Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015

Ảnh Mai Lĩnh

Bài 23    

THẾ NÀO LÀ “MỘT NGÀY HẠNH PHÚC”?

             
                           Tạp bút

                MANG VIÊN LONG



       Tôi vẫn thường tự hỏi: “Một ngày Hạnh Phúc là một ngày như thế nào?”. Tôi tự “nhìn lại” một ngày sống của mình qua bao năm tháng, và đã đem câu hỏi nầy thử hỏi những người thân quen, hay bất ngờ gặp nhau ở đâu đó - xem họ đã “sống” như thế nào, mà “học hỏi” thêm…

       Người đầu tiên tôi gặp là một nữ sinh viên, năm thứ 2 trường đại học Sư phạm - Cô đã vui vẻ đáp: “Cháu thực sự chưa hề có ý nghĩ đứng đắn, đầy đủ, về hai chữ “hạnh phúc” cho một ngày sống - nhưng, với cháu - một ngày hạnh phúc là một ngày làm việc gì đó thành công, những quan hệ được như ý nguyện của mình!”.
        Bà chủ một cửa hàng bán sỉ và lẻ các loại thực phẩm và nước uống: “Một ngày từ lúc mở cửa ra cho đến giờ đóng cửa, doanh thu nhiều hơn ngày hôm trước - càng nhiều hơn, càng hạnh phúc!”
        Một cậu bác sĩ vừa ra trường, đang trong thời gian thử việc ở một bệnh viện của thành phố, chờ đợi được thu nhận chinh thức: “Một ngày hạnh phúc với tôi, là một ngày có nhiều niềm vui, từ việc chuyên môn, đến đời sống tình cảm; tất cả đều tốt đẹp!”.
         Một nhà giáo: “Một ngày hạnh phúc là một ngày thật thoải mái, từ tinh thần, đến vật chất!
         Nhà thơ: “Một ngày hạnh phúc là ngày tôi làm được bài thơ hay nhất,  cảm  thấy sung sướng, ưng ý nhất!”.
         Người bạn thân là cư sĩ: “Một ngày tôi làm được nhiều việc thiện lành cho gia đình, cho mọi người chung quanh nhiều nhất!”.
         Một người thợ mộc chuyên đóng tủ bàn, cửa các loại: “Ngày hạnh phúc là ngày tôi làm xong mọi việc đã dự trù, chiều đến có “món rai lai” với anh em!”.
          Tóm lại, “Một Ngày Hạnh Phúc” - tùy theo hoàn cảnh, ngành nghề, trình đô khác nhau, mà có “một ngày hạnh phúc” khác nhau. Y nghĩ thông thường, là ngày có đủ “thành công & vui sướng”.
          “Thành công” - thì tùy người, tùy theo ngành nghề, công việc; đem lại nhiều lợi ích nhất cho mình.  Sinh viên thì “làm việc gì đó thành công, những quan hệ được như ý nguyện của mình!”. Doanh nhân thì “doanh thu nhiều hơn ngày hôm trước - càng nhiều hơn, càng hạnh phúc!” . Bác sĩ phải “có nhiều niềm vui, từ việc chuyên môn, đến đời sống tình cảm; tất cả đều tốt đẹp!”. Còn nhà giáo “ngày thật thoải mái, từ tinh thần, đến vật chất!”; nhà thơ “làm được bài thơ hay nhất,  cảm  thấy sung sướng, ưng ý nhất!” cho đến cậu thợ mộc “làm xong mọi việc đã dự trù, chiều đến có “món rai lai” với anh em!”. Kể ra, chỉ mới có vài ba người, mà suy nghĩ và “cảm nhận” đã hơi khang khác rồi! Cái chung nhất, là “được thỏa mãn” cho những yêu cầu về vật chất, cũng như tinh thần của tự thân.
          Có người khuyên, rất tượng trưng: “Hạnh phúc là những điều giản dị mà ngày thường bạn vẫn trải qua, nhưng đối khi vì cuộc sống quá tất bật bạn lại vô tình quên nó đi.”(Làm thế nào để có một ngày HP- Delta Viet). Có người kết luận, rất gọn: Mỗi ngày qua như trên một chuyến tàu, cuộc sống cứ trôi đi, hành trình sẽ chuyên chở thêm trải nghiệm, vui có buồn có, thành công và thất bại đan xen, nhưng dứt khoát nó hơn hẳn việc mãi mãi phải dừng lại. Suy nghĩ đó khiến tôi nhìn cuộc sống tích cực hơn, và chả còn thấy day dứt bởi điều gì nữa: Được Sống là Hạnh Phúc“(The New House Of: News).
           Từ xa xưa - loài người đã luôn dành nhiều thời gian và công sức để “tìm kiếm hạnh phúc”, nhưng có không ít người than rằng“Hạnh phúc là một điều gì đó quá đổi mơ hồ, mà ta buộc phải mơ đến nó!”(Comte De Bellege).  Hạnh phúc mơ hồ, chỉ để “mơ”  mà thôi! Nếu suy nghĩ như Chamfort “Hạnh phúc cũng giống như chiếc đồng hồ: Loại ít phức tạp nhất là loại ít hỏng nhất” - thì không thấy “quá đổi mơ hồ”, cao xa, khó tìm!
           Tôi rất tâm đắc với suy nghĩ của thi sĩ Pháp J. Prevert - Ông đã ý thức rất sâu sắc về “hạnh phúc”, có lần tâm sự:
                “Với tất cả những viên phấn mầu
                  Trên tấm bẳng đen số phận
                  Tôi vẽ lên khuôn mặt hạnh phúc!”.
            Vậy, chính ta là “người họa sĩ” vẽ nên khuôn mặt hạnh phúc của ta - chứ không ai khác! Hạnh phúc do chính ta đem lại và cảm nhận, không ai “làm thay” hoặc áp đặt được. Cũng không phải xa vời - “quá đổi mơ hồ, mà ta buộc phải mơ đến nó” như Come De Bellge đã nghĩ!
             Một ngày hạnh phúc, theo tôi - chỉ đơn giản là: “Một ngày trải lòng sống cho chính mình, cho mọi Người thật trọn ven - đó cũng là một ngày để thêm Yêu thương & Niềm vui cho đời sống vốn ngắn ngủi & khổ đau - đó là một ngày Hạnh Phúc mà ai cũng có thể làm được cho chính mình!”; bởi Đức Phật đã từng dạy: “Chớ vì lợi ích cho kẻ khác mà quên hẳn lợi ích cho chính mình. Người biết lo lợi ích mình, mới thường chuyên tâm vào những điều lợi ích”.( Phẩm Tự Ngã - PC 166). Sống cho người khác là tốt - nhưng “quên” hẳn mình chỉ để sống cho người khác là không ổn; vì trên thực tế đời sống “ Người biết lo lợi ích mình, mới thường chuyên tâm vào nhữngđiều lợi ích” mà thôi!
            Tôi dõi theo đời sống của mình đã trải qua gần 70 năm - cũng nhận ra rằng “một ngày hạnh phúc” đã có sự chuyển biến, tiếp nối, đổi thay theo thời gian, hoàn cảnh; nhưng đều đặt trên căn bản chung nhất đã được thiết lập: “Một ngày hạnh phúc với tôi, hôm nay - là ngày mà sáng sớm thức dậy biết mình còn sống khỏe, còn niệm Phật, đọc Kinh, làm thêm điều cần làm cho mình, và những người thân, bằng hữu, chòm xóm: Một ngày sống vui vẻ, an nhiên - không oán giận!”.
             Tôi rất không đồng tình với nhà tư tưởng Joseph de Maistre khi ông ví von rằng: “Le bonheur est come l’oiseau vert, qui se laisse approcher, et puis qui fait un petit saut” (Hạnh phúc giống như một con chim xanh, nó để cho người ta lại gần, rồi nó khẻ nhảy đi!) - mà “Một Ngày Hạnh Phúc” đang ở trong tầm tay tất cả - chỉ có điều bạn có nuốn “nắm lại” hay không mà thôi!
Tặng học trò MN.
Tháng 7 năm 2011

MANG VIÊN LONG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét