Thứ Hai, 28 tháng 12, 2015

Ảnh Đỗ thị Minh Giang

MỐI QUAN HỆ GIỮA THƯƠNG CẢNG THỊ NẠI VÀ SÔNG CÔN:

        NỀN TẢNG CHO SỰ PHỒN THỊNH CỦA TIỂU QUỐC VIJAYA


Trần Phan Hoài Thi




Thương cảng Thị Nại hình thành cùng với sự xuất hiện của tiểu quốc Vijaya. Trải qua năm thế kỷ tồn tại (X- XV), Thị Nại đóng vai trò vừa là quân cảng vừa là thương cảng của vương quốc Champa,là vị trí trọng yếu để tiến vào kinh đô Vijaya, là điểm đến quen thuộc của các thương thuyền trong và ngoài nước. Để trở thành một trung tâm kinh tế đạt hiệu cao thương cảng Thị Nại đã thiết lập một mạng lưới giao thương với các vùng, đặc biệt là vùng Tây Nguyên, nơi có những sản vật, lâm thổ sản quý hiếm mà các thương nhân nước ngoài rất ưa chuộng.
Mạng lưới giao thương này được thiết lập theo mô hình “mạng lưới trao đổi ven sông”, trong đó sông Côn đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển tải hàng hóa lẫn văn hóa cho Thị Nại nói riêng và vùng Vijaya nói chung. Qua mô hình này chúng ta có thể nhận thấy: Thị Nại được xem là trung tâm kinh tế, trung tâm thu gom, xuất nhập khẩu hàng hóa cho trong và ngoài tiểu quốc Vijaya, còn sông Côn là con đường chính trong việc vận chuyển hàng hóa lẫn văn hóa cho Thị Nại và ở chiều ngược lại, từ Thị Nại những sản phẩm miền biển, miền xuôi hay từ các thuyền buôn ngoại quốc sẽ lại được chuyển đến cho cộng đồng dân cư miền ngược.Việc hình thành tuyến giao thương nội địa dọc sông Côn này đã góp phần làm cho Thị Nại tồn tại, phồn vinh từ thế kỷ X- XV nói riêng và cả vùng Vijaya nói chung.
Lịch sử cổ trung đại Đông Nam Á đã ghi nhận rằng: Champa là một vương quốc hướng biển, một thể chế biển điển hình của các nước Đông Nam Á cổ xưa. Từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ XV cùng với những biến đổi nội tại của vương quốc Champa, vùng Vijaya đã trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của vương quốc. Điều này đã được minh chứng qua những ghi chép trong sử sách của Trung Quốc và Việt Nam và đặc biệt là một khối lượng lớn di tích, di vật thuộc về Champa (những di tích đền tháp, nguồn tài liệu bi ký, các thương cảng, những tòa thành…) còn tồn tại cho đến ngày nay.
Đóng vai trò động lực trong sự phát triển của Champa thế kỷ X- XV là thương cảng Thị Nại, thương cảng chính yếu của vùng Vijaya và vương quốc Champa, đồng thời là cửa ngõ quan trọng nhất để Champa tham dự và hội nhập vào nền hàng hải khu vực và thế giới. Thị Nại vừa là thương cảng vừa là quân cảng, một vị trí trọng yếu để tiến vào kinh đô Vijaya. Cảng Thị Nại là cửa ngõ hướng ra biển không chỉ của Champa mà còn của cả vùng cao nguyên rộng lớn. Với vị trí nằm trên con đường hàng hải quốc tế, Thị Nại đã từng có mối quan hệ với nhiều khu vực trong nước và các quốc gia láng giềng. Chính vì thế mà thương cảng này được ghi chép qua nhiều thư tịch cổ Việt Nam như Việt sử lược, Khâm Định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam nhất thống chí, Phương đình dư địa chí… với nhiều tên gọi khác nhau như: Thi Lị Bì Nại, Tì Ni, Thiết Ti Nại, Thu Mi Liên, Tân Châu Cảng, Chiêm Thành Cảng, Cri Banoy, Cri Bandy, Chopinai…. Vai trò quan trọng của thương cảng Thị Nại với chức năng trung tâm giao lưu thương mại chính của Champa cũng đã được Lê Tắc trong An Nam chí lược đã nêu rõ: “Chiêm Thành lập quốc tại mé biển, thương thuyền Trung Quốc vượt bể đi qua các nước phiên phục, thường tập trung tại đấy để chứa củi và nước, là bến tàu lớn nhất tại phía Nam[1]. Điều này càng được minh chứng khi những chuyến thám hiểm của Trịnh Hòa dưới thời nhà Minh qua các nước Đông Nam Á và Nam Á vào thế kỷ XV. Trong những chuyến đi này đã có ghé qua Champa[2].
          Một trong những nhân tố giúp cho vùng Vijaya phát triển rực rỡ ở giai đoạn này đó chính là sự phát triển của con đường tơ lụa trên biển. Suốt thời trung đại, mạng lưới giao thương đường thủy (sông, biển) đóng vai trò chính cho mọi hoạt động kinh tế của Champa trong khi giao thông đường bộ còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, sự thiết lập mạng lưới giao thương qua sông Côn mang ý nghĩa vô cùng to lớn cho sự phồn thịnh của tiểu quốc Vijaya cả về kinh tế lẫn văn hóa.
Nhiều nhà nghiên cứu khi nghiên cứu về lịch sử chính trị- kinh tế của vương quốc Champa đã dựa vào mô hình của Bronson- hệ thống trao đổi ven sông/riverine exchange network. Theo mô hình này, “hệ thống trao đổi ven sông có một trung tâm kinh tế, thương mại ở vùng duyên hải ven bờ biển, thường tọa lạc ở một cửa sông. Đây cũng là một trung tâm hải thương quốc tế và là điểm kết nối giữa các cửa sông của các vùng lân cận. Cũng có những trung tâm ở thượng nguồn với vai trò là những điểm tập trung ban đầu thu gom các nguồn hàng hóa, lâm thổ sản và thương phẩm được sản xuất và khai thác bỡi các cư dân ở vùng miền núi và thượng du xa sông nước. Sau đó, các nguồn hàng này được tập kết về các trung tâm ven biển[3]. Hàng hóa được chuyển đến trung tâm thương mại chính bằng đường sông. Về phương thức vận chuyển, tiến sĩ Đinh Bá Hòa (Giám đốc bảo tàng Bình Định) đã đưa ra nhận định: “Con đường thông thương giữa đồng bằng và miền núi lúc bấy giờ không ngoài đường thủy”. Bằng phương thức này họ có thể luân chuyển hàng hóa một cách trơn tru, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Còn tác giả Nguyễn Hữu Thông cho rằng: “Hoạt động trao đổi hàng hoá thường diễn ra với tính chất và cấp độ không giống nhau. Các thương lái tiếp xúc trực tiếp với phần lớn dân làng chỉ dừng lại ở hình thức trao đổi hàng lấy hàng, nhằm thoả mãn nhu cầu cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh đó, một số không nhiều và không phổ biến là những thương nhân chuyên nghiệp có tích lũy vốn và hàng hóa để buôn bán với những mặt hàng thu được ở phía Tây với các trung tâm thị tứ và bến cảng.”[4]
Mô hình này như một phương cách lý giải sự nổi trội về kinh tế- chính trị của vương quốc này trong một khoảng thời gian khá dài với sự hiện diện và nắm giữ mấu chốt quan trọng của tuyến mậu dịch hải thương.
Với mô hình này thì chúng ta có thể thấy rõ sự vận hành của mạng lưới hải thương nội địa trong các tiểu quốc của Champa. Nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương, đã có những sự lý giải hết sức chặt chẽ và hợp lý khi áp dụng mô hình này để giải thích về mạng lưới trao đổi ven sông sông Thu Bồn ở vùng Amaravati. Trong đó sông Thu Bồn như là một sợi dây kết nối cộng đồng cư dân người thượng ở miền Tây Amaravati (thuộc Quảng Nam ngày nay) với thương cảng Đại Chiêm hay sau đó là Cù Lao Chàm, từ đây hàng hóa luân chuyển khắp nơi [5].
Còn đối với vùng Vijaya (thuộc tỉnh Bình Định ngày nay) nếu áp dụng mô hình ấy vào việc nghiên cứu hệ thống mạng lưới trao đổi nội địa dọc theo các nhánh sông Côn sẽ giúp chúng ta hình dung rõ nét hơn về sự phát triển kinh tế, văn hóa nói chung đặc biệt là mối quan hệ giao thương giữa thương cảng Thị Nại và vùng Tây Nguyên thông qua sông Côn nói riêng.
Sông Côn là con sông lớn nhất ở Bình Định nó còn có tên gọi là sông Tam Huyện vì chảy qua ba huyện Bình Khê (An Khê và Tây Sơn ngày nay), An Nhơn, Tuy Phước. Sông Côn được chia thành nhiều nhánh và đổ ra vịnh Thị Nại. Do đó, sử nhà Nguyên đã chép trong Kinh thế đại điển tự lục “Cửa cảng phía Bắc liền với biển, bên cạnh có năm cảng nhỏ, thông với Đại châu nước ấy, phía Đông Nam có núi ngăn, phía Tây có thành gỗ”[6]. Cửa biển phía Bắc là thương cảng Thị Nại còn năm cảng nhỏ đó chính là năm cửa của sông Côn. Có thể xem sông Côn là trục chính của mạng lưới trao đổi ven sông, trục chính của con đường tới kinh đô Vijaya.
Mối quan hệ giữa sông Côn và Thị Nại được thể hiện ở chỗ: sự kết hợp của hai thành tố để hình thành nên một vị trí chiến lược trên phương diện kinh tế và chính trị của Vijaya. Thương cảng Thị Nại nằm ở khu vực thôn Bình Lâm ngày nay. Ba mặt Bắc, Tây, Nam có sông ngăn, đó chính là các nhánh của sông Côn, mặt Đông ngày xưa là vịnh biển. Trong bài viết “Miền Trung Việt Nam và văn hóa Champa” giáo sư Trần Quốc Vượng đã đưa ra mô hình nêu lên sự biểu thị mối quan hệ giữa cửa biển với đô thị, thánh địa và núi thiêng theo chiều ngang từ đông sang tây của dòng sông kể từ cửa biển lên đầu nguồn. Sông không chỉ được nối bằng các bến đó mà còn là sự tiếp nối giữa núi và biển[7]. Theo sự lý giải này thì người Chăm dùng các dòng của sông làm hào chống đỡ các cuộc tấn công từ phương Bắc, bảo vệ cho Thị Nại mỗi khi có chiến tranh, giúp Thị Nại thực hiện chức năng quân cảng của mình, ngăn chặn sự tấn công lên kinh thành Vijaya. Bên cạnh đó, các dòng sông tạo điều kiện thuận lợi cho việc các thương thuyền chở hàng hóa đến cảng Thị Nại để thương cảng này thực hiện chức năng là giao thương với các khu vực khác trong vương quốc Champa và xa hơn nữa là giao thương với quốc tế.
Ngoài ra, sông Côn còn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước, bồi đắp phù sa hàng năm cho vùng đồng bằng Bình Định làm cho vùng đồng bằng này trở nên phì nhiêu, màu mỡ, “Cánh đồng phì nhiêu, màu mỡ, phía Bắc trông ra vịnh Thị Nại là một trong những nơi thịnh vượng nhất của Champa”[8]. Chính vùng đồng bằng này làm hậu phương lương thực vững chắc cung cấp cho cảng thị và tiểu quốc Vijaya. Điều này giúp cho Vijaya phát triển vượt trội so với các tiểu quốc khác trong Mandala Champa. Cũng giống như sông Thu Bồn ở phía Bắc, dòng sông Côn được coi như một sợi dây liên kết, một con đường vận chuyển văn hoá cũng như các mối giao thương về kinh tế giữa miền ngược với miền xuôi của vùng Vijaya. Nếu đi dọc theo dòng sông Côn chúng ta dễ dàng nhận thấy một hệ thống trung tâm, kinh tế, chính trị và tôn giáo. Phía cửa sông là thương cảng Thị Nại, trung tâm kinh tế của vùng Vijaya và cả vương quốc Champa, ven lưu vực sông là thành Đồ Bàn/ Chà Bàn, trung tâm chính trị, kinh đô của Champa. Một hệ thống các đền tháp được xây dựng ven lưu vực của sông Côn, trở thành những trung tâm tôn giáo của vương quốc như là cụm tháp Dương Long, tháp Cánh Tiên, cụm tháp Bánh ít, tháp Đôi, tháp Bình Lâm….[9] Khi lên đến vùng thượng nguồn sông Côn (vùng Tây Nguyên) chúng ta cũng phát hiện các đền tháp, bi ký và những tác phẩm điêu khắc mang đậm nét dấu ấn văn hóa Ấn Độ và Phật giáo. Dấu tích tháp Yang Mum, tháp Dran Glai, Kuai King ở vùng Ayun Pa, các di vật tượng phật lưu giữ ở Bảo tàng tỉnh Gia Lai, bia đá ở huyện Đak Pơ… và khi di tích tháp Bang Keng được khai quật thì càng minh chứng rõ hơn về một thời kỳ lịch sử có sự ảnh hưởng, hiện diện của văn hóa Champa trên vùng đất Tây Nguyên. Cho dù những dấu tích vật chất được phát hiện trên vùng Tây Nguyên chưa nhiều nhưng về tín ngưỡng cho thấy, khi văn hóa Champa phát triển và tỏa sáng, bằng mối quan hệ lâu đời với các tộc người, văn hóa Champa đã tìm đến Tây Nguyên và lan tỏa vào cộng đồng người ở đây. Dòng sông ven trung tâm tôn giáo có thể mang ý nghĩa sông thiêng theo ảnh hưởng của Ấn Độ giáo như sông Hằng hay không? Chúng ta không thể dám khẳng định một cách chắc chắn nhưng dòng sông ở đây chắc chắn là đường vận chuyển nguyên vật liệu khi xây dựng tháp. Bỡi vì các công trình kiến trúc nơi đây sử dụng khá nhiều nguyên liệu đá có kích thước lớn với trọng lượng nặng.
          Đặc biệt hơn nữa, hàng loạt các khu lò gốm cổ được khai quật nằm ở bộ phận lưu vực sông Côn: Gò Thị, Gò Sành, Gò Hời, Trường Cửu, Gò Cây Me, Gò Ké đã chứng tỏ rằng việc hình thành các khu gốm cổ này ở dọc sông Côn và các chi lưu của nó, là những vị trí thuận lợi cho việc lấy nguyên liệu, gần bến bãi thuận lợi cho bốc xếp nguồn nguyên liệu cũng như vận chuyển những sản phẩm của họ ra bên ngoài bằng nhiều phương tiện nhưng chủ yếu vẫn là đường thủy. Từ khu vực Gò Thị (Vĩnh Thạnh), một điểm nằm dọc triền sông Côn, nơi đã phát hiện được khá nhiều mảnh sành của các loại hũ không tráng men, xuôi về hạ lưu sông Côn tại cửa Cách Thử (Cát Tiến- Phù Cát), cửa sông của một phụ lưu thuộc hạ lưu sông Côn đổ ra phía Bắc đầm Thị Nại cũng phát hiện nhiều mảnh gốm Chăm. Như vậy, với những phát hiện khảo cổ học này chứng tỏ sông Côn là con đường vận huyết mạch vận chuyển các sản phẩm gốm và nuôi sống các địa điểm sản xuất gốm, một loại sản phẩm được cho là khó vận chuyển vì dễ vỡ, cồng kềnh và sự phát hiện những mảnh gốm ở những nơi này cũng chứng tỏ những bến sông chỉ mang tính chất trao đổi nội địa là chính, còn việc trao đổi bên ngoài với các vùng khác thì phải là cảng biển. Và thương cảng Thị Nại đóng vai trò là trung tâm chuyển tải hàng hóa đi khắp nơi. Nối dài của mạng lưới trao đổi nội địa, đó là các tuyến giao thương xuyên biên giới, và Thị Nại trở thành điểm cuối của tuyến đường băng qua đèo An Khê, Play Ku, và đến sông Mekong ở Stung Treng ở nơi mà hiện nay là phía Bắc Campuchia, nơi nối kết với mạng lưới giao thương tỏa ra từ Ayutthaya- Bangkok. Thương mại di chuyển dọc tuyến đường này, nối Thị Nại và Vijaya với những mối quan tâm buôn bán của người Khmer và người Xiêm. Tuyến đường này cho đến thời các chúa Nguyễn vẫn còn được vận hành và có vai trò quan trọng[10]. Tống sử của Trung Quốc đã chỉ ra rằng vào cuối thế kỷ thứ X, hình thành những tuyến đường biển nối liền những địa điểm cư trú vùng biển ở quần đảo Philipin, bờ biển bắc của đảo Borneo và Champa. Cùng với những ghi chép trong sử sách Trung Quốc thì những năm gần đây các nhà khảo cổ học đã phát hiện con tàu đắm Pandanam bị đắm ở ngoài đảo Palawan, ở phía Tây Nam Philipin trong khoảng thời gian từ giữa thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XV và đại đa số đồ gốm từ địa điểm này là gốm Gò Sành được sản xuất ở các trung tâm gốm cổ ngày nay thuộc tỉnh Bình Định. Với sự hiện diện của đồ gốm càng chứng minh mối quan hệ giao thương mật thiết đó.[11]
Sự tồn tại của các đền tháp, bi ký và dấu ấn của các tác phẩm điêu khắc ấn Độ giáo và Phật giáo được tìm thấy tại vùng Tây Nguyên ngày nay đã cung cấp cho chúng ta những bằng chứng quan trọng về mối liên hệ giữa các trung tâm vương quyền của Champa ở ven biển với các cộng đồng cư dân ở miền ngược. Hơn nữa, vùng đất Champa tựa lưng vào vùng cao nguyên rộng lớn giàu sản vật “…miền thượng du có những tài nguyên vô tận, Mun và những hương liệu quý khác, gỗ thơm có nhiều gỗ Hương và Bạch đàn, gỗ Phượng Hoàng, Long não và Định hương, Trầm mộc…Đậu Khấu bán đắc như vàng, lại còn có Hồi hương, Lô hội, mây trắng và tre… động vật có voi, hổ, tê giác, hưu trắng, trâu rừng, bò rừng, khỉ…”[12] nên mối quan hệ trao đổi hàng hoá chắc chắn đã được thiết lập giữa các cư dân vùng duyên hải với các làng bản ở cao nguyên[13]. Trong khi đó, ngoài những mặt hàng như gốm sứ, cá… thì một mặt hàng rất quan trọng mà cư dân miền núi không thể thiếu được chính là muối. Hình ảnh hạt muối đã xuất hiện trong văn nghệ dân gian phần nào làm rõ thêm sự trao đổi hàng hóa giữa miền ngược và miền xuôi, trong bài ca về Dru Droe của người Sre “Chúng ta ở xứ Chàm về đây/ Mang về muối và cá đây này/ và các quà này của người con xứ này/ Hãy thức đêm nay, trắng đêm nay” hay trong câu đố của trẻ con người Sre: “Kẻ nào giống như người Chàm mang muối đến trước bình minh, mang nước khi mặt trời lên, và đến giữa buổi sáng thì ngừng không mang nữa?- sương buổi sớm mai[14]. Giáo sư Momoki Shiro cũng đã liệt kê ra những loại hàng hoá của Champa sử dụng trong những lần triều cống vương triều Trung Hoa cũng như trong xuất khẩu ra nước ngoài trong chuyên khảo “Champa, chỉ là một thế biển?”. Trong đó, các mặt hàng có nguồn gốc từ vùng cao nguyên chiếm số lượng lớn như ngà voi, sừng tê giác, trầm hương là những mặt hàng thiết yếu cho xuất khẩu[15]. Tất cả những điều đó đã góp phần khẳng định sự tham gia của các cộng đồng cư dân miền ngược vào quá trình trao đổi hàng hoá với các trung tâm kinh tế ven biển và sông Côn đóng vai trò là con đường vận chuyển hàng hóa ngược xuôi vì đây là con đường thủy thông thương thuận lợi nhất nối thương cảng với vùng cao nguyên nên phát triển rất nhộn nhịp, lâm sản, gỗ, hương liệu, trầm hương, dược liệu khai thác từ cao nguyên theo đường sông chuyển về, hàng tiêu dùng, gốm sứ, cá, muối theo dòng sông đi lên, dòng sông trở thành con đường thương mại quan trọng tạo nên sức sống cho vùng đất này. Nhưng hiện nay, với số tài liệu còn quá ít ỏi nên chúng ta không thể biết được cơ chế vận hành như thế nào, điều này phải chờ đến những cuộc khai quật khảo cổ học, những cuộc nghiên cứu sâu.. để tiếp tục làm sáng tỏ.
Việc giữ mối liên hệ bền chặt và lâu dài giữa các vương triều Champa với các tộc người miền núi đảm bảo cho vương quốc Champa có thể duy trì được một sự cân bằng tương đối trong việc phát triển nền kinh tế, giữa kinh tế biển, kinh tế nông nghiệp và kinh tế lâm nghiệp. Điều này còn có ý nghĩa hơn nữa khi chúng có thể đảm bảo những sản phẩm thương mại cho vương quốc Champa, để Champa có thể duy trì những mối quan hệ thương mại, buôn bán với các quốc gia trong khu vực[16].
Như vậy, thể nhận định rằng mối quan hệ giữa thương cảng Thị Nại và sông Côn là mối quan hệ tương tác. Trong đó thương cảng Thị Nại đóng vai trò như một trung tâm truân chuyển, tiếp nhận, trao đổi hàng hóa, mậu dịch hải thương trong và ngoài nước, trung tâm kinh tế của cả vùng Vijaya trong khi đó sông Côn đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển tải hàng hóa từ Tây Nguyên và các trung tâm sản xuất hàng hóa ven sông Côn đến thương cảng Thị Nại và từ Thị Nại tiến hành giao thương với thế giới bên ngoài qua đường biển, cũng từ Thị Nại các hàng hóa của thương thuyền nước ngoài được chuyển lên cho dân cư miền ngược. Ở vùng Bình Định ngày này vẫn còn lưu truyền câu ca:
Ai về nhắn với nậu nguồn
Măng le chở xuống mắm chuồn gửi lên
Với ý nghĩa đó, thương cảng Thị Nại đã trở thành một trung tâm vùng, một trung tâm giao thương nối kết các công đồng dân cư, các không gian sinh thái và kinh tế. Các nhánh sông Côn cùng các đường mòn dọc theo các dòng sông trở thành sợi dây liên kết giữa các không gian sinh thái và tộc người ấy.[17] Khi mối quan hệ giữa biển và sông là nền tảng cho sự phát triển kinh tế của vùng thì biển không còn là thứ rào cản ngăn cách mà là gạch nối, trong khi dòng sông là con đường thiết yếu của thông tin liên lạc và vận chuyển văn hóa. Dòng sông Côn giữ vai trò trọng yếu trong lịch sử Champa, là huyết mạch giao thông chính nối các vùng với nhau, giữa Vijaya với vùng cao nguyên giàu sản vật, đặc biệt vươn ra biển tạo nên những con đường giao thương giữa Vijaya với các vùng trong vương quốc Champa rộng lớn và quốc tế, là nền tảng cho sự thịnh vượng của thương cảng Thị Nại. Như vậy, một “riverine exchange network” đã được thiết lập theo dọc sông Côn. Sự thịnh vượng của thương cảng Thi Nại, cùng với đồng bằng trù phú dọc sôn Côn đã góp phần làm cho Vijaya trở thành một tiểu quốc lớn nhất và thống trị các tiểu quốc khác trong vương quốc cổ Champa (thế kỷ X-XV).


TRẦN PHAN HOÀI THI

 








TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.    Ngô Sĩ Liên và các sử thần nhà Lê, 1993, Đại Việt sử ký toàn thư, Dịch từ bản in năm Chính Hòa thứ 18 (1697), Nxb Khoa học Xã hội.
2.    Nguyễn Siêu, Ngô Mạnh Nghinh, 1960, Phương đình dư địa chí, Nxb Sài Gòn Tự Do.
3.    Việt sử lược (Trần Quốc Vượng dịch), 2005, Nxb Thuận Hóa- Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây.
4.    Lê Tắc, 2009, An Nam Chí Lược, Nxb Thuận Hóa- Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây.
5.    Quốc sử quán triều Nguyễn, 1998, Khâm định Việt sử Thông giám cương mục, Tập 1&2, Nxb Giáo dục.
6.    Quốc sử quán triều Nguyễn, 1997, Đại Nam nhất thống chí, Nxb Thuận Hóa.
7.    Nguyễn Văn Hiển, Đồ Bàn Thành ký, Tài liệu chép tay được nhân bản lại.
8.    Đỗ Bang, Nguyễn Tấn Hiểu (Cb), 2002, Lịch sử Thành Phố Quy Nhơn, Nxb Trẻ- Bán nguyệt san Xưa và Nay.
9.    Vũ Dương Ninh (Cb), 2011, Người Việt với Biển, Nxb Thế giới.
10. Dam Bo, 2003, Miền đất huyền ảo, Nxb Hội nhà văn.
11. Nguyễn Xuân Nhân, 2010, Cảng Thị Nước Mặn và Văn hóa cổ truyền, Nxb Khoa học Xã hội.
12. Quách Tấn, 1999, Non nước Bình Định, Nxb Thanh niên.
13. Hà Văn Tấn- Phạm Thị Tâm, 1975, Cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thế kỷ XIII, Nxb Khoa học Xã Hội
14. Nhiều tác giả, 2005, Một thế kỷ Khảo cổ học Việt Nam, 2005, Tập 2, Nxb Khoa học Xã hội.
15. Lê Đình Phụng, 2002, Di tích văn hoá Champa ở Bình Định (Champa relics in Binh Định), Nxb Khoa học Xã hội.
16. Đinh Bá Hòa, 2008, Gốm cổ Champa Bình Định (Champa ancient ceramics in Binh Dinh), Nxb Khoa học Xã hội.
17. Momoki Shiro, 1999, Champa, chỉ là một thế biển? (Những ghi chép về nông nghiệp và ngành nghề trong các tư liệu Trung Quốc), tạp chí nghiên cứu Đông Nam Á, số 4.
18. Dương Văn Huy, 2006, Về những đợt thám hiểm của Trịnh Hoà ở Đông Nam Á, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 2 (77).
19. Trần Kỳ Phương, 2004, “Bước đầu tìm hiểu về địa- lịch sử vương quốc Chiêm Thành (Champa) ở miền Trung Việt Nam: với sự tham chiếu đặc biệt vào “hệ thống trao đổi ven sông” của lưu vực sông Thu Bồn ở Quảng Nam” trong Thông tin khoa học, Phân viện Nghiên cứu Văn hoá Nghệ thuật tại Thành phố Huế, số 3.
20. Nguyễn Hữu Thông, 2004, Tiếp cận vấn đề nghiên cứu văn hoá làng các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam, trong Thông tin khoa học, Phân viện Nghiên cứu Văn hoá Nghệ thuật tại Thành phố Huế, số tháng 3.
21. Trần Quốc Vượng, 1998, Miền Trung Việt Nam và văn hóa Champa (Một cái nhìn địa- văn hóa), Nxb Văn hóa Dân tộc và Tạp chí VHNT.
22. Keith W.Taylor, 2006, Thuận Quảng và Bình Định trong cuộc xung đột vùng miền ở Việt Nam, Tạp chí Xưa và Nay, số 270.
23. Maspero H, Vương quốc Chàm, Tư liệu viện KCH.
24. Parmentier H, Danh mục miêu tả các di tích lịch sử Chàm ở Trung Bộ, Tư liệu viện khảo cổ học (Bản dịch tiếng Việt).
25. Economic Exchange and Social Interaction in Southeast Asia: Perspectives from Prehistory, History and Ethnography, edited by Karl L. Hutterer, University of Michigan, 1977.
26. Bernard Gay, 1994, New Perspectives on the Ethnic Composition of Champa, Proceedings of the Seminar on Champa, Held at the University of Copenhaghen, on May 23, 1987, English Version.










[1] Lê Tắc, 2002, An Nam chí lược, Nxb Thuận Hóa- Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, tr. 72
[2] Dương Văn Huy, 2006, Về những đợt thám hiểm của Trịnh Hoà ở Đông Nam Á, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 2 (77), tr.69-74.
[3] Brenneth Bronson, “Exchange at the Upstream and Downstream Ends: Notes toward a Functional Model of the Coastal State in Southeast Asia”, in trong Economic Exchange and Social Interaction in Southeast Asia: Perspectives from Prehistory, History and Ethnography, edited by Karl L. Hutterer, University ofMichigan, 1977, tr. 39- 52.
[4] Nguyễn Hữu Thông, 2004, Tiếp cận vấn đề nghiên cứu văn hoá làng các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam, trong Thông tin khoa học, Phân viện Nghiên cứu Văn hoá Nghệ thuật tại Thành phố Huế, số tháng 3, tr. 20.
[5] Trần Kỳ Phương, 2004, “Bước đầu tìm hiểu về địa- lịch sử vương quốc Chiêm Thành (Champa) ở miền Trung Việt Nam: với sự tham chiếu đặc biệt vào “hệ thống trao đổi ven sông” của lưu vực sông Thu Bồn ở Quảng Nam” trong Thông tin khoa học, Phân viện Nghiên cứu Văn hoá Nghệ thuật tại Thành phố Huế, số tháng 3, tr. 48-49.
[6] Hà Văn Tấn- Phạm Thị Tâm, 1972, Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII, Nxb Khoa học Xã hội, tr. 135.
[7] Trần Quốc Vượng, 1998, Miền Trung Việt Nam và văn hóa Champa (Một cái nhìn địa- văn hóa), Nxb Văn hóa Dân tộc và Tạp chí VHNT, tr. 318.
[8] Parmentier H, Danh mục miêu tả các di tích lịch sử Chàm ở Trung Bộ, Tư liệu viện khảo cổ học, tr. 8.
[9] Lê Đình Phụng, 2002, Di tích văn hoá Champa ở Bình Định (Champa relics in Binh Định), Nxb Khoa học Xã hội.
[10] Keith W.Taylor, 2006, Thuận Quảng và Bình Định trong cuộc xung đột vùng miền ở Việt Nam, Tạp chí Xưa và Nay, số 270, tr.8.
[11] Allison Diem, Bằng chứng về quan hệ buôn bán gốm giữa Champa và Philipin in trong: Một thế kỷ khảo cổ học, Tập II, 2005, Nxb Khoa học xã hội, tr. 691- 700.
[12] G. Maspero, Vương quốc Chàm (Bản dịch tiếng Việt), tr. 11.
[13] Bernard Gay, 1994, New Perspectives on the Ethnic Composition of Champa, Proceedings of the Seminar on Champa, Held at the University of Copenhaghen, on May 23, 1987, English Version, Pp. 43-52.
[14] Dam Bo, 2003, Miền đất huyền ảo, Nxb Hội nhà văn, tr. 184& 200.
[15] Momoki Shiro, 1999, Champa, chỉ là một thế biển? (Những ghi chép về nông nghiệp và ngành nghề trong các tư liệu Trung Quốc), tạp chí nghiên cứu Đông Nam Á, số 4, tr. 43- 48.
[16] Dẫn theo Đỗ Trường Giang, Biển với lục địa- Thương cảng Thị Nại (Champa) trong hệ thống thương mại Đông Nam Á thế kỷ X- XV; trong: Người Việt với Biển, Nxb Thế giới, 2011.
[17] Đỗ Trường Giang, Biển với lục địa- Thương cảng Thị Nại (Champa) trong hệ thống thương mại Đông Nam Á thế kỷ X- XV; in trong Người Việt với Biển, Nxb Thế giới, 2011, tr. 312.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét