Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2015

Ảnh Tác Giả

XIN HÃY LẮNG NGHE 1

(Tập Tạp Bút “Xin Hãy Lắng Nghe Đời Sống Quanh Ta”
XB tháng 7 2015)



                      TÌM HẠNH PHÚC Ở ĐÂU?

                            Tạp but
                      MANG VIÊN LONG



Con người khi vừa được chào đời đã có hai khả năng bẩm sinh tiềm ẩn là khả năng sinh tồn và mong cầu hạnh phúc. Khả năng tự sinh tồn phát triển trước tiên, theo từng tháng năm, để tồn tại. Khả năng cầu hạnh phúc tiến triển dần từng giai đoạn, trong suốt đời sống.

Mong cầu hạnh phúc đến sau, nhưng đã là tâm điểm của mỗi con người khi đối diện với muôn vàn đổi thay, nhằm hướng dẫn mỗi người nỗ lực bước dần vào lộ trình an vui. Sự sinh tồn thuộc về lãnh vực vật chất, tuy khó khăn, gian khổ – nhưng, ngày nay yếu tố ấy đã dần được đơn giản và dễ dàng thực hiên hơn, khi sự tiến bộ chung của nhân loại đang phát triển hướng về mục đích phục vụ cho đời sống con người!
Ở đây, xin được góp đôi điều về vấn đề “mong cầu hạnh phúc” mà  con người trên hành tinh nầy đã và đang ngày đêm “tìm kiếm & mong cầu” từ ngàn thế kỷ qua, tốn rất nhiều công sức, thời gian và giấy mực.
Vậy đi tìm hạnh phúc ở đâu?
Sau nhiều năm tháng “lặn lội” đi tìm, nhiều người đã cảm thấy mỏi mệt và thất vọng, than rằng: “Hạnh phúc là một điều gì đó quá đỗi mơ hồ mà ta buộc phải mơ đến nó.” (Comte De Bellege); theo ông, hạnh phúc chỉ để “mơ” thôi chứ thực tế không thể nào tìm cho được! Trong quá khứ, cũng có rất nhiều người quan tâm chia sẻ kinh nghiệm về quá trình kiếm tìm hạnh phúc dài lâu, theo hoàn cảnh, và cách nhìn chủ quan của chính mình. Chẳng hạn, Chamfort đã chia sẻ: “Hạnh phúc cũng giống chiếc đồng hồ: loại ít phức tạp nhất là loại ít hỏng nhất.” Còn theo G. Leopardi, thì “Hạnh phúc chỉ ở trong quá khứ hay tương lai, không bao giờ ở trong hiện tại.”  Cách phát biểu của G. Leopardi cũng ngầm cho biết, hạnh phúc là không hề có thật, nếu có, cũng đã qua, và đang ở phía trước. Nhận định rất mơ hồ, thiếu trải nghiệm và hẹp hòi nầy cho thấy bản thân Leopardi đã không ý thức được về những thời khắc thiêng liêng của Hiện Tại: “Quá khứ thì đã qua, Tương lai lại chưa đến – chỉ có pháp Hiện Tại, tuệ quán chính ở đây.” (Kinh Nhất Dạ Hiền). Lời dạy đó luôn là chân lý, bởi tất cả chỉ có thể “làm chủ” những sát-na hiện tại của đời mình mà thôi! Hạnh phúc phải ở đây – bây giờ, không ở chỗ nào khác! Tóm lại, những triết gia phương Tây thời cổ, và cận đại (cả thời hiện đại), giống như những người mù sờ voi trong truyện cổ của sách Giáo Khoa Thư ngày xưa! Họ chỉ dùng trí óc (cái đầu) để dấn sâu vào biện luận, phân tích, và cả cảm nhận rất chủ quan, phiến diện, để nói về hạnh phúc (chứ không phải là sự trải nghiệm, thực chứng rốt ráo từ đời sống), nên càng làm cho chữ “hạnh phúc” vốn khó đạt, thêm phức tạp, nặng nề, khó hiểu!
Chân lý căn bản muôn thưở đầu tiên trên bước đường “tìm hạnh phúc” là: “Người nào cầu yên vui, hạnh phúc cho mình mà lại lấy dao gậy não hại kẻ khác, thì sẽ không được yên vui, hạnh phúc!” (PC 131 - Phẩm Dandavaggo). Muốn thành tựu được chân lý nghe đơn giản và “cần có” ấy, không phải dễ! Con người phải biết “tự thắng mình” trước đó, hơn chiến thắng “ngàn quân giặc ở chiến trường”, như lời khuyến dạy của Đức Phật từ hơn hai ngàn năm trăm năm trước: “Thắng ngàn quân giặc ở chiến trường, chẳng bằng người tự thắng. Người tự thắng là chiến sĩ oanh liệt nhất” (PC 103 - Phẩm Sahassvaggo).
Nghĩ rằng, mỗi người đều tùy theo hoàn cảnh, và ước vọng riêng khi đi tìm hạnh phúc cho mình – nhưng, luôn phải có một “mẫu số chung” cho hạnh phúc, bởi đó là điều kiện “ắt có”, để cho mình được hạnh phúc, và người khác cũng hạnh phúc! Điều căn bản ấy là “sống không thù oán, giữa những người thù oán” (PC 197) “sống không tham dục, giữa những người tham dục” (PC 199) trên nền tảng của “Tứ Vô Lượng Tâm” (Từ/Bi/Hỷ/Xả) và thanh tịnh “tam nghiệp” (Thân/Khẩu/Ý).
Có một câu chuyện kể như thế nầy:
Một nhóm 50 người đang tham dự một seminar (khóa nghiên cứu ngắn ngày), đột nhiên diễn giả ngừng lại và đề nghị nhóm tham gia một hoạt động. Ông đưa cho mỗi người một quả bóng bay và yêu cầu từng người viết tên của mình lên quả bóng bay. Sau đó, những quả bóng bay được đưa tới một căn phòng khác. Những người tham dự bước vào căn phòng có những quả bóng và phải tìm ra quả bóng có tên của họ trong vòng 5 phút. Mọi người đều cố gắng tìm quả bóng có tên của mình, xô đẩy những người khác và đẩy các quả bóng khác sang một bên. Khung cảnh rất hỗn độn.
Sau 5 phút không ai tìm được quả bóng có tên của họ.
Nhóm người đó lại được yêu cầu làm một nhiệm vụ khác, nhặt lên bất kỳ một quả bóng và đưa cho người có tên trên quả bóng đó. Trong vòng một phút, tất cả mọi người đều có quả bóng viết tên của chính họ.
          Diễn giả bắt đầu nói: “Đây chính là những gì đang xảy ra trong cuộc sống của chúng ta. Ai ai cũng điên cuồng lùng sục hạnh phúc ở khắp mọi nơi mà không biết nó nằm ở đâu. Hạnh phúc của mỗi chúng ta chỉ có được dựa trên hạnh phúc của người khác. Hãy cho đi niềm hạnh phúc, và bạn sẽ nhận lại phần của mình. Và đây mới là mục đích của cuộc sống.
Câu chuyện tuy ngắn, nhưng chắc hẳn tất cả chúng ta cũng đã hiểu thêm được, là nên đi tìm Hạnh Phúc ở đâu – nhân ngày đầu Năm Mới?
Dễ hay khó? Xa hay gần? Thực hay mơ?
Tất cả đều ở chính tâm ta, cuộc sống của ta quyết định – không thể ở đâu khác!
Và đó mới thật là hạnh phúc chân chính cho tất cả; nếu không, sẽ luôn quay cuồng trong điên đảo vô minh và thất vọng…


Những ngày cuối Chạp
Đón Xuân Ất Mùi.


MANG VIÊN LONG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét