PHIẾM CHỮ NGHĨA MÀ CHƠI
Bất cứ chuyện gì, nếu nói nhiều,
nghe nhiều, bị nghe lại, dễ chán. Trên datdung.com tôi đã viết “TẢN MẠN THƠ
ĐƯỜNG”. Nay lại viết “THƠ ĐƯỜNG - NHỮNG ĐIỀU ÍT NGƯỜI BIẾT”. Đúng là
bệnh lý của tôi bị “Đường Thi hành”. Nhưng, thú thật tôi không thấy chán.
Thơ Đường là cõi mênh mông vô
định, càng đi sâu, càng học, càng khám phá, thì thấy Thơ Đường dường như có sự
mầu nhiệm kỳ quặc mà từ xa xưa Thượng Đế đã biệt đãi nhiều bộ óc ưu tú (xin thưa, người viết không có tên trong
những bộ óc vừa nêu) cho thể loại thơ nầy. Với 8 câu, mỗi câu 7 chữ, toàn
bài Thơ Đường chỉ có 56 từ. Thế mà chơi Đường Thi cả đời không ai có thể tự
hào, biết đủ, biết hết.
Thường, người ta làm Thơ Đường,
chỉ theo sự dạy bảo dưới mái trường, cứ làm theo luật Bằng, Trắc, Niêm, Vần và
Đối là coi như bài thơ hoàn tất. Quá đơn giản! “Đơn giản”, nhưng ngay cả những
vị đứng trên bục giảng, quý vị Học giả, hoặc những bậc Thi hào, Thi bá cũng
không hoặc chưa biết hết về Thơ Đường. Đa số mỗi người chỉ biết một góc cạnh
Đường Thi.
Một điều khá ngộ nghĩnh, đa số
những vị giảng dạy cho sinh viên để khi tốt nghiệp ra trường họ dạy lại cho
thành phần khác học làm thơ “rằng thì là” khi làm thơ Đường, họ chỉ biết làm
đúng luật bình, trắc, đối và 5 vần. Nhưng thơ của họ giống mắm tôm bốc mùi.
(Hi!)
Hầu hết, những danh nhân trong
lãnh vực thi ca ở ta, ở Tàu đều nổi danh nhờ Đường Thi. Dường như, nước ta
trước nay chỉ có hai tập truyện thơ Lục Bát: Truyện Kiều của Nguyễn Du và Lục
Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu được đi vào văn học sử. Truyện Kiều nặng về điển
tích, bác học. Còn Lục Vân Tiên hướng về, đi sâu vào quần chúng.
Phần còn lại gần như đa số các
bậc Thi Hào, Thi Bá của ta hay Tàu đều thành danh từ Đường Thi.
Và, do nhu cầu thưởng thức thơ
Đường quá lớn, quý Nhà thơ Việt Nam không “sản xuất” đủ thơ Đường, khiến cán
cân cung cầu bị lệch. Vì vậy, một số Học giả, Dịch giả nước ta tìm đọc và dịch
các tác phẩm Đường Thi của Trung Quốc.
Trong những vị đóng góp trí tuệ,
công sức lớn lao vào dịch thuật Đường Thi nổi bật hơn cả có Trần Trọng Kim, Ngô
Tất Tố, Trần Trọng San, Hư Chu,....
Nhưng, tác phẩm dịch thuật chẳng
bao nhiêu so với số lượng đồ sộ của Đường Thi. Đa số, các Dịch giả chỉ chọn
những tác giả có bề thế để dịch, nhưng những tác phẩm chưa được chọn dịch không
hẳn là thơ chưa hoặc không hay, kém hoặc không bề thế. Các tác giả “chưa hay”
hoặc không được biết đến chẳng qua vì họ ẩn cư hoặc cuộc đời trầm lặng bình
thường, hoặc không có phương tiện truyền đạt, không được giới vua chúa, quan
quyền biết đến – nhất là họ không có những huyền thoại riêng tư về cuộc đời...
Suy cho cùng, những dịch giả nước
ta, chọn những danh phẩm để dịch có thể do nhiều lý do khác nhau. Chẳng hạn,
tên tuổi tác giả, nhu cầu kinh tế, và, không loại trừ... “ăn theo tên tuổi”.
Vì, chẳng ai bỏ công sức ra dịch một thi tập, xong rồi... để đó. Chẳng ai dại
gì chọn một tác phẩm mà tên tuổi tác giả tác phẩm ít hoặc chưa được nhiều người
biết đến,... để sau khi dịch xong, không nhà xuất bản nào chịu mua tác quyền,
hoặc chấp nhận in ấn, phát hành,...
Nói như vậy, không có nghĩa người
viết phủ nhận công lao, trí tuệ những vị dịch giả chân chính dày công trong
việc dịch thuật các danh tác với mục đích cao cả là góp phần vào việc xây dựng
nền văn học nước nhà thêm phong phú.
Ở Trung Quốc, thơ Đường phát
triển và thịnh hành nhất từ năm 618 đến 1911. Thời gian trên 1.300 năm đó, là
thời kỳ vàng son của Đường thi, là thời bộc phát những đại thi hào với những
tuyệt tác. Đó cũng là thời gian bùng nổ những giai thoại, thi thoại, huyền
thoại góp phần điểm tô thêm tên tuổi cho các Nhà thơ. Chuyện Lý Bạch xuống sông
mò trăng là một.
Như mọi người đều biết thơ Lý
Bạch vào hàng Thi Bá, nhưng điều để cho tất cả mọi người, mọi tầng lớp trong xã
hội nhớ đến ông không phải do thơ ông quá hay, mà do huyền thoại ông say xỉn,
xuống sông “Mò trăng đáy nước”. Những “cái ngông” của giới thi nhân như Bùi
Giáng đã góp phần không nhỏ cho việc ươm mầm, vun quén tên tuổi của họ lưu lại
đời sau.
Theo Giảng sư, Học giả Minh Di (người có thư phòng trên 6 ngàn đầu
sách, có những bộ sách đến 60 cuốn. Nếu tính ra thư phòng của ông có khoảng 50
– 60 ngàn cuốn) Trích:
- “… những nghiên cứu về thể
thơ, về luật thơ... và tới những bình phẩm về Đường thi của Trung Hoa, hầu hết
đều được ghi chép trong các tập gọi là Thi thoại. Và không triều đại nào có số
lượng các tác phẩm trong lãnh vực Thi thoại có thể vượt hơn đời Tống (960 -
1279). Do đó, muốn tìm hiểu thấu đáo về Đường thi, người ta có thể tìm thấy
những gì mình muốn biết trong các tập Thi thoại này.
Theo “Tứ Khố Toàn Thư Tổng Mục
Đề Yếu”, “Đời Đường có 2.200 Nhà thơ, sáng tác gần 49 (bốn mươi chín) ngàn
bài thơ.
Đặc biệt, riêng đời Tống, bộ “Tống
Thi Toàn Tập”, có 60 cuốn, mỗi cuốn 500 trang, không có nói số lượng bài
thơ (Trung Hoa Thư Cục, xuất bản). Nhưng đa số các Nhà Học giả Trung Quốc nhận
định thơ Đường đời Tống bằng hoặc nhiều hơn Thơ Đường thời Nhà Đường.”
(ngưng trích).
Chỉ có đời Tống mới gọi thơ Đường
viết trong Đời Tống là Tống Thi (宋 詩). Hầu hết, Tống
Thi đều được gọi là Thơ Đường (唐詩), vì luật của Đường thi xuất
phát từ thời Nhà Đường (唐朝).
Thơ Đường tức thơ Cổ Phong (古風) còn gọi là Cổ Thể Thi (古体诗)
hay Cổ Thi (古诗)
được sửa đổi, nhuận sắc dần dần đến ngày nay được coi như hoàn chỉnh.
Đường thi, được chia ra làm hai loại:
Luật Thể như thường thấy và Tạp Thể (hay Biến Thể) như Thủ Vĩ Ngâm,
Vĩ Tam Thanh, Liên Hoàn, Táo Tạo,... Luật Thể có hai hình thức Thất Ngôn Bát Cú
và Ngũ Ngôn.
Các thể Thủ Vĩ Ngâm, Vĩ Tam
Thanh, Liên Hoàn... nhiều người đã biết khi còn cắp sách đến trường. Còn thể
Táo Tạo, có thể nhiều người đã đọc qua nhưng không biết tên gọi là gì.
Táo Tạo là Thơ Đường biến thể,
câu 1 bắt buộc phải vần Trắc và phá vận. Các câu 2, 4, 6 và 8 cùng vận (vần).
Tóm lại, Thơ Đường nguyên thủy phải có 5
vần (vận), nhưng khi biến thể thành Táo Tạo chỉ còn 4 vần và chữ thứ 7 của câu
1 bắt buộc phải vần trắc. Dưới đây, là bài “Văn Quan Quân Thu Hà Nam, Hà Bắc” của Đỗ Phủ, làm theo thể thơ Táo
Tạo:
Kiếm ngoại hốt truyền thu Kế Bắc,
Sơ văn thế lệ mãn y thường (vận).
Khước khan thê tử sầu hà tại
Mạn quyển Thi thư hỉ dục cuồng (vận)
Bạch nhật phóng ca tu túng tửu,
Thanh xuân tác bạn hảo hoàn hương (vận)
Tức tòng Ba giáp xuyên Vu giáp,
Tiện hạ Tương Dương hướng Lạc Dương (vận)
(Đỗ Thi Kính Thuyên. Qu. IX)
Trong Thơ Đường, luật Bằng, Trắc
rất quan trọng, nhưng Niêm và Đối còn quan trọng hơn. Vậy thế nào là Niêm, Đối?
NIÊM:
Trong Văn Học Sử Yếu của Học giả Dương Quảng Hàm, định nghĩa Niêm như sau
(trích):
a)- Nghĩa đen là dính – là sự là sự liên
lạc về âm luật của hai câu thơ trong bài thơ Đường luật. Hai câu thơ Niêm với
nhau cùng theo một luật, hoặc cùng thanh Bằng, hoặc cùng thanh Trắc, thành ra
Bằng niêm với Bằng, Trắc niêm với Trắc.
b)- Những câu Niêm với nhau trong một bài
thơ Thất Ngôn Bát Cú: 1 với 8, 2 với 3, 4 với 5, 6 với 7 và... 8 với 1
Nhưng, theo Học giả, Giảng sư đại học Minh Di, thì (trích):
“Định nghĩa về Niêm của ông Dương Quảng Hàm còn hẹp! Cần phải thêm:
Trong Luật thi, các tiếng bằng / trắc đặt không
đúng chỗ, Thi học Trung Hoa gọi chung là “thất niêm”.
Chú thích: câu “Thái
thanh thượng sơ nhật” thất niêm của Mã Chu (? - ?), dẫn trong tập “Khương Trai Thi Thoại”, Đới Hồng Sâm
viết:
* Án: Luật thi bình, trắc thất điệu chi hiện tượng thống danh “thất
niêm”.
* Xét: Hiện tượng bằng, trắc thất điệu trong Luật thi được gọi
chung là “thất niêm”.
Tham khảo:
- Khương Trai Thi Thoại (?). Qu.
II. Tịch Đường Vĩnh Nhật Tự Luận Nội Biên” (Ngưng trích).
ĐỐI:
Ở cặp Trạng (câu 3 và 4). Và Luận
ở cặp 5 và 6) phải đối, nghĩa là các chữ theo thứ tự trong câu phải đối chọi,
đối nghịch với nhau. Đồng thời hai cặp Trạng và Luận Tứ Thơ phải phân minh,
không trùng.
Theo Lãnh Trai Dạ Thoại. Qu. IV. 12 thì (trích): “về cách Đối câu,
Nhà thơ có quyền biến hóa, đối ý, đối nghĩa, đối… thế nào để người đọc biết đó
là hai câu đối nghịch nhau về ý nghĩa và tứ thơ. (ngưng trích).
Thơ là Nhạc, do đó một bài thơ
phát tiết âm thanh, có nhạc điệu, đọc lên êm, xuôi tai, có ẩn dụ, không bị trúc
trắc. Bài thơ không có tính nhạc, đọc nghe không êm, thiếu ẩn dụ sẽ bị những
người biết thưởng thức thơ gọi là “tìm chữ ráp vần.”
Trong Đường Âm Quí Thiêm. Qu. IV. Pháp vi
3, viết (trích):
Các loại đối, như:
1.- Đương cú đối (đối trong câu)
2.- Giao Cổ đối (đối chéo nhau, chữ thứ 7 câu dưới, đối lại
chữ thứ 4 câu trên)
3.- Lưu thủy đối, còn gọi Thập Tứ Tự Đối
4.- Thiển đối
5.- Tục cú đối
6.- Lưu thủy đối
7.- Khai Môn Đối
8-. Giả đối. còn gọi là Tá đối (Giả Không thực. Tá Mượn).
9-. Tha đối,….
“Thí dụ trong bài Tần châu Tạp Thi (Kỳ 3)
秦州雜詩 (其三)
州圖領同谷,
驛道出流沙。
降虜兼千帳,
居人有萬家。
馬驕朱汗落, (Mã
kiêu chu hãn lạc)
胡舞白題斜。(Hồ vũ bạch đề tà)
年少臨洮子,
西來亦自誇。
Ghi
chú: Tác giả mượn chữ CHU của mồ hôi đỏ từ
một giống ngựa (HÃN HUYẾT MÃ) để đối chữ BẠCH nghĩa là TRẮNG, ở câu dưới. Vì
chữ CHU trong câu không thực là chữ CHU = đỏ), vì vậy mà gọi là Giả đối. Dù
rằng, 2 chữ CHU này đồng âm.
Hoặc trong Bài Chư Tướng:
Kiến sầu hãn mã Tây Nhung bức,
Tằng thiểm chu kỳ Bắc
đẩu ân.
Hai câu dẫn trên là 2 câu 5 / 6
của bài thứ nhất trong 5 bài CHƯ TƯỚNG của Đỗ Phủ. (Tham khảo: Đỗ Thi Kính
Thuyên. Qu. XIII). Hai chữ “hãn mã” tức “hãn huyết mã”, một giống tuấn mã mồ
hôi sắc đỏ như máu. Ở đây mượn chữ HÃN (chỉ mồ hôi đỏ) đối chữ CHU (sắc đỏ) ở
câu dưới.” Đồng nghĩa với Ghi chú
ở đoạn trên đây.
9.- Tha đối: Còn gọi là Sa
đối. Có 2 cách: Thập tự cách và Thập tứ tự cách.
Tha đối Chữ Tha ở đây cũng đọc âm
Sa.
Xuân tàn diệp mật hoa chi thiểu
Thụy khởi trà đa tửu trản sơ
(Xuân tàn lá rậm hoa cành ít,
Thức giấc trà nhiều chén rượu thưa)” (ngưng trích)
Trong “Quí Thiêm Thi Thoại”, giảng giải cách đối của Tha Đối (Sa đối),
đại khái như sau:
- Câu trên Rậm (4), đối lại Thưa
(7) câu dưới
-
Câu trên Lá (3), đối lại
Rượu (6) câu dưới
-
Câu trên Ít (7), đối lại Nhiều (4) câu dưới.
(Các số trong ngoặc đơn là thứ tự của chữ, từ trái sang phải ở trong
câu).
Cá nhân tôi - Thái Quốc Mưu, biết
làm thơ Đường từ năm 12 tuổi, 14 tuổi coi như nhuần nhuyễn, lên 16 tuổi có Thơ
Đường đăng trên các nhật báo (với bút hiệu Liêu tần Tử), nhưng không hề làm thể
loại đối nầy, vì quá rắc rối làm đau đầu, nhức óc.
Tóm lại,
rất nhiều thể đối, người viết không thể nhớ hết và không biết giải như thế nào
cho chính xác, không dám lạm bàn. Xin miễn chấp.
Ngay trong mỗi câu thơ ở bài Thơ Đường, cũng có những chữ mang tên gọi
đặc biệt. Chẳng hạn, trong thơ Ngũ
Ngôn, chữ thứ Ba (3), trong Thất Ngôn Bát Cú chữ thứ Năm (5) được gọi là TỤ LỰC.
Tụ Lực là kết hợp sức mạnh đẩy lên, làm cho toàn câu thơ nổi bật, mạnh lên. TỤ LỰC
có tên là HƯỞNG
TỰ.
Theo Giảng sư, Học giả Minh Di (trích):
“Hưởng tự còn được gọi là “thi nhãn” (con mắt của bài thơ).
+ Nói “hưởng tự” là “chỗ Tụ Lực”
(trí lực xứ) của bài thơ là ý nói “chữ này” có tác dụng nhấn mạnh, làm sắc hơn
một ý tưởng, một tình, một cảnh nào... Tác dụng này có thể chỉ giới hạn trong
một vài câu, nhưng cũng có thể trải rộng khắp bài thơ.”
Thế nhưng tại sao “HƯỞNG TỰ” phải gieo ở chữ thứ 3 trong
thơ ngũ ngôn, và chữ thứ 5 của thơ thất ngôn?
Chúng ta đều biết mạch, tức nhịp,
của câu thơ ngũ ngôn là 2 / 3, mạch của câu thơ thất ngôn là 4 / 3.
Sở dĩ “hưởng tự” phải được gieo ở
vị trí của chữ thứ 3 trong câu thơ Ngũ ngôn, và ở chữ thứ 5 trong câu Thất ngôn
là vì 2 vị trí này nằm ở giao điểm của 2 nhịp, nhịp trước vừa xuống thì nhịp kế
tiếp cần phải vút lên, để câu thơ khỏi trầm trệ!
Và như vậy, nếu tìm được, nếu
viết được đúng một “hưởng tự” thì “lực”, và âm hưởng của chữ này càng vút cao
hơn! Do đó mà gọi là “Hưởng Tự” – Hưởng nghĩa là “âm thanh dội lại (hồi thanh)”
(ngưng trích).
Trong bài thơ dưới đây các chữ tô đậm là Tụ
Lực = Hưởng Tự.
返照
楚王宮北正黃昏,
白帝城西過雨痕。
返照入江翻石壁,
歸雲擁樹失山村。
衰年肺病唯高枕,
絕塞愁時早閉門。
不可久留豺虎亂,
南方實有未招魂。
PHẢN CHIẾU
Sở
vương cung Bắc chính hoàng hôn,
Bạch
Đế thành Tây quá vũ ngân
Phản
chiếu nhập giang phiên thạch bích,
Qui
vân ủng thụ thất sơn thôn.
Suy
niên phế bệnh duy cao chẩm,
Tuyệt
tái sầu thời tảo bế môn.
Bất khả cửu lưu sài hổ loạn,
Nam
phương thực hữu vị chiêu hồn!
(Đỗ
Thi Kính Thuyên. Qu. XIV).
Phỏng dịch:
SOI LẠI*
Hoàng
hôn phủ xuống Bắc cung vua
Bạch
Đế thành tây lộng gió mưa
Nắng
tắt sông chao nghiêng vách núi
Mây
giăng cây phủ khuất làng xưa
Phổi
đau nằm gối đầu cao hẳn...
Ải
vắng cài then bóng xế vừa…
Lánh
bọn sài lang gây náo loạn
Về
Nam lạc cảnh phỉ hồn chưa…!
Atlanta, May 15, 2015
Thái Quốc Mưu
* Soi sang trở lại.
Đã vậy, Thơ Đường còn là “kẻ khó
tính, mang nhiều thứ bệnh”. Do luật thơ khắt khe, người làm thơ Đường dễ bị nhiễm:
1 - Bình Đầu (Bằng nhau ở đầu câu): Ba chữ đầu câu của 4 câu liên
tiếp cùng một loại tự (như, danh từ, động từ...)
2 - Thượng Vỹ (Đuôi cao lên):
Ba chữ cuối, hoặc 3 chữ thứ 5 của
4 câu liên tiếp cùng một loại tự (như, cùng tính từ,...)
3 - Phong Yêu (Eo con Ong): Chữ thứ 2 và chữ thứ 7 trong cùng một
câu đều là thanh Bằng hoặc Trắc.
4 - Hạc Tất (Đầu gối chim Hạc): Chữ thứ 4 và chữ thứ 7 trong cùng
một câu đều là thanh Bằng hoặc Trắc.
5 - Chánh Nữu: Trong 1 câu có 3 chữ có phụ âm, hay nguyên âm đầu
giống nhau. Ngoại trừ các chữ láy, ghép.
6 - Bàng Nữu: Trong 4 câu liên tiếp có từ 4 chữ có phụ âm hay nguyên âm đầu giống nhau. Ngoại
trừ các chữ láy, ghép.
7 - Đại Vận: Chữ thứ 4 và 7 trong cùng một câu trùng vần với nhau
8 - Tiểu Vận: Chữ thứ 2 và 7 trong cùng một câu trùng vần với nhau.
Gọi chung là Bát Bệnh của Thơ
Đường
Tuy nhiên, đó là nói về sự khắc
khe của LUẬT thơ Đường. Thực tế, ít người làm thơ tránh khỏi sự khắc khe ấy.
Qua Đèo Ngang là một bài thơ rất
nổi tiếng của Bà Huyện Thanh Quan, nếu dựa vào 8 Bệnh của thơ Đường Luật, thử
xem bài thơ này có bao nhiêu Bệnh:
QUA ĐÈO NGANG
Bước tới đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi, tiều vài chú,
Lác đác bên sông, rợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng, con cuốc cuốc,
Thương nhà mỏi miệng, cái gia
gia.
Dừng chân đứng lại, trời, non,
nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.
- Bệnh Bình Đầu: Chữ đầu câu của 4 câu cuối có 3 chữ Nhớ-Thương-Dừng cùng tự loại là Động từ
- Bệnh Thượng Vỹ: Chữ cuối 4 câu trên có 3 chữ Hoa-Chú-Nhà cùng là danh từ
- Bệnh Phong Yêu: ở câu 2 có chữ Cây và
Hoa cùng thanh Bình. Câu 5 có chữ Nước và cuốc cùng thanh Trắc.
- Bệnh Hạc Tất: Câu 3 có chữ thứ 4 là núi
và chữ thứ 7 là chú cùng thanh Trắc. Câu 8 chữ
riêng và chữ ta đều thanh Bình.
- Bệnh Chánh Nữu: Câu cuối có 3 chữ cùng phụ
âm “T”
- Bệnh Bàng Nữu: ở 4 câu cuối bị bệnh này, 5 chữ mang cùng phụ
âm đầu là 5 chữ “T” và 4 chữ m, 5 chữ “N”
- Bệnh Đại Vận: câu thứ 2 có chữ thứ 4 là đá
chữ thứ 7 là hoa cùng vần “A”
- Bệnh Tiểu Vận: Câu thứ 6 có
chữ thứ 2 là nhà và chữ thứ 7 là gia trùng vần “A”
Người xưa còn vương nhiều lỗi
huống chi bọn hậu sinh!
Ngoài Bát Bệnh đó còn có các lỗi
sau:
1. Lạc vận / 2. Lạc đề / 3.
Thất niêm, thất luật / 4. Thất đối / 5.
Khổ độc / 6. Điệp thanh / 7. Điệp
điệu / 8. Điệp âm / 9. Trùng vận
/ 10. Trùng từ / 11. Điệp từ / 11.
Trùng ý / 12. Hiệp Chưởng / 13. Phạm
đề / 14. Mạ đề.
Tuy nhiên, với khả năng chừng
mực, bài viết có thể còn sơ suất, sai lầm. Người viết rất mong sự góp ý của quý
độc giả và quý Văn Thi hữu khắp nơi Chân thành biết ơn.
Thái Quốc Mưu
(Atlanta, USA)
____________________
Dưới đây là phần góp ý của Văn Thi hữu Mai
Quang:
1. Trong Đường luật thất ngôn bát
cú, câu: “Nhất, Tam, Ngũ bất luận”, là chỉ “bất luận” về Bằng, Trắc. Còn về
phương diện “luyện tự”, “dụng tự” , chữ thứ 3 và thứ 5 rất quan trọng. Chú ý
chữ thứ 3 để tránh “khổ độc”. Chữ thứ 5, có tên gọi là Tụ lực, Hưởng lực, cũng
có tên gọi khác là Nhãn tự. Tùy theo cách dùng chữ thứ 5 của người làm thơ mà
câu thơ, bài thơ có lực hay không có lực (người xưa rất chú ý đến nó).
2. Câu thơ thất ngôn, lấy chữ thứ
5 làm “cơ nữu” (ý nói: mấu chốt), đó là chỗ Tụ lực (giữa 2 nhịp trong 1 câu),
Hưởng tự (chữ có âm hưởng), còn gọi Thi nhãn (con mắt của câu thơ).
3. Sao gọi là “Thi nhãn”?
- Thi nhãn là con mắt của câu
thơ. Thi nhãn là chỗ “trí lực”, nơi mà người làm thơ bố trí, để tâm lực vào,
chỗ này mượn âm thanh để biểu đạt tình ý.
Chữ thứ 5, “thi nhãn” thường dùng
“thiệt tự”, không dùng “hư tự”. Các cụ xưa có câu: “Nhãn dụng thiệt tự phương
kiện” (thi nhãn dùng thiệt tự mới mạnh).
4.Thiệt tự (theo lối gọi của các
cụ xưa) là loại chữ chi?
- Theo cách phân biệt của ngày
nay, thiệt tự là các chữ thuộc danh từ, động từ, tĩnh từ, đại danh từ…).
5. Hưởng tự là thứ chữ chi?
– Hưởng tự là chữ đọc lên nghe âm
kêu (ngân). Trái lại, Á tự, đọc lên
không nghe âm hưởng (hoặc có nghe hơi
hám, nhưng không sướng tai). Tuy dùng động từ
làm hưởng tự rất có lực, nhưng không
nhất nhất đều phải dùng động từ (còn danh từ, tĩnh tự…)
Tóm lại, phần nhà thơ Thái Quốc
Mưu đề cập này không thuộc luật tắc, mà thuộc về cách dùng chữ, luyện chữ trong
làm thơ Đường luật (các cụ có câu rằng: “luyện cú bất như luyện tự”).
6. Về
chữ CHU đề cập trong bài Tần châu Tạp Thi (Kỳ 3), trong chữ Hán dạng tự 州
khác 朱
(phát âm cũng khác). Trong Hán tự, có khi chữ giống y nhưng khác phần “bộ”).
Trong chữ Nôm, các cụ ta xưa viết thơ bằng chữ Nôm cũng tương tự vậy.
Chỉ rắc rối khi chuyển sang dạng
phiên âm là CHU, tiếng quốc ngữ với mẫu tự Latinh, là y chang tự dạng, phát âm.
Cho nên trong thơ Đường luật thất ngôn bát cú làm bằng tiếng Quốc ngữ (mà chúng
ta đang dùng), việc trùng âm, điệp tự (nếu không tránh được), thiết nghĩ cũng
nên xét tới yếu tố “đồng âm dị nghĩa”
(mà không vội phê phán?).
Mai Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét