Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

 NGHĨ VỀ MỘT CÂU TỤC NGỮ:

“THÀ LÀM ĐẦY TỚ NGƯỜI KHÔN, HƠN LÀM THẦY ĐỨA DẠI!”


Tạp Bút
MANG VIÊN LONG


             Trong kho tàng phong phú và vô giá của  tục ngữ Việt Nam có câu:
                        “Thà làm đầy tớ người khôn
                           Còn hơn làm thầy đứa dại!”
              Câu nói của cha ông từ ngàn xưa còn lưu truyền lại đến hôm nay, nghe qua rất dơn giản, nhưng thật vô cùng thâm thúy và giá trị  trong thực tiễn đời sống của tất cả!
              Qua bao lần “được” va chạm với thực tế, qua những lởi tâm sự của bạn hữu, qua sự “trông thấy” nhan nhãn hằng ngày - đã khiến tôi “suy nghĩ” khá nhiều về câu  tục ngữ ngắn gọn, mà chứa chất bao kinh nghiệm quý báu của người xưa, muốn nhắn gởi lại cho hậu thế…
             Nhân lúc được thư thả, tôi “tìm việc” làm cho vui với bà con!
              Câu tục ngữ này có bốn từ cần tìm hiểu thấu đáo, đó là: Đầy tớ - người khôn - thầy - dứa dại. Tôi nghĩ, nếu hiểu rõ 4 từ nầy, sẽ thấy hết ý nghĩa sâu sắc của lời khuyên dạy trên.
              Đầy tớ: Người giúp việc, người để sai bảo, nhờ phụ việc lúc cần.
              Người khôn: Ngoài kiến thức rộng, kinh nghiệm nhiều, còn là người có nhân cách trong đối xử, có uy tín chuyên ngành trong xã hội, có việc làm ích lợi cho bản thân và cho cộng dồng. được mọi người tin yêu, quý trọng.
              Thầy:  Người chỉ dạy, uốn nắn, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho người khác trưởng thành tốt đẹp.
               Đứa dại: Người thiếu hiểu biết về mọi mặt, ngu muội, tự mãn, làm điều không hợp lẽ, không nhìn thấy được cái tốt - xấu; đúng - sai! Alexandre Dumas đã nhận xét: “Có ba thứ ngu dại: Không biết chi cả, biết lầm điều mình biết, và biết khác hơn là điều mình nên biết” ( Il y a trois sortes d’ignorance: Ne rien savoir, savoir mal ce qu”ont sait, et savoir autre chose que ce qu”on doit.)
              Làm người giúp việc cho “người khôn”, qua công việc hằng ngày, chúng ta sẽ học thêm được đôi điều mới lạ, chưa được biết trước đó. Mỗi ngày, học một ít. Nếu có làm sai, sẽ được ân cần “hướng dẫn”. chỉ dạy thêm, dần dần, chúng ta sẽ thuần thục, học được nhiều kiến thức, rồi sẽ trở thành “người khôn” như họ.  Tục ngữ Việt Nam cũng có lời nhắc nhở rất rõ: ”Không Thầy đố mày làm nên”. Người Thầy không những chỉ có ở trường học, mà còn gặp nhiều hơn trên “trường đời”. Đó là một điều rất dễ trông thấy, nhận biết. Cuộc sống là một trường học vĩ đại, học mãi không bao giờ hết; nếu với tâm khiêm tốn, cầu tiến bộ - thì dù ở vào “vị trí” hay hoàn cảnh nào, chúng ta cũng có thể học hỏi tốt được. Ngược lai, với sự ngã mạn, tự cao, cho mình là tốt nhất, hay nhất, thì chắc chắn sẽ chẳng bao giờ tiến lên được bước nào (mà còn đi lùi đến chỗ vô dụng, có khi còn gây cản trở cho sự tiến bộ, tạo thêm xấu ác nữa).
               Còn “làm Thầy đứa dại” thì sao?
               Như vừa sơ lượt tìm hiểu ở phần trên, chúng ta đã biết “đứa dại”, vì “căn bản” là sự ngu muội, là “không biết chi cả, biết lầm điều mình biết, và biết khác hơn là điều mình nên biết” - nên thường có lòng ngã mạn, không muốn ai là “thầy” của mình cả! Nếu chúng ta “bị” làm thầy họ, thì chắc chắn sẽ gặp rắc rối không ít! Vì không hề muốn thay đổi nhận thức đã ăn sâu trong đầu, họ sẽ phản đối những lời khuyên dạy của “thầy”, nếu họ ở vào “vị trí” cao hơn “thầy”, thì “ông thầy” càng mệt! Một người bạn trẻ là kiến trúc sư xây dựng tốt nghiệp loại giỏi đã kể lại:  Cậu được nhận về làm việc cho một công ty thiết kế xây dựng nọ. Vị phó giám đốc (quản lý điều hành trực tiếp), luôn phản đối các ý kiến, dự thảo tốt nhất cho công trình do cậu đề xuất! Ông ta “buột” phai làm theo “chỉ thị” của ông. Với lương tâm nghề nghiệp luôn mong muốn các công trình của công ty đều đạt chất lương cao, cậu kỹ sư nọ rất “mệt mỏi” và dần dần chán nản! Một người bạn trẻ khác là biên tập viên phần thơ cho một tờ báo Văn nghệ, một lần - vì muốn mấy câu thơ chọn đăng được trọn vẹn, có “chất lượng” hơn, vì trách nhiệm được giao, đã biên tập, chỉnh sửa đôi chỗ. Khi báo được phát hành, “tác giả” của mấy câu thơ được chọn đăng (cho vui ấy) lên blogs cá nhân phản đối um sùm về việc người biên tập muốn hoàn thiện cho mấy câu thơ...thẩn ấy!  Chắc rằng, tác giả bài thơ (hai ba đoạn gì đó), nghĩ rằng “tác phẩm” của mình là một áng thơ văn giá trị, hay nhất nước chăng? Cậu bạn thờ dài: “Làm ơn sinh oán, anh ạ!”. Tôi chỉ cười: “Đừng buồn! Đó là “tai nạn nghề nghiệp” thôi mà! Làm “nghề” gì mà lâu lâu không gặp “tai nạn” hở cậu?”.
               Xem vậy, làm “đầy tớ” hay “làm thầy”- cái nào sướng hơn nhỉ? Phần tôi, tôi xin tự nguyện làm “đầy tớ” thôi!


MANG VIÊN LONG


              

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét