Thứ Ba, 29 tháng 1, 2019

4. CHUYÊN KIÊNG CỬ TRONG DÂN GIAN

Kha Tiệm Ly


Trong dân gian có hàng trăm chuyện kiêng cữ. Vì theo quan niệm “Có kiêng có cữ, chuyện dữ cũng lành”, nên ta thấy bất cứ từ chuyên lớn chuyện nhỏ cũng có chuyện cữ kiêng. Giới nào, ngành nghề nào cũng có nhiều điều kiêng cữ cả! Trong bài nầy, chúng tôi xin liệt kê vài chục chuyện kiêng cữ mà bà con ở mọi địa phương miền Nam vào những ngày thường vẫn còn đang tin tưởng - có khi tuyệt đối. Nói “ngày thường”, vì chúng tôi sẽ không kể những kiêng cữ vào những ngày Tết, vì nếu kể luôn những kiêng cữ vào những ngày nầy, có lẽ phải viết thành một chuyện dài nhiều tập!

Đầu tiên là những người bán hàng rong, họ rất sợ những ai “vô dang”,  không hạp “bóng vía” mà mở hàng, vì họ tin là sẽ bị ế hàng suốt ngày đó. Với người mà họ từng biết, họ không bán; nhưng với những người lần đầu làm cho họ ế, thì họ lấy một miếng giấy, đốt lên rồi huơ qua hươ lại chung quanh mặt hàng của mình đề “đốt phong long”, (có khi vừa đốt vừa chửi rủa mới “linh”!), hy vọng kẻ nào đó “mở hàng lại” sẽ đem nhiều may mắn hơn. Vì vậy, nếu chuyện cần thiết mà bạn là người mở hàng, thì cũng đừng nên kèo cưa, hay xốc lựa, chê bai thái quá. Thà bị “chém” một chút, còn hơn phải lời qua tiếng lại không hay!

Nếu gặp người bán hàng rong về sớm hơn mọi ngày cũng không nên hỏi: “Sao nay về sớm vậy?”, bạn sẽ được trả lời bằng cái quắt mắt hay vẻ mặt hình sự, vì họ nói bạn trù họ ngày mai bán ế đó!

Khi bạn được mời dùng cơm ở nhà người làm nghề xe đò (hoặc xe hàng) hay người làm nghề đi tàu thuyền, thì khi dùng hết một bề của con cá,  muốn ăn tiếp, bạn phải rút xương bỏ đi mà ăn tiếp phần dưới, chứ đừng lật qua. Nếu bạn là khách quý, bạn sẽ thấy ánh mắt ngạc nhiên pha chút mất thiện cảm; còn nếu bạn “làm rể” thì coi chừng mất vợ như chơi: Họ cử tiếng “lật” lắm. Tàu xe mà!

Là hành khách, bạn cũng không được chải tóc trên tàu, xe vì bạn sẽ để nhiều rắc rối cho nhà chủ vì mớ tóc rối bạn để lại!

Đi xa, thăm viếng, hay làm thứ gì có liên quan đến tiền bạc, thì tránh những ngày “mùng năm, mười bốn , hăm ba” âm lịch, vì những ngày đó “đi sao về vậy, không ra quái gì”.

Khi úp hay lấy chén dĩa, cũng phải nhẹ tay, không cho khua, cũng như giắt dao vào giá cũng phải giắt lưỡi cùng một chiều; nếu không gia đình sẽ bị xào xáo, vợ chồng đánh nhau, chém nhau cũng không chừng! Đũa ăn cơm, khi không xài nữa thì vứt bỏ, không được bẻ gãy để tránh chồng vợ chia lìa!

Làm dâu mà xới cơm xong lại gõ đũa bếp vào thành nồi, đồng nghĩa với “gõ vào đầu ông táo” thì … làm ăn sao khá? Mẹ chồng thấy là khó yên!

Nhà có đám tang, khi có chuyện cần thiết đến nhà lối xóm thì phải gỡ tang xuống, nếu không sợ bị đuổi như đuổi tà. Bánh trái thừa của đám tang cũng không được biếu người khác, dù là thân thích: Tang sẽ “lây” qua nhà họ! Kính soi mặt hay cửa kính đều phài lấy vôi quẹt chữ thập trên đó để tránh bị vỡ! Người còn thọ tang cũng không nên thăm “đàn bà đẻ” vì hài nhi sẽ “khóc lòi rún” mà không có thuốc nào chữa được, trừ phi xin cây đèn cầy cắm trên quan tài về đốt hoặc lấy thanh củi bị cháy dở trong bếp (không còn lửa) vừa giá giá trên đầu trẻ, vừa hăm: “Mầy chịu nín không?”, thì trẻ sẽ “dứt (khóc) như đờn”!

Nếu thấy người bị bịnh ho gà và nhất là bệnh dời leo (Zona) thì đừng “vui miệng” mà hỏi: “Bộ bị dời leo (hay ho gà) hả?”, thì người bệnh hay thân nhân ho sẽ nhăn mặt, không hài lòng, bởi bệnh nầy “không được nhắc tên” (!); bệnh sẽ lây lan nhanh hơn, khó trị hơn!

Những kiêng cữ khác:

- Ngủ không được quay đầu ra cửa cái: Đó là hướng nằm của người chết

- Không cài băng đô màu trắng: Giống để tang, “trù cha  trù mẹ chết sớm”

- Không đưa võng không, hay trên võng có cái gối: Các em bé trong nhà ra đời sẽ khó nuôi, chết trước thôi nôi!

- Không được đứng trước cửa cái ngó vào nhà: (Khi hỏi thì các cụ chỉ  nói “không nên” chứ không giải thích tại sao)

- Không chải tóc bạn đêm: “Chải cho ma coi hả?”

 - Không được khen mồ mả của ai đó đẹp: Người chết sẽ “nhập” vào, hay “bắt” người khen theo làm bạn!

 - Ban đêm không được đóng đinh, cưa gỗ: Trong nhà sẽ có người chết, vì thao tác đó giống như đóng quách hay quan tài (cần kíp nên đóng ban đêm)

 - Không dùng cây bần làm nhà hay cất chuồng trại: Làm ăn không khá (“bần” mà lỵ!), hay gia súc bị chết dịch!

 - Trẻ con không được ăn đầu cá, đầu gà vịt: Hỗn, khó dạy (Có lẽ vì tránh hóc xương)!

 - Không được hớt cơm trên mặt nồi cho trẻ ăn: Lớn lên chúng sẽ “ăn cơm hớt”, vô phép khi người lớn nói chuyện

Với những chuyện kiêng cữ nêu trên, đa phần thiên về mê tín và có những cái khá kì hoặc, nhưng hiện tại đại đa sồ vẫn còn tồn tại trong đời sống bà con thôn quê -  cả thành thị. Dù tin hay không, chúng ta cũng nên biết, bởi không có sự hiểu biết nào vô ích cả.

KHA TIỆM LY



 Tên thật: Thái Quốc Tế

 Địa chỉ: 99/5 Đinh Bộ Lĩnh, Phường 2, tp Mỹ Tho, Tiền Giang

 Điện thoại: 0987 -701 - 952











Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét