Thứ Ba, 19 tháng 5, 2015

       ĐỜI TA RẤT TẦM THƯỜNG” - THƠ LÂM CHƯƠNG, 

              SỰ LỚN LAO TRONG “CÁI RẤT TẦM THƯỜNG”   

       
Nhà thơ – nhà văn Lâm Chương

 Tạp Bút MANG VIÊN LONG


             Lâm Chương đến với Thơ Văn rất sớm: năm mười sáu tuổi anh đã bước vào cuộc sống tự lập, phiêu bạt đó đây. Từ miền quê Gò Dầu Hạ, lưu lạc lên Saigon, rồi dong ruỗi ra phố biển NhaTrang…Lâm Chương đã đến với Thơ, và đã có thơ trên tuần báo Nghệ Thuật và sau nầy là các tạp chí Văn, Văn học, Bách khoa (…) từ dạo ấy…Với cuộc sống bấp bênh gian truân, nhưng tập thơ đầu tiên của anh - tập “Loài Cây Nhớ Gió” đã được chiu chắt xuất bản vào năm 1971, năm anh 28 tuổi - tạo nhiều ấn tượng sâu sắc cho bạn văn, người đọc; ghi dấu một chặng đường đam mê Thơ ca của anh. Lâm Chương cũng đã viết truyện - tạp bút, tiểu luận. Bốn tác phẩm văn xuôi của anh lần lượt giới thiệu là Đường Hốt Tất Liệt, Lò Cừ, Đi Giữa Bầy Thú Dữ, Truyện Và Những Đoản Văn là những tác phẩm tâm huyết một đời của những tháng năm điêu linh và bất hạnh…Tuy vậy, Lâm Chương vẫn chưa hề một lần tự nhận mình là “nhà” gì cả! Đã có lần anh vui vẻ tâm sự với bằng hữu, và bạn đọc : “... Tôi cũng có một thời mon men muốn ngồi vào chiếc chiếu dành cho các nhà thơ. Hằng đêm mất ngủ, bóp trán làm thơ. Có lúc gần đạt được danh hiệu thi sĩ, nhưng cuối cùng đành bỏ cuộc. Làm thơ thật vô cùng vất vả, phải kiên trì mới được bài thơ cho ra hồn. Tôi vốn ù lì cục mịch, thiếu tính kiên nhẫn, lại không có năng khiếu đặc biệt về thơ, thì làm sao có thể ngồi chung chiếu với những bậc thầy của chữ nghĩa mà tác phẩm của họ là tinh túy của ngôn ngữ ?...”( Lâm Chương – LH, Một Đời Thơ). Nhưng, với tôi - Lâm Chương là một nhà thơ tài năng với phong cách thơ đặc biệt của người Miền Nam: Chơn phác & hồn nhiên & phóng khoáng & chí tình! Và, là một nhà văn với ý thức trách nhiệm trước đời sống rất cao…
         Bài thơ “Đời Ta Rất Tầm Thường” của Lâm Chương đã được viết trong tháng năm nghèo khó sau 75, như những lời tâm sự, tự sự chân tình; thêm một lần nữa cho người đọc thấy rõ được “chân dung” của nhà thơ một cách khá đầy đủ:
         “Ta ở nhà thuê. Nghèo. Thất nghiệp
           ít bạn bè lui tới làm thân
           lấy trà rượu một mình khuây khoả
           dù không vui cũng tiếng cười khan…”
          Mở đầu, tác giả không ngần ngại “tự giới thiệu” về mình; đã cho người đọc thấy cái “rất tầm thường” (và bất hạnh) của một gã làm thơ nghèo, cô độc; nhưng trong cái “dù không vui” ấy, vẫn nghe văng vẳng “tiếng cười khan” rất sảng khoái, khinh bạc!
          “Ta ốm yếu. Thường hay bệnh vặt
            mưa nắng nhiều, sổ mũi ho hen
            trời trở gió, đau xương thấp khớp
            sức trói gà nên ngại bon chen. “
           Trong mấy điều “rất tầm thường” ấy - có một điều “không tầm thường” là “sức trói gà nên ngại bon chen”. Tác giả đã tiếp tục nói về cái “rất tầm thường” của đời mình một cách thong dong, tự nhiên - không chút dấu giếm. Dù có thật sự “lực bất phược kê” (hay không), bản tính “ngại bon chen” đã cho biết một phần tính cách chơn phác, nhu hòa của anh.  
           “Đêm ngủ muộn. Nhà un khói thuốc
             mắt nhập nhoè chữ nghĩa. Đèn soi
             bài thơ viết nửa chừng, cạn ý
             vợ buồng trong ngái ngủ. Khuya rồi.” .
         Cái “tầm thường” (như mọi cái tầm thường của đời người) vẫn tiếp diễn, nhưng chính ngay lúc nhìn thấy cái “tầm thường” ấy - tác giả đã có giây phút “nhìn lại mình”, nhận ra đời mình, như một sự phản tỉnh đau xót:
            “Mai thức dậy thấy mình vẫn thế
              vẫn rong rêu, râu tóc bờm xờm
              thân cũ quá dường như đóng bụi
              trong cái vòng lẩn quẩn áo cơm…”
          Và chính giây phút đau lòng, tự trách kia, đã mở đầu cho một chuỗi dài “nhìn lại” một cách nghiêm khắc; từ thuở 16 xa nhà lang bạt, cho đến 50 của tuổi “tri thiên mệnh”:
               “Ta biết ta bất tài vô tướng
               lại chây lười, lêu lõng rong chơi
               tri thiên mệnh đâu cần năm chục
               thuở đầu xanh ta đã biết rồi. “
       Lời mộc mạc, chân tình như đời sống quê mùa thanh đạm, giản dị của anh từ nhỏ, đã làm cho người đọc ngậm ngùi thương cảm. Đúng là “thuở đầu xanh ta đã biết rồi”, bởi anh mồ côi mẹ rất sớm; sống với người cha yêu thương, với người dì xa lạ - trong sự nghèo khó gian nan của ruộng vườn, khiến anh đã phải tạm rời xa quê, tìm con đường đi lên cho chính mình vào cái tuổi chỉ biết “ăn học & vui chơi” như bao bạn bè…
       Trong giây phút sống cho “cõi đời riêng” như thế, Lâm Chương cũng đôi lần “buồn tình ngẫm nghĩ” rất thật:
               “Cũng có lúc buồn tình ngẫm nghĩ
                 muốn vô chùa, cạo trọc, đi tu
                 nhưng còn tiếc cái mùi tục lụy
                 dứt không đành nên khó làm sư.”
       Sau bao phen “ngẫm nghĩ’ và “toan tính” rất thật, mà không chọn được cho mình một lối thoát nào trong cuộc bể dâu chìm nổi - nhà thơ đã tự an ủi:                   
              “Người xưa lánh đời lên núi ẩn
                ta lánh đời chẳng biết đi đâu
               thôi, đóng cửa ngồi nhà uống rượu
               túy ngoạ trên giường... quắt cần câu.”
         Vì thế sự nên “lánh đời chẳng biết đi đâu”; vì nhân tình đen bạc nên phải đành “dóng cửa ngồi nhà uống rượu”; một nổi cô độc bi tráng mà không nghe tiếng khóc.
         Một nổi dằn vặt đớn đau mà không nghe tiếng rên siết:
               “Chẳng lý chuyện yêu đời hay chán
                sống tàng tàng nhưng cứ sống chơi
                có kẻ chê rằng vô tích sự
                lời thị phi ta bỏ ngoài tai.”
         Trong cuộc sống, người hiểu ta thì ít - quá ít, mà người không hiểu ta thì nhiều - quá nhiều! Tôi chợt nhớ đến hai câu Pháp Cú: “Nếu gặp bạn đồng hành hiền lương giàu trí lự, hàng phục được gian nguy; hãy vui mừng mà đi cùng họ”. Ngược lại “Nếu không gặp bạn đồng hành hiền lương giàu trí lự, hãy sống một mình; như vua tránh nước lọan, như voi sống ở rừng”(Phẩm Voi- Nagavaggo). Nhà thơ đã “tự chọn” cho mình một “cách sống” thật thà, lương thiện, cho dù “ lấy dĩ thực vi tiên làm trọng”, nhưng luôn luôn “giữ lòng thanh thản nhà cư”:
                  “Người quân tử ăn chẳng cầu no
                    ta phàm phu quen thói hàm hồ
                   lấy dĩ thực vi tiên làm trọng
                   và giữ lòng thanh thản nhàn cư.”
          Và cũng luôn “dặn lòng” dù phải sống trong hoàn cảnh bi đát, bất hạnh thế nào, cũng gắng mà “lo việc tu thân” - nhất là “không làm thiện cũng không làm ác, mặc cho đời điên đảo dèm pha. Phải đầy đủ nghị lực và khí khái, mới có thể                 chỉ làm người đi đứng hai chân”…
                “Ai chí lớn bao đồng thiên hạ
                  ta trí cùn lo việc tu thân
                 không làm thiện cũng không làm ác
                chỉ làm người đi đứng hai chân”
          Nghĩ cho cùng, sống ở đời mà giữ được sự an tịnh của Tâm “không nghĩ thiện, không nghĩ ác” (Kinh Pháp Bảo Đàn - Lục Tổ Huệ Năng) là một điều rất khó! Đó là cốt lõi của sự tu tập mà tất cả đều mong ước đạt đến…
          Tôi đã được đọc thơ Lâm Chương nhiều, nhưng chỉ duy nhất một lần được gặp anh ở Lam Sơn năm 1973. Tuy chỉ một lần được “cụng ly” với anh trong một hoàn cảnh khó khăn chung của đất nước - nhưng, cuộc hội ngộ bất ngờ trưa hôm ấy, mãi mãi là niềm vui, niềm an ủi, trong những năm tháng  phiêu bạt chia xa…Tôi nghĩ: ”Đời ta rất tầm thường”, nhưng trong những cái rất tầm thường ấy - nhà thơ đã đạt được cái vô cùng lớn lao: “ chỉ làm người đi đứng hai chân”, đã đứng vững vàng trên đôi chân của chính mình mà đi tới…


Đời ta rất tầm thường

Lâm Chương


Ta ở nhà thuê. Nghèo. Thất nghiệp
ít bạn bè lui tới làm thân
lấy trà rượu một mình khuây khoả
dù không vui cũng tiếng cười khan.

Ta ốm yếu. Thường hay bệnh vặt
mưa nắng nhiều, sổ mũi ho hen
trời trở gió, đau xương thấp khớp
sức trói gà nên ngại bon chen.

Đêm ngủ muộn. Nhà un khói thuốc
mắt nhập nhoè chữ nghĩa. Đèn soi
bài thơ viết nửa chừng, cạn ý
vợ buồng trong ngái ngủ. Khuya rồi.

Mai thức dậy thấy mình vẫn thế
vẫn rong rêu, râu tóc bờm xờm
thân cũ quá dường như đóng bụi
trong cái vòng lẩn quẩn áo cơm.

Ta biết ta bất tài vô tướng
lại chây lười, lêu lõng rong chơi
tri thiên mệnh đâu cần năm chục
thuở đầu xanh ta đã biết rồi.

Cũng có lúc buồn tình ngẫm nghĩ
muốn vô chùa, cạo trọc, đi tu
nhưng còn tiếc cái mùi tục lụy
dứt không đành nên khó làm sư.

Người xưa lánh đời lên núi ẩn
ta lánh đời chẳng biết đi đâu
thôi, đóng cửa ngồi nhà uống rượu
túy ngoạ trên giường... quắt cần câu.

Chẳng lý chuyện yêu đời hay chán
sống tàng tàng nhưng cứ sống chơi
có kẻ chê rằng vô tích sự
lời thị phi ta bỏ ngoài tai.

Người quân tử ăn chẳng cầu no
ta phàm phu quen thói hàm hồ
lấy dĩ thực vi tiên làm trọng
và giữ lòng thanh thản nhàn cư.

Ai chí lớn bao đồng thiên hạ
ta trí cùn lo việc tu thân
không làm thiện cũng không làm ác
chỉ làm người đi đứng hai chân

LÂM CHƯƠNG

Quê nhà, tháng 4 năm 2014
MANG VIÊN LONG





           


             

         


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét