Bài
số 27 – Tôi Đến Với Phật
ĐỌC
LẠI “CỬA TÙNG ĐÔI CÁNH GÀI”
CỦA NHẤT HẠNH
Tạp bút
MANG
VIÊN LONG
Chuyện
kể về cuộc đời tu tập, hành đạo “để cứu người và giúp đời” của một tu
sĩ, một hành giả - mà trong truyện gọi là “chàng dũng sĩ”.
Sau một thời gian ẩn cư trên núi tu học với
Sư phụ, tuy chưa đúng lúc để xuống núi - vào đời để hành đạo; nhưng vì nhiệt
tâm, vị tu sĩ nọ (chàng dũng sĩ) mong muốn Sư phụ cho phép được xuống núi. “Ta
cho rằng con có thể ở lại cùng ta trong một thời gian nữa trước khi con rời ta
xuống nú . Nay con đã muốn xuống thì cứ xuống!”. Vì quá hăng say, vì quá
bức xúc trước nỗi khổ đau của đồng loại - chàng đã khẩn khoản xin Thầy, và đã
được chấp thuận.
Ngày tiễn chàng ra đi, Sư phụ đã ân cần
khuyên dạy, nhắc nhở mọi điều cần thiết, và nhìn chàng bằng ánh mắt “dịu
dàng nhưng có lẫn đôi chút xót thương”.
Để giúp người học trò có tâm đạo cao thượng, quyết chí vào đời để cứu
nhân độ thế - đem lại lợi lạc cho tất cả - “Có thể đưa con và mọi người về
nơi Giác ngộ”- Sư phụ đã trao cho chàng hai bảo vật: Thanh Bảo Kiếm và
chiếc kính “Mê Ngộ Cảnh”.
Bảo Kiếm thì để diệt trừ ma chướng - “Xem
đó như lưỡi gươm trí tuệ nơi tâm con sẽ dùng để hàng phục mê chướng và si vọng.”.
Còn Mê Ngộ Cảnh sẽ giúp chàng biết rõ thiện ác, chính tà - có người gọi là “kính
chiếu yêu”.
Những tháng năm mới vào đời hành đạo, chàng
luôn dùng Bảo Kiếm và Mê Ngộ Cảnh - hai bảo vật nầy đã giúp chàng làm nhiều
Phật sự có hiệu quả, tốt đẹp, trong cuộc sống đồng sự và lợi hành.
Có ba lần chàng sử dụng “kính chiếu yêu”
đáng ghi nhớ nhất là: Lần thứ nhất, gặp “một vĩ đạo sĩ tay cầm phất trần”, rất
hăng hái với việc cứu nhân độ thế, và giúp ích mọi loài. Chàng đưa tay rút Mê
Ngộ Cảnh ra chiếu: “…Một con yêu lớn có hai nanh dài, một cặp sừng trên
trán, và hai con mắt xanh lè đổ lửa”. Lần thứ hai, gặp “một vị đường
quan, rất có dáng dấp của một bậc cha mẹ dân”. Đưa Mê Ngộ Cảnh ra xem: “Đó
là một con heo khổng lồ, với cặp mắt háu đói, thèm khát - vô cùng khủng khiếp”.
Lần thứ ba, là một gian hàng bán sách báo và tranh ảnh mà chủ quán là “một
cô gái mặt hoa, da phấn, trên miệng luôn luôn sẵn có một nụ cười”. Bên cạnh
cô ta lại có một cô gái khác - cũng mặt hoa da phấn; tay ôm đàn, miệng cất
tiếng hát khiến mọi người mua sách phải mê mẩn tâm thần. Đưa Mê Ngộ Cảnh lên
nhìn: “Chàng hoảng hốt thấy nguyên hình hai con rắn, phun nọc độc phè phè…”.
Chàng đã sử dụng Bảo Kiếm và
Mê Ngộ Cảnh theo đúng lời Sư phụ dặn để cứu người và giúp đời. Chàng tự cho
rằng mình là “dũng sĩ cần thiết cho cuộc đời”- cuộc đời không thể vắng
bóng chàng.
Thế rồi có một hôm trong lúc ngồi nghỉ bên
dòng sông, nhìn dòng nước lặng lẽ trôi, chàng “giựt mình thấy đã từ lâu, gần
hai năm nay, chàng không dùng đến Mê Ngộ Cảnh”. Lý do: “chàng không
thích dùng”. Gần đây, chàng đã dùng nó một cách miễn cưỡng. - “một cái
gì khác lạ đã đến trong tâm hồn chàng, đến lúc nào chàng không nhận rõ”.
Từ cảm giác không mấy thiết
tha khi nhìn thấy bóng hình bậc hiền nhân, và “cũng không giận dữ lắm khi thấy
bóng hình yêu quái” hiện ra trong gương; chàng lại có cảm tưởng gần gũi “nhận
ra một vài nét hơi quen thuộc”. Và cũng từ đó, lưỡi kiếm đã thờ ơ khi có
những bóng hình yêu quái xuất hiện.
Vậy là “chiếc kính vẫn nằm trong túi áo
chàng, nhưng đã từ lâu không được sử dụng nữa”. Chàng lấy làm lạ, và tìm
dịp quay về hỏi lại Sư phụ .
Và “chàng dũng sĩ” ngày nào hăm hở
xuống núi, quyết tâm hành đạo cứu người giúp đời, đã quay trở lại núi với tâm
trạng bàng hoàng; nhưng đôi cánh cửa Tùng của con đường duy nhất dẫn lên thảo
am của Sư phụ, đã được gài đóng kỹ. Dùng kiếm chặt mở không được, phi thân cũng
chẳng qua nỗi. Chàng đành thức suốt đêm bên này đôi cánh cửa để chờ người tiểu
đồng - sư đệ, xuống núi lấy nước, mở giúp . “Người sư đệ mỉm cười, đưa nhẹ
tay mở cửa; hai cánh cửa tùng bật ra dễ dàng”. Người sư đệ còn cho biết “Sư
phụ có trao phép lạ khiến cho cửa tự động mở ra khi các bậc hiền nhân đến.
Nhưng khi những kẻ phàm tục lên thì cửa đóng chặt không thể nào vượt qua được”.
Chàng dũng sĩ cau mày : “Nhưng
không lẽ ta lại là yêu quái?”.
Lúc cả hai cùng vui vẻ xuống
núi múc nước, cùng nhìn bóng mình soi rõ trên dòng nước xanh trong - Người sư
đệ đề nghị “Tại sao chúng ta không đem gương ra chiếu hình chúng ta xem nào
?”. Chàng sực nhớ là từ lâu chàng chỉ chiếu Mê Ngộ Cảnh trước người khác,
mà chưa bao giờ chiếu thử trước hình bóng mình! Lần này - lần đầu, chàng chiếu
lại bóng hình mình. Cả hai người “Cùng hét lên một tiếng kinh hoàng, khủng
khiếp, và tiếp đó chàng dũng sĩ ngã qụy
trên bờ suối, bất tỉnh…”.
Kết thúc thứ nhất của câu
chuyện : “Chàng dũng sĩ vẫn còn nằm ngã lăn bất tỉnh, trên mặt vẫn còn in rõ
nét kinh hoàng; đau khổ hiện hình một cách thảm hại trên con người đã từng xông
pha lăn lộn bảy năm trong cuộc đời đầy cát bụi”.
Tác giả ghi thêm “phụ chú”:
“Tôi chấm dứt câu chuyện này ngang đây, mà nghĩ rằng chàng dũng sĩ sẽ không còn
lên núi lại được. Nhưng sau đó, tôi nghĩ, có thể thêm vào một đoạn như sau”.
Đoạn thêm vào dài không được hai trang (trong 18 trang) diễn tả chàng dũng sĩ
đã được sư đệ “lấy nước suối vã vào mặt” để cứu chàng tỉnh lại. Người sư
đệ dịu dàng nâng chàng dậy - thân tình nói với chàng : “Thôi, đại huynh vui
lên, chúng ta sẽ lại lên núi”. Và người ta thấy bóng người sư đệ lần từng
bước dìu chàng dũng sĩ trở lên động…
Mượn kỹ thuật, hình thức là một truyện
ngắn, Tác giả đã đưa ra, trình bày một vấn đề rất lớn, bao gồm cả hai lãnh vực
đạo và đời. Mọi khía cạnh tinh tế và quan thiết, đều đã được Tác giả đề cập đầy
đủ, sâu sắc, và bằng những kinh nghiệm tu chứng qua bao gian khó - tác giả đã
khuyên bảo, thức tỉnh người đọc bằng lối dẫn truyện khá lôi cuốn, phong phú -
tạo nhiều ấn tượng mạnh mẽ, sâu đậm, khó quên.
Ba lần soi kính Mê Ngộ Cảnh, tác giả đưa ra
ba lãnh vực đời sống thực rất tiêu biểu trong xã hội: Lớp “đạo sĩ” giả
danh, “tỏ ra rất hăng hái với việc cứu nhân độ thế và giúp ích mọi loài”. Đây
cũng là đại diện cho một loại đạo đức giả rất thường gặp trong cuộc sống. Loại
“quan lại” tham ô, hại dân, tâm địa ác độc, lại “chịu khó thức suốt một
đêm để bàn với chàng về những điều chính trị, ích quốc lợi dân” - hạng
người đội lốt trí thức , yêu dân, yêu nước mà luôn nghĩ tới việc vơ vét, hưởng
thụ - cũng là mối nguy hại thường xuyên cho xã hội. Cuối cùng là mối nguy hiểm
khó lường của kẻ “đội lốt làm văn học nghệ thuật” mà chỉ để ru ngủ, làm
mê muội lòng người, xa rời thực tế, xa rời bản sắc văn hóa truyền thống của dân
tộc: Đó là những “nọc độc” chết người để lại cho nhiều thế hệ.
Tác giả đã mô tả tiến trình tâm lý của chàng dũng sĩ rất logic, rất
xác thực: khởi đầu nồng nhiệt, thành tâm (nhờ có Sư phụ dạy bảo / thanh Bảo
Kiếm”, Mê Ngộ Cảnh), nhưng dần về sau, vì quá tự mãn, lơ là việc thúc liễm thân
tâm, sống không chánh niệm, nên cấu uế của cuộc đời đã thấm nhập vào chàng như
người đi trong sương - đến khi ướt lạnh thì mới hay, và đã trở thành “bóng
một con yêu to lớn với đôi mắt tối sâu như hai miệng giếng không đáy, hai chiếc
răng dài quặp sâu vào chiếc cằm vuông,
trên gương mặt xám ngoắt như gà cắt tiết”. Đó là một sự diễn tiến như quy
luật mà ít có người tỉnh thức để tránh khỏi; vượt qua, trong quá trình tu tập
(hay rèn luyện để trở nên hiền nhân). Khi không quan tâm (bỏ quên) Bảo Kiếm
(Trí Tuệ) và xa rời Mê Ngộ Cảnh (Tâm thanh tịnh / chánh niệm) thì ắt sẽ rơi vào
hố sâu mê muội, và tâm sẽ điên đảo, thác loạn, xấu ác của loài ác quỷ!.
Trong Pháp Bảo Đàn kinh, Lục Tổ Huệ Năng đã
dạy : “chớ nên dòm ngó lỗi người, hãy nên nhìn lại chính mình” - chàng
dũng sĩ mải mê soi rọi vào người, mà chẳng bao giờ soi lại “bản lai diện mục” của mình. Đến nỗi, dần dần, vì quá quen với
“gương mặt, hình bóng” của người (ác quỷ nhiều hơn hiền nhân) - và đánh mất khả
năng phân biệt, rồi tự đồng hóa với ác quỷ tự bao giờ không hề hay biết! Đây là
một yếu tố tâm lý rất vi tế.
Phần “phụ chú” cuối truyện được xem
như kết truyện thứ hai: Nhờ sự cảm thông chia sẻ, nâng đỡ, dìu dắt của sư đệ
(tăng thân) - tác giả đã mở ra con đường trở lại cho chàng dũng sĩ: Đôi cánh
cửa tùng không còn khép nữa - cho người chí thành sám hối, làm lại cuộc đời.
Xây dựng lại ước mơ cao đẹp …
“Cửa Tùng Đôi Cánh Gài” là một
truyện ngắn đặc sắc vậy !
Phật đản, PL 2546
*Truyện dài 18tr, khổ 12 x 13cm
xuất bản trước 1975
MANG VIÊN LONG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét