Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2017


Tưởng nhớ anh Cao Thế Dung
BÙI PHỔ




Thực sự tôi không biết làm sao tôi quen với anh Cao Thế Dung. Có lẽ một ngày nào đó khi ở tuổi “chỉ sống với qúa khứ” tôi sẽ nhớ lại. Nhưng điều đó có quan trọng không nhất là nay anh Cao Thế Dung đã ra đi vĩnh viễn ngày 31 tháng 10 năm 2017 tại Silver Spring, Maryland Hoa Kỳ. Tôi nhớ anh với hình ảnh của một người thông minh, mắt sáng, cương nghị với cằm vuông, thân thiện với nụ cười tươi; và khôn ngoan nhanh nhẹn trong dáng người gầy và tầm thước.
Tôi cũng không nhớ rõ tại sao tôi lại cùng anh làm tờ Bán Nguyệt San Quần Chúng, vì tôi là người không có tham gia đảng nào, cũng không cùng tôn giáo với anh, cũng không cùng nhóm bạn hay trang lứa. Nhưng những điều ấy cũng không quan trọng vì anh đã mất và tôi nay cũng đã trên bẩy mươi cuộc đời rồi sẽ êm ả kẻ trước người sau.

Tôi cũng không nhớ rõ tôi đã làm gì trong tờ Bán Nguyệt San Quần Chúng, qua anh Khải Triều thì có lúc tôi làm Chủ Bút, theo anh Trần Ngọc Tự thì tôi làm Tổng Thư Ký tòa sọan. Tôi nhớ anh Cao Thế Dung làm Chủ Bút còn tôi làm Tổng Thư Ký. Điều đó nay cũng vô nghĩa vì tờ Bán Nguyệt San Quần Chúng và anh Cao Thế Dung nay cũng không còn nữa.
Tuy có điều tôi nhớ, nhớ rất rõ, anh rất tốt với tôi, mà có lẽ với tất cả mọi người mà anh quen biết, anh đã giúp tôi vào dạy tại Trường Tabert Saigon và tuy chỉ dạy có một năm nhưng chính nhờ đó đã giúp tôi dễ dàng xin Bộ Giáo Dục cho giấy phép trở thành Giáo sư Trung học với cái bằng Cử nhân Văn Khoa. Tôi cũng nhớ rất rõ anh luôn khuyến khích tôi viết báo và còn giới thiệu tôi viết cho tờ Chính Luận, một tờ báo lớn nhất và uy tín nhất tại miền nam Việt nam. Vì bận công việc sinh nhai, vì thời gian viết báo qúa ngắn nên sự nghiệp viết báo của tôi không có gì, và khi qua Hoa kỳ tôi đã không tiếp tục chọn con đường này. Có lẽ anh Cao Thế Dung cũng buồn vì biết tôi không theo con đường văn chương chữ nghĩa mà anh khuyến khích.
Tôi nhớ rất rõ tại sao anh có cảm tình với tôi. Khi làm tờ Quần Chúng thỉnh thoảng tôi có viết bài bình luận về chính trị và xã hội. Sau khi tờ Quần Chúng bị đóng cửa, tôi thu nhặt lại và viết thêm một số bài thành một tập sách, ấn hành với tên “Bản Tự Thú” trong đó một bài mà anh Cao Thế Dung rất thích, có lẽ nhờ điều tâm đầu ý hợp này mà anh luôn giúp đỡ tôi. Đó là bài “Văn Hóa Cao Bồi Mỹ” trong đó tôi trình bày chuyện Mỹ gửi quân qua Việt Nam là sai lầm vì:
1)- Truyền thống dân tộc Việt là truyền thống chống ngọai bang, dù dưới ngàn năm đô hộ của Tàu và 80 năm Tây đô hộ nhưng người Việt vẫn còn giữ bản sắc của người Việt. Do đó Cộng sản Việt nam đã tận dụng tinh thần chống ngoại xâm để làm chiêu bài tuyên truyền lấy lòng dân như  “chống Pháp dành độc lập” đến “đánh Mỹ cứu nước”. Sự thực chỉ là chiến tranh giữa Cộng sản và Quốc gia.
2)- Người Mỹ cao lớn và hoàn toàn khác người Việt nam nên dễ là mục tiêu của súng đạn và tuyên truyền. Người Tàu cộng dễ lẫn lộn hơn.
3)- Lý do người Mỹ làm như vậy mà bất chấp lịch sử của Việt nam là vì Văn Hóa Cao Bồi của họ. Nếu chúng ta đã xem các phim cao bồi thời 1960, 1970 chúng ta sẽ thấy dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, chỉ cần một anh cao bồi hiên ngang nhẩy ra rút súng bắn nhanh như chớp, bắn kẻ trên đường, người trên lan can, kẻ trên nóc nhà. Tất cả đều gục ngã trong nháy mắt. Hình ảnh chiến thắng trong nháy mắt ấy là hình ảnh hai trái bom thả trên Hiroshima và Nagasaki của Nhật khiến Nhật phải đầu hàng.
4)- Chiến tranh Việt nam hoàn toàn khác là một cuộc chiến tranh không biên giới, một cuộc chiến tranh du kích, “ngày bạn đêm thù”, đòi hỏi trường kỳ và kiên nhẫn.
Do đó Mỹ khó lòng thắng được với “Văn Hóa Cao Bồi”.
Chính bài báo đó anh Cao Thế Dung thích tôi, nhưng chính bài báo đó tôi đã bị Cánh sát bắt tôi lên sở Cánh sát quận Nhất đúng một tuần lễ để phỏng vấn. Sáng 8:00 trình diện, chiều 5:00 cho về. Tôi không bị đánh đập mà cũng không bị bỏ đói. Họ hỏi lai lịch sinh quán công việc làm ăn mất hai ngày, sau đó hỏi về bạn bè, gia đình và cuối cùng là tại sao chống Mỹ. Thật ra chỉ  một tiếng là đủ vì những câu hỏi nhiều lần lập đi lập lại để tìm sự trung thực nhất là câu hỏi về chống Mỹ. Tôi minh xác với họ tôi không chống Mỹ mà tôi chống phương cách Hoa Kỳ giúp Việt nam. Cảnh sát tịch thu tất cả sách. Sau một tuần đến khoảng 3:00 chiều thứ Sáu họ nói tuần tới tôi không phải lên nữa. Lúc đó năm 1971. Lúc này tờ Bán Nguyệt San đã đóng cửa và cũng không có dịp gặp anh Cao Thế Dung nhiều nữa.
Năm 1975, qua Mỹ vì mang mặc cảm bỏ quê hương tôi từ bỏ hoạt động, đi học lại lấy bằng hoàn toàn khác với gì tôi đã học và làm tại Việt nam. Sống đời rất tầm thường. Dù biết anh Cao Thế Dung đã qua Mỹ, anh vẫn tiếp tục đeo đuổi lý tưởng của anh nhưng không liên lạc. Tuy nhiên tôi vẫn đọc tin tức về anh, theo dõi việc làm của anh. Tuy anh phải chịu rất nhiều khó khăn nhưng anh vẫn tiếp tục lý tưởng của anh cho đến ngày cuối. Được tin anh mất tôi sững sờ vì tôi biết tuy người anh không to lớn nhưng anh có sức lực dẻo dai bền bỉ, một trí nhớ tuyệt vời và tài viết văn như nước suối chảy. Xin kính cẩn ngả mũ chào vĩnh biệt anh Cao Thế Dung, một trong những người tài Việt Nam mà tôi hân hạnh quen biết.
Bùi Phổ

11/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét