TRẦN NHUẬN MINH
NGUYỄN ĐỨC TÙNG
tôi về cơ quan và làm việc ngay,
để giải quyết những công việc tồn đọng trong những ngày công tác xa, dù mặt mũi
vẫn sưng tím. Xin nói thêm: Trong những năm công tác Hội, tôi không nghỉ phép
hay nghỉ ốm một ngày nào. Khi làm cán bộ quản lý, tôi được chi theo chế độ đi
công tác ở Hà Nội, được nghỉ tại khách sạn, tiền ngủ được thanh toán đến mức
cao nhất là 250 nghìn đồng một đêm, nhưng tôi chỉ nghỉ ở văn phòng Hội Nhà văn
Việt Nam, vì suốt ba khóa, 15 năm liền, khóa nào tôi cũng là ủy viên một ban
công tác hay một hội đồng chuyên môn của Hội, với mức chi chỉ có 10 nghìn, hơn
10 năm sau, mới tăng lên đến 20 nghìn tiền dọn phòng cho một ngày đêm, tiết
kiệm cũng không ít tiền cho nhà nước.
Tôi viết văn bản yêu cầu công an không xử lý xe và lái
xe tải, tôi cũng không yêu cầu nhà xe bồi thường tiền cho cá nhân mình. Còn cái
xe hư nát thì đã có bảo hiểm lo. Nhà xe là phụ nữ, đi áp tải hàng, nói: “cháu
có phúc mới đâm vào chú (!). Cái xe của chú bay như một chiếc lá khô. Phim
Hollywood còn phải gọi bằng cụ. Cháu nghĩ chuyến này cơ nghiệp nhà cháu thế là
hết.” Anh Phú, công an Cẩm Giàng, người lập biên bản tại hiện trường, nói với
tôi: “chú qua một tai nạn khủng khiếp như thế mà không chết hoặc không tàn phế,
là điều cháu hoàn toàn không thể hiểu được. Chắc là chú phải có một vị nào đó
rất thiêng phù hộ. Chú nên tìm mà lễ tạ...”
8. Nguyễn Đức Tùng:
Chúc mừng anh. Một sự may mắn khó giải thích.
Một bài thơ đến với anh lần đầu tiên như thế nào?
Trần Nhuận Minh:
Lúc đầu là một ý tưởng bật lên từ
cảm xúc, hoặc một cảm xúc bật lên từ ý tưởng, tùy theo cái tác động của đời
sống vào mình theo con đường nào. Tôi không rõ ở các nhà thơ khác như thế nào,
chứ ở tôi thì tôi thấy rõ hai điều. Một là bài thơ tự đến với tôi. Hai là cùng
một lúc nó đến với toàn bộ hình hài mà nó cần được ra đời, bao gồm cả ý tưởng,
kết cấu và giọng điệu, trong đó có độ dài ngắn, thể loại, có vần hay không có
vần. Bài thơ có thể được làm xong ngay rồi về sau, tôi chỉ chữa các câu chữ.
Đấy là thơ tôi viết từ năm 1986,
năm bắt đầu vào công cuộc đổi mới. Trước đó, tôi viết theo yêu cầu của nhiệm vụ
chính trị. Và viết theo yêu cầu của chính trị, tôi viết cũng tận tâm và chân
thành hết lòng mình. Chỉ có điều, những bài thơ đó, tôi gọi nó đến theo yêu cầu
của tôi, có khi nó đến sớm, có khi nó đến muộn, thường thì nó không tìm tôi mà
tôi phải tự đi tìm nó. Nhưng nó đã đến, đều đến trong một tư thế đã tương đối
hoàn chỉnh. Như vậy trước và sau đổi mới 1986, trong lao động thơ của tôi, các
thao tác nghệ thuật không có gì thay đổi. Chỉ thay đổi ở cách tiếp nhận, để bài
thơ được sinh thành sẽ như thế nào. Có nhà phê bình đã nói là tôi lấy năm 1986
làm cái mốc để chia đôi sự nghiệp sáng tác của mình, là nói đúng đấy. Còn lý do
thì tôi đã trình bày ở trên. Và hình như trong thế hệ cầm bút cùng thời với
tôi, không có ai, sự phân chia đó lại rõ ràng như tôi. Và thái độ cũng quyết
liệt như tôi trong việc tự làm lại mình từ đầu:
Ta học chim để
sản xuất máy bay
Học cá để chế tạo tầu ngầm
Nhưng ta không biết học ai
Để làm lại bản thân mình…
Nỗi giày vò nghệ thuật ấy day dứt
tôi không bao giờ nguôi. Vì thế sau đó, tôi quyết tâm tự đổi mới mình. Vẫn là
mình thôi, với một nỗi ám ảnh xuyên suốt là số phận của nhân dân, cuộc thành
bại của mỗi đời người, hình thành một hệ thống tư tưởng và thẩm mỹ khác hẳn
trước, để sáng tác dài hơi, nhưng mỗi tập mỗi khác, khác về ý tưởng, kết cấu,
giọng điệu… nếu không khác thì tôi không viết mà đã viết rồi thì không in ra…
Anh có thể nhận ra rất dễ dàng điều đó qua bốn tập thơ cơ bản của tôi là Nhà
thơ
và hoa cỏ (1986 – 2001), Bản Xônat hoang dã (2003), 45
khúc đàn bầu của kẻ vô danh (2007) và Miền
dân gian mây trắng (2008).
Ngoài công việc
phê bình, Nguyễn Đức Tùng là một nhà thơ, vậy tôi xin hỏi ngược lại, thơ đến
với anh ra sao?
9. Nguyễn Đức Tùng:
Thơ của mỗi người là một dòng sông
riêng biệt, có nhiều nguồn. Có khi lộ ra như suối trên đá, có khi chảy ngầm dưới
đất như mạch nước, khó nhận biết. Một trong những nguồn suối ấy là nỗi xúc động
từ kinh nghiệm có thật trong đời.
Xúc động chứ không phải là ý tưởng, mặc dù nhiều người
cho rằng thơ của tôi đầy ắp các ý tưởng.
Có những nguồn gốc rất kín đáo, rất xa xăm, ít người
nhận ra. Có lẽ thơ của tôi cũng như thế.
Tôi xin phép được dùng câu chuyện của Kobayashi Issa,
một trong những nhà thơ lớn của Nhật Bản, viết trong cuốn sách nổi tiếng của
ông về thơ Haiku, để mô tả điều ấy.
Chú tiểu Takamaru, mới mười một tuổi, ra khỏi chùa một
buổi sáng mùa xuân với vị sư huynh. Họ đi dọc bờ suối để hái hoa và lá cây. Chú
tiểu trượt chân đột ngột té xuống khi đang leo lên cầu, ngã vào dòng sông băng
tan, nước chảy xiết. Vị sư huynh hốt hoảng chạy lại nhưng không làm cách nào để
cứu kịp, chú bé trồi lên nhiều lần đưa tay vùng vẫy nhưng rồi lại chìm xuống
dưới làn sóng hung dữ. Mặc cho tiếng gào khóc của người trên bờ, dòng nước vẫn
cuốn phăng chú mỗi lúc một ra xa.
Người trong chùa và thôn xóm đổ xô
đi tìm, đốt đuốc suốt đêm dọc hai bờ sông. Cuối cùng người ta tìm thấy chú, đã
chết, toàn thân lạnh giá vắt lên bờ đá. Có người tìm được trong túi áo của chú
tiểu những thứ vật dụng lặt vặt, mà họ đoán là dành để làm quà cho cha mẹ chú.
Họ mang Takamaru về nhà. Cha mẹ chú ngất đi. Không ai nhìn cảnh ấy mà không rơi
lệ khóc than. Thế mà buổi sáng ấy chú bé ra khỏi chùa vẫn còn lành lặn, tươi
cười.
Hai ngày sau, đứng trước ngôi mộ mới đắp, lạnh cóng
trong buổi chiều sương xuống, Issa đã viết bài thơ tanka nổi tiếng được lưu
truyền rộng rãi của ông:
Không một lần
nào tôi nghĩ rằng
Một ngày kia tôi sẽ ném
Những bông hoa mùa xuân tươi
thắm
Vào đám khói đen này
Và đứng lùi lại để nhìn nó bay
lên
Biến mất trong bầu trời.
Trần Nhuận Minh:
Câu chuyện anh kể rất cảm động. Và bài thơ thật hay.
Có lẽ thơ đến với anh cũng tương tự như thế chăng?
10. Nguyễn Đức Tùng:
Anh nhớ nhất những bài thơ nào của mình?
Trần Nhuận Minh:
Câu hỏi của anh rất tinh, rất khéo, không thật chú ý
sẽ không nhận ra, cũng là cách rất hợp lý để tác giả tự đánh giá những bài thơ
có chất lượng cao hơn của mình mà không mang tiếng là thiếu khiêm nhường. Vì
vậy, tôi chọn cách đánh giá thơ tôi của những người khác, những đơn vị văn hóa
khác, rất có thể họ chuẩn xác và khách quan hơn chăng... Bởi người khác nhớ thơ
mình thì vẫn hay hơn là mình nhớ thơ mình, đúng không?
Năm 1990, trong
chuyến thăm Liên Xô, theo lời mời của Hội Nhà văn Liên Xô, một chiều cuối tháng
4, nhà thơ Trinh Đường ngồi bên tôi trên đồi Lênin, dưới bóng những cây thông
lớn, cao vút, nhìn xuống dòng sông Matxcơva, ông nói một câu, tôi rất nhớ: bài
“rất gớm” của cậu là Chiều Yên Tử. Mình không hiểu sao
cậu viết được bài ấy. Sau đó ông chọn bài thơ ấy trong 99 bài Thơ
Việt thế kỷ XX và trực tiếp viết lời bình. Trung tâm Văn hóa Doanh nhân
chọn bài Dặn con, trong khi Công ty Văn hóa Trí tuệ Việt chọn bài Nguyễn
Du, trong 100 bài thơ hay của thế kỷ XX (mỗi nhà thơ được chọn một bài).
Công ty Văn hóa Trí tuệ Việt cùng nhà xuất bản Văn hóa thông tin, in tập Nhà
thơ và tác phẩm tiêu biểu của thế kỷ XX, chọn tôi là một trong 40 nhà
thơ “có nhiều cống hiến ở thế kỷ XX” như Lời
thưa in ở đầu sách và chọn lại của tôi bài Chiều Yên Tử. Sau đó, hai
đơn vị trên, hợp tác xuất bản Thơ hay thế kỷ XX và chọn của tôi
hai bài khác: Đứng trên thành nhà Hồ ở Thanh Hóa, nhớ câu thơ “Phúc chu thủy tín
dân do thủy” của Ức Trai Nguyễn Trãi và
bài
Phút lâm chung của cụ Hãn. Nhà xuất bản Giáo dục, xuất bản
Sách tham khảo đặc biệt dùng trong
nhà trường: Tuyển tập thơ Việt Nam thế kỷ XX (thơ trữ tình) do
nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi chủ biên, với
sự tham gia tuyển chọn của nhà thơ
Vũ Quần Phương và Quang Huy, chọn
của tôi ba bài: Chiều Yên Tử, Nguyễn Du và Nhà thơ áp tải. Hội Nhà văn Việt
Nam,
qua Nhà xuất bản Hội Nhà văn, in Nhà văn Việt Nam thế kỷ XX, tôi được
chọn năm bài: Chiều Yên Tử, Chơi thuyền trên vịnh Hạ Long, Thím Hai Vui, Hà Giang và Ông
Hủi; trong Tinh tuyển Thơ Việt Nam thế kỷ XX do nhà thơ Bằng Việt chủ biên, tôi được chọn hai bài là Thím
Hai Vui và Vạn lý Trường thành ca (người
được chọn nhiều nhất là ba bài), chưa
kể
Tinh hoa thơ Việt (tập I) chọn của tôi 30 bài. Còn thơ tình thì sao?
Cũng có đấy. Có hai tập tuyển khác nhau đã được xuất bản, đều có tên là tuyển
tập Thơ
tình Việt Nam
thế kỷ XX, tập này, tôi được chọn một bài Chiều xanh và tập kia,
tôi được chọn hai bài Thơ tình ngày không em và Chiêm
bao.
Vân vân…
Xin cám ơn các nhà thơ, các nhà thơ nhà văn trong các nhóm tuyển chọn,
cám ơn các đơn vị văn hóa và các nhà xuất bản.
11. Nguyễn Đức Tùng:
Tôi xin nêu nhận xét riêng của
mình, có thể khác ý kiến những người đã đọc thơ anh trước tôi: muốn nhìn thấy
Trần Nhuận Minh thì phải đi tìm anh trong những bài thơ dài, các trường ca.
Ở thể loại này, tôi nhận ra Trần Nhuận Minh rõ hơn.
Tiếng hạc kêu ngang trời
Thảng
thốt
Màu thu
rối bời hoa tóc tiên
Lẳng
lặng Em. Lẳng lặng Em
Đấng Mê
Tơi đang nói
Trong im
lặng khôn cùng
Trong
sắc chiều bâng khuâng tận đáy
Trút bỏ
tư duy nhuốm bụi
Trần
gian
Tinh
khiết như thuở mẹ sinh ra
Ta dang
hai cánh tay
Xao xác gió
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét