4 - Hưng
Nhượng đại vương TRẦN QUỐC TẢNG 700 năm nhìn lại và Vấn đề thờ phụng ông tại
đền Cửa Ông, Cẩm Phả, Quảng Ninh
Trần Nhuận Minh
Tham luận gửi Hội thảo 700 năm mất
Danh tướng Trần Quốc Tảng ( tháng 9 / 2013)
GHI
CHÚ: trong văn bản, tôi viết “ có ý kiến” là tôi giảm đi, vì
không muốn phiền lòng cho bất cứ ai. Đây là những câu trích nguyên văn từ sách thần tích đền Cửa Ông, từ bài hồi âm của ông Chủ tịch Hội Khoa học Lịch
sử tỉnh Quảng Ninh, trên báo Quảng Ninh
chủ nhật .
Trước tiên, tôi phải thưa ngay rằng,
Hưng Nhượng đại vương Trần Quốc Tảng là một anh hùng dân tộc, có công lớn trong
cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông ở thời Trần. Ông là một vị tướng xuất sắc,
đặc biệt là rất dũng cảm, cũng rất trung thực, đã dám nói thẳng điều mình nghĩ,
dù điều đó có thể gây ra những hệ lụy cho ông. Tấm gương suốt đời tận tụy với sự nghiệp của dân của
nước của ông, đáng để cho muôn đời sau học tập và ngưỡng mộ. Việc thờ phụng ông
ở bất cứ đâu, đặc biệt là ở TP Cẩm Phả,
Quảng Ninh là hợp đạo trời, hợp lòng người. Vì thế đã được nhân dân xa gần mến
mộ tin tưởng rất thành kính.
Và thờ phụng ông, cũng là niềm vinh dự cho tất cả
chúng ta, cho vùng quê thân yêu của chúng ta. Nhưng cuộc đời ông có một đôi
điều không bình thường, đã thế lại bị nhầm lẫn do các nhà sử học hàng đầu của
đất nước ta tạo ra, trong khoảng 200 năm nay, làm cho việc lí giải về ông gặp
nhiều khó khăn, thậm chí có lúc rất sóng gió. Khá nhiều thông tin về ông rất khác nhau, thậm chí sai lạc, đã từng có
trên nhiều sách báo, cũng là nỗi băn khoăn của nhiều người. Trong dịp kỉ niệm
700 năm mất của ông, chúng ta có thể làm
rõ thêm, và tôi hi vọng về phần mình, có thể
góp được một đôi điều vào đó
chăng ? Một số ý kiến của tôi có thể còn phải kiểm chứng thêm, nhưng tôi tin là
mình đã thực hiện với sự tận tâm và trung thực của một người con cháu trực hệ
dòng họ Trần, vì nghĩ rằng các bậc tiền bối, văng vặc sáng về lòng trung nghĩa,
chắc sẽ rất phiền lòng, nếu chúng ta nói không đúng về Người, trong đó có những
điều tốt, điều hay mà các vị không có, cũng không muốn có. Có điều gì tôi giải
trình chưa phải, rất mong được các vị lượng thứ và chỉ giáo cho. Sau đây là các
ý kiến của tôi :
1 -
Sự thực về cái bi kịch trong cuộc đời Trần Quốc Tảng là gì? Nhiều người
băn khoăn sau khi đọc đoạn Trần Quốc Tuấn hỏi Trần Quốc Tảng trong ĐVSKTT:
“Người xưa có được thiên hạ để truyền cho con cháu, mày nghĩ thế nào”? Quốc
Tảng nói: “Tống Thái Tổ là một ông lão làm ruộng, mà thừa thì dấy vận được có
thiên hạ”(với ý đồng tình cho cha cướp ngôi vua, theo “di chúc miệng” của ông
nội - Trần Liễu - người đã “đảo chính quân sự” để giành ngôi vua cho mình mà
không thành, chết “bất đắc chí” năm mới có 40 tuổi.) Quốc Tuấn rút gươm kể tội
rằng: “Kẻ làm tôi phản loạn là ở đứa con bất hiếu”, ý muốn giết Quốc Tảng. Hưng
Vũ vương (Nghiễn) nghe tin ấy, vội vàng chạy đến khóc xin lỗi hộ, Quốc Tuấn mới
tha. Đến đây, Quốc Tuấn bảo Hưng Vũ vương rằng: “Sau khi ta chết, đậy nắp quan
tài đã, rồi mới cho Quốc Tảng vào”( Đại Việt sử kí toàn thư (ĐVSKTT) tập
II, Nxb KHXH, 1967, 1972, trang 81)
do đó cho là Quốc Tảng bị đày xuống nơi bây giờ gọi là Cửa Ông. Thực ra, đây là
một “màn kịch chính trị” rất tài giỏi, do chính Trần Quốc Tuấn “sáng tác” và
“đạo diễn”, để giải tỏa một tình huống vô cùng khó khăn, nên trong ĐVSKTT mới
ghi là ông “giả vờ”.
Với nội dung đó được truyền ra, vua Trần và cả
triều đình, sẽ hiểu là ông hoàn toàn không có ý thực hiện di chúc của cha là
giết vua để chiếm ngôi. Điều đó đã có tác dụng làm giảm bớt sự nghi ngờ của vua
Trần và các quan trong triều đối với Trần Quốc Tuấn. Không phải không có lí do,
mà sau Hội nghị Bình Than đến 1 năm, khi giặc Nguyên đã áp sát biên giới rồi,
vua Trần mới giao chức Quốc công Tiết chế cho Trần Quốc Tuấn. Và sau đó vẫn thử
Trần Quốc Tuấn để dò xem thực lòng là như thế nào. Sau khi Quốc Tuấn đã chủ
động tự tắm lá thơm cho Quang Khải trên thuyền, mối bất hòa giữa hai dòng
trưởng và thứ, mới được cải thiện một phần, chứ vẫn chưa hết sự ngờ vực. Bởi
khi Quốc Tuấn đã là Tổng Tư lệnh quân đội, lãnh đạo toàn quân, tay cầm cờ tiết
và hổ phù, thì việc cướp ngôi vua dễ như trở bàn tay. Nhưng ông quyết không làm
việc đó. ĐVSKTT còn ghi nhiều chi tiết ứng xử khác của Trần Quốc Tuấn, để vua
và các quan hiểu rõ lòng dạ sáng trong, tận trung với vua, với nước của ông,
nhất là khi có giặc ngoại xâm. Đó là vì nghĩa lớn, làm cho “vua tôi cùng lòng,
anh em hòa mục, cả nước góp sức” để đánh giặc giữ nước, như chính lời ông đã
nói trước lúc lâm chung, tuyệt đối không vì danh lợi cá nhân, đặc biệt là không
muốn làm vua, dù nếu có, cũng vẫn chính đáng.
Chính vì lẽ đó mà nhân dân đã phong thánh cho
ông và lập đền thờ ông khi ông còn đang sống, và bỏ qua không phải là không có,
những chuyện riêng không hay gì, trong đời tư của ông, ví như ông cướp cô ruột
của mình trong ngày cưới, để lấy làm vợ của mình... Trong các vị anh hùng dân
tộc bậc nhất của đất nước, như Ngô Quyền, Lê Lợi, Nguyễn Huệ... sự tôn vinh đặc
biệt ấy, nhân dân chỉ giành cho duy nhất một người là Trần Quốc Tuấn mà thôi.
Các sử gia phong kiến, cũng vì cái lẽ cao cả
ấy mà giải thích nguyên nhân nổi loạn trên sông Cái của Trần Liễu, là vì bị em
ruột (Trần Cảnh) cướp vợ theo mưu của Trần Thủ Độ. Đâu có phải cái đó. Trước
khi chết, Trần Liễu gọi Trần Quốc Tuấn vào để di chúc về việc cướp ngôi vua. Dù
Quốc Tuấn trong bụng nghĩ, không cho là phải, vẫn vâng lời để vuốt mắt cho cha
đi. Rõ ràng, với Trần Liễu, đó là vấn đề sinh tử của cả một đời người, chứ
không phải vì chuyện mất vợ. Người xưa quan niệm rằng: Cha mẹ là cái đầu, anh
em là tay chân, vợ chỉ là cái áo, có thể thay bất cứ lúc nào, và mặc hay bỏ bao
nhiêu cái áo cũng được. Hà cớ gì chỉ vì một người đàn bà mà đặt cả ba họ trước
cái án chu di. Chưa kể còn bia miệng thế gian đến ngàn đời sau. Cũng bởi lí do
đó, mà các vua Trần ba đời nối nhau, đều chọn con gái dòng Trần Liễu mà lấy, để
làm Hoàng hậu và Thái hậu. Vua Thánh Tông lấy con gái Trần Liễu, vua Nhân Tông
lấy đến hai con gái Trần Quốc Tuấn, vua Anh Tông lấy con gái Trần Quốc Tảng...
ngoài chuyện trong họ lấy lẫn nhau, còn có “vấn đề chính trị” xen vào, để cởi
các mối bất đồng, để dòng Trần Liễu, không cần làm vua thì đã đời đời làm bố vợ
vua. Đến đời thứ 4 là Trần Quang Triều, con cả Trần Quốc Tảng, 14 tuổi đã được
phong vương và chức Tư đồ (Tể tướng) rồi chết sớm, dòng Trần Liễu không còn thế
lực nữa, đất nước cũng không lo đối mặt với giặc ngoại xâm, hôn nhân giữa 2
dòng chú bác này mới thôi hẳn. Tôi nghĩ, đó cũng là một “giải pháp chính trị”,
nhìn rất xa, trông rất rộng, của các vua Trần, nhắm tháo nỗi bất hoà trong nội
bộ, để tập trung mọi sức lực và tài năng vào việc đánh giặc, giữ vững sự ổn
định lâu dài cho đất nước.
Sở dĩ tôi nghĩ điều đó là do đọc đoạn văn
sau trong ĐVSKTT : “ Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Dụ Tông có thơ ca ngợi Thái Tông:
Đường
Việt khai cơ lưỡng Thái Tông
Bỉ
xưng Trinh Quán, ngã Nguyên Phong
Kiến Thành chu tử, Yên Sinh tại
Miếu hiệu tuy đồng đức bất đồng
(
Sáng nghiệp Việt Đường hai Thái Tông
Kia
xưng Trinh Quán ta Nguyên Phong
Kiến Thành bị giết, Yên Sinh sống
Miếu hiệu như nhau đức chẳng đồng )
( ĐVSKTT tập II, Nxb KHXH, Hà Nội,
1985, trang 40 – Những chữ đậm do tôi nhận mạnh- TNM ). Bài thơ trên, của vua Trần Dụ Tông xác nhận rằng Kiến Thành đời Đường vì đảo
chính cướp ngôi mà bị giết, Con An Sinh (
Trần Liễu) cũng đảo chính cướp ngôi mà không bị giết, là nhờ cái đức của Thái
Tông ( Trần Cảnh). Như vậy đã rõ, việc “ nổi loạn trên sông Cái” của Trần Liễu, vì muốn cướp ngôi vua, đó là lí
do chính, chứ đâu phải vì việc bà vợ bị ép gả cho em.
Do đó, không có chuyện Trần Quốc Tảng bị “đày”
xuống vùng gọi là Cửa Ông bây giờ. Lí Tử Tấn, bạn của Nguyễn Trãi ở thời Lê,
viết về vùng An Bang (được cho là Cửa Ông ngày nay), “ là đất hiểm ác, đất viễn
châu” ( theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi),
vùng đất này nhiều chướng khí rất độc, chim bay qua còn tự rơi xuống mặt
nước mà chết. Đây là đất để đày ải những tên tội đồ. “Chưa có một kẻ nào bị đày xuống
đó mà còn sống để trở về”. ĐVSKTT tập II, sách đã dẫn, tr 93 cũng
ghi về Yên Bang – được coi là Cửa Ông ngày nay, nguyên văn như sau : “Còn bọn
tên Lệ 6 người, thì bị đày ra châu Ác Thủy ( Ác Thủy thuộc huyện An Bang). Người bị đày ra đó, không một ai sống sót”
Vậy, nếu Trần Quốc Tảng, một nhân vật
rất lớn trong triều, từng bị đày xuống đây, Lí Tử Tấn không thể bỏ qua. ĐVSKTT,
đã ghi “bọn tên Lệ” nào đó, hẳn không thể bỏ Trần Quốc Tảng không ghi, và nếu Trần Quốc Tảng có bị đày xuống đây, cũng
không thể sống sót mà trở về. Cũng không có chuyện đậy nắp quan tài Trần Quốc
Tuấn, Trần Quốc Tảng mới được vào, như Trần Quốc Tuấn đã nói, vì cha con vẫn
hội quân cùng đánh giặc Nguyên, như ĐVSKTT đã ghi, tại tr 48, tập II – sách đã dẫn)
2 - Có ý kiến cho rằng: “Trần Quốc Tảng hai lần được Hưng Đạo vương
và vua Trần cử ra Cửa Suốt trấn giữ
và có thời gian ở Cửa Suốt” theo tôi
là không có cơ sở . Tôi biết, ý kiến này dựa vào Trần triều hiển thánh chính
kinh tập biên (1900). Đây là sách thần tích của triều Nguyễn, chỉ có ý nghĩa tham khảo, lại được viết
mà theo tôi là trong ảnh hưởng của sai lầm từ Lê Quí Đôn ( 1726 – 1784 ) và
nhất là Bùi Huy Bích (1744 - 1818) ở
thời Lê.
Thần
tích không phải là lịch sử. Một ví dụ vừa diễn ra: vị Thái uý nhà Lí (mà
tôi không tiện nêu tên) theo thần tích, ngọc phả, là người dâng kế dời đô cho
vua Lí Thái Tổ, nên đã tổ chức kỉ niệm rất long trọng trong dịp 1000 năm Thăng
Long - Hà Nội. Có nhà sử học nghi ngờ, và tra vào quốc sử là bộ ĐVSKTT thì vị
Thái uý này có mặt ở thời sau, khi Lí Thái Tổ đã băng hà. Vì vậy, sử dung thần
tích, ngọc phả (hay câu đối) trong các vấn đề lịch sử, phải rất thận trọng.
Chúng ta đều biết, ngày 24/4/1884, nhà Nguyễn bán mỏ
Cẩm Phả cho Pháp lấy 10 vạn đồng tiền Đông Dương và Trạm Hải quan này được thiết lập, mà ta biết ngày nay, rất
có thể là từ 1884, để nhà Nguyễn thu thuế của Pháp. Tôi có một bản sao bản đồ “châu Tiên Yên”, do ông Kiều Quốc Huy,
bí thư huyện ủy Tiên Yên tặng. Bản đồ này được xác lập năm 1888, về sự diễn tiến của đất đai và hành chính năm
1886 – 1888, trong đó bao gồm toàn bộ vùng đất đai sông biển của thành phố Cẩm
Phả hiện nay (từ Đèo Bụt trở về phía Đông...) là thuộc về châu Tiên Yên ở thời
Nguyễn. Đặc biệt ở nơi được ghi là “xã Cẩm Phả” có cảng biển “Suốt cửa khẩu”,
và cạnh đó là kí hiệu đền miếu với 4 chữ “Suốt hải thần từ”, ghi ở chỗ - nơi
đặt đền Cửa Ông hiện nay. “Suốt” là chữ “Suất” ghi trệch đi theo cách phát âm
quen thuộc, là “Suất ti tuần”, trạm thu thuế ở thời Nguyễn. Xin nhớ là tại Bản
đồ Châu Tiên Yên, 1883, chưa có tên xã Cẩm Phả.
Trang chữ kèm theo dịch ra từ bia chữ Hán, ở miếu thờ Hoàng Cần, có một số chữ mờ quá không đọc được. Còn những chữ
đọc được, được dịch in ra, nguyên văn như sau:
“Miếu: Thờ
thần Cửa Suốt. Tương truyền triều Trần, có bọn giặc răng trắng môi vàng, quấy
nhiễu cướp bóc dân châu. Khi ấy có người xã Hải Lạng, họ Hoàng tên Cần, đem
quân đi đánh dẹp. Người dùng gậy tre đánh tan quân giặc, đuổi đánh đến xã Vô
Ngại, thì cắm ngược gậy tre xuống đất, nên từ đó đến nay, tre ở vùng này đều có đốt mọc ngược. Đền thờ ngài ở
địa phận xã Cẩm Phả, tục gọi là miếu (... mất 3 hoặc 4 chữ không đọc được)... trước phong tặng Khâm sai Thái bảo Xuyên
Quận công tôn thần. Sắc phong cũng trải qua (... mấy 3 chữ)... thất lạc. Đến vua bản triều, năm Thiệu Trị
nguyên niên (1841), châu nha đã sưu tầm được (mất 3 chữ)... Phàm dân trong châu, cùng tàu thuyền người
Nam, người Bắc qua lại, cùng là quan dân địa phương đã đem gạo tiền làm lễ cầu đảo đều được ứng
nghiệm. Năm Tự Đức thứ 6 (1853) được phong tặng làm Bản cảnh thành hoàng linh phù chi thần” (những chữ in đứng, ngoài vài ba chữ mất không đọc
được, là những chữ bị mờ, vừa đọc vừa suy đoán thêm - TNM). Như vậy là đến năm 1888, Đền (Miếu) Cửa
Suốt, không thờ Trần Quốc Tảng. Và rõ ràng cũng đến năm 1888, nơi này chưa có
tên là Cửa Ông. Vậy có tên Cửa Ông là phải từ sau năm 1888.
Tên
Cửa
Ông nghĩa là gì? Đó là tên cửa biển có cá Voi chết, đã được ngư dân
chôn cất đâu đó tại đây ( có người cho biết là tại bến đò Tạ Xá gần đó, nên gọi
là Bến Cửa Ông ) Đó là một loài cá
lớn được ngư dân ngưỡng mộ, thờ cúng, gọi là Ông: Ông Cá Voi. Trong quan niệm
của ngư dân, cá Voi là biểu hiện của lòng nhân từ cao cả. Sách Gia
Định thành thông chí, khắc in năm 1820, của Trịnh Hoài Đức (1765 -
1825), ở thời Nguyễn. Trịnh Hoài Đức từng là Thượng thư bộ Hộ thời Gia Long,
Thượng thư bộ Lại thời Minh Mạng. Trong sách có đoạn, ông ghi như sau: “Thần là loại Cá Voi nhân từ... Khi người
dân thả lưới đánh cá, thường gọi thần mà cầu đảo, thì thần giúp đuổi bày cá
chạy vào lưới... Những khi thuyền gặp sóng gió nguy hiểm, thường thấy thần dìu
đỡ mạn thuyền, bảo vệ cho ngư dân được bình yên. Hoặc thuyền bị chìm đắm, trong
cơn sóng gió, thần cũng đưa người vào bờ, sự cứu giúp đó rất rõ”.
Cá Voi được gọi là Cá Ông, hoặc chỉ gọi một
cái tên thôi là Ông, càng được tôn vinh là “thượng đẳng phúc thần”, được vua
nhà Nguyễn sắc phong là “Thần”, được thờ cúng ở nhiều nơi trong cả nước, dọc
theo bờ biển Việt Nam, là từ năm 1802, khi Gia Long lên ngôi vua. Miền Bắc thì
gọi là Đông Hải đại vương, miền Trung và Nam Bộ thì gọi là Nam Hải đại vương,
gắn liền với một huyền thoại do chính các sử gia triều Nguyễn ghi lại. Rằng:
Trong một lần Nguyễn Ánh chạy trốn sự truy đuổi của thủy quân Tây Sơn, thuyền
bị đắm. Người trong thuyền chết đuối nhiều. Riêng Nguyễn Ánh đã được Ông cứu
giúp dìu vào bờ, nên sống sót, rồi chiến thắng Tây Sơn mà lập nên vương triều
Nguyễn. Như vậy, Ông là ân nhân của cả vương triều Nguyễn.
Từ đó (sau năm 1802), nếu ngư dân ở các địa
phương, thấy xác Ông trôi vào bờ thì phải rước vào đình miếu và tổ chức các
nghi lễ chôn cất trọng thể. Cái chết của Ông phải được coi là đám tang chung
của mỗi gia đình và của cả cộng đồng ngư dân ở vùng đó. Trường hợp xác Ông to
quá, không khiêng đi chôn được, thì ngư dân đắp đất cao lên như gò đống để
thành mồ và cử người trông nom hương khói chu tất. Sau vài ba năm, việc bốc hót
cũng phải được tổ chức trọng thể, và xương cốt của Ông, gọi là “ngọc cốt” được
tẩm trong rượu thơm rồi đưa vào đền miếu để thờ. Có thể xây thành lăng, hoặc
xây mới các đền miếu để thờ cúng, gọi là lăng Ông, miếu Ông hoặc đền Ông. Nơi
nào dân tình khó khăn, quan sở tại tấu trình, nhà nước sẽ cấp kinh phí để lo
liệu việc xây cất, thờ cúng. Nếu ở cửa biển đó, có trạm cửa khẩu thì gọi là Cửa
Ông.
Tôi
đã đọc một công trình nghiên cứu đã đăng trích trong Tạp chí Nguồn Sáng Dân gian của Hội Văn nghệ Dân gian VN ( hiện tôi còn lưu nhưng chưa tìm ra được
để ghi chính xác tên tác giả và tác phẩm) về việc khoảng từ năm 1910 đến 1920,
ở các tỉnh ven sông biển miền Bắc, có xu hướng đưa nhân thần ( như Đoàn Thượng
hay Trần Quốc Nghiễn) vào thờ thay cho nhiên thần là Đông Hải đại vương – Cá
Voi, như dọc các sông từ Hải Phòng đến
Hưng Yên, Thái Bình đều thờ Đoàn Thượng và gọi tên chung là Đông Hải đại vương
Đoàn Thượng. Ở trung tâm Hòn Gai, nay là TP Hạ Long cũng diễn ra tương tự, vào
năm 1913, nhưng thờ Trần triều Hưng vũ (Trần Quốc Nghiễn), trước đền Trần Quốc
Nghiễn, hiện vẫn còn lá cờ lớn có 4 chữ
“Đông Hải đại vương”).
Tôi nghĩ cái tên Cửa Ông, ở Cẩm Phả hiện nay,
cũng hình thành trong bối cảnh chung đó. Và Ông ở đây là Ông Cá Voi, không phải
Ông Trần Quốc Tảng. Và tên này hình thành ở Quảng Ninh, theo bản đồ hành chính
mà tôi vừa nói trên là sau năm 1888.
3 - Có ý kiến cho rằng “Một vùng chiến lược từ Cửa Suốt
(tức Cửa Ông) ra miền biên giới Đông Bắc, … Trần Hưng Đạo và vua Trần giao
cho võ tướng tài danh Trần Quốc Tảng.” là không có căn cứ. Xin lại tìm căn cứ ở quốc sử. ĐVSKTT, tập II,
đã dẫn, trang 58, dòng 11 - 12 từ trên xuống, ghi về việc này nguyên văn như sau: “Khi ấy thuỷ quân Nguyên đánh vào
Vân Đồn. Hưng Đạo vương giao hết công
việc biên thuỳ cho phó tướng Vân Đồn là
Nhân Huệ vương Khánh Dư”. (TNM nhấn mạnh). Tôi hiểu, toàn bộ (tức là giao
hết ) công việc biên thuỳ, thì
không chỉ có trên biển. Biên thuỳ Đông Bắc chủ yếu là trên bộ, hoặc một phần
rất quan trọng là trên bộ. Chính vì căn cứ lịch sử không thể chối cãi này, cùng
với đặc điểm chế độ phân quyền ở thời Trần, mà tôi đặt ra vấn đề “Dải đất Hồng Gai, Cảm Phả hiện nay… do Nhân
Huệ vương Trần Khánh Dư ở thời Trần quản lí,
từ năm 1282 đến năm 1339, sau khi Trần Quốc Tảng đã mất được 26 năm.”
Nghĩa là trong khoảng thời gian đó ( từ năm 1282 đến năm Trần Quốc Tảng mất,
1313) ở đây, không có sự hiện diện của Trần Quốc Tảng, với tư cách là vị đô
tướng, đóng quân, cai quản. Vì từ thời thượng cổ, quan xâm lăng phương Bắc
đánh vào nước ta, chưa bao giờ đánh bằng đường bộ theo tuyến Móng Cái - Thăng Long ( Hà Nội), nên không bố
trí tướng tài trên bộ ở vùng này, mà phải tập trung vào hướng chính, từ Lạng
Sơn Thăng Long, đến nay vẫn thế. Hơn nữa, nhà Trần theo chế độ phân quyền. Vùng
đất đã giao cho vị Vương này, vị Vương
khác không mang quân đến đóng giữ được, trừ việc nổi loạn, cướp đất để
cát cứ. Vậy Trần Quốc Tảng ở đâu? Theo
ĐVSKTT, sách đã dẫn, trang 51 thì Trần
Quốc Tảng có vương phủ ở một trong các
địa danh là “các xứ Bàng Hà, Na Sầm
(sửa là Na Ngạn), Trà Hương, Yên Sinh, Long Nhãn ”, những nơi này đã huy động
quân lính, “cộng 20 vạn quân, đến họp ở Vạn Kiếp, theo sự điều khiển của Hưng
Đạo vương, để chống quân Nguyên” tức là một trong những nơi 4 anh em ông (“Hưng
Vũ vương Nghiễn, Minh Hiến vương Uất, Hưng Nhượng vương Tảng, Hưng Trí vương
Hiện”) hội quân đánh Nguyên, theo sự
điều khiển của cha ông, hiện nay là các huyện thuộc tỉnh Hải Dương ( Nam Sách, Thanh Hà và Kim Thành, theo chú
thích của ĐVSKTT) Bắc Ninh, Bắc Giang và Yên Sinh huyện Đông Triều, tỉnh
Quảng Ninh – cũng có thể là An Sinh thuộc huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, đất
phong chính thức cho Trần Liễu - do đó, tôi chưa tin 100% tên đất An Sinh, chỉ
là An Sinh Đông Triều Quảng Ninh, như nhiều nhà sử học từng ghi, mà có lẽ là An
Sinh, Kinh Môn, Hải Dương (?) - vì nhà
Trần theo chế độ phân quyền (căn cứ vào
trang 49, tập II, ĐVSKTT).
Trần Quốc Tảng còn là anh ruột của 2 vợ của vua cha (Thượng hoàng Trần Nhân
Tông), và là bố vợ của vua con ( đương
kim hoàng thượng Trần Anh Tông) và được phong đại vương khi còn tại vị, tôi nghĩ là ông ở Kinh thành Thăng Long.
Lại có ý kiến cho rằng, đương thời
Trần Quốc Tảng “vẫn dành thời gian đến vùng
Đông Bắc để thị sát tình hình” là
không có căn cứ. ĐVSKTT ghi một số
cuộc “thị sát tình hình” của ông, nhưng đều ở miền Trung (tôi không tiện
thống kê ra đây) trong đó có lần, ông đến cả sách Sẩm Tớ, tên một làng rất nhỏ, như xóm của ta, ở tận biên giới
Việt Lào, vậy thì nếu “thị sát biên giới Đông Bắc” liên quan tới chiến lược phòng thủ, chống kẻ thù
trực tiếp lúc bấy giờ, ĐVSKTT không thể không ghi.
4 - Có ý kiến cho rằng Trần
Quốc Tảng 2 lần được thưởng công, sau trận Bạch Đằng là sai.
Theo ý kiến này thì Lần 1:
“Chiến dịch Bạch Đằng kết thúc, Hưng Nhượng vương về triều báo công, được vua
Trần khen thưởng và phong làm Suất ti tuần An Bang, được cử ra Cửa Suốt tiếp
tục trấn giữ”. Tôi không biết căn
cứ vào đâu mà viết thế, vì điều đó không có trong ĐVSKTT của thời Lê và KĐVSTGCM ( Khâm định Việt sử thông giám cương mục ) của thời Nguyễn. Tôi nghĩ,
chức vụ này quá nhỏ, như hiện nay là Trạm trưởng trạm Hải quan
- theo Địa chí Quảng Ninh của Tỉnh
uỷ và UBND tỉnh Quảng Ninh, xuất bản năm 2003, ghi về chức vụ này, tại tập III,
trang 114 - ở Quảng Ninh thời đó có nhiều trạm Hải quan, nghĩa là có nhiều Trạm
trưởng mà vị Trạm trưởng Cửa Suốt - Cửa Ông hiện nay - chỉ là một - chức vụ đó
quá nhỏ so với công tích và danh tiếng của ông, vị anh hùng Bạch Đằng, tước
vương, rồi Đại vương - có con trưởng làm Tể tướng (Tư đồ Trần Quang Triều),
có 2 em gái ruột là Hoàng Thái hậu - vợ
vua cha Trần Nhân Tông, có con gái ruột là Hoàng hậu - vợ vua Trần Anh
Tông. Còn lần 2, là “Trong kì bình công khen thưởng của vua Trần
vào cuối năm 1288, Trần Quốc Tảng được phong Tiết độ sứ” Không có chuyện
bình công khen thưởng Trần Quốc Tảng sau đại thắng Bạch Đằng những 2 lần và lần 2 “vào cuối năm 1288” cũng là sai. Thực ra
chỉ có 1 lần. ĐVSKTT, sách đã dẫn, trang 62, chép: “Mùa hạ, tháng 4, định công dẹp giặc Nguyên. Tiến phong Hưng Đạo vương
làm Đại vương, Hưng Vũ vương làm Khai Quốc công, Hưng Nhương vương là Tiết độ
sứ”. Không ghi Tiết độ sứ ở đâu (như Trần Tung, Tiết độ sứ Thái Bình - theo
Trần Nhân Tông trong Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục) Và dòng
trên, ghi thời gian phong thưởng là “Kỉ
Sửu, Trùng Hưng năm thứ 5 (1289)”. Như vậy là hơn 1 năm sau, tháng 4 năm Kỉ
sửu, 1289, Trần Quốc Tảng mới được phong, chứ không phải phong ngay sau chiến
thắng, tháng 3 năm Mậu Tí, 1288 (như sách sử trên đã ghi) và chỉ phong 1 lần
vào năm 1289 mà thôi.
5 -
Vậy chiến công của Trần Quốc Tảng trong cuộc kháng chiến chống Nguyên
Mông là như thế nào ? Trước hết, ông không cầm quân đánh trận ở Đông Triều như
sách sử trên đã ghi “Khi cánh quân của Trình Bằng Phi đến Đông Triều, thì bị quân Trần Quốc
Tảng chặn đánh quyết liệt buộc phải quay lui về Vạn Kiếp” ý kiến đó là sai. ĐVSKTT không ghi điều đó. Còn mô
tả rất kĩ lưỡng trận đánh Trình Bằng Phi và Ta Tru ở Đông Triều là sách Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông
thế kỉ XIII của Hà Văn Tấn và
Phạm Thị Tâm, Nxb Khoa học xã hội, 1988. Hai tác giả, dẫn cả Nguyên sử, An Nam truyện - Bản kỉ (của chính tên tướng giặc thua trận này là Ta Tru) An Nam chí lược, (của sử gia giặc
đi theo quân Nguyên là Lê Tắc), và đã để cả trang 290 và 291 thuật lại cụ thể.
Trong đánh trận này, không có Trần Quốc Tảng, mà chỉ có một viên tướng nhà Trần là Hưng Ninh vương Trần Tung
(trang 267). Đến đây, chúng ta mới thấy di hại sâu sắc từ sai lầm của Bồi tụng Bùi Huy Bích ở thời Lê,
là nhầm lẫn Trần Tung ( bác ruột) với Trần Quốc Tảng ( cháu ruột) hoặc đồng nhất hai bác cháu ruột là một
người. Sai lầm của Bùi Huy Bích còn dai dẳng cho đến nay. Cuốn sách Từ điển
nhân vật lịch sử Việt Nam của Đinh Xuân Lâm và Trương Hữu Quýnh, Nxb
Giáo Dục, 2005, trang 437, vẫn còn cho Trần Tung là Trần Quốc Tảng và ghi bài
thơ xuất sắc của Trần Tung, bài Phóng cuồng ca, chép trong Tuệ
Trung thượng sĩ ngữ lục – do chính vua Trần Nhân Tông biên soạn - là
của Trần Quốc Tảng. Trần Quốc Tảng chưa từng bao giờ làm thơ.
6 – Trong những nhầm lẫn về Trần Quốc
Tảng thì đây là nhầm lẫn lớn nhất khi
cho rằng “xã Trắc Châu huyện Thanh Lâm nay là phường Cẩm Phú thị xã Cẩm Phả”. Đây
là điểm khởi đầu để dẫn đến những nhận định và đánh giá khác nhau và thậm chí
sai lầm về một đoạn đời có lẽ là quan trọng nhất của Trần Quốc Tảng liên quan
đến di tích đền Cửa Ông. Xã Trắc Châu, huyện Thanh Lâm theo truyền thuyết
ghi trong Trần triều hiển thánh (
1900) thì là nơi Trần Quốc Tảng lập đồn trú, rồi dẫn quân đánh thẳng xuống sông
Bạch Đằng.
(GHI BỔ SUNG - 2015: Tạp chí Nguồn
sáng dân gian số 1/ 2015 có đăng bài Một
số lễ hội độc đáo ở huyện Nam
Sách, của nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Phách, tr 48, ghi rất rõ: “Trần Quốc Tảng là thành hoàng làng Trắc Châu”. Làng Trắc Châu thuộc
xã An Châu huyện Thanh Lâm, nay là huyện Nam Sách, mới nhập vào TP Hải Dương.)
Trước hết, từ xưa đến nay, phường Cẩm
Phú, Cẩm Phả, chưa bao giờ là xã Trắc Châu huyện Thanh Lâm. Xin mở sách. Sách Tên làng xã Việt Nam thế kỉ XIX, (trở về trước), biên soạn năm 1810,
hoàn thành năm 1819 (mà bản chữ Hán là Các
tổng trấn xã danh bị lãm) Nxb Khoa học xã hội, 1981, của Viện Hán Nôm,
quyển sách có lẽ là duy nhất ghi chép rất tỉ mỉ tên các làng xã Việt Nam, trang
30, thì rõ, huyện Thanh Lâm là phần đất phiá nam của huyện Nam Sách hiện nay,
trong đó có xã Trắc Châu thuộc tổng Trắc Châu, trấn Hải Dương. Và tấm bản đồ
tỉnh Hải Dương do người Pháp lập năm 1888, mà hiện tôi đang để tại phòng làm
việc của mình, ghi rõ số 16 - làng “Chắc Châu”
( “Chúc Châu” ) - không ghi là Trắc hay Trúc - huyện Thanh Lâm ngay sát Bến Hàn, bờ Bắc sông
Thái Bình, bên kia bờ sông là thị xã Hải Dương ( năm 1888).
Vậy Quảng Ninh thì sao? Trang 82 - 84
sách trên, phần Trấn An Quảng, được chú thích là, năm
1823 đổi là thành trấn Quảng Yên tức tỉnh Quảng Ninh ngày nay. An Quảng có 1
phủ là Hải Đông (Hải Đông đã tắt khói
lang bay - thơ Lê Thánh Tông), 3
huyện, 3 châu, 8 tổng 32 làng xã vạn chài, có liệt kê từng tên một, trong đó,
châu Vân Đồn chỉ có 2 xã, là xã Quan Lạn và xã Minh Châu. Không có tên mảnh đất
sau này là Cẩm Phả. Nếu ta biết cách đây khoảng 100 năm, người từ Lán Đạo ra
núi Bài Thơ ở trung tâm TP Hạ Long bây giờ, còn phải đi bằng thuyền và cách đây
khoảng 20 năm, vùng đô thị Vựng Đâng, Cọc 3, Cọc 5, Hùng Thắng, TP Hạ Long hiện
nay, khu vực dân cư Cao Sơn - Cọc Sáu, TP Cẩm Phả ngày nay, vân vân... còn là bãi sú
vẹt và vùng biển nông, thì tôi có cơ sở cho rằng, cách đây khoảng 730 năm vùng
Cẩm Phả - Hòn Gai ngày nay, còn là vùng biển đảo vô cùng hoang vu. (Xin lưu ý: đến tháng 10 năm 1913, nghĩa
là khá gần đây - bia đá của 10 chủ thuyền ghi ở rẻo đất có đền Trần Quốc Nghiễn
- nay là phường Bến Đoan, trung tâm TP Hạ Long hiện nay, là: “vùng
trời đất hoang vu” cơ mà). Đã là vùng trời đất hoang vu không có người ở, thì 700
năm trước lấy đâu ra quân, lập đồn trú. Lại nhớ, năm 1883, khi người Pháp đặt
chân lên mỏ than Hòn Gai bây giờ, còn thấy đây là những hòn đảo hoang, mọc đầy
cây gai, nên đặt tên luôn là Hòn Gai, vì tiếng Pháp không có chữ i (ngắn ), nên
viết là y (dài), vì thế, có thời kì ta thường gọi là Hòn Gay. Cho nên, nói Trần Quốc Tảng “đóng đại bản doanh” ở đây, là không có cơ sở. Hơn nữa trận Bạch
Đằng, 1288, ta đánh xuôi theo nước chảy, không có chuyện đánh ngược
nước ở bên ngoài hàng cọc, tức là từ cửa biển Cửa Ông hiện nay đánh
vào. Sách Trần triều hiển thánh
(1900) đã dẫn, ghi rõ: Trần Quốc Tảng “lập đồn ở xã Trắc Châu huyện Thanh Lâm,
trải qua 3 ngày đêm, đánh thẳng vào trại giặc ở sông Bạch Đằng, chỉ một khắc là thắng”.
“Xã Trắc Châu, huyện Thanh Lâm”, thuộc huyện Nam Sách, nay là TP Hải Dương,
tỉnh Hải Dương. Sai lầm này của nhà viết sử là vô cùng tai hại, do đó vài chục
năm nay, người ta mới viết sách, kể cả sách giáo khoa, lịch sử Đảng, dựng kịch,
đóng phim… tổ chức điền dã và các cuộc thi của học sinh các cấp… là Trần Quốc
Tảng đóng quân ở Trắc Châu tức là đóng quân ở Cửa Ông, rồi từ Cửa Ông mà đánh ngược
nước ở ngoài hàng cọc vào trận Bạch Đằng
năm 1288 (?). Đây là sai lầm mà dân gian gọi là “nhận vơ” đã quá rõ ràng, dẫn đến mọi sai lầm đã thành thói quen
trong cách hiểu của các thế hệ cán bộ và nhân dân ở tỉnh Quảng Ninh từ nhiều
chục năm nay.
Tất nhiên, đây chỉ là truyền thuyết.
Kinh nghiệm dạy ta rằng: không được nhầm lẫn truyền thuyết với lịch sử, và luôn
nhớ truyền thuyết cũng không phải là lịch sử. Nhưng dẫu sao điều đó cũng cho ta
một gợi ý: về sự có thể tham gia vào
trận đánh Bạch Đằng năm 1288 của Trần Quốc Tảng, khi ông dẫn quân thủy, từ căn
cứ ở khu Vườn Vải, làng Trắc Châu huyện Thanh Lâm - nằm ở vùng ven bờ bắc bến
đò Hàn hiện nay, nay thuộc TP Hải Dương -
vùng đất rộng và tương đối khuất so với vùng sông nước Lục Đầu giang -
ngược một đoạn sông Thái Bình, khoảng 18 km, rồi xuôi theo dòng Kinh Thầy về Đá
Bạc mà vào trận Bạch Đằng... Xét về địa
thế chiến lược và cách bố phòng lực lượng đồn trú trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai, thứ ba ở thời
Trần, cùng những căn cứ ghi trong ĐVSKTT, về những nơi Trần Quốc Tảng và các
anh em của ông hội 20 vạn quân cùng cha đánh quân Nguyên, dọc tuyến Hải Dương –
Lạng Sơn, trong đó có Bàng Hà nay là huyện Thanh Hà, liền đấy, Trà Hương nay là
huyện Kim Thành, sát đấy, cách nhau
khoảng từ 3 đến 10 km thì việc luyện quân của ông ở Vườn Vải, thôn Trắc Châu,
huyện Thanh Lâm, tức huyện Nam Sách - 3
huyện liền kề nhau đều thuộc tỉnh Hải
Dương - là có thể tin được. Xin nói
thêm: cách đây chưa lâu, có một con đường từ bờ sông Thái Bình ( Đò Hàn) vào
thị xã Hải Dương đặt tên là Đường Vườn Vải, nay đoạn đường gần
bờ sông không còn tên, còn đoạn sau là đường vào TP Hải Dương hiện nay, đổi tên
là phố Quang Trung, tiếp liền với tên phố Quang Trung cũ.
Trận
thắng Bạch Đằng vô cùng vĩ đại, kết thúc 3 lần đại thắng giặc Nguyên, đã làm mờ
nhiều trận thắng vĩ đại khác của nhà Trần, có thể còn lớn hơn. 139 năm sau
(1288 - 1427) trong Bình Ngô đại cáo,
Nguyễn Trãi soạn cho Lê Lợi để đại cáo thiên hạ, sau chiến thắng giặc Minh, đã
xếp chiến thắng Bạch Đằng đứng sau chiến thắng Hàm Tử: “Cửa Hàm Tử chém tươi Toa Đô /
Sông Bạch Đằng bắt sống Ô Mã”… Vì đạo quân mạnh nhất của giặc Nguyên
(Mông Cổ) là kị binh, chứ không phải thủy binh, do Trấn Nam vương -
Thái tử nhà Nguyên là Thoát Hoan cầm đầu, với các đại tướng là tả hữu thừa
tướng, các nguyên soái, đại nguyên soái và tham chính… Cả ba lần xâm lăng nước
ta, nhất là lần 2 và lần 3, đạo quân mạnh nhất này của chúng, đều đánh theo
đường bộ từ Lạng Sơn vào thẳng Vạn Kiếp, nơi đóng đại bản doanh của Quốc công
Tiết chế (Tổng tư lệnh quân đội nhà Trần), để bảo vệ kinh thành Thăng Long. Các
con Trần Hưng Đạo, trong đó có Trần Quốc Nghiễn, Trần Quốc Tảng và các đại
tướng tài ba khác như Trần Quang Khải (sử gia giặc ghi là Thái soái), Trần Nhật
Duật, Phạm Ngũ Lão… đều đánh kị binh giặc ở tuyến đường bộ số 1 rất hiểm yếu
này. Đại
Việt sử kí toàn thư sách đã dẫn,
ghi: “Trần
Quốc Nghiễn đánh giặc từ Vạn Kiếp, đuổi giặc qua Lạng Sơn đến châu Tư Minh của
tỉnh
Quảng Tây”, tức là đánh đuổi đại chủ tướng Tổng tư lệnh quân đội giặc
Thoát Hoan và Lý Hằng, là một minh chứng rất rõ rệt, về việc Trần Quốc Nghiễn,
cũng như Trần Quốc Tảng không đóng quân
đánh giặc ở vùng đất thuộc sự cai quản của Trần Khánh Dư là vùng Hồng Gai - Cẩm Phả hiện nay.
7 - Vậy đền thờ Trần Quốc Tảng ở Cửa
Ông có từ bao giờ? Theo sách Đại Nam nhất thống chí, sách địa chí, biên soạn từ năm 1875,
hoàn thành năm 1883, thời Nguyễn, tập 4,
ngay chương đầu là Tỉnh Quảng Yên, thống kê và lược thuật khá đầy đủ :
ngang dọc dài rộng bao nhiêu, hình thế đất đai phong thuỷ, khí hậu, hộ
khẩu, phong tục ma chay cưới xin, thành quách, sông suối, đường xá, đền chùa, miếu mạo, nhà trạm, chợ búa, cầu cống,
trường học, đò cầu, đê đập, nông thổ sản, động thực vật, kể cả các món ăn đặc
sản như tôm cua ốc ếch, các sản phẩm từng vùng như thuốc lào, thuốc phiện, mắm
cáy, mắm tép, mắm rươi,… Ghi hàng ngàn tư liệu như thế mà trong chương về Tỉnh
Quảng Yên, mục Đền chùa miếu mạo, ở vùng Cẩm Phả ngày nay, trong đó có
Cửa Ông, không ghi nơi nào thờ Trần Quốc
Tảng cả, chỉ có 1 miếu là Miếu Hoàng
Tiết chế, (Tập 4, Nxb Khoa học xã hội, 1971, trang 45), trong đó chỉ thờ có 1 người là Hoàng Cần, theo
truyền thuyết là người xã Hải Lãng, thuộc Tiên Yên, ở thời Trần. Như vậy, ít nhất đến năm 1883, ở Cẩm Phả Cửa Ông không có nơi nào thờ Trần Quốc Tảng.
Nếu có, sách thống kê vô vàn tư liệu chi tiết ở tỉnh Quảng Yên, thì việc thờ
một vị Đại vương lừng lẫy chiến công, lại là bố vợ vua, sách Địa chí, với chức năng tư liệu, không thể không ghi. Đây là sách
công cụ cấp nhà nước, không đáng
tin cậy sao? Do vậy nhà viết sử viết
rằng, đền Cửa Suốt thờ Trần Quốc Tảng ở thời Trần là hoàn toàn không có cơ sở.
Sách
Ngữ
văn địa phương Quảng Ninh, Nxb Giáo dục Việt Nam, in
12/2009, tập I, dạy chính thức trong nhà trường, trang 26, ghi nguyên văn: “…
trước khi thờ Trần Quốc Tảng, đền Cửa Ông là miếu thờ Hoàng Cần, người địa
phương…” Ghi thế là rất chính
xác. Theo tôi biết, đền này mới đưa Trần Quốc Tảng vào thờ, khoảng năm 1916,
tức là mới 97 năm nay. ( Trần Quốc
Nghiễn thờ 1913, sau đó mới thờ Trần Quốc Tảng
1916, sau nữa mới thờ Trần Hưng Đạo
ở đền/chùa Long Tiên 1943 – đền
Long Tiên do ông Quản Mai, làm cai kí cho Pháp xây. Thị xã Hồng Gai đã triển
lãm về ngành than, trong đó có ảnh ông Quản Mai và ghi chú ông là mật thám Pháp
(?)… ). Như vậy đền Cửa Ông không có ở
thời Trần, thời Lê, như nhà viết sử đã
viết. Và theo một vị lãnh đạo chủ chốt ( mà tôi chưa muốn nêu tên) ở tỉnh Quảng
Ninh, người chủ đầu tư xây đền Cửa Ông
năm 1910, đưa Trần Quốc Tảng vào thờ năm 1916 là vợ quan chủ mỏ Pháp. Và việc
xây đó có mục đích chính trị của quan Pháp, chứ không phải chỉ là văn hóa và
tín ngưỡng (?), vì tiền là tiền của chồng bà, ông quan Pháp ( chủ mỏ kiêm mật
thám Pháp). Đền Cửa Ông trùng tu với Lăng mộ Trần Quốc Tảng - Trần Quốc Tảng
chết chôn ở đây (?) - hương khói nghi
ngút như hiện nay là trùng tu năm 1994, sau vụ tàu khách Cửa Ông – Hải Phòng bị
lật chìm, chết rất nhiều người, ở ngay trước cửa đền đêm giáp tết những năm trước
đó. Từ đó nhiều người dân cho rằng Trần Quốc Tảng rất thiêng, đã bắt lính, nên dân khắp nơi, đặc
biệt là dân Hải Phòng vô cùng tín ngưỡng, vì trong chuyến tàu định mệnh đó,
khoảng ¾ số người chết là dân Hải Phong. Vì thế, dân Hải
Phong thường đến di tích này rất đông. Tỉnh Quảng Ninh báo cáo là chuyến lật
tàu đó chết 83 người (?). Được biết, riêng một làng mỏ Mông Dương của ông Đoàn
Văn Kiển đã chết 43 người, con số đó là thật, vì hằng năm, hiện vẫn còn cúng
giỗ.
Riêng về Trần
Quốc Tảng, ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương
có 3 nơi thờ ông, đó là Văn chỉ Linh Khê gần cầu Bình, Đền Trần Quốc
Tảng ở làng Trắc Châu, được cho là nơi ông đóng quân và theo truyền thuyết là
mất ở đó và Đình Trắc Châu, nơi Trần Quốc Tảng là thành hoàng.
8 – Về cái chết của Trần Quốc Tảng,
năm 1913, theo sách Truyện cổ Nam Sách, Nxb Văn hoá dân tộc, 2000, trang
52 -53, Nguyễn Hữu Phách và Nguyễn Văn Đức, thuật lại theo Lê Mậu Cường, thì
Trần Quốc Tảng: “Xưa ta luyện quân ở đây, giờ ta lại về đây, để chút kỉ vật lưu lại”. Chút
kỉ vật đó là cái phiến đá và cái mũ đá, “đo
phiến đá thấy dài 6 thước 4 tấc, rộng
2 thước 3 tấc”. Theo truyện
cổ nói trên, thì cái phiến đá và cái mũ đá do Trần Quốc Tảng lưu lại, hiện còn trong cái giếng tại
làng Trắc Châu, huyện Thanh Lâm. Chính vì thế, nhân dân đã lập đền thờ ông tại
đây. Tuổi thơ tôi đã nhiều lần qua lại đền thờ này. Từ căn cứ
đó, tôi nêu một giả thuyết: Rất có thể, năm 1313, trong
lúc tuổi già, nhớ lại những ngày oanh liệt cũ, từ Kinh thành Thăng Long, Trần
Quốc Tảng về thăm lại nơi đóng quân cũ và do một tình huống nào đó, ông đã mất
ở đây chăng? Sách Đền Miếu Việt Nam và
nhiều sách thần tích khác, đều nói ông “hoá” trên phiến đá đó, tức là chết ở
nơi có phiến đá đó, là ở xã Trắc Châu,
huyện Thanh Lâm, nhưng nhà viết sử lại viết Trắc Châu là Cửa Ông hiện nay. Tất cả vấn đề là ở chỗ này. Vì thế,
địa danh Trắc Châu không phải là Cửa Ông, đã rất rõ ràng, không khó để sửa sai.
Cái chính là Quảng Ninh có dám trung
thực để công bố là sai hay không mà
thôi?
Trên đây là các ý kiến của tôi, cũng có ý kiến còn là suy
đoán và giả thuyết, xin các bậc cao minh xem xét chỉ giáo cho.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét