Thứ Năm, 17 tháng 12, 2015

Ảnh tác giả





          “ ĐỐI DIỆN “

           VỚI THƠ
           LÊ PHƯƠNG CHÂU


Bài Viết:
Mang Viên Long


            Khoảng từ năm 1966 tôi đã được đọc thơ Lê Phương Châu (lúc bấy giờ bút danh là Phượng Châu) – trên tuần báo Khởi Hành, Tiền Phong,Văn, Phổ Thông…đã có ấn tượng về một hồn thơ tươi trẻ dạt dào tình yêu thương quê nhà, gia đình, bằng hữu và Tình yêu! Đời sống lúc bấy giờ trong thơ Lê Phương Châu tuy có chút trăn trở, chút thương đau –
nhưng vẫn là một hồn thơ rất mơn mởn đang xanh! Năm 66, nhà thơ Kim Tuấn có gởi tặng tuyển tập thơ “ Gọi Nắng”, trong đó có thơ Phượng Châu. Minh Huy – Nguyễn Đình Tuyến trong trong “ Những Nhà Thơ Hôm nay” cũng đã viết về thơ Lê Phương Châu! ( xuất bản tại Saigon – năm 1967).
          Năm 1969 – Lê Phương Châu đã cho xuất bản tập thơi riêng đầu tay (Tình Khúc Mưa Tháng Năm). Ba năm sau, chị có tập thơ thứ 2 “Thơ Lê Phương Châu” . Bẵng đi một thời gian khá dài (34 năm)- năm 2006, LPC xuất hiện trở lại với tập thơ thứ 3 : “ Nắng Hát Chiều Đông”-- và hai năm sau (2008) – Chị đã kịp giới thiệu tập thơ thứ 4 : “ Mây Trắng Đầu Non”
            Tôi đã “có duyên” được đọc thơ Lê Phương Châu từ thập niên 60 của thế kỷ trước – cho đến hai tập thơ mới đây thập niên đầu của thế kỷ 21 – cảm thấy Lê Phương Châu vẫn viết, gắn bó với đời sống – nhưng “đời sống” của thập niên 60 -70 là kỷ niệm, quê nhà, bằng hữu, tình yêu (..) – còn “đời sống” đã bước qua ngưỡng cửa “tri thiên mệnh”- lại là một cõi an nhiên, sâu lắng, và thấm đượm Đạo vị. Sự trăn trở, thao thức vì “ đời sống” đã đi vào một khúc quanh của sự lắng đọng của bao nỗi thăng trầm, bể dâu!
            “ Một Cảnh Đời” hôm nay được LPC ghi nhận:
            “…Muôn dặm đèn khêu đà hết bấc
               Trăm năm lửa tắt nhuốm lòng ai?
               Xoa đầu múa bút đôi dòng ngọc
               Rượu đẩm tình say tưởng nguyệt đài”
               Cảm nhận về “đời sống” không còn là xúc cảm của tuổi thanh xuân dạt dào mơ ước xa xôi – mà đang là “thật tướng” phơi bày trong tùng suy tưởng, từng bước đi kiếm tìm chân lý sống đích thực:
              “…Dòng trôi không ngăn ngại
                 Sấm sét gội não phiền
                 Quảng xa đôi dép rách
                 Ngủ vùi giấc thụy miên”
                         (Thật Bình Thường)
                Và – từng ngày, nhà thơ đã trải nghiệm :
                “…Sớm mai chớm nụ cười hiền
                   Đường mây diệu dụng, dệt thềm vô ngôn!”
                         (Thỉnh Chuông)
                 Trong một sát na được “dốn ngộ” bất chợt của bao năm tháng thăng trầm khổ đau - nhà thơ đã nhận ra:
                 “ Cuộc đuổi bắt suốt đời chưa mãn nguyện
                    Đếm ngọt bùi qua vạn vạn tử sinh
                    Người có thấy ánh trăng vàng gõ cửa
                    Đêm thì thầm bên dòng chảy lênh đênh?”
                           (Tự Nhủ)
                 “Đời Sống” vẫn phơi bày, hiện diện – dòng chảy vẫn mãi mãi tiếp tục, và nhà thơ đã có cái nhìn đầy ắp nghĩa tình nhân bản với đời sống quanh mình:
                    “ Về đâu, em hởi - về đâu?
                       Nắng tắt, vầng dương chợt ngã mầu
                       Cơn bão trùng khơi đang dậy sóng
                       Em còn ngơ ngẩn – biết về đâu? “
                              (Nơi Đâu)
                    Tự vấn – là cách “tự nhìn lại chính mình” rất chân thành – nhà thơ đã không ít lần bày tỏ những ưu tư, khắt khoải - khát vọng về “đòi sống” cho chính mình, và cho người khi “đối diện” với “đòi sống” hôm nay(và mai sau) – và, qua ánh sáng của Chánh pháp đã được thấm đượm như máu thịt soi rõ – nhà thơ cũng đã tìm ra  được “câu trả lời” tuy đơn giản – nhưng không dễ chứng nghiệm :
                      “…Trên đỉnh đồi tự tại
                         Bay vút loài chim di
                         Gió ngàn phương diệu vợi
                         Hoang lộ thẳng đường đi”
                                (Đói Diện)
                     Sau bao tháng năm trôi nổi, chìm đắm trong thương đau – tâm hồn cô “nữ sinh trường nữ trung học Nha Trang” thưở nào – đã trưởng thành trong từng cảm nhận, tứng suy tưởng về “đòi sống” để bảy tỏ, sẻ chia cho người đọc qua những câu thơ chân tình, sâu lắng – và thấm đượm Đạo vị. Một đời người – một đời thơ của Lê Phương Châu đã đạt được điều chân thật ấy – tưởng cũng đã là niềm vui lớn, niềm hạnh phúc rất đáng trân trọng vậy!



Quê nhà,
Tháng 3 năm 2012
MANG VIÊN LONG
   
                       
          

            

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét