Thứ Năm, 28 tháng 5, 2015

              Tác Giả 5
  TUYỂN TẬP THO & VĂN
     “MỘT THỜI ĐÊ NHỚ”
           






               LIÊN HƯNG
           
          Tên thật: Nguyễn Thị Liên Hưng,
                     sinh năm 1957
Quê quán: Lam Thủy, Hải Vĩnh, Hải Lăng, Quảng Trị.
Hiện ở tại Tp. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Là cựu học sinh trường Trung học Nguyễn Hoàng - Quảng Trị
                    (NK 1969 -1975)
           Trình độ: Đại học Tài chính



CÓ NHỮNG DÒNG SÔNG
Hồi Ký

          Quân bất kiến
          Hoàng Hà chi thuỷ thiên thượng lai
          Bôn lưu đáo hải bất phục hồi
                 (Tương tiến tửu – Lý Bạch)

Lời người xưa như mãi còn vang vọng, dòng chảy của mỗi con sông cũng như dòng đời của mỗi con người ở chốn nhân gian nầy có bao giờ trở lại? Có còn chăng là những dư âm lưu dấu ngọt bùi. Dòng sông nào cũng khởi thuỷ từ nguồn rồi qua bao thác ghềnh, sông rạch để cuối cùng đổ ra biển cả, bởi thế mới có câu trăm sông về biển. Còn con người thì phải có cha mẹ, tổ tiên; có quê hương đất nước: đó chính gốc gác cội nguồn. Có ai đó đã nói rằng quê hương không phải là nơi ta sống lâu nhất, nhưng ký ức về quê hương thì cứ sâu thẳm, nhất là khi ta trở thành người ly hương; dù sang hay hèn, giàu hay khó, lòng ta cứ vẫn khắc khoải hoài vọng nhớ thương. Buồn thay cho những ai đã quên rồi nguồn cội quê hương, không có một dòng sông đan nỗi nhớ để ước mơ một thuở quay về…
Dòng sông nơi tôi sinh ra và trải qua những tháng năm thơ ấu mang tên Vĩnh Định. Thuở ấy ba tôi thường nhắc chuyện con sông nầy được đào từ thời nhà Nguyễn, cùng với kênh đào Vĩnh Tế ở miền Nam nên có cùng họ Vĩnh.
Con sông nhỏ hiền hoà nước trong văn vắt vang nhịp gõ dân chài vào mỗi chiều hôm như giấc mơ êm đềm cứ ở mãi trong tôi, dù qua bao năm tháng nhọc nhằn cuộc sống cũng không thể phai mờ; dù khi rời xa bến nước ngày xưa tôi còn quá ư thơ bé.
Dòng sông không rộng nên những người quen đi hai bên bờ vẫn nhận ra nhau và có thể nói chuyện với nhau í ới. Có những chiều hè tôi theo ba tôi đi tắm sông, hai cha con thả cái thùng thiếc mỏng nổi lềnh bềnh rồi vừa hì hụp tắm vừa rà tay dọc theo bờ sông mò hến. Khi nhặt được con nào là thả vào thùng, thú vị làm sao khi mò trúng những con ốc để trong chén canh hến chiều hôm ấy tôi có thể cắn cắn mút mút vào những cái vỏ ốc đăng đắng một cách thú vị. Đã nhiều lần tập bơi nhưng lần nào tôi cũng bị uống nước, do đó khi tắm sông tôi chỉ tung tẩy trong bờ và thèm thuồng nhìn những đứa trẻ khác đạp chân, sải tay bơi ra xa. Có những thằng con trai thi nhau bơi qua bờ bên kia rồi leo lên ngồi trên những cây sung rủ bóng cười nói râm ran… Sáng sáng, chị tôi ra sông gánh nước tôi lại lúp xúp chạy theo chơi, cứ mỗi lần tôi ra khỏi ngõ là con Vàng lót tót nối đuôi. Đến nơi, “hai đứa” ngồi chồm hổm trên bến, dưới gốc cây phượng vỹ nhìn chị xắn quần lên khỏi đầu gối, lội ra xa cho đến khi làn nước mát che đôi bắp chân tròn lẳn chị mới quăng một đầu gióng ra xa, cánh tay điệu nghệ khẽ khàng chao qua chao lại rồi mới vục xuống cho nước tràn vào đầy thùng và nhẹ nhàng kéo thùng nước đầy vào, rồi trở đầu gióng quăng tiếp thùng kia ra... Khi đã lấy được hai thùng nước trong mát, chị quảy gánh lên vai, rướn người trèo lên các bậc tam cấp trơn trợt của bến nước rồi vung vẩy đôi tay mềm mại gánh nước về nhà.
          Thuở đó tuy còn thơ bé nhưng tôi cũng cảm nhận được cái đẹp và nỗi vất vả trong vũ điệu gánh nước của chị. Khoảng đường từ nhà tôi ra bến sông chừng trăm mét, chạy được một quãng chị lại đổi vai, động tác cứ như làm xiếc. Rồi những chiều tôi theo chị ra bến sông giặt giũ, trong khi chị say sưa làm việc thì tôi len lén đến gần mé nước lượm nhánh tre khô khều những mảng lục bình lại gần để hái hoa chơi, có khi may mắn đưa tay bụm được những con tép nhỏ xíu còn nhảy long tong nữa. Tôi cũng thích ngắm động tác “xả” áo quần của chị. Nghĩa là khi đã giặt bằng xà bông xong, chị lội ra chỗ nước sạch liên tục quăng chiếc áo ra xa rồi nhanh tay kéo lại, vò, vắt… quăng ra rồi lại kéo vào... Trong gió chiều mơn man, màu sắc những chiếc bong bóng xà phòng óng ánh, cánh tay chị mềm mại tung những chiếc áo thướt tha trên màn nước lấp loáng ánh tà dương mới đẹp làm sao! Tôi nghĩ Tây Thi giặt lụa bên bến sông xưa cũng đẹp đến thế là cùng.
Với tôi, chị đẹp lắm, mái tóc dài óng mượt thơm mùi chanh, bồ kết luôn kẹp lại gọn gàng. Đôi mắt nhung long lanh của chị phảng phất một nét buồn trên chiếc mũi thẳng tắp, thanh tú là “tài sản gia truyền”. (Gia đình tôi, ai cũng có chiếc mũi đặc biệt như thế - trừ tôi). Làn da chị không trắng mà lại hây hẩy rám hồng, chị rất yêu đời - miệng luôn ca hát. Trai làng theo chị không ít nhưng mẹ tôi quá nghiêm khắc nên họ chỉ dám lấp ló quanh bờ giậu rứt mãi những cọng tơ hồng. Tôi nhớ có lần chị đưa tôi đi cắt tóc “bom bê”, anh chàng chủ quán cứ mãi lén ngó chị nên không nhìn gì đến cái đầu tôi mà cứ để “tông đơ” xớt mãi trên tóc. Đến khi nhìn lại thì ôi thôi... tôi chỉ còn nước khóc la bắt đền. Ngày con đò ngang đưa chị sang sông theo chồng về xứ khác, tôi biết không ít trai làng ngậm ngùi ca câu “Nàng đội hoa theo chồng, nước mắt tôi ướt bên bờ sông”… khúc lở khúc bồi...
          Sau một đêm khói lửa nhà cửa tan hoang, mẹ con tôi đành bỏ quê nội để về ở tạm quê ngoại tại làng Quy Thiện. Những khi không cùng Khê - thằng em cùng tuổi con ông cậu - thi nhau trèo lên những nhánh ổi cao chót vót để dành ăn trái chín thơm lừng đong đưa với lũ chim, chúng tôi lại rong chơi khắp xóm. Con sông Giòng nơi quê ngoại hình như hẹp hơn Vĩnh Định Giang nhưng rất sâu và  nước xanh leo lẻo. Hai đứa tôi thường ra bến nước trước chùa làng khoát nước đùa nghịch nhưng không dám lội ra xa vì người lớn thường nhắc nhở là bến sông nầy rất “hẳm”. Chỗ khúc quanh con sông cây lá um tùm có chiếc cầu tay vượn bắc qua làng Trâm Lý, tôi chưa dám một lần bước lên đó vì chỉ nhìn đã thấy sợ trong khi thằng em họ cùng tuổi của tôi chạy qua, chạy lại mà không cần đến tay vịn, đôi lúc nó còn làm bộ té nhào la hét để dọa tôi. Có lần Khê dẫn tôi ra bến nước trước cồn để tập cho tôi qua cầu, khúc sông ở đây cạn, về mùa hè giữa lòng sông có chỗ phơi bày cát trắng. Khê dẫn tôi lên cầu, bảo tôi tập đi cho quen và nói chị có ngã xuống cũng không sao (ý nói là không sợ chết đuối). Nhưng khi nó vừa buông tay tôi thì chiếc cầu tre kêu lên kẽo kẹt và đưa qua đưa lại như chiếc võng, tôi hoảng hốt nằm rạp xuống ôm lấy thân cầu miệng la ơi ới làm nó cất tiếng cười dòn dã vang vọng cả một khúc sông. Mãi về sau cũng có lần tôi qua được bờ bên kia nhưng phải vừa lần vừa bò, trong khi thằng em họ thì cứ chạy thoăn thoắt như đi trên đất liền vậy.
          Dòng Thạch Hãn của một thời hoa đỏ rộng hơn hai con sông tuổi thơ của tôi. Khoảng rộng nhất là bến bồi ở chùa Tỉnh Hội. Những chiều nghỉ học tôi thường cùng chúng bạn xuống đò ngang qua bên kia sông ngoạn cảnh. Bến nước trước chùa Sư Nữ mới tuyệt vời làm sao! Chúng tôi thường ngồi trên thành bến, dưới bóng tre xanh mà nghe tâm hồn thư thái. Trời thì xanh ngắt, đâu đó vài cụm  mây trắng bồng bềnh, lãng đãng trôi về nơi vô định, gió thì lồng lộng, làn nước thì trong veo, Chúng tôi tha hồ mà nhìn chim trời sải cánh, nhìn đám lục bình tim tím dập dềnh, nhìn những con đò xuôi ngược và lắng tiếng chuông chùa lay động ánh tà dương âm vang truyền qua sóng nước như thức tỉnh bao hồn mê nơi nhân thế. Có lần thầy Hồ Thế Vĩnh tổ chức cho lớp tôi cắm trại ở bãi thông Nhan Biều. Bên kia sông là phố thị hoa đèn, là ồn ào xe cộ; bên nầy sông là ruộng vườn cây lá, là những hàng thông mơ mộng vi vút bên giòng nước biếc khiến người như lạc bước vào cõi hoang sơ. Rồi những ngày lễ Vu Lan, chúng tôi lại cùng nhau lên chiếc cầu nổi bắc ngang sông để nhìn cảnh phóng sanh, phóng đăng... Ôi! Dòng Thạch Hãn đã có lúc trở thành dòng sông máu lửa để xót xa cho bao người Việt Nam; để buồn thương, hoài vọng cho bao thế hệ học sinh Nguyễn Hoàng một thuở.
Có lần tôi được đến Đông Hà, con sông Hiếu ở đó hình như rộng lớn hơn ba con sông tôi đã gặp thì phải? Và cái cảnh trên chợ dưới thuyền mới tấp nập làm sao! Đến khi vào Huế, tôi lại đứng lặng bên bờ Hương Giang để nghe tiếng gió thì thào về con sông huyền thoại. Làn nước trong vắt soi bóng mấy nhịp Tràng Tiền dẫn lối vào dấu xưa xe ngựa... Đâu đó những thuyền nan xuôi ngược dập dìu vẳng tiếng hò khoan như trôi vào cổ tích.
Rồi những ngày sống tạm bợ trên mảnh đất Quảng Nam, với tôi con sông Hàn thuở đó mới lớn làm sao! Nước không lặng lờ trôi như những dòng chảy tôi đã gặp mà có sóng xao động lòng người. Mỗi lần qua Đà Nẵng chơi, bọn con gái chúng tôi chở nhau bằng xe đạp, cố hết sức để đạp xe lên cầu mệt ngất ngư mà gió lồng lộng chi cho vướng đôi tà áo trắng?
          Sau nầy có dịp đi đó đi đây, tôi đã gặp không biết bao nhiêu là sông ngòi lớn nhỏ. Từ những kênh rạch cạn nước sánh bùn của miền Tây Nam phần, qua Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây; sông Tiền, sông Hậu - hai con của mẹ cả Cửu Long - một thời chinh chiến… Những sáng ngắm nhìn cảnh mua bán lênh đênh trên chợ Nổi; những tối ra bến Ninh Kiều để nhìn bước chân dập dìu của tài tử giai nhân. Ngày sau lại xuôi giòng Tiền Giang về thăm cồn Ông Hổ. Rồi những lần theo đò dọc ngược giòng những con sông huyền thoại để vào miệt vườn nếm thử trái chín trên cây và nghe câu hát Lý thương nhau ngọt ngào, thiệt thà như cô em áo bà ba khăn rằn quấn cổ. Lối về Bến Tre - xứ dừa ngọt lịm - mênh mông ngã ba sông sóng vỗ mạn thuyền mà nghe câu vọng cổ Thuyền ra cửa biển. Có những chiều dừng chân bên bến Bắc Cần Thơ để đợi chuyến phà cuối ngày, chợt khúc Dạ cổ hoài lang của cha con người hát rong vẳng đến cho hồn chùng về một nỗi nhớ không tên.
Rồi những chuyến đi dọc theo Quốc Lộ I để ra Bắc tôi đã qua con sông Bến Hải ly hận một thời. Dòng sông nhỏ bé thế kia, hiền hòa thế kia mà đã phải mang nỗi đau chia cắt đất nước trong mấy mươi năm. Bước tới đèo Ngang bóng xế tà nhớ Bà Huyện Thanh Quan mà ngậm ngùi một mảnh tình riêng ai hay tá? Khi qua phà sông Gianh, đứng giữa cảnh trời nước bao la, bến bờ xa tắp để thấy thân phận con người sao quá ư nhỏ bé mà sao quá ư cay độc, mưu kế hiểm sâu và càng thấm thía mối hận Trịnh - Nguyễn phân tranh cho một thời Nam - Bắc triều nồi da xáo thịt. Đường còn xa, trăng còn cao, những núi những sông âm vang theo từng trang sử. Đây sóng nước Lam Giang còn lưu danh hậu thế, ngang sông Mã chợt nghe gầm lên khúc độc hành trong tâm tưởng. Rồi suối Yến - lối vào chùa Hương - để mơ về một thuở tóc đuôi gà của cô bé tuổi mười lăm. Sông Thương nước chảy đôi giòng, đưa người quen ấy theo chồng thuở xưa ... đã xưa… xưa lắm rồi mà sao nỗi luyến lưu như còn lênh đênh trên sóng nước đến tận bây giờ. Tôi đã đến chiêm ngắm Hồng Hà reo vui đôi bờ sóng vỗ; qua Bạch Đằng Giang sông ơi... anh hùng xưa mà nhớ chiến công cọc nhọn hiển hách của tiền nhân để tìm về ải Chi Lăng mồ chôn xác giặc... Những bản anh hùng ca ấy như lồng lộng mãi với gió núi mây ngàn, vinh danh hồn thiêng sông núi cho lòng tự hào được làm người con dân nước Việt.
          Và bây giờ, không biết cuộc đời tôi có dừng lại mãi bên bờ Đồng Nai chở nặng phù sa hai mùa mưa nắng nầy không? Còn nhớ cái thuở vừa gặp dòng sông tôi đã lạ lùng ngơ ngác vì giòng chảy, vì mầu nước... sao quá đổi xa lạ, sao không giống con sông hiền hòa nơi tôi đã ra đi? Sông Đồng Nai rộng chia hai phố phường huyên náo, những ngày gió lớn lại dậy sóng đôi bờ. Có những chiều nắng quái tôi lại đến ngồi bên bờ sông, lặng lẽ nhìn đám lục bình tím một màu man mác mà gởi hồn về chốn sông xưa. Tôi thường phóng tầm mắt về bờ tít tắp bên kia để tìm một làn khói lam chiều hay một cụm tre già lả ngọn nhưng nào thấy đâu. Ai tìm dùm ta bướm trắng... Ồ! Đã bảo dòng sông không trở lại sao ta cứ mãi mơ hồ? Ôi phù du! Phù du như sợi nắng chiều. Những tia nắng huyễn hoặc, dư âm của ánh tà dương chiếu lất lây qua những làn mây mỏng phất phơ, để rồi trước khi tắt lại bừng lên những gam màu rực rỡ như chẳng cam lòng đi vào bóng tối. Cả một thời tuổi trẻ của tôi đã trôi qua bên bờ sông nầy, hình như dòng sông đã làm chứng cho những thăng trầm bao năm qua của một kiếp người ở trọ. Khi vui, tôi cùng người thân đến đây để ca hát, chuyện trò; khi buồn tôi đến đây để gởi những giọt nước mắt theo giòng. Cả những lúc chán nãn, tuyệt vọng tôi cũng đến đây, ngồi bên gốc si già, ngắm lục bình trôi, ngắm sóng vỗ bờ, ngắm cảnh hoàng hôn hấp hối để suy tư về một kiếp phù sinh.
Ôi những con sông quê hương! Tôi yêu tất cả dù có dòng chở nặng niềm đau; dù có dòng sóng tung nỗi nhớ. Nhưng trong tôi, thanh âm của dòng sông quê xưa cứ hoài vang vọng. Vĩnh Định ơi! Dòng sông ký ức của một thời tuổi thần tiên chắp cánh. Tôi như vẫn thấy bụi tre già lả ngọn treo những tổ chim lửng lơ bên bờ sông lộng gió. Tôi như vẫn thấy tàng phượng hồng rực rỡ bên bến sông xưa báo hiệu tàn xuân. Tôi như vẫn thấy dáng trẻ trung của chị tôi uốn mình quăng chiếc áo giặt xuống làn nước làm mảnh trăng vàng vỡ vụn trong những đêm hè. Tôi như vẫn nghe tiếng gõ lóc cóc xua cá của đám dân chài và con đò đưa tôi xa rời tuổi nhỏ, như còn đậu quanh quẩn đâu đây để chở trả tôi về chốn cũ.
Cho dù dòng sông quê xưa có bên bồi bên lở. Cho dù người, cho dù cảnh có đổi thay thì nỗi nhớ dòng sông - nỗi nhớ thời thơ bé - nỗi nhớ quê trong tôi cứ tím mãi như những cánh lục bình trôi dài trên những dòng sông năm tháng.
         Vĩnh Định ơi!
Bên bờ Đồng Nai (ngày cuối năm 2006)







HƯƠNG SẦU ĐÔNG
Tùy Bút

Một chiều cuối tuần, tôi ngồi nghe chuông gió mắt nhìn tia nắng nhạt cuối trời. Lòng bỗng nhớ quê da diết, nhớ dòng sông, nhớ cánh đồng, nhớ con đò ngang, nhớ bụi tre già đầu ngõ... Ôi nhớ.... Nỗi nhớ đã khiến tôi vào trang web lần tìm… chợt một chùm hoa sầu đông tím đập vào mắt tôi. Chao ơi! Tôi đã chiêm ngắm trong nỗi xúc động nghẹn ngào, cảm ơn người biên tập đã minh họa chùm sầu đông với những cành hoa li ti tim tím nhớ lên trang Web. Lâu lắm rồi tôi chưa gặp lại loài hoa nầy, chỉ là những hình dung trong trí nhớ. Bây chừ cành hoa đó như lay động trong tôi, dù chỉ là một hình ảnh không nắm bắt được. Ôi hồn quê! Với người Quảng Trị tha hương là như thế đó, đâu cần gì nhiều, đôi lúc chỉ là một bài viết ngắn, một tấm ảnh đơn sơ hoặc một giọng à ơi quen thuộc cũng đủ làm xao động nỗi tư cố hương.
Ôi hương sầu đông! Hương quê nhà Quảng Trị sao cứ tím mãi trong tôi dù đã bao năm lìa xa quê cũ.                                                                   Quảng Trị quê tôi không chỉ là vùng đất khô cằn cày lên sỏi đá, không chỉ đau buồn tủi phận trong câu ca Mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn... mà còn lắm niềm tự hào không nơi nào có. Ai đã từng về bên sông Thạch Hãn soi bóng nước để nhớ một thời đường Gia Long lộng gió? Ai đã từng ngậm ngùi bước trên phố xưa để mơ về Nguyễn Hoàng của một thời áo trắng? Ai ra Đông Hà rẽ về Cửa Tùng, Cửa Việt? Ai về Bích La ngắm bóng chiều trên ngã ba sông nhớ ghé thăm cô hàng Nem Lụi ở chợ Sãi. Ai về Hải Lăng không chỉ mồ chen cát trắng mà còn cả những đồi sim tím cả rừng chiều, rồi dòng Vĩnh Định Giang hiền hòa đưa nước ngọt và phù sa cho những xóm làng yên ả. Ôi ngày xưa... Ngày xưa vẫn sống mãi dù bây chừ đã thành ruộng lúa bể dâu. Những gợi nhớ ấy phải chăng là hương quá khứ còn đọng mãi với thời gian, phảng phất đâu đây trong tâm hồn người viễn xứ?
Nói về hương quá khứ thì trong tôi luôn đầy ắp những hương quê. Nào là hương lúa đồng nội, hương cau bên thềm, hương giàn thiên lý đầu hè, hương đồi sim tím… Cơ man làm sao kể xiết. Nhưng với tôi, có lẽ mùi hương sầu đông là ấn tượng nhất, bởi vì suốt một thời thơ ấu tôi đã đếm tuổi không chỉ khi hoa mai nở mà cả mùi hương sầu đông thoang thoảng báo tin mỗi độ xuân về. Còn bao năm qua, những miền đất tôi đến, tôi đi... chưa hề được thấy những chùm hoa tím dịu dàng đó, để hôm nay tôi bất ngờ ngộ cố tri trong niềm thương lặng lẽ.

                                         *                           
Tôi vốn sinh ra trong một xóm nhỏ mang tên Bắc Tả của làng Lam Thủy, có rặng tre già bao bọc xóm thôn, có cánh đồng rộng cho bầy cò sải cánh bên dòng sông Vĩnh Định lặng lờ trôi theo năm tháng. Tôi là con gái của dòng Nguyễn Ngọc, đa số những ngôi nhà của cái xóm Tả nhỏ bé thuộc về họ tộc này. Như một thông lệ, cứ sinh ra con trai thì đặt tên là Nguyễn Ngọc… chi đó, còn con gái nếu muốn đặt thêm chữ đệm thì dứt khoát phải là Nguyễn Thị Ngọc… chi đó. Chỉ có nhà tôi là phá lệ, ba tôi không dùng chữ Ngọc làm tên đệm cho chị em chúng tôi mà lại là An Lành, Liên Hưng, Vĩnh Phước. Bởi thế khi vào học trường tiểu học Lam Thuỷ, gặp lớp ông anh họ thuộc dòng Nguyễn Ngọc dạy, tôi bị anh la cho một trận vì cái tội “tự ý sửa tên, Ngọc Hưng sao viết thành Liên Hưng?” vì thuở đó có những đứa con gái khi ở nhà mang tên Chút, Chít, Nậy… khi đi học tự ý ghi tên vào nhãn vở là Hoa, Lan, Huệ… cho đẹp. Bị mắng oan tôi về khóc với ba, thứ nhất là mất chữ Ngọc, thứ hai là bị lũ con trai trong lớp trêu ghẹo rằng con gái mà mang tên Hưng của tụi hắn và “xin ba sửa tên lại cho con”. Không những ba tôi không sửa mà còn phán một câu rằng ông đã lục hết sách vở mới tìm được cái tên vừa ý để đặt cho tôi, sao đổi được. Thấy tôi còn tấm tức, ông bèn giải nghĩa cho tôi Liên là gì, Hưng là gì, ông đặt tên cho tôi như thế là kỳ vọng vào tôi điều gì, v.v và v.v… Thế là tôi sáng mắt sáng lòng nhận cái tên cha mẹ cho một cách vui vẻ, về sau có ai thắc mắc con gái mà tên kỳ cục tôi lại hãnh diện giải thích chữ nghĩa y như kiểu ba tôi đã phân tích cho tôi từ thuở nhỏ. Sau này khi lớn lên, tôi càng thích cái tên đó hơn vì nó không hề bị trùng lặp. Khi bị ai đó gọi nhầm tên, tôi thường đính chính: Dạ, tên em không có chữ “ơ” ạ!.
Ngôi nhà của gia đình tôi là một căn nhà gạch ba gian, nhà ăn nhà bếp nằm ngang phía dưới nối liền với nhà trên như hầu hết các căn nhà trong xóm. Mẹ tôi kể lại rằng gạch để xây căn nhà này là thu lượm lại của khu nhà lầu cũ, đó là một cơ ngơi khá lớn tọa lạc giữa khu vườn mênh mông. Mẹ tôi thường kể rằng khi mới về làm dâu, bà có lần đi lạc trong khu vườn đó. Từng dãy nhà ngang dọc, con cháu, người làm … ai đâu ở đó; còn căn nhà chính để thờ gia tiên và nơi ông nội tôi ở thì khi có lệnh con cháu mới được vào. Khi chiến tranh xảy ra, giặc Tây đã lấy ngôi nhà để làm bản doanh. Khi rút đi, chúng lại bắt dân làng gánh rơm rạ chất đầy để đốt nhà. Hoà bình lập lại, ba mẹ tôi về, nhặt nhạnh từng viên gạch rơi vãi còn sót lại để xây nhà mới cho gia đình. Khi tôi chào đời thì không còn tiếng súng, tôi đã lớn lên trong căn nhà được xây lại từ tro tàn năm cũ bên cạnh những người thân. Ba tôi bận công tác xã hội trên quận, trên tỉnh cả ngày, chiều tối mới đạp xe về nhà. Mẹ tôi vẫn lam lũ một nắng hai sương với ruộng vườn để lo cho chồng con có miếng cơm tấm áo.
Trong vườn, ba tôi trồng đủ loại cây ăn quả, những cây quýt đầy trái căng tròn mọng nước; những trái mãng cầu chín khoe mắt nhung đen vì bị lũ chim ăn vụng; những quả thanh yên xanh xanh dòn rụm … Hai hàng cau thẳng tắp luôn có bầy chim non ríu rít. Đầu hiên nhà, dưới giàn thiên lý là những cụm hoa mộc, hoa sói bên hòn non bộ có những tiên ông, tiên cô như từ trong cổ tích bước ra. Vườn hoa từ đầu hè kéo dài ra tận ngõ ba tôi lại trồng lắm thứ, nào hoa cúc vàng, hoa thược dược, phụng tiên, huệ trắng, mai vàng, mai đỏ, những cụm mẫu đơn khoe sắc, những cánh dành dành trắng nuốt thơm nức mà sau này tôi mới biết đó là một trong những loài hoa mang họ trà mi vương giả. Rồi hải đường, phù dung… cây tường vi vươn mình đưa những chùm hoa hồng tím ra tận bụi trúc bên bờ ao. Cả những loại cây ít người trồng như  hổ vỹ, bạch quỳnh, cành giao…. cũng được bàn tay của ba mẹ tôi cùng nâng niu, chăm sóc. Bởi vậy nên vườn nhà tôi lúc nào cũng rập rờn bướm lượn đủ màu. Phía bìa sân, ngoài những cọng hoàng anh khoe sắc vàng tươi quanh năm, nhà tôi cũng có rặng chè tàu cắt xén và những hàng sầu đông như bao ngôi nhà khác ở trong xóm. Khi xuân sang, những chùm hoa sầu đông tim tím với những cánh mỏng manh bé xíu đưa mùi hương thoang thoảng không lẫn được với mùi hoa nào. Nhất là vào đêm trăng sáng, những chùm hoa lấp loáng dưới ánh trăng lay động trong sương đêm gợi cho trí óc nhỏ nhoi của chúng tôi những chuyện huyễn hoặc thần tiên trong cổ tích. Hè đến, những cánh hoa trắng tím lại rắc đầy sân để nhường chỗ cho những chùm trái non mơn mởn đong đưa trong gió nhẹ, chúng tôi hái trái để chơi ô làng. Trái sầu đông đầy cây bát ngát thế mà bị thua vài trái có khi tôi cũng chảy nước mắt vì tiếc. Rồi mùa thu về, những trái sầu vàng xuộm rụng đầy trên lối đi. Chúng tôi nhặt trái, ghé răng nhăn nhăn vào trái chín để thưởng thức cái vị vừa ngòn ngọt, vừa chát chát lại vừa đăng đắng một cách thú vị nhưng không dám ăn nhiều, say chết. Rồi mùa đông đến, những cành cây khẳng khiu không chiếc lá, trơ xương đón những luồng gió rét, nghiêng ngả dưới mưa dầm để chờ gió xuân cho một chu kỳ tiếp nối.
Có lần, người ông đồng hàng ông nội tôi chống gậy đến nhà chơi, ông nhìn hàng sầu đông trước ngõ và cất cao giọng ngâm rằng “Sầu đâu đưa tới em hoài. Sầu trong chưa giải, sầu ngoài đưa vô” rồi bảo ba tôi hãy đốn hàng sầu đông đi, trước nhà mà trồng cây sầu là không tốt. (Ở Quảng Trị, cây sầu đông thường gọi tên là sầu đâu). Rất may ba tôi không nghe theo lời ông, do đó tuổi thơ của tôi được lớn dần theo dãy sầu đông trước ngõ.
Bên góc sân cạnh nhà bếp, có một cây sầu đông to bằng cột đình, những tán lá cao như muốn vươn tới khoảng không gian bao la vô tận. Tuổi thơ tôi đã trôi qua êm đềm bên gốc sầu đông già đó. Dưới bóng mát tàng cây, tôi và thằng bạn cùng xóm đã bày đủ các trò chơi, kể cả trò chơi gia đình. Chúng tôi lấy lá chuối tươi xé nhỏ ra rồi túm lại cột thêm vào chùm tóc như cái đuôi gà dài, hắn trèo lên cây bẻ chùm hoa sầu đông cho tôi ôm trên tay làm cô dâu rồi khoác tay nhau đi đi lại lại một cách nghiêm trang. Sau đó chui vào nhà (được hai đứa dựng bằng cây sắn, cành sầu đông và lợp lá chuối tươi, các kèo cột được nối với nhau bằng dây chuối khô) rồi cùng hô lớn “Trời tối rồi” thế là nằm ngay đơ, giả bộ ngáy khò khò như người đang ngủ. Một lát hắn lại giả tiếng gà gáy “ò ó o” và chúng tôi vội vàng trỗi dậy vì trời đã sáng. Bắt chước người lớn, hắn giả bộ cuốc đất, trồng cây bên cạnh bụi chuối (cuốc được làm bằng cây sắn còn nguyên gốc) còn tôi thì lo giữ con,  tôi bỏ con là chiếc bẹ chuối cắt thành hình người vào cái võng cũng bằng bẹ chuối ru hời những câu “Mẹ thương con ra cầu Ái Tử. Vợ trông chồng lên núi Vọng Phu”  hay “Chàng ơi phụ thiếp làm chi. Thiếp là cơm nguội để khi đói lòng”, v.v… Chao ơi là những câu hát ru của quê hương, tôi đã nghe và hình như đã thuộc làu từ cái thuở nằm nôi. Có khi tôi lại bắt một chú chó con để làm con. Tôi bế nó đi quanh sân, cất tiếng ru, cho nó ăn  và đè ra đánh đít nó, miệng hỏi “trừa chưa, trừa chưa” làm nó kêu ăng ẳng rồi vùng chạy thoát.
“Ôi ngày thơ! Tình thơ!
Mất về đâu tuổi dại…”
Bạn nhỏ ngày xưa ơi! Có lẽ bạn không nhớ đâu, nhưng với tôi sao những kỷ niệm cái thuở bốn, năm tuổi ấy cứ mãi nằm trong tiềm thức. Mỗi lần hoài niệm quê hương, hình ảnh ngày xưa lại hiện ra rõ mồm một. Êm đềm quá! Thơ mộng quá! Phải chăng đó là một trong những ngăn ký ức đẹp nhất của một đời người?
Khi làng quê không còn yên ả với tiếng chày giã gạo đêm trăng, với mái chèo khua giòng nước trong xanh hiền hoà trên con sông nhỏ, gia đình tôi ra tỉnh, đến ngụ cư tại làng Thạch Hãn. Ba tôi vẫn trồng hàng sầu đông trước ngõ để tưởng nhớ quê nhà. Ngôi trường Nguyễn Hoàng tôi học vẫn có sầu đông chen lẫn với hàng dương, tán phượng. Con đường từ nhà đến trường ngoài luỹ tre già lả ngọn vẫn thoảng mùi hương nhè nhẹ của hoa sầu đông mỗi độ xuân về.
Và thế... Mầu hoa man mác đó đã theo tôi suốt cả thời thơ dại, thổi vào hồn tôi niềm say mê, mơ mộng bay bổng như những cánh chim trời.
Rồi một ngày tôi lặng lẽ rời quê, bỏ lại sau lưng rặng tre già và hàng sầu đông vừa thay lá. Lời ca Thuyền Viễn Xứ người bạn học hát tặng tôi trong buổi chia tay cứ vang mãi bên tai làm tôi khóc lặng lẽ suốt cả chặng đường dài. Năm tháng trôi qua, những nơi tôi đến - tôi đi, mỏi mắt tìm kiếm cũng không bao giờ gặp lại loài hoa năm cũ. Một đôi lần trở lại quê xưa, ngang qua nhà ai có hàng sầu đông trước ngõ tôi lại đứng lặng thẩn thờ, bồi hồi như nghe mùi hương thoang thoảng đâu đây dù tiết mùa đã cuối hạ hay sang thu.
*
Hương sầu đông. Hương quê nhà của tôi. Xin góp một vài dòng chữ nhỏ như những cánh li ti của một loài hoa không hề được trọng vọng, tôn sùng - một loài hoa dân dã nơi làng quê Quảng Trị. Loài hoa gợi nhớ cho một miền ký ức êm đềm bên dòng sông Vĩnh Định năm xưa của người con xa xứ./.

Một buổi chiều cuối thu năm 2006

   NGUYỄN THỊ LIÊN HƯNG


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét