nay anh đã lên trời
Với đầy sao trắng, đầy lời tương tư
Khóc Anh nước mắt rượu mời
Tưởng trang kỳ ngộ bời bời tâm giao
(Khóc Anh T. H.)
@ Nhớ về những bằng hữu cũ, “cố nhân xưa”:
Thương buổi anh em mỗi người mỗi ngã
Ngồi đếm sao khuya mà nhớ chuyện kim bằng
Thơ gởi nghìn câu một đời tứ cố
Và một đời làm thuyền đổ chở mưa giăng
…
Mãi làm mây trắng qua đầu phố
Và mãi chiều chiều nhớ cố nhân
(Quê Hương)
@ Nhớ về những cuộc tình thời hoa mộng thanh xuân:
Có kẻ vì tài hoa nên duyên phận lỡ làng:
Tiếc một tài hoa, tuổi vàng đã lỡ
Chiều qua sông, con nước lạ đôi miền
(Phố Khuya)
Anh trở lại theo trăng vào dị sử
Trăng thì đầy mà tình vốn mong manh
(Trăng)
Mai em về
Nước mắt sẽ quên
Và trời một giãi chim bay mỏi
Nào biết tìm em ở chốn nào
(Tóc Em Bay Vào Tóc Mẹ)
Có người vẫn còn thủy chung, trọn đạo:
Nhưng thôi muối mặn, cay gừng
Em thưa với Mẹ tôi còn ở đây
(Tiếc Ngày Tôi Xa)
Mai em về
Tóc em bay vào tóc Mẹ
Còn đêm mưa – Còn đêm mưa
Tôi còn ở bên nầy
(Tóc Em Bay Vào Tóc Mẹ)
Mẹ Cha còn chút đền bù
Chút ân nghĩa đó, hiếu từ cậy em
(Thôi Về Đừng Khóc Nghe Em)
***
Nhỏ nhắn, xinh xắn, trang nhã, “Vu Vơ” gồm 84 bài thơ đủ thể lọai phảng phất một ít tâm tình của Nguyễn Bính, một thóang lòng của Nguyễn Du, Vũ Hòang Chương. Điều đáng ghi nhận là tuy đang ở vào tuổi “đại thọ – 82” mà tấm lòng anh vẫn thanh thản an nhàn, hồn thơ anh vẫn trẻ trung tươi mát.
Đọc “Vu Vơ” tôi tưởng như tác gỉa đang chia xẻ tâm tinh với tôi về chuyện xưa, chuyện lưu lạc, chuyện bẵng hữu, chuyện thế gian. Xin hứa với lòng mình là sẽ cố gắng tạo quân bình trong cuộc sống. cố gắng cho đạt được cái “ĐẠO ĐỜI” để mai nầy (sẽ đến nhanh lắm!) khi vào tuổi đại thọ, vẫn còn được tấm lòng và hồn thơ như anh.
Giọt Lệ Như Sương
Các anh lần lượt ra đi! Phần tôi tuổi đời đã xế, chiều chiều nhìn hòang hôn xuống mà thương cho mình, cho anh em còn lưu lạc hắt hiu bốn phương trời,
Ai đi, ai ở, ai còn mất
Kẻ lạc chân mây, kẻ cuối trời!
mà đau niềm đau của người xưa:
Sao chiều xuống chênh song hề, còn đau thân thế
Vũ Hòang Chương
Và lòng hẹn lòng:
Bao nhiêu nước chảy qua cầu nữa
Chẳng dễ gì phai được tấm son
Vũ Hòang Chương
Xin các bằng hữu, chiến hữu khắp nơi – nhất là qúi anh đã vào tuổi “Hạt Lên Như Sương” – hãy cùng nhau:
Đốt nén hương lòng thương tiếc và nguyện cầu cho linh hồn anh Nguyên Nguyên mãi mãi được bình yên chốn vĩnh hằng.
Nguyễn Văn Quảng Ngãi
Z
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét